Banner trang chủ

Xây dựng nông thôn mới ở Ba Vì - Hành trình không ngừng nghỉ

27/04/2023

    Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, tính đến tháng 2/2023, có 15/18 huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới gồm các địa phương: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm, Thạch Thất, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Mê Linh và thị xã Sơn Tây. Đối với 3 huyện còn lại (Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì), trong đó, với huyện Ba Vì, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức Đoàn thẩm tra huyện Ba Vì đề nghị công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Đồng thời tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề nghị các Sở, ngành có báo cáo thẩm tra đối với huyện Ba Vì và đề nghị Mặt trận Tổ quốc tiến hành lấy ý kiến của người dân đề nghị công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 theo quy định.

Ba Vì được biết đến bởi khí hậu ôn hòa bốn mùa, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng

    Nằm về phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, Huyện Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên 421,8 km2, dân số khoảng gần 30.000 người. Ba Vì có hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ, hệ thống đường thủy, đường sông chạy qua, thuận tiện cho việc giao thương kinh tế liên vùng, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Ba Vì còn có tổng diện tích rừng gần 7.700 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 18%, phân bố trên địa bàn 7 xã miền núi thuộc vùng đệm Vườn quốc gia Ba Vì và 6 xã vùng đồi gò của huyện. Núi Ba Vì được coi là ngọn núi tổ của nước Đại Việt, gồm ba đỉnh nổi lên giữa đồng bằng Bắc bộ (đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m), tạo nên một sắc thái riêng về tự nhiên, khả năng đa dạng hóa các loại cây trồng, phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt là tiềm năng để đầu tư phát triển dịch vụ du lịch.

    Năm 2010, huyện Ba Vì triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong điều kiện xuất phát điểm thấp, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông thủy lợi nội đồng xuống cấp, ruộng đồng manh mún; đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều thiếu thốn, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn khá cao (chiếm 15,1%), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 21,7 triệu đồng. Đứng trước nhiều khó khăn, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Vì đã đoàn kết, thống nhất, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm thực hiện xây dựng huyện nông thôn mới. Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc huyện đã tổ chức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, mục đích, ý nghĩa Chương trình xây dựng NTM, đồng thời ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa bằng các đề án, các chương trình thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, xác định rõ từng mục tiêu, giải pháp cụ thể, nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tầng lớp nhân dân về lợi ích, trách nhiệm trong xây dựng NTM. Mặt khác, huyện cũng đã tổ chức phát động và ký cam kết giữa các cụm thi đua, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trên địa bàn.

Đường làng, ngõ xóm ở các thôn, xóm của huyện Ba Vì luôn xanh, sạch, đẹp

    Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của người dân cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và hỗ trợ của Trung ương, thành phố, sự hỗ trợ của các quận nội thành; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng huyện nông thôn mới của Ba Vì đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết quả, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ba Vì đã tạo ra được chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực. Toàn huyện hiện có 102 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó có 14 hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 hợp tác xã được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn huyện có 125 trang trại, 20 làng nghề được công nhận. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa, huyện Ba Vì là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị, với 5 sản phẩm sữa, chè, khoai lang Đồng Thái, gà đồi, miến dong Minh Hồng đã được Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì đã được UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định công nhận 138 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao, gồm nhiều sản phẩm đa dạng như: Mật ong thiên nhiên; Mật ong hoa rừng Tản Viên Ba Vì; Tinh bột nghệ nếp đỏ; Rau các loại; Bưởi Yên Bài; Tương Khê Thượng; Rượu mơ Tản Viên; Các sản phẩm chế biến đồ ăn chay; thịt - giò đà điểu; nem; khoai môn; Một số sản phẩm đồ gỗ… Cùng với đó, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn điện, đường, trường, trạm của Ba Vì được xây dựng khang trang, bề thế, hiện đại hơn. Không chỉ đẹp về diện mạo, vững về kinh tế, điều đáng mừng nữa là đời sống văn hóa nông thôn ở Ba Vì giữ vững bản sắc dân tộc, chuẩn mực văn hóa được bồi đắp, tình nghĩa xóm làng gắn kết hơn. An ninh nông thôn được giữ vững, với 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn về “An ninh trật tự”. Hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được tăng cường. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Các tổ chức chính trị - xã hội của huyện được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Đặc biệt, cán bộ và nhân dân Ba Vì đã đóng góp gần trên 335 tỷ đồng, hàng vạn ngày công, hiến vạn m2 đất thổ cư, đất nông nghiệp để mở đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, các điểm sinh hoạt văn hóa. Năm 2022 với việc phát động và triển khai phong trào “Xây dựng và giữ gìn thôn, xóm, ngõ sáng xanh sạch đẹp, an toàn”, nhân dân Ba Vì đã chung sức, đồng lòng cùng kiến thiết lại làng quê với số tiền huy động xã hội hóa trên 80,8 tỷ đồng, xây dựng cảnh quan môi trường, đường làng, ngõ xóm ở các thôn, xóm xanh, sạch, đẹp hơn. Cũng từ đây, nhiều mô hình mới, cách làm hay được vận dụng sáng tạo linh hoạt và lan tỏa sâu rộng, đưa nông thôn Ba Vì trở thành miền quê đáng sống.

Các sản phẩm bánh sữa, sữa chua uống trái cây Myfarm, sữa chua uống nha đam Myfarm của Công ty cổ phần sữa Nông trại đã được xếp hạng sản phẩm OCOP năm 2022

    Với nhiều giải pháp hiệu quả thực hiện chương trình xây dựng NTM, đến nay, 30/30 xã của huyện đã được UBND TP. Hà Nội công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (chiếm 13,3%); thị trấn Tây Đằng đạt chuẩn đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của địa phương đạt 99%. Đối với 9 tiêu chí huyện NTM, đến hết năm 2022, huyện Ba Vì có 6 tiêu chí đạt gồm: quy hoạch, thủy lợi và phòng, chống thiên tai; điện; văn hóa - y tế - giáo dục; chất lượng môi trường sống; hệ thống chính trị, an ninh trật tự, hành chính công; 3 tiêu chí còn lại cơ bản đạt gồm: giao thông, kinh tế và môi trường. Như vậy, đối chiếu với các quy định hiện hành, huyện Ba Vì đã đạt các điều kiện huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025.

    Là xã về đích NTM nâng cao đầu tiên của huyện Ba Vì vào năm 2021, ngoài việc xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế - xã hội, xã Phú Phương còn vận động người dân tăng cường cơ giới hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích và tạo điều kiện cho các hộ gia đình phát triển, mở rộng dịch vụ thương mại; thu nhập bình quân đầu người đạt 60 triệu đồng/người/năm. Nhân dân trong xã ủng hộ bằng hiện vật, ngày công lao động, tiền mặt, thực hiện cải tạo nâng cấp đường ngõ xóm, cải tạo kiên cố hóa hệ thống rãnh thoát nước, lắp đặt đường điện chiếu sáng, tu bổ di tích đình chùa, vệ sinh môi trường.

    Hay tại xã Tản Hồng, toàn xã có 7 thôn với gần 150 con ngõ. Từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, tất cả đều phong quang, sạch đẹp bởi được tô điểm bằng một lượng cây xanh, đèn chiếu sáng. Cùng với đó là những bức tường được sơn mới, vẽ tranh rất đẹp mắt. Do đó khi triển khai, xã đạt được cả 5 tiêu chí đề ra là: sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn.

    Có thể nói, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại huyện Ba Vì đã tạo nên một vùng nông thôn khang trang, khởi sắc, an sinh xã hội được thực hiện, văn hóa, giáo dục, y tế phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Tuy vậy, mặc dù đã đạt được kết quả bước đầu trong xây dựng NTM, nhưng với đặc thù của huyện miền núi, kinh tế - xã hội huyện Ba Vì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức vẫn ở phía trước. Do đó, huyện Ba Vì xác định xây dựng NTM là mục tiêu lâu dài, bền vững, tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng NTM; tích cực triển khai các chỉ tiêu, tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM. Theo Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc. Do đó, thời gian tới đây, Ba Vì cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM; Phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, chủ động, sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển; bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá; Lựa chọn tiềm năng, thế mạnh để tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xây dựng huyện Ba Vì ngày càng văn minh, giàu đẹp.

Hồng Cẩm

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn