Banner trang chủ

Hiệu quả từ mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính ở An Giang

03/08/2018

     Tỉnh An Giang có hơn 80% dân số sống bằng nghề nông, với lúa là cây trồng chủ yếu, có vị trí quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Để đảm bảo sản xuất bền vững, nhiều mô hình canh tác lúa hiệu quả được người nông dân ứng dụng như sạ hàng, “3 giảm 3 tăng”, hệ thống thâm canh lúa (SRI), “1 phải 5 giảm” và gần đây nhất là “1 phải 6 giảm” (1P6G). Hợp tác xã nông nghiệp (HTX NN) Phú Thượng, xã Phú Thành, huyện Phú Tân được lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình 1P6G.

     Mô hình 1P6G thân thiện với môi trường

     1P6G là mô hình tiên tiến, được xây dựng, phát triển dựa trên nền tảng của kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” kết hợp với giảm phát thải KNK. “1 phải” là sử dụng giống lúa cấp xác nhận hoặc nguyên chủng mà ngành Nông nghiệp địa phương khuyến cáo đưa vào sản xuất. “5 giảm” gồm: Giảm lượng hạt giống gieo trồng; phân bón; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; lượng nước tưới. Mô hình có ưu điểm giúp nông dân cải tiến việc quản lý các số liệu theo dõi mực nước, sinh trưởng, nông học và sâu bệnh trên ruộng lúa thí điểm tại nông hộ. Bên cạnh đó, nông dân còn có thể tự hạch toán chi phí sản xuất (lợi nhuận thu được/vụ) để có điều chỉnh quy trình canh tác nhằm giảm chi phí đầu tư, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời tăng thêm thu nhập.

 

Nhờ áp dụng mô hình 1P6G, năng suất lúa của các hộ dân không ngừng tăng lên

 

     Theo mô hình 1P6G, về lượng hạt giống, trước hết, người nông dân tiến hành cày lật phơi ải, dẫn nước thau chua rửa mặn, bừa ngả và kỹ, san phẳng mặt ruộng để gieo sạ. Ðối với hạt giống, cần phơi nắng 2 h rồi pha nước muối 10% để loại bỏ hạt lép lửng, sau đó, rửa sạch ngâm 48 h ủ nứt nanh, tiếp tục thực hiện “ngày ngâm, đêm ủ” điều chỉnh rễ mầm cân đối, cuối cùng tiến hành gieo sạ bằng máy. Thực hiện mô hình này, lượng giống cho gieo sạ 1 ha là 35 kg, dự phòng 5 kg/ha, mật độ từ 100 - 110 cây/m2, thấp hơn nhiều so với cách gieo truyền thống, lên đến 200 kg/ha.

     Đối với phân bón, dùng phân lót NPK bón lót sâu trước bừa, để lắng bùn rút cạn nước mới sạ nhằm tránh giảm mất phân do rửa trôi và bốc hơi. Bón nhử khi lúa chuẩn bị đẻ nhánh sau sạ 41 ngày với 55 kg đạm urê/ha. Bón khi đất ẩm, mức nước nông nhằm giảm phát thải khí N2O. Bón thúc lần một khi lúa đẻ nhánh kết hợp dặm tỉa sau sạ 48 ngày giúp lúa đẻ nhánh sớm, tập trung. Bón thúc lần hai khi lúa đứng cái, đồng thời tiến hành phun chế phẩm SH khi lúa 2,5 lá. Việc đo đếm khí phát thải KNK được thực hiện 4 lần: lần 1 sau sạ 40 ngày, lần 2 sau sạ 54 ngày, lần 3 sau sạ 90 ngày và lần 4 sau sạ 102 ngày. Với cách làm trên sẽ giúp hạn chế lượng phân, giảm phát thải cũng như hạn chế sâu bệnh hơn so với diện tích lúa đối chứng.

     Về lượng nước tưới, phát thải KNK trong sản xuất lúa nước sinh ra chủ yếu do quá trình ruộng lúa bị ngập nước. Khi nước bao trùm lên toàn bộ bề mặt  sẽ dẫn đến phản ứng hóa học xảy ra ở dưới đất, gọi là quá trình ô xi hóa khử. Quá trình chuyển hóa các chất dinh dưỡng, quang hợp của cây lúa, của hệ vi sinh vật yếm khí nằm ở dưới đất sẽ sinh ra những chất như N2O hoặc khí metan gây KNK. Do đó, từ khi gieo đến lúc chuẩn bị đẻ nhánh, mặt ruộng cần được giữ ẩm. Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh đến kết thúc đẻ nhánh mới đưa nước nông vào mặt ruộng từ 5 – 7 cm.  Giai đoạn đẻ nhánh kết thúc được 7 - 10 ngày tiến hành rút cạn nước. Vào lúa trước trổ và sau trổ bông, ruộng được bơm ngập nước 7 – 10 cm. Trước thu hoạch 10 ngày, rút cạn nước để thúc đẩy quá trình chín và thuận tiện cho thu hoạch. Sử dụng phương pháp tưới nước như trên, lá lúa cứng hơn, khả năng đẻ nhánh cũng tập trung và sớm hơn, lên tới 350 dảnh/m2 (phương pháp truyền thống là 290 dảnh/m2), tiết kiệm được lượng nước khá lớn (khoảng 7.000 m3/ha). Ngoài ra, kết quả đo khí thải trên ruộng còn cho thấy mô hình thí nghiệm chỉ còn 3 tấn khí thải, giảm được 4 tấn so với ruộng đối chứng.

 

Nông dân An Giang sử dụng máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh giúp BVMT và hạn chế phát thải KNK

 

     Đối với sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chỉ phun thuốc khi cần thiết và tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Cùng với đó, để giảm thất thoát sau thu hoạch, theo mô hình, người nông dân sẽ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, không phơi lúa trên đường mà sử dụng phương pháp sấy lúa để đảm bảo chất lượng hạt lúa. Bên cạnh đó, bỏ tập quán đốt rơm rạ trên đồng, thay vào đó nông dân đã đầu tư máy cuốn rơm để bán rơm cho những nơi khác trồng rẫy hoặc nấm. 

     Theo kết quả đánh giá, áp dụng mô hình 1P6G, lúa gieo cấy ít bị dịch hại và đạt đạt năng suất cao 9 tấn/ha (vụ đông xuân), lợi nhuận đạt 37 triệu đồng/ha; sạ hàng đạt 8,5 tấn/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha; trong khi ruộng đối chứng theo hình thức sạ lang truyền thống của nông dân địa phương năng suất đạt 8,3 tấn/ha, lợi nhuận chỉ đạt 12 triệu đồng/ha. Như vậy, theo mô hình mới này, năng suất lúa trung bình cao hơn khoảng 10%, lợi nhuận tăng bình quân 7,3 triệu đồng/ha, tăng thêm thu nhập cho nông dân 5 - 10% thông qua việc giảm chi phí sản xuất như: Giảm mật độ gieo sạ, chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước và công lao động. Ngoài ra, quy trình kỹ thuật này còn làm cho chất lượng lúa gạo nâng lên, giảm tác động môi trường, ô nhiễm nguồn nước ra kênh rạch và giảm các ảnh hưởng tác động bất lợi đến sức khỏe người nông dân.

     Nhân rộng mô hình

     Nếu như vụ đông xuân 2012 – 2013, tại HTX NN Phú Thượng chỉ có 9 hộ nông dân tham gia thực hiện mô hình 1P6G thì đến nay, đã có 150 hộ áp dụng kỹ thuật này, với tổng diện tích 286 ha, chiếm 60% thành viên của HTX và dự kiến tiếp tục tăng thêm.

     Điển hình như hộ gia đình bà Nguyễn Thị Nương, xã viên HTX NN Phú Thượng đã áp dụng mô hình canh tác lúa giảm phát thải KNK 1P6G, với 2 ha sản xuất lúa. Sau khi gieo sạ, bà thấy ruộng hộ kế bên lên xanh trong khi ruộng nhà mình vẫn toàn thấy đất, lúa bị bệnh mà cán bộ hướng dẫn không cho phun xịt. Tuy nhiên, nhờ kiên trì áp dụng đúng kỹ thuật, qua 40 ngày, lúa của bà phát triển tốt, chỉ tốn 1 lần phun thuốc và giảm 30% lượng phân bón. Năng suất lúa tăng 10% so với trước, đặc biệt là lợi nhuận cao hơn hộ bên ngoài mô hình khoảng 7 triệu đồng/ha. Không chỉ áp dụng trong gia đình, bà Nương còn chia sẻ kinh nghiệm với nhiều hộ khác.

     Canh tác lúa giảm phát thải KNK triển khai trên địa bàn HTX NN Phú Thượng đã mang lại những lợi ích về mặt kinh tế - xã hội và môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng kỹ thuật 1P6G chỉ dừng lại ở mức độ nhất định, một số hộ vẫn chưa thay đổi hoàn toàn theo quy trình của gói kỹ thuật 1P6G do phụ thuộc nhiều vào điều kiện canh tác cũng như mặt bằng ruộng, thủy lợi nội đồng, diện tích canh tác… Vì vậy, cần có nghiên cứu sâu hơn để khuyến cáo các quy trình canh tác đối với kỹ thuật này trên nhiều vùng sinh thái khác nhau để nông hộ có thể linh hoạt, mềm dẻo trong việc áp dụng.

     Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang sẽ dựa trên kết quả đánh giá đầy đủ về hiệu quả kinh tế, môi trường canh tác lúa giảm khí thải nhà kính để xây dựng và nhân rộng mô hình trên toàn tỉnh, liên kết sản xuất xây dựng cánh đồng lớn gắn với BVMT, giảm phát thải KNK ứng phó với BĐKH trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cũng sẽ kêu gọi doanh nghiệp tham gia, liên kết sản xuất với nông dân; tập trung đầu tư hoàn thiện, đồng bộ hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng nhằm chủ động điều tiết nguồn nước… Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền trên Bản tin của Sở NN&PTNT, Bản tin khuyến nông, báo, đài phát thanh truyền hình địa phương; in và phát hành tài liệu, poster về hướng dẫn quy trình; cử cán bộ kỹ thuật tham gia tư vấn giúp bà con về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… trong sản xuất lúa nhằm ứng phó với hạn, mặn. 

 

Nguyễn Văn Lãm

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

 

 

 

Ý kiến của bạn