Banner trang chủ

Chia sẻ kinh nghiệm về sử dụng năng lượng trong sản xuất kinh doanh

02/08/2018

     Ngày 31/7/2018, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2018, với sự tham dự của các đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế, hiệp hội ngành, viện nghiên cứu, trường Đại học. 

 


Toàn cảnh Hội thảo

 

     Hiện nay, ngành năng lượng đang phải đối mặt với bài toán phức tạp và đa mục tiêu, một mặt cần đáp ứng nhu cầu tăng cao để phát triển kinh tế - xã hội, mặt khác, phải đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế  về phát triển bền vững. Cùng với đó, sự tới hạn của các nguồn năng lượng truyền thống trong khi các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Một trong các giải pháp quan trọng cho bài toán của ngành năng lượng là đẩy mạnh hơn nữa hoạt động ứng dụng các công nghệ sử dụng năng lượng hiệu quả, đồng thời chuyển giao, làm chủ các công nghệ năng lượng mới, bền vững như công nghệ điện gió và điện mặt trời. Điều này hoàn toàn khả thi với sự vào cuộc đồng bộ của các nhà quản lý, các doanh nghiệp và nhà khoa học cùng với đó là sự hợp tác, hỗ trợ chuyển giao công nghệ từ các quốc gia phát triển như Đức, Nhật Bản… và các hiệp hội năng lượng quốc tế.

     Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng tăng cao để đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam đã khai thác nguồn thủy điện gần như tối đa, kế hoạch phát triển năng lượng nguyên tử tạm dừng nên Việt Nam đã và đang phải nhập khẩu năng lượng sơ cấp cho sản xuất điện. Do đó, cần thiết phải đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng mới, tái tạo để nâng cao năng lực, hiệu quả, tính bền vững và thích cho ngành năng lượng quốc gia cũng như thực hiện các cam kết quốc tế hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

     Thời gian vừa qua, Bộ KH&CN đã hợp tác, phối hợp với các cơ quan có liên quan nỗ lực thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ và chuyển giao công nghệ, tháo gỡ tối đa các vướng mắc trong thực tiễn nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi nhất để thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ. 

     Đối với ngành năng lượng, trong Chiến lược phát triển KHCN đến năm 2020, Bộ KH&CN đã xác định chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn, nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ nhằm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ điện năng. Trên cơ sở đó, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều chương trình nghiên cứu trọng điểm nhằm giải quyết các bài toán công nghệ trong ngành năng lượng, tỏng đó có Chương trình KHCN trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ năng lượng”.

     Tại Diễn đàn, các đai biểu đã cùng nhau trao đổi và thảo luận nhiều vấn đề như: Kết quả 10 năm thực hiện chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Xu hướng phát triển công nghệ năng lượng trên thế giới và cơ hội cho Việt Nam; Vai trò của công nghệ trong phát triển ngành công nghiệp than sạch - Cơ hội và thách thức; Tiềm năng và thách thức công nghệ trong phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam…

 

Châu Long

Ý kiến của bạn