Banner trang chủ

Kinh tế xanh, con đường phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi toàn cầu

07/01/2015

     Sau 20 năm phát triển bền vững, trước hết là thực hiện 8 Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, thế giới vẫn chưa đạt được các kết quả bền vững như mong muốn. Sự phát triển vẫn theo mô hình kinh tế “nâu”, gây hủy hoại môi trường và suy thoái tài nguyên. Trong bối cảnh đó, các nước tiên tiến, kinh tế công nghiệp đang chuyển dần thành kinh tế hậu công nghiệp và từng bước chuyển sang kinh tế tri thức. Cùng với đó, các dạng thức kinh tế của thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dần sắc thái từ kinh tế “nâu” sang kinh tế “xanh”. Thuật ngữ kinh tế xanh (KTX), tăng trưởng xanh (TTX) đã và đang được thừa nhận và phát triển KTX đang trở thành mô hình phát triển tiên tiến được nhiều nước trên thế giới hướng tới, thậm chí đang lan tỏa thành một trào lưu tốt đẹp để vừa ứng phó với BĐKH vừa phát triển bền vững (PTBV) và tạo ra công bằng xã hội.

     1. Khái niệm KTX

     Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP, 2011) xác định "KTX" là nền kinh tế vừa mang đến hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các rủi ro về môi trường và khủng hoảng sinh thái. Hiểu một cách đơn giản, KTX là nền kinh tế ít phát thải các bon, tiết kiệm tài nguyên, tạo ra việc làm và công bằng xã hội.

     KTX là một nền kinh tế hay mô hình phát triển kinh tế dựa trên PTBV và kiến thức về kinh tế học sinh thái. Các hoạt động trong nền KTX tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa), đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng nhất), 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững.

 

Hình 1. Sơ đồ phát triển bền vững (UNESCO) (A) và KTX, con đường PTBV (B)

 

Như vậy, khái niệm “KTX” không thay thế khái niệm bền vững, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho PTBV. Nói cách khác, KTX không thay thế PTBV mà là chiến lược kinh tế để đạt được các mục tiêu PTBV (hình 1).

     KTX góp phần xóa đói giảm nghèo

     Hướng tới nền KTX được coi là một trong những phương thức nhằm xóa đói giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống. Trong một kịch bản đầu tư xanh, 2% GDP toàn cầu được phân bổ để “làm xanh” các lĩnh vực năng lượng, giao thông, xây dựng, chất thải, nông nghiệp, thủy sản, nước và rừng. KTX sẽ cung cấp các nguồn năng lượng có khả năng hỗ trợ cho 1,4 tỷ người hiện đang thiếu điện và cho hơn 700 triệu người khác đang không được tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại. Công nghệ năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và các chính sách hỗ trợ năng lượng hứa hẹn sẽ đóng góp đáng kể việc cải thiện đời sống và sức khỏe cho một bộ phận người dân có thu nhập thấp, đặc biệt là cho những người hiện đang không có khả năng tiếp cận với năng lượng. Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về PTBV, Rio+20 năm 2012, đã nhất trí thông qua một văn kiện quan trọng có tựa đề “Tương lai mà chúng ta mong muốn” và quyết định dành 323 tỷ USD cho sáng kiến của Tổng Thư ký Ban-Ki-Moon mang tên “Năng lượng bền vững cho tất cả” với mục đích đảm bảo cho hơn 1,3 tỷ người tại các nước nghèo được tiếp cận năng lượng sạch và hiệu quả vào năm 2030.

     KTX giảm nhẹ BĐKH

     Theo tính toán, chỉ cần đầu tư khoảng 1,25% GDP toàn cầu vào việc nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các ngành và phát triển năng lượng tái tạo, bao gồm cả nhiên liệu sinh học thế hệ hai, mức độ tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới có thể giảm đi 36% vào năm 2030 và lượng khí CO2 thải ra hàng năm sẽ giảm từ 30,6 tỷ tấn năm 2010 xuống 20 tỷ tấn năm 2050. Thêm vào đó, nhờ vào nông nghiệp xanh, kịch bản KTX ước tính có thể giảm nồng độ khí nhà kính xuống 450ppm vào năm 2050, một mức độ được cho là hợp lý và đủ để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở ngưỡng 2oC.

     KTX duy trì và tăng cường vốn tự nhiên

     Theo UNESCO (2011), các khoản đầu tư xanh trong các lĩnh vực lâm nghiệp và nông nghiệp sẽ giúp đảo ngược xu thế suy giảm đất lâm nghiệp hiện nay, tái tạo khoảng 4,5 tỷ ha nguồn tài nguyên quan trọng này trong vòng 40 năm tới. Đầu tư vào nông nghiệp xanh vừa nâng cao năng suất, sản xuất ra nhiều lương thực hơn vừa giúp giảm lượng đất sử dụng cho nông nghiệp và chăn nuôi 6% và cải thiện chất lượng đất nông nghiệp lên 25% vào năm 2050. Ngoài ra, đầu tư để tăng nguồn cung cấp nước, mở rộng khả năng tiếp cận, cũng như cải thiện quản lý sẽ cung cấp thêm 10% nguồn cung nước toàn cầu cả trước mắt và lâu dài, thêm vào đó có thể góp phần duy trì nguồn tài nguyên nước ngầm và nước mặt.

     KTX - xu thế tất yếu

     Các sáng kiến được các cơ quan Liên hợp quốc thúc đẩy hướng tới nền KTX như: Nông nghiệp thông minh với khí hậu (FAO phát động), Đầu tư công nghệ sạch (WB), việc làm xanh (ILO), KTX (UNEP), Giáo dục vì sự phát triển bền vững (UNESCO), Xanh hóa khu vực y tế (WHO), Thị trường công nghệ xanh (WIPO), Tiêu chuẩn công nghệ thông tin xanh (ITU), Giải pháp năng lượng xanh (UN WTO), Sản xuất sạch hơn và hiệu quả sử dụng tài nguyên (UNEP và UNIDO), các thành phố và BĐKH (UN-HABITAT), Tái chế tàu biển (IMO)… đang thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

     Theo tính toán của UNEP, năm 2009, cộng đồng EU và Mỹ đã tạo ra 2 - 3,5 triệu việc làm khi xây dựng các tòa nhà xanh, Trung Quốc tạo 10 triệu việc làm trong lĩnh vực tái chế và năng lượng tái tạo với doanh thu 17 tỷ USD/năm. Ngân hàng thế giới đánh giá nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng KTX trong xây dựng, năng lượng, vận tải ở các nước đang phát triển có thể lên tới 563 tỷ USD vào năm 2030 cùng với 100 tỷ USD để thích nghi với BĐKH. Những dữ liệu nêu trên cho thấy, gieo mầm KTX, tạo nên TTX là chiến lược cho PTBV trong tương lai.

     Bên cạnh đó, thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy TTX hay quá trình chuyển đổi sang nền KTX tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được PTBV và giảm đói nghèo với tốc độ chưa từng thấy đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, TTX còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế.

     Hội nghị của Liên hợp quốc về PTBV, Hội nghị Rio+20 (tháng 6/2012) đã đặt được nền móng cho KTX. Toàn bộ 30 tổ chức quốc tế chuyên ngành trong hệ thống Liên hợp quốc, do UNEP phối hợp cùng với các quốc gia đi đầu trong làn sóng xanh toàn cầu, như Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, các nước EU, đặc biệt là Đức và các nước Bắc Âu, đã cùng nhau đưa ra thông điệp chung "cộng đồng thế giới cần chuyển dịch nhanh sang nền KTX toàn cầu để cứu Trái đất và nhân loại”.

     2. TTX, con đường phát triển bền vững của Việt Nam

     Chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, mở ra cơ hội cho Việt Nam xây dựng mô hình PTBV trong bối cảnh biến đổi toàn cầu. Đây vừa là cơ hội để Việt Nam phát triển, song cũng đặt ra rất nhiều khó khăn thách thức để có thể bắt kịp, đón đầu và hội nhập với làn sóng KTX đang lan rộng khắp thế giới hiện nay.

     Sự lựa chọn đúng đắn

     Trong thời gian qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng nhưng phát triển chưa bền vững; phát triển kinh tế ở nước ta vẫn còn dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; năng suất lao động còn thấp; công nghệ sản xuất, mô hình tiêu dùng còn sử dụng nhiều năng lượng, nguyên liệu và thải ra nhiều chất thải. Nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, sử dụng lãng phí và kém hiệu quả. Môi trường, sinh thái tại nhiều nơi bị phá hoại nghiêm trọng, ô nhiễm và suy thoái đến mức báo động… Vì thế, việc tiếp cận và xây dựng một nền KTX là yêu cầu cấp thiết và hiện thực hóa con đường phát triển kinh tế một cách bền vững và xóa đói, giảm nghèo.

     Nhận thức rõ ý nghĩa của cơ hội này để phát triển đất nước và hội nhập với trào lưu quốc tế, Chính phủ đã ban hành những văn bản quan trọng mang tính chất chiến lược: Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 5/12/2011 về việc Phê duyệt Chiến lược quốc gia về BĐKH; Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 12/4/2012 phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050... Nội dung các văn bản này đã bao quát nội hàm, ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm, nguyên tắc, giải pháp, cách thức thực hiện TTX, là cơ sở pháp lý để thúc đẩy TTX ở Việt Nam.

 

Đầu tư vào nông nghiệp xanh để đạt được TTX và góp phần xóa đói giảm nghèo

 

     TTX ở Việt Nam là một nội dung quan trọng của PTBV, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH. TTX là phương thức thúc đẩy quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

     Chiến lược TTX của Việt Nam đã xác định 3 mục tiêu: Khuyến khích các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên với giá trị gia tăng cao, hạn chế tiến tới xóa bỏ những ngành sử dụng lãng phí tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường; Ứng dụng và phát triển công nghệ hiện đại nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với BĐKH; Nâng cao đời sống nhân dân thông qua việc tạo thêm việc làm từ các ngành công nghiệp xanh và cải thiện chất lượng cuộc sống thông qua việc xây dựng lối sống thân thiện với môi trường. Để thực hiên các mục tiêu trên, Chiến lược đã đề ra ba nhóm nhiệm vụ quan trọng: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất và xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

     Những cơ hội và thách thức

     KTX là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn với xu hướng phát triển xanh toàn cầu. Việt Nam có những lợi thế so sánh về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, vị thế, dân số, xã hội - những tiền đề tốt cho nền KTX. Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch… Bên cạnh đó, kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng trong những năm vừa qua (Hình 2) đã tạo ra nội lực bên trong cho một xu thế phát triển mới. Những vấn đề bức xúc về ô nhiễm môi trường và suy giảm tài nguyên trong thời gian qua đã thức tỉnh các cấp lãnh đạo và người dân ủng hộ hướng phát triển mới - nền KTX để tạo đà cho sự đồng thuận cao của xã hội loại bỏ phát triển “kinh tế nâu”. Việt Nam rất thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ và là một trong số ít nước có khả năng hoàn thành các Mục tiêu này (đặc biệt là Mục tiêu giảm nghèo) đúng thời gian (2015).

 

Hình 2. Tăng trưởng kinh tế chung và các lĩnh vực chính của Việt Nam, 2005-2012 (Nguồn: từ số liệu của Tổng cục Thống kê)

 

     Việt Nam có tình hình chính trị - xã hội ổn định, quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng; môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách thuận lợi, theo hướng đẩy mạnh “Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng” và coi đó là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015. Nguồn lực lao động của Việt Nam đang ở giai đoạn “dân số vàng”, có truyền thống cần cù lao động, sống giản dị và hài hòa với thiên nhiên theo truyền thống văn hóa phương Đông, có khả năng tiếp thu nhanh khoa học - công nghệ và kỹ năng quản lý để phát triển nhân lực xanh. Mặt khác, Việt Nam đã, đang và sẽ nhận được sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế (UNDP, WB, Đan Mạch, Thụy Điển, Đức, Nhật, Pháp, Mỹ…) trong ứng phó với BĐKH nói riêng và TTX nói chung.

     Tất cả những yếu tố tích cực đó đang hội tụ lại thành bàn đạp cho Việt Nam xây dựng nền KTX và khẳng định sự lựa chọn “TTX” là phương án tối ưu cho sự phát triển bền vững, xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

     Tuy nhiên, con đường tiến tới nền KTX của Việt Nam cũng đang gặp phải nhiều khó khăn, thách thức. Nhận thức và trình độ phát triển nói chung còn thấp; Hệ thống pháp luật đang trong thời kỳ chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và hướng tới TTX; Hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp và lãng phí, tài nguyên thiên nhiên (vốn tự nhiên) nhất là tài nguyên sinh vật bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên không tái tạo cạn kiệt; Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng; Các ngành kinh tế “nâu” đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế; Các ngành sản xuất năng lượng sạch như năng lượng hạt nhân, năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt… chưa phát triển. Thêm vào đó, nhiều ngành hỗ trợ, giải quyết vấn đề môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp tái chế… còn yếu kém; Là quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH; Lối sống và mô hình tiêu dùng của một bộ phận nhân dân còn lãng phí, hủy hoại tài nguyên, không thân thiện và hài hòa với thiên nhiên.

     KTX - con đường PTBV trong bối cảnh BĐKH đang trở thành mô hình phát triển tiên tiến được nhiều nước trên thế giới hướng tới và coi đây là một trong những giải pháp giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng suy thoái hiện nay. Để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về TTX thời kỳ 2011 - 2020 tầm nhìn đến năm 2050 và đã triển khai thực hiện trên phạm vi toàn quốc. Bên cạnh những khó khăn thách thức nhất định, chúng ta cũng có nhiều cơ hội thuận lợi để thực hiện Chiến lược và hội nhập với nền KTX của thế giới.

 

Trương Quang Học - Hoàng Văn Thắng

Trung tâm Nghiên cứu Tài nguyên và Môi trường

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nguồn: Chuyên đề Tăng trưởng xanh - Tạp chí Môi trường 2014

 

 

 

Ý kiến của bạn