10/09/2024
Làng nghề là một trong những đặc thù của nhiều vùng nông thôn Việt Nam. Hoạt động trong các làng nghề là những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bao gồm các nghề thủ công, hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như hộ gia đình, hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân... Các hộ và các tổ chức kinh tế này gắn bó chặt chẽ, mật thiết với khu vực nông thôn thông qua việc sử dụng tư liệu sản xuất, vốn và nhân lực ở nông thôn, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn. Theo khoản 2, 3 Điều 3 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn: “Làng nghề là một hoặc nhiều cụm dân cư cấp thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc hoặc các điểm dân cư tương tự tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn quy định tại Điều 4 Nghị định này; Làng nghề truyền thống là làng nghề có nghề truyền thống được hình thành từ lâu đời”. hiện nay, ngành nghề nông thôn được chia ra 7 nhóm gồm: (1) Làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản (xay xát lúa gạo, sản xuất bột thô, làm bún, bánh, bảo quản rau quả; chế biến lâm sản, thủy sản, chủ yếu là các nghề làm thủy sản khô, mắm ruốc, nước mắm...); (2) Làng nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (trạm khắc...); (3) Làng nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; (4) Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; (5) Sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; (6) Sản xuất muối; (7) Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn. Hiện nay, làng nghề được công nhận tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, trong đó TP. Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước, với 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã, có 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Các nhóm nghề bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 70 làng nghề (nhóm 1); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề (nhóm 2); xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề (nhóm 3); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 200 làng nghề (nhóm 4); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 14 làng nghề (nhóm 5); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề (nhóm 7). Riêng nhóm 6 - sản xuất muối, Hà Nội không có làng nghề nào. Có thể khẳng định, làng nghề đã và đang đóng góp rất lớn vào phát triển kinh tế địa phương, giải quyết hiệu quả bài toán lao động nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, để làng nghề phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch, phát triển làng nghề cần phải gắn với bảo vệ môi trường. Nhận thức được điều này, trong thời gian qua, TP. Hà Nội đã và đang chú trọng triển khai nhiều giải pháp nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề ô nhiễm môi trường.
Những mô hình thu gom rác thải hữu cơ và vô cơ của các làng nghề xã Phú Yên (huyện Phú Xuyên) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực
Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường làng nghề và đã đưa ra các quy định về vấn đề này. Theo Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020: Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm: Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn. Cùng với đó, cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ; thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 2 Điều này và tuân thủ kế hoạch di dời, chuyển đổi ngành, nghề sản xuất theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng quy định, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm: Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn; Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm: Tổng hợp nhu cầu ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mô hình bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư xây dựng và tổ chức vận hành các mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn, hệ thống xử lý nước thải tại chỗ đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường do Nhà nước đầu tư từ nguồn kinh phí đầu tư xây dựng, nguồn chi sự nghiệp môi trường và khoản đóng góp của tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm: Quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; Bố trí ngân sách cho hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề; Chỉ đạo, tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn; Chỉ đạo xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải; khu tập kết, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại cho làng nghề; Có kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề. Trên cơ sở của Luật, TP. Hà Nội hiện đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đáp ứng các tiêu chí về môi trường đối với các làng nghề được công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường; thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất trong làng nghề đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tích cực triển khai và hoàn thành các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ đề ra.
Huyện Phú Xuyên có 43 làng có nghề đang hoạt động với trên 900 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Để phát triển làng nghề theo hướng bền vững, trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các xã có làng nghề rà soát, hướng dẫn các hộ sản xuất biện pháp bảo vệ môi trường. Huyện đã tổ chức quy hoạch, xây dựng các cụm công nghiệp làng nghề; các địa điểm tập kết, trung chuyển rác, chất thải tại các xã, thị trấn. Các bãi chứa, xử lý chất thải xây dựng và xây dựng hệ thống cống rãnh tiêu thoát nước. Huyện cũng yêu cầu các xã có nghề thực hiện phương án bảo vệ môi trường, tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết bảo vệ môi trường… Các cơ quan chức năng của huyện đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong làng nghề hoặc cơ sở sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư. Qua đó, đánh giá mức độ ô nhiễm, tình trạng xử lý chất thải, công khai, minh bạch thông tin về mức độ ô nhiễm và cập nhật thông tin làng nghề ô nhiễm nặng. Đặc biệt, huyện xây dựng được phương án bảo vệ môi trường cho 42/43 làng nghề truyền thống. Nhiều công ty, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm được nhắc nhở, không chấp hành khắc phục còn bị xử phạt. Hàng năm, huyện đều lập và thực hiện kế hoạch đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình bảo vệ môi trường đối với các điểm tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bảo đảm điều kiện về môi trường; khuyến khích các làng nghề thành lập tổ tự quản về bảo vệ môi trường; xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường tại các làng nghề trên địa bàn. Nhờ vậy, bộ mặt của làng quê ngày một đổi mới, đời sống người dân được nâng cao. Riêng tại xã Phú Yên, thực hiện chỉ đạo của huyện Phú Xuyên về đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường đến các hộ làm nghề, Ủy ban nhân dân xã Phú Yên đã giao cho lãnh đạo các thôn đến từng hộ sản xuất vận động ký cam kết không đổ chất thải ra môi trường. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân xã liên hệ với doanh nghiệp có chức năng xử lý chất thải công nghiệp về thu gom với mức giá 13,2 triệu đồng/tháng/làng nghề. Đến nay, xã Phú Yên đã áp dụng phân loại chất thải ở 4 làng nghề, với hàng nghìn hộ dân tham gia, tổng khối lượng chất thải thu gom được hơn 400 tấn/năm, đường làng, ngõ xóm trong xã đã phong quang, sạch đẹp hơn… Trong khi đó, tại làng nghề sản xuất túi xách bằng da thôn Thao Ngoại (xã Sơn Hà, huyện Phú Xuyên), hàng tuần, Ủy ban nhân dân xã Sơn Hà giao Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên xã thu gom, phân loại chất thải rắn, vỏ chai nhựa… bán gây quỹ giúp đỡ các hộ khó khăn. Hiện tại, việc làm này đã tạo thành phong trào có tính lan tỏa, thu hút hơn 100 cơ sở sản xuất túi xách ở thôn Thao Ngoại tham gia, góp phần hạn chế thấp nhất tình trạng đốt chất thải.
Huyện Thanh Oai có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, công tác bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế từ làng nghề luôn được chú trọng, phát triển kinh tế xanh gắn với bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp đang là giải pháp hàng đầu của địa phương. Để khai thác nguồn lực từ các làng nghề, giữ nghề truyền thống và bảo vệ môi trường, huyện đã xây dựng và đưa vào hoạt động 3 cụm công nghiệp làng nghề: Cụm công nghiệp Thanh Oai, cụm công nghiệp Bích Hòa và cụm công nghiệp làng nghề Thanh Thùy. Hiện tại, trên địa bàn huyện có cụm công nghiệp Bình Minh - Cao Viên với quy mô 41,339 ha đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật và 5 cụm công nghiệp đã được thành phố có quyết định thành lập, đang trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Khi các cụm công nghiệp này đi vào hoạt động, huyện sẽ giải quyết hiệu quả bài toán ô nhiễm môi trường của làng nghề. Riêng tại xã Thanh Thùy, toàn xã có 5 thôn có nghề cơ khí và 1 thôn có nghề điêu khắc mỹ nghệ với hơn 2.000 hộ gia đình làm nghề. Doanh thu làng nghề của xã đạt bình quân hơn 500 tỷ đồng mỗi năm. Trước đây, có thời điểm ô nhiễm môi trường tại làng nghề Thanh Thùy gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Kiên trì với phương châm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”, xã đã xây dựng Quy ước bảo vệ môi trường làng nghề, mở các lớp tập huấn giúp người dân nâng cao kỹ năng sản xuất và ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt, xã Thanh Thùy đã hoàn thành xây dựng cụm công nghiệp làng nghề (giai đoạn 1) quy mô 5,5ha và đưa vào sử dụng có hiệu quả, bảo đảm sinh kế cho người dân.
Sản phẩm nón lá làng Chuông (huyện Thanh Oai) đã có mặt khắp cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, ngày 3/10/2023, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đã ký Quyết định số 4968/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025. Quyết định nhằm mục đích đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sự quan tâm và phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân trong quá trình triển khai thực hiện.Tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội cho công tác bảo vệ môi trường, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố. Hướng tới phát triển nên nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn Thủ đô. Theo đó, về bảo vệ môi trường làng nghề, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 100% chất thải rắn và 50% nước thải sản xuất của các làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận được thu gom và xử lý theo quy định. Trước đó, tại Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 28/4/2023 ban hành Danh mục, lộ trình và kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Kế hoạch đặt mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu (đến hết năm 2025) gồm: 100% làng nghề đã được công nhận trên địa bàn thành phố được đánh giá, phân loại theo quy định hiện hành; phấn đấu 100% làng nghề được công nhận của Hà Nội đáp ứng các điều kiện về bảo vệ môi trường. Định hướng đến năm 2030, bảo đảm 100% làng nghề của Hà Nội được công nhận đáp ứng đầy đủ các điều kiện về bảo vệ môi trường, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn thành phố. Lộ trình đến năm 2025, thành phố lập, thẩm định và phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề và tổ chức triển khai thực hiện phương án đã được duyệt bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường làng nghề đáp ứng các tiêu chí về môi trường đối với các làng nghề được công nhận theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Thường xuyên tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường và xử lý ô nhiễm môi trường đối với các làng nghề nhằm ngăn ngừa nguy cơ suy thoái, ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu các hộ sản xuất trong làng nghề đảm bảo đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định…
Để đạt được những mục tiêu trên, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề theo các Quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; Khuyến khích đầu tư, nâng cấp, xây dựng và vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải, chất thải rắn tại các làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; đưa vào danh sách kêu gọi đầu tư đối với danh mục xây dựng các trạm xử lý nước thải làng nghề tại các làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; Tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, các hộ sản xuất, kinh doanh về bảo vệ môi trường làng nghề; Hướng dẫn các làng nghề xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải, các biện pháp công nghệ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường…
Hương Đỗ
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)