Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/11/2024

Tập đoàn Xuân Thiện: Đồng hành cùng đất nước thực hiện cam kết mạnh mẽ tại COP 26

26/04/2022

    Việt Nam là một trong các quốc gia đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ cùng 150 quốc gia trên thế giới cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ - năm 2050. Theo giới chuyên gia, việc thực hiện các cam kết tại COP 26, đặc biệt là cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược. Chính vì vậy, việc thực hiện kịp thời các cam kết này sẽ mang lại lợi ích lớn và lâu dài cho đất nước.

    Nắm bắt xu thế đó, mới đây, ngày 22/3/2022, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với Tổ hợp nhà máy thép xanh Xuân Thiện Nam Định của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng với công suất 9,5 triệu tấn/năm. Việc điều chỉnh chủ trương dự án đến từ việc Tập đoàn chuyển đổi công nghệ sản xuất thép từ công nghệ hoàn nguyên thép sử dụng than cốc truyền thống sang công nghệ luyện kim sử dụng khí gas LNG và Hydro. Với quyết định này, mặc dù làm tăng tổng mức đầu tư dự án thêm 30%, mỗi tấn thép xanh có giá thành cao hơn thép sản xuất theo công nghệ truyền thống từ 2 - 2,5 triệu đồng, nhưng đổi lại có thể giảm được đến 90% lượng phát thải CO2 ra môi trường so với công nghệ cũ. Tập đoàn cũng đặt mục tiêu thép Xuân Thiện phải được quốc tế chứng nhận là thép xanh, để đạt được điều này, ngoài việc sử dụng nhiên liệu sạch, còn phải sử dụng nguồn điện (sạch) có xuất xứ từ năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, điện khí... đó cũng là thế mạnh của Tập đoàn.

    Trả lời phỏng vấn của phóng viên, ông Nguyễn Huy Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuân Thiện Nam Định cho biết: “Trong năm 2021, chúng tôi đã được UBND tỉnh Nam Định chấp thuận chủ trương đầu tư tổ hợp nhà máy thép với công nghệ truyền thống, sử dụng than cốc để hoàn nguyên thép (thép nâu). Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP 26 và đã có những cam kết mạnh mẽ về việc Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. Chúng tôi đã quyết tâm nắm bắt xu thế phát triển của Việt Nam cũng như toàn cầu về BVMT đảm bảo phát triển bền vững, chấp nhận tăng tổng mức đầu tư nhưng đổi lại Thép Xanh Xuân Thiện sẽ được chào đón tại những thị trường khó tính nhất như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản...”

    Dự án nhắm đến mục tiêu sản xuất các sản phẩm thép chất lượng cao (tôn thép tấm, tôn thép cuộn cán nóng, tôn thép đặc biệt chất lượng cao cho nghành sản xuất ô tô; tôn thép chất lượng cao kháng thời tiết đóng công ten nơ, thép chế tạo và dây cáp thép... mà nhà sản xuất trong nước chưa sản xuất được) phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Toàn bộ cụm dự án tổng công suất 9,5 triệu tấn dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 5 năm kể từ khi khởi công (dự kiến trong năm 2027). Tổ hợp dự án thép của Xuân Thiện được đầu tư đồng bộ với Cảng biển nước sâu chuyên dụng, cảng biển quốc tế có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên đến trên 200.000 DWT nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu nhập nguyên vật liệu từ nước ngoài, và xuất khẩu thành phẩm đi các thị trường quốc tế. Các hệ thống nhà máy công nghiệp phụ trợ khác như cơ khí, chế tạo máy, logistics, cùng các ngành dịch vụ phục vụ công tác xuất nhập khẩu hàng hóa từ đó cũng sẽ được hình thành.

    Địa điểm thực hiện dự án là vùng ven biển Nghĩa Hưng có địa hình trũng thấp, chủ yếu là bãi bồi, trước đây đã từng được quy hoạch phát triển thuỷ sản tại Quyết định 2896/QĐ-UBND. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản ở khu vực này không mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể vì lý do mất giá, thị trường bấp bênh, thiên tai, bão lũ hàng năm, chi phí lãi vay cao... nhiều hộ chỉ cố gắng cầm cự. Do đó, chính quyền địa phương đã có định hướng cần thay đổi để phát huy tiềm năng kinh tế ven biển của tỉnh, chuyển hướng kêu gọi đầu tư công nghiệp giá trị cao, bền vững. Vì vậy, ngày 20/7/2020, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Quyết định số 1645/QĐ-UBND chấm dứt hiệu lực của Quyết định 2896/QĐ-UBND về quy hoạch thuỷ sản. Đây cũng là các lý do khiến từ năm 2019 tới nay, chính quyền địa phương chỉ ký hợp đồng thuê bãi bồi thời hạn từ 1 đến 2 năm để bà con có thời gian chuẩn bị, chuyển đổi nghề nghiệp.

Địa điểm triển khai tổ hợp dự án Thép xanh của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định

    Sau khi trả lại đất để triển khai dự án, ngay trong giai đoạn 1 của Tổ hợp dự án (9,5 triệu tấn/năm), quá trình thuê mướn nhân công lao động tại địa phương sẽ góp phần giải quyết tạm thời nhu cầu việc làm và thu nhập cho khoảng 15.000 lao động trực tiếp và rất nhiều lao động dịch vụ phát sinh trong giai đoạn xây dựng và vận hành sản xuất. Theo đề xuất của chủ đầu tư, đến năm 2035, sau khi hoàn thành 2 giai đoạn, toàn bộ tổ hợp công nghiệp thép (khoảng 20 triệu tấn/năm), cảng biển và các khu công nghiệp khác, dịch vụ đi theo có quy mô lao động lên đến hàng trăm nghìn người.

    Việc đầu tư tổ hợp dự án trên sẽ mang lại nhiều tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với chủ trương, mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh Nam Định lần thứ XX và Nghị quyết chuyên đề số 04-NQ/TU, số 05-NQTU ngày 18/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định; phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của địa phương; đồng thời là những dự án có vai trò làm tiền đề, tạo cú hích mạnh mẽ để tỉnh Nam Định nhanh chóng hoàn thiện Đề án trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu kinh tế Ninh Cơ.

    Tập đoàn Xuân Thiện là một trong những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Việt Nam hiện nay, Tập đoàn đã đầu tư và đang vận hành gần 2000 MW điện năng lượng tái tạo (thủy điện, điện mặt trời...). Với nền tảng vững chắc đó, cùng với định hướng công nghiệp sạch là xu thế tất yêu của thế giới, Xuân Thiện tiếp tục mở rộng đầu tư vào các ngành sản xuất như nông nghiệp sạch, sản xuất thép xanh... qua đó khẳng định cam kết phát triển kinh tế gắn liền với trách nhiệm với xã hội.

Duy Bạch

Ý kiến của bạn