Banner trang chủ

Kinh nghiệm thực hiện xanh hóa công nghiệp ở Thái Lan

16/01/2015

     Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh tác động của BĐKH ngày càng rõ nét, do đó xanh hóa các ngành công nghiệp hiện có được coi là nhiệm vụ cần thiết và là chìa khóa giảm nhẹ BĐKH, hướng tới TTX, phát triển bền vững. Cũng giống như Việt Nam, Thái Lan ưu tiên cho các hoạt động thích ứng với BĐKH, tình nguyện thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo nguyên tắc “trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt” của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) và coi BĐKH như là một cơ hội cho sự phát triển đất nước. Là một quốc gia mới công nghiệp hóa ở khu vực Đông Nam Á, nhận thức được tầm quan trọng của xanh hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, Thái Lan đã thực hiện Chương trình xanh hóa công nghiệp (XHCN) nhựa từ năm 2003. Dưới đây là những phân tích của chương trình này nhằm cung cấp thêm những kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc thực hiện XHCN.

     Xác định cơ hội

   Thái Lan là quốc gia hàng đầu xuất khẩu nhựa trong khu vực ASEAN, với hơn 4.000 công ty trong ngành và khách hàng trên toàn thế giới. Thái Lan cũng là một quốc gia giàu nhiên liệu sinh khối. Đất nước này sở hữu đầy đủ các nguồn tài nguyên về nguyên nhiên liệu, đặc biệt là đường và sắn được bán với giá cạnh tranh để hỗ trợ cho công nghiệp nhựa sinh học. Như vậy, bằng cách khai thác khả năng, mạng lưới và nguồn lực của ngành công nghiệp nhựa thông thường, Thái Lan có cơ hội chuyển đổi sang công nghiệp nhựa sinh học.

     Các bước thực hiện

     Nghiên cứu khả thi

     Năm 2003, nhựa sinh học nổi lên như một ngành công nghiệp xanh tiềm năng cho Thái Lan. Chính phủ nước này đã thực hiện nghiên cứu khả thi và cho thấy, đất nước sở hữu nhiều lợi thế so sánh về khả năng hiện có cũng như cơ sở hạ tầng, sự phát triển của một ngành công nghiệp nhựa sinh học là khả thi. Cơ quan đổi mới quốc gia được yêu cầu phát triển một lộ trình với các khuyến nghị và kế hoạch phát triển cho ngành này.

     Phát triển Hiệp hội ngành

    Năm 2006, Hiệp hội nhựa sinh học Thái Lan đã được thành lập nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh và các nguồn lực hỗ trợ cho lộ trình quốc gia về sự phát triển ngành công nghiệp nhựa sinh học. Một năm sau đó, hiệp hội nhựa sinh học Thái Lan đã thay thế hiệp hội công nghiệp nhựa Thái Lan.

     Xây dựng lộ trình quốc gia cho sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa sinh học

     Năm 2008, cơ quan đổi mới quốc gia Thái Lan trình bày lộ trình định hướng nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan Chính phủ thông qua 4 chiến lược: Kích thích sự sẵn sàng cho nguyên liệu sinh khối; Đẩy nhanh việc phát triển công nghệ mới; Xây dựng các ngành công nghiệp và sáng kiến kinh doanh; Thiết lập cơ sở hạ tầng hỗ trợ.

 

XHCN là lựa chọn ưu tiên tại Thái Lan

 

     4 chiến lược này bao phủ toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp nhựa sinh học. Lộ trình cung cấp các mục tiêu, chỉ số, kế hoạch hành động, các lĩnh vực được thiết kế và tổ chức thực hiện. Tổng ngân sách cho các chiến lược của lộ trình tại thời điểm đó là 1,8 tỷ bạt (57, 5 triệu USD) và đầu tư của Chính phủ cho khu vực tư nhân dự kiến sẽ khoảng 5,5 tỷ bạt (175, 6 triệu USD) trong giai đoạn 5 năm thực hiện.

    Chính phủ tài trợ các chương trình nghiên cứu và phát triển

     Lộ trình cung cấp 1 tỷ bạt cho nghiên cứu và phát triển công nghệ nhựa sinh học. Trong đó, 10% được sử dụng để đẩy nhanh tiến độ phát triển các công nghệ có khả năng triển khai ngay lập tức. Phần còn lại được phân bổ để phát triển các công nghệ mới tại chỗ.

     Chính phủ dành các ưu đãi để khuyến khích đầu tư tư nhân

     Ủy ban đầu tư Thái Lan đưa một số ưu đãi đầu tư với các điểm chính được trình bày ở bảng 1.

Bảng 1. Một số ưu đãi cho ngành công nghiệp nhựa sinh học của Ủy ban đầu tư Thái Lan

Ưu đãi thuế

Ưu đãi phi thuế

Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 8 năm và giảm thêm 50% trong 5 năm

Quyền sở hữu đất cho nhà đầu tư nước ngoài

Giảm chi phí lắp đặt và xây dựng cơ sở hạ tầng

Cho phép đưa các chuyên gia nước ngoài và kỹ thuật viên vào làm việc

Giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu đối với máy móc và nguyên liệu.

Tạo điều kiện cho giấy phép lao động và thủ tục visa

    

     Chính phủ hợp tác với doanh nghiệp để tạo ra một ngành công nghiệp mạnh

    Các doanh nghiệp đã hưởng ứng các sáng kiến của Chính phủ. Thời gian đầu, Hiệp hội nhựa sinh học Thái Lan chỉ thu hút được 5 thành viên. 5 năm sau đó, Hiệp hội này đã thu hút được 50 thành viên.

     Chính phủ đưa ra các sáng kiến và ưu đãi để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào cơ sở sản xuất

     Trong năm 2008, tập đoàn Hà Lan, Purac đã mở một cơ sở sản xuất hợp chất hóa học có khả năng phân hủy sinh học tiên tiến ở Thái Lan. Trong năm 2010, Purac đầu tư thêm 2 tỷ bạt cho một cơ sở sản xuất mới nằm trong cùng khu công nghiệp liên hợp. Năm 2011, Mitsubishi và PPT công bố một dự án 6 tỷ bạt để xây dựng Nhà máy đầu tiên sản xuất nhựa có khả năng phân hủy sinh học từ đường.

     Các yếu tố thành công

     Sự hợp tác giữa Chính phủ và ngành

     Sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ và ngành khuyến khích sự đầu tư của khu vực tư nhân và các hoạt động sáng tạo. Trong dự án này, Purac cung cấp các nguyên vật liệu thô cho việc nghiên cứu, Chính phủ tài trợ cho các nhà nghiên cứu và Hiệp hội nhựa sinh học tài trợ cho việc phát triển công nghệ.

     Hiệp hội ngành mạnh và hợp tác quốc tế

     Chính phủ khuyến khích các công ty Thái Lan hợp tác với các công ty nhựa sinh học quốc tế và thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế. Hiệp hội công nghiệp nhựa sinh học Thái Lan cộng tác với các công ty hoạt động trong công nghiệp nhựa sinh học từ Liên minh châu Âu, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan- Trung Quốc và Mỹ.

     Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ

    Ngoài ưu đãi đầu tư, các chính sách khác của Chính phủ nhằm quảng bá việc sử dụng nhựa sinh học, cho sự phát triển các tiêu chuẩn công nghiệp Thái Lan đối với nhựa sinh học và ý thức người tiêu dùng. Các kế hoạch hành động của lộ trình và sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách đã giúp tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc phát triển ngành công nghiệp nhựa sinh học.

     Cân nhắc cho việc phổ biến mô hình tại Việt Nam

     Việc lựa chọn ngành công nghiệp để xanh hóa phụ thuộc chặt chẽ với điều kiện của từng quốc gia cũng như các đặc tính cụ thể của từng địa phương như các nguồn lực hiện có, cơ sở hạ tầng, tiêu chuẩn công nghệ hoặc hệ thống kinh doanh.

     Để thực hiện xanh hóa các ngành công nghiệp, Chính phủ có vai trò then chốt trong việc phát triển hệ thống chính sách trong suốt giai đoạn đầu của quá trình. Sự hợp tác giữa Chính phủ, các tổ chức nghiên cứu và lĩnh vực tư nhân là cần thiết cho XHCN và nâng cao sức cạnh tranh của ngành.

     Mặc dù những thành công trong XHCN nhựa phù hợp với Thái Lan, các ngành và lĩnh vực công nghiệp khác ở Việt Nam có thể tham khảo mô hình này để vận dụng vào điều kiện thực tế. Các điểm chính cần được xem xét trong việc cân nhắc để phổ biến mô hình bao gồm: Khả năng hiện có và cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng cần được xem xét trong sự phát triển của một ngành công nghiệp xanh; Việc đánh giá về triển vọng tổng thể và mức độ sẵn sàng suốt chuỗi giá trị cần được tiến hành; Thông tin phản hồi nên được trưng cầu trong suốt quá trình phát triển; Sự tham gia hợp tác của các tổ chức nghiên cứu và công ty tư nhân là cần thiết để đảm bảo sự nhất quán về tầm nhìn và mục tiêu phát triển của ngành.

 

Hoàng Quỳnh

Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và BĐKH

Nguồn: Số Chuyên đề Tăng trưởng xanh, Tạp chí Môi trường 2014

 

 

Ý kiến của bạn