08/10/2019
Thiếu quỹ đất để xây dựng chuồng trại, các hộ đang nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo nên không có kinh phí xây dựng chuồng trại tách biệt. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến việc vận động người dân di dời gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở gặp nhiều khó khăn. Mô hình di dời, xây dựng chuồng trại thực hiện chăn nuôi tập trung đang là giải pháp mà cấp ủy, chính quyền một số địa phương như Trùng Khánh triển khai thực hiện, bước đầu đang mang lại hiệu quả.
Lăng Yên là xã vùng 3 biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Người dân từ lâu đã có tập quán chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn, nhưng đây lại là một trong những xã đầu tiên của huyện Trùng Khánh đang thực hiện khá tốt mô hình di rời chuồng trại ra xa nhà ở, nuôi nhốt tập trung. Mô hình này hiện đang được triển khai tại xóm Lũng Rẳng. Cả xóm có 45 hộ thì đã có 29 hộ gia đình đã thực hiện di dời chuồng trại gia súc ra khỏi gầm sàn nhà ở, còn 17 hộ thiếu đất, chưa có điều kiện để di dời. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động, đến nay 17 hộ gia đình đã đồng ý xây dựng và di rời gia súc ra khu chuồng trại tập trung.
Mô hình chuồng trại nuôi nhốt gia súc tập trung tại xã Đàm Thủy
Mô hình được xây dựng từ cuối năm 2017 với quy mô 17 chuồng, diện tích mỗi chuồng từ 50 - 60 m2, trong đó, Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng, các hộ gia đình có trâu, bò tham gia đóng góp ngày công xây dựng. Mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả khi nhận được sự hưởng ứng của người dân bởi những cải thiện về vệ sinh môi trường và lợi ích kinh tế, thông qua việc nâng cao phương pháp quản lý, phòng chống bệnh dịch cho đàn gia súc.
Còn tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, hiện nay đã có 5/18 xóm với gần 70 hộ chăn nuôi thực hiện mô hình di dời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung. Các hộ đang nuôi, nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà ở sẽ di chuyển gia súc đến một chuồng trại được xây dựng tập trung xa khu dân, cách nguồn nước từ 20 – 500 m, vừa đảm bảo thuận tiện cho việc bảo vệ, chăm sóc đàn trâu, bò của người dân. Trong năm 2018, xã triển khai xây dựng chuồng trại tập trung ở hai xóm Bản Thuôn và Nà Đeng - Lũng Nọi. Qua thực hiện, vận động nhân dân hiến đất được hơn 2.000 m2, bố trí được 4 khu chuồng trại tập trung ở hai xóm; xóm Bản Thuôn có 3 khu bố trí được 20 chuồng, xóm Nà Đeng Lũng Nọi 1 khu chia làm 3 dãy bố trí được 14 chuồng. Mô hình này đã tiết kiệm được quỹ đất xây dựng chuồng trại, nhân dân nêu cao ý thức tự quản, tập trung phát triển đàn vật nuôi. Trong năm 2019, xã Đàm Thủy tiếp tục xây dựng mô hình tại 3 xóm Bản Cái, Bản Nưa và Bản Chang.
Trùng Khánh là một trong những địa phương còn số hộ nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở cao nhất tỉnh Cao Bằng. Huyện đã có những cách làm hay, trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện việc xây dựng thành công mô hình di dời, xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung tại hai xã Lăng Yên và Đàm Thủy. Việc di dời gia súc ra khu chuồng trại nuôi nhốt tập trung cách xa nhà ở là chủ trương đúng đắn của cấp ủy và chính quyền địa phương được nhân dân đồng thuận cao, ngoài việc đảm bảo quỹ đất còn giúp người dân có điều kiện chăm sóc, vệ sinh chuồng trại cũng như thuận lợi hơn trong việc học tập kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, tiêm phòng dịch bệnh, đồng thời góp phần cải thiện tiêu chí vệ sinh môi trường của địa phương theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Lê Kha