Banner trang chủ

Xử lý chất thải chăn nuôi giảm ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu

16/01/2015

     Tác động của chất thải chăn nuôi đến môi trường và BĐKH

     Với tốc độ phát triển của ngành chăn nuôi như hiện nay, theo tính toán dựa trên cơ sở khoa học sinh lý vật nuôi và số liệu thống kê có thể thấy, lượng phát thải chất thải rắn của chăn nuôi tăng tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng quy mô, ước lượng mức thải trung bình 1,5 kg phân lợn/con/ngày, 15 kg phân trâu, bò/con/ngày và 0,2 kg phân gia cầm/con/ngày, với tổng đàn vật nuôi trong cả nước riêng lượng phân phát thải trung bình đã hơn 85 triệu tấn mỗi năm, vài chục tỷ khối chất thải lỏng, vài trăm triệu tấn chất thải khí. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức và ý thức trách nhiệm BVMT của các chủ trang trại, gia trại chưa cao. Hầu hết, người chăn nuôi chưa có biện pháp xử lý chất thải lỏng, vứt xác gia cầm, gia súc bừa bãi và hệ thống thoát nước đơn giản làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi chưa được khắc phục triệt để và có chiều hướng gia tăng.

     Mặt khác, quản lý nhà nước về BVMT trong hoạt động chăn nuôi chưa được quan tâm đầy đủ, đúng mức ở tất cả các cấp, các ngành của địa phương. Lực lượng cán bộ quản lý về môi trường còn mỏng, thiếu kinh nghiệm trong công tác quản lý.

     Một vấn đề được quan tâm hiện nay là sự liên quan của các hoạt động chăn nuôi đến phát thải khí nhà kính trong vấn đề BĐKH. Chăn nuôi hiện đóng góp khoảng 18% hiệu ứng nóng lên của Trái đất do thải ra các khí gây hiệu ứng nhà kính. Những chất thải khí này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

     Trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu sự tác động rõ rệt nhất của BĐKH. Đến nay, các chất thải vật nuôi ở nước ta vẫn chưa được xử lý nhiều hoặc có xử lý nhưng công nghệ xử lý chưa triệt để.  Bên cạnh đó, nhận thức của người chăn nuôi về BVMT đặc biệt là phát thải khí nhà kính trong chăn nuôi còn hạn chế.

     Hoạt động khuyến nông trong việc xử lý chất thải chăn nuôi

     Cùng với sự vào cuộc của các lĩnh vực khác, hoạt động khuyến nông đã có những đóng góp không nhỏ trong xây dựng mô hình, tuyên truyền nhân rộng các biện pháp xử lý môi trường trong chăn nuôi, áp dụng hiệu quả công nghệ đã được nghiên cứu để chuyển giao vào thực tế sản xuất.

 

Thực hành kỹ thuật làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi

 

     Ứng dụng công nghệ khí sinh học (biogas): Hiện nay đã có hàng chục nghìn công trình khí sinh học đang hoạt động với nhiều kiểu thiết bị khác nhau. Các chương trình, dự án khuyến nông của Trung ương chưa có mô hình hỗ trợ cụ thể đối với ứng dụng công nghệ khí sinh học biogas. Tuy nhiên, trong các hoạt động triển khai, một số dự án đã yêu cầu các hộ tham gia áp dụng biogas như một tiêu chí ưu tiên hàng đầu. Một số dự án cụ thể như chăn nuôi lợn an toàn sinh học và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP (thời gian triển khai 2011-2013); Phát triển kỹ thuật chăn nuôi và vỗ béo gia súc lớn (thời gian triển khai 2011-2013)… Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã triển khai Dự án “Tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông Việt Nam trong chiến lược giảm thiểu khí phát thải: Giảm thiểu khí phát thải nhà kính trong nông nghiệp” do Bộ Nông nghiệp Mỹ tài trợ; triển khai 2 mô hình tại Hà Nội và Thừa Thiên - Huế về “Chăn nuôi đại gia súc áp dụng kỹ thuật cân đối khẩu phần thức ăn nhằm giảm phát thải khí nhà kính”.

     Các hoạt động khuyến nông liên quan đến ứng dụng công nghệ khí sinh học tập trung chủ yếu qua hệ thống khuyến nông địa phương thông qua các hoạt động thông tin tuyên truyền, đào tạo tập huấn, xây dựng mô hình…

     Ứng dụng đệm lót sinh học: Những năm gần đây, phong trào sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi đã được thử nghiệm và áp dụng theo các quy mô khác nhau ở nhiều địa phương. Biện pháp này góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải vật nuôi gây ra, tại một số nơi còn cho giá trị cao về hiệu quả kinh tế và năng suất chăn nuôi.

     Cũng giống như các chương trình biogas, các chương trình dự án sử dụng nguồn kinh phí Trung ương chưa tiến hành hỗ trợ mô hình nào cụ thể. Tuy nhiên, nhiều nơi trong cả nước đã chủ động từ nguồn kinh phí địa phương để ứng dụng cho hộ chăn nuôi lợn, gà đặc biệt là với chế phẩm BALASA N01. Kết quả cho thấy, những hiệu quả từ việc áp dụng và đã có những báo cáo đánh giá thiết thực trong quá trình chăn nuôi sản xuất.

     Công nghệ ủ phân sinh học trong chăn nuôi: Những lợi ích từ ủ phân sinh học giúp tận dụng được các phế phụ phẩm từ trồng trọt, chăn nuôi để tạo ra phân bón tốt cho cây trồng, làm giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt như chi phí phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật; tiêu hủy các mầm bệnh có trong phân chuồng; phân hủy các hợp chất hữu cơ, khó tiêu thành dễ tiêu; làm tăng độ phì nhiêu của đất và có tác dụng cải tạo đất tốt… Từ những lợi ích trên, hệ thống khuyến nông các tỉnh đã hướng dẫn nông dân áp dụng công nghệ ủ, công nghệ chuyển giao đơn giản, giá thành thấp đồng thời mang lại hiệu quả cao.

     Phát triển các công nghệ xử lý chất thải trong chăn nuôi là cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm môi trường và đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững. Để công tác chuyển giao đạt hiệu quả tới các hộ gia đình đòi hỏi có sự nghiên cứu đánh giá của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia và chính các hộ sử dụng.    

  

                Lê Hải Nam

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn