Banner trang chủ

Bạc Liêu loại bỏ một dự án nhiệt điện để bảo vệ môi trường

26/09/2016

     Ngày 20/9, làm việc với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh đề xuất của Bạc Liêu khi xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch điện VII nhằm bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh tỉnh có nguồn phát triển điện gió.

 

Ảnh: VGP

 

     Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bạc Liêu, một tỉnh thuần nông, chịu nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, là một trong những tỉnh khó khăn nhất của đồng bằng sông Cửu Long nhưng đã quyết tâm tìm lối ra, chú trọng phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển doanh nghiệp, tăng năng suất, ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp. Thủ tướng hoan nghênh đề xuất của Bạc Liêu xin rút dự án nhiệt điện Cái Cùng trên địa bàn tỉnh ra khỏi quy hoạch điện VII để bảo đảm môi trường cho nuôi trồng thủy sản trong bối cảnh tỉnh có nguồn phát triển điện gió; đồng thời giao Bộ Công Thương xem xét, tính toán cân đối nguồn điện.

     Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới điều chỉnh gần đây (Quy hoạch điện VII điều chỉnh), đồng bằng sông Cửu Long sẽ trở thành khu vực có công suất nhiệt điện than lớn nhất cả nước vào năm 2030 (khoảng 18.000 MW) với 14 nhà máy tại các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Long An, Sóc Trăng, Tiền Giang và Trà Vinh. Nhiệt điện than là loại hình sản xuất điện cần sử dụng một lượng nước rất lớn (1MWh cần 4.163 lít nước), trong đó 95% lượng nước dùng để làm mát. Theo kết quả nghiên cứu của VSEA ở các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, Hải Phòng, nước thải từ hệ thống làm mát của nhà máy nhiệt điện than thường có nhiệt độ cao hơn so với nước đầu vào từ 7,5-9,30C làm nhiều loài thủy sản suy giảm, không thể sinh trưởng và phát triển.

     Nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện than nêu trên được xây dựng và vận hành tại đồng bằng sông Cửu Long, mỗi ngày sẽ thải ra khoảng 70 triệu m3 nước nóng lên tới 400C. Đây sẽ là rủi ro lớn đối với hệ sinh thái dưới nước và nguồn lợi thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long trong khi nước là văn hóa, là kinh tế, và là nguồn sống của 20 triệu người dân nơi đây.

     Hơn thế nữa, đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới chịu tác động nghiêm trọng bởi biến đối khí hậu. Trong thời gian qua, chính quyền và người dân trong vùng đã phải gồng mình chống chọi với hạn hán, và xâm nhập mặn. Theo báo cáo của Quỹ các bon toàn cầu 2015, đốt than là nguồn phát thải CO2 lớn nhất, gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu. Phát triển nhiệt điện than sẽ làm gia tăng áp lực đối với việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu tại đồng bằng. Sự lựa chọn này sẽ gây ra ô nhiễm không khí và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, gây gia tăng gánh nặng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh không lây nhiễm như viêm đường hô hấp ở trẻ em, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính ở người lớn, đột quỵ, bệnh tim, thiếu máu, ung thư phổi ở người già...

     Đề xuất của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu là quyết định mang tính đột phá, hợp thời đại, thể hiện sự chủ động của tỉnh trong việc lựa chọn mô hình phát triển sạch, bền vững theo hướng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và phát huy lợi thế của địa phương. Quyết định này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh tới môi trường, sức khỏe, và sinh kế của cộng đồng, điều mà người dân nơi nào cũng kỳ vọng. Với việc ưu tiên phát triển điện gió, khôngg chọn nhiệt điện than, Bạc Liêu trở thành địa phương đi tiên phong thực hiện chuyển đổi từ “kinh tế Nâu” sang “kinh tế Xanh”, thực hiện ngăn chặn nguy cơ gia tăng bệnh không lây nhiễm do ô nhiễm khí thải từ nhiệt điện than.

 

Châu Long

Ý kiến của bạn