Banner trang chủ

Hiệu quả từ các mô hình kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội

04/09/2024

    Chương trình số 04-CTr/TU, ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025" đã đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế trang trại bền vững, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm… Để thực hiện các mục tiêu trên, Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII cũng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Riêng về phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại; phát triển ngành nghề và kinh tế nông thôn thông qua việc hỗ trợ thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề, ngành nghề, các khu, cụm công nghiệp, dịch vụ nông thôn. Trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã bám sát các nội dung của Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội để phối hợp với các cấp, các ngành, cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện dồn đổi, tập trung đất đai, tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đáp ứng nhu cầu phát triển trang trại. Cùng với đó, tập trung xây dựng và triển khai đề án phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại bền vững trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đẩy mạnh việc thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tháo gỡ khó khăn về thời gian thuê đất sử dụng để các chủ trang trại yên tâm đầu tư vào sản xuất, tạo điều kiện về các nguồn vốn vay, ưu đãi; Định hướng phát triển kinh tế trang trại theo hướng xanh, bền vững với môi trường gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Sở NN&PTNT cũng quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn về khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý sản xuất kinh doanh, kiến thức tiếp cận thị trường cho các chủ trang trại; Phát triển nguồn nhân lực lao động có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu làm việc trong các trang trại. Đồng thời, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm; Xây dựng một số mô hình kinh tế trang trại điểm về ứng dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, sản xuất theo chuỗi trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, trang trại gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm để tổng kết, đánh giá, chỉ đạo nhân rộng… Cũng từ đây, nhiều mô hình kinh tế trang trại đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển.

Rau hữu cơ của Nông trại hữu cơ Tuệ Viên đảm bảo nguyên tắc 6 không: Không phân bón hoá học; Không thuốc bảo vệ thực vật hóa học; Không sử dụng giống biến đổi gen; Không thuốc kích thích tăng trưởng; Không thuốc diệt cỏ; Không chất bảo quản

    Trong số những trang trại tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu trên địa bàn Thủ đô phải kể tới trang trại chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Hanh, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) quy mô 1ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm, sản phẩm chủ yếu là lợn giống, lợn thương phẩm. Hay trang trại chăn nuôi của nhà ông Nguyễn Văn Hanh, ở xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức có quy mô 1 ha, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng, doanh thu đạt 19 tỷ đồng/năm với sản phẩm giống lợn, tinh lợn, lợn thương phẩm, tạo việc làm cho 12 lao động, thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng. Trang trại nuôi trồng thủy sản của hộ ông Nguyễn Đình Viện ở xã Thư Phú, huyện Thường Tín có quy mô 11 ha, tổng vốn đầu tư 25 tỷ đồng, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng/năm với các sản phẩm cá và nhãn, tạo việc làm cho 20 lao động, thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Hà Nội đã hình thành một số trang trại kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái có hiệu quả kinh tế cao như trang trại hữu cơ Tuệ Viên ở quận Long Biên, trang trại trải nghiệm Vạn An ở huyện Thanh Trì... Nông trại hữu cơ Tuệ Viên (Ngõ Độc Lập, Phường Cự Khối, Quận Long Biên) là một trong những thương hiệu rau hữu cơ đầu tiên ở Hà Nội đưa vào các hệ thống siêu thị. Khởi đầu vào năm 2008, với 2ha ở phường Cự Khối, quận Long Biên, mỗi năm Nông trại hữu cơ Tuệ Viên có doanh thu hàng tỷ đồng từ sản xuất rau hữu cơ, sản phẩm chế biến từ cây lá, như: Dầu gội, nước rửa bát, nước rửa tay… Đây cũng là một trong những nông trại kết hợp dịch vụ, du lịch sinh thái mang lại hiệu quả kinh tế cao. Còn Khu trải nghiệm Vạn An có quy mô hơn 7ha, nằm bên triền đê sông Hồng, thuộc xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì đã phát triển thành khu du lịch nông nghiệp sinh thái. Khu trải nghiệm Vạn An là một mô hình trang trại thành công, hướng đi mới trong phát triển nông nghiệp, giải quyết hiệu quả bài toán giá trị canh tác, bảo vệ môi trường, đáp ứng tiêu chí nông nghiệp xanh, sinh thái gắn với du lịch.

    Hợp tác xã Gà vi sinh Thu Thoan, xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn) là một trong những mô hình kinh tế trang trại phát huy hiệu quả nhờ lối đi riêng, chăn nuôi gà thảo mộc. Ngoài sử dụng men vi sinh để cải thiện chất lượng đàn gà, hợp tác xã đã chọn lọc các loại thảo dược và sản phẩm hữu cơ để bổ sung vào thức ăn, như: Diệp hạ châu, cỏ mực, tỏi đen, cỏ mần trầu, sâm đương quy, nghệ, ngô, bã đậu… Nhờ bổ sung các thành phần thảo dược vào khẩu phần ăn hằng ngày, đàn gà có sức đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Với diện tích hơn 5.000m2, hợp tác xã đang nuôi khoảng 3.000 con gà các loại; sản phẩm được tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng tiện ích tại 15 tỉnh, thành phố trên cả nước, doanh thu đạt hơn 1,5 tỷ đồng/năm.

    Sự thành công của các trang trại nêu trên không chỉ khẳng định hiệu quả của mô hình kinh tế trang trại trong điều kiện đặc thù của nông nghiệp Thủ đô, mà còn mở hướng mới là phát triển trang trại kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua theo dõi, kinh tế trang trại của Hà Nội đều phát triển theo bề rộng và chiều sâu. Các tiêu chí theo đúng Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT, ngày 28/2/2020, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về quy định tiêu chí kinh tế trang trại (trang trại có mức hạn điền tối thiểu là 2,1ha, giá trị sản lượng hàng hóa tối thiểu đạt 700 triệu đồng/năm). Phát huy thế mạnh, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy ngành kinh tế trang trại phát triển. Cụ thể, giai đoạn từ 2016-2020, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, văn bản cụ thể hóa cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại. Đơn cử trong công tác đào tạo, tập huấn, 5 năm qua, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã tổ chức 90 lớp tập huấn với 5.400 lượt học viên là các chủ trang trại tham dự. Năm 2021, con số này là 15 lớp tập huấn, hiện đã tổ chức được 6 lớp với 360 học viên tham gia, giúp cho các chủ trang trại nâng cao năng lực, trình độ quản lý sản xuất, kỹ năng xây dựng, lập phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, bền vững…

Các bạn học sinh thích thú khám phá và trải nghiệm tại Khu trải nghiệm Vạn An

    Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định, kinh tế trang trại đã góp phần sử dụng hiệu quả đất đai, nguồn vốn, cung cấp cho thị trường số lượng lớn sản phẩm nông nghiệp. Đặc biệt, kinh tế trang trại giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp chế biến nông sản phát triển.

    Ông Nguyễn Văn Chí nhấn mạnh thêm, ngày 18/1/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Luật Đất đai (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Khi Luật Đất đai (sửa đổi) đi vào đời sống, TP. Hà Nội kỳ vọng kinh tế trang trại sẽ trở thành điểm sáng của nông nghiệp Thủ đô. Luật Đất đai (sửa đổi) cho phép mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất hay các quy định về tập trung đất nông nghiệp, tích tụ đất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả. Đặc biệt, với việc Hà Nội được quyết định sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông cho sản xuất nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm… sẽ là những giải pháp mang tính quyết định phát triển kinh tế trang trại nói riêng và nông nghiệp Thủ đô nói chung.

Vũ Nhung

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn