Banner trang chủ

Bảo tồn không gian làng trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Ninh

30/10/2024

Bài 1: Những kết quả tích cực từ quá trình xây dựng nông thôn mới

và đô thị hóa ở Bắc Ninh

    Bắc Ninh là một trong 18 tỉnh, thành phố trên cả nước có tất cả đơn vị cấp xã và cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Hiện, các địa phương trong tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng NTM nâng cao, hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu, đồng thời thực hiện hiệu quả Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045.

    Tính đến tháng 9/2024, 100% số xã, 100% số huyện ở Bắc Ninh đã đạt chuẩn NTM. Đáng chú ý, có 6 xã vinh dự đón nhận Danh hiệu NTM nâng cao, bao gồm Tân Chi, Phật Tích (Tiên Du); Phượng Mao (Quế Võ); Nhân Thắng (Gia Bình); Đình Tổ và các phường Song Hồ, Trí Quả, Xuân Lâm (Thuận Thành); An Thịnh (Lương Tài). Chương trình NTM đã mang lại nhiều khởi sắc, diện mạo nông có nhiều thay đổi, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư nâng cấp và từng bước phát triển nhanh theo hướng đô thị hóa, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp đang chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng lớn, trình độ khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp từng bước được nâng cao.

    Sau khi hoàn thành xây dựng NTM, tỉnh đã khẩn trương triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, với mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021 - 2025, mỗi huyện, thị xã có ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao (trong đó có 30% số xã đạt chuẩn nông thôn kiểu mẫu); mỗi xã có ít nhất một thôn NTM kiểu mẫu; huyện Gia Bình và huyện Lương Tài đạt chuẩn NTM nâng cao. Với quan điểm chỉ đạo "Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc", tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng NTM toàn diện, bền vững, đi vào chiều sâu, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và môi trường sống của người dân nông thôn so với giai đoạn trước; tỉnh xác định trong giai đoạn 2021-2025, xây dựng NTM phải gắn với công nghiệp hóa, đô thị hóa; đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị, phát triển hài hòa kinh tế, xã hội và môi trường, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.

    Để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới tỉnh sẽ chỉ đạo các xã tổ chức rà soát, đánh giá, đối chiếu kết quả thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo quy định. Đồng thời, rà soát, xây dựng lộ trình huyện, xã chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm hoàn thành mục tiêu của chương trình trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn và đô thị. Đối với cấp xã, tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ bản phục vụ sản xuất và dân sinh ở nông thôn, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, khai thác công trình bảo đảm bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp cao; khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có tại các địa phương. Hỗ trợ các xã xây dựng NTM nâng cao hoàn thiện, bảo trì hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. Với mục tiêu ít nhất 20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao trong năm 2024, Bắc Ninh đang dồn lực cho chặng nước rút, hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. 

Quang cảnh TP. Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

    Không chỉ dừng lại ở những con số ấn tượng về số lượng xã đạt chuẩn NTM, Bắc Ninh còn ghi dấu ấn với những thành quả tích cực khác, tiêu biểu như quá trình thực hiện đô thị hóa. Theo Báo cáo tại buổi họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030, diễn ra ngày 28/10/2024, từ 8 đô thị nhỏ ban đầu (năm 1997) trong đó 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V, đến nay, hệ thống đô thị Bắc Ninh đã được nâng cấp và đầu tư phát triển mạnh mẽ. Trong đó, TP. Bắc Ninh là đô thị loại I, TP. Từ Sơn là đô thị loại III. Có 3 đô thị loại IV: Quế Võ, Thuận Thành, Yên Phong; 4 đô thị loại V: Thị trấn Lim (Tiên Du), thị trấn Gia Bình, thị trấn Thứa (Lương Tài), đô thị Nhân Thắng (Gia Bình). Về hệ thống đô thị, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 9% năm 1997 lên 60,3% (năm 2023), vượt 15,3% so với kế hoạch, cao hơn 18,5% so với bình quân chung cả nước (42,7%). Sự phát triển mạnh mẽ này có được là nhờ việc tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống đô thị, cùng với sự định hướng chiến lược, tạo ra không gian và động lực phát triển mới từ Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Về quy hoạch đô thị, năm 2015, Đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đầu tiên được phê duyệt (theo Quyết định số 1560/QĐ-TTg). Các Trung tâm hành chính của Bắc Ninh lần lượt được xây dựng như: Cung quy hoạch, Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Nhà hát quan họ… với lối kiến trúc sáng tạo, vừa mang hơi thở của thời đại nhưng vẫn đan xen được yếu tố truyền thống, các công trình kiến trúc của tỉnh Bắc Ninh đã thể hiện được sự gắn kết đô thị từ quá khứ đến hiện tại và tương lai trong tiến trình đô thị hóa.

    Cùng với sự phát triển của đô thị hóa, Bắc Ninh cũng là một trong những “đô thị công nghiệp” phát triển với 16 khu công nghiệp tập trung (tổng diện tích 6.397,68ha), 01 khu công nghệ thông tin và hơn 30 cụm công nghiệp…; tuy là tỉnh có diện tích nhỏ, nhưng tổng diện tích các khu công nghiệp cũng như quy mô trung bình một khu công nghiệp của tỉnh này đều ở mức cao, chỉ đứng sau Quảng Ninh và Hải Phòng (trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ). Minh chứng rõ nét về “Đô thị công nghiệp” của tỉnh này còn thể hiện ở hiệu quả thu hút FDI. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong quý I/2024, tỉnh Bắc Ninh đứng thứ 2 cả nước về hút FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 745,2 triệu USD, chiếm gần 12,1% tổng vốn đầu tư cả nước. Với mục tiêu đưa Bắc Ninh trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội năng động của vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh đang nỗ lực phấn đấu đạt các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2027 và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030. Đồng thời, mở rộng không gian đô thị với 4 Thành phố: Bắc Ninh, Từ Sơn, Tiên Du, Yên Phong; phát triển 2 thị xã là Quế Võ, Thuận Thành; âng cấp các đô thị còn lại là Lương Tài, Gia Bình. Những định hướng phát triển này sẽ tạo động lực mới, góp phần đưa Bắc Ninh trở thành một tỉnh công nghiệp văn minh, hiện đại.

    Có thể nói, bản chất của đô thị Bắc Ninh rất đặc biệt, bởi nó mang trong lòng hai loại đô thị đặc thù: “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp”. Trong tương lai, nếu định hướng trở thành đô thị thông minh và đô thị xanh thì cũng cần liên kết với tính chất “Đô thị di sản” và “Đô thị công nghiệp” để thông minh hoá trên các lĩnh vực này và đồng bộ chúng. Đây là những tính chất nổi trội của Bắc Ninh cần được bảo tồn, phát huy, phát triển. Trong quy hoạch đô thị, việc thực hiện Nghị quyết số 06 -NQ/TW ngày 24/1/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” một cách sinh động, nó không chỉ bền vững cho sự “phát triển hài hòa giữa phát triển kinh tế - công bằng xã hội - bảo vệ môi trường” mà còn góp phần cho sự bền vững về đơn vị hành chính của một đô thị hoàn chỉnh trên phương diện văn hóa - lịch sử đậm đà bản sắc dân tộc của một đô thị cổ nhất Việt Nam. Với những tính chất đó, Bắc Ninh cần tập trung thực hiện theo định hướng quy hoạch đã được phê duyệt đồng bộ với quy hoạch Vùng Thủ đô, quy hoạch tỉnh Bắc Ninh; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045. Đây cũng sẽ là căn cứ để tỉnh Bắc Ninh - một đô thị xanh - thông minh - di sản - công nghiệp, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn