Banner trang chủ

Trà Vinh: Hướng tới xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn văn minh

22/12/2023

    Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm 7 huyện, 1 thị xã, 1 thành phố với 106 xã, phường, thị trấn. Những năm qua, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào được cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia bằng nhiều hành động, việc làm cụ thể, thiết thực. Nhờ đó, Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo động lực để tỉnh tiếp tục nỗ lực, cán đích NTM trước khi kết thúc giai đoạn 2021 - 2025.

    Nhiều kết quả tích cực và toàn diện

    Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Trà Vinh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo Báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình từ tháng 7/2021 - 3/2023 cho thấy, Trà Vinh đã đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện trong xây dựng NTM. Cụ thể:

    Trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực hiện Chương trình: Ban Chỉ đạo các cấp đã tổ chức lồng ghép được 1.223 cuộc vận động, tuyên truyền với 25,17 nghìn lượt người tham dự. Nội dung tuyên truyền, vận động chủ yếu xoay quanh chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và xây dựng đời sống văn hóa; các nội dung thực hiện tiêu chí xã, huyện NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu… Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã xây dựng và ban hành kế hoạch tập huấn tuyên truyền, nâng cao năng lực cho cán bộ các cấp với 51 lớp tập huấn và hơn 1,5 nghìn lượt người tham dự; kiện toàn, thành lập hệ thống bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo lập kế hoạch, thẩm định, phê duyệt, phân bổ, giao vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 325,91 tỷ đồng (100% kế hoạch); ngân sách tỉnh phân bổ vốn đầu tư đối ứng thực hiện Chương trình là 550 tỷ đồng.

    Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp: HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 54/NQ-HĐND ngày 9/12/2022 thông qua Đề án xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025. Tính đến tháng 3/2023, toàn tỉnh có 6/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Ngày 2/6/2023, 2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải chính thức được công nhận đạt chuẩn NTM, nâng số huyện đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 8 huyện; có 82/85 xã đạt chuẩn NTM, chiếm tỷ lệ 96,47%; 27 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 632/641 ấp đạt chuẩn ấp văn hóa và ấp NTM (tăng 24 ấp so với cuối năm 2021), đạt 98,6%, trong đó có 53 ấp NTM kiểu mẫu (tăng 45 ấp so với cuối năm 2021); 218.997/229.418 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa, NTM, đạt 95,46% (tăng 5.680 hộ so với cuối năm 2021).

Ông Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy (bên phải) và ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh (bên trái)

trao quyết định công nhận huyện Cầu Ngang đạt chuẩn NTM năm 2022

    Về kết quả thực hiện các nội dung thành phần, chương trình chuyên đề: Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 85/85 xã đã rà soát, điều chỉnh, lập mới quy hoạch chung xây dựng NTM, chiếm tỷ lệ 100%. Với sự hỗ trợ từ nguồn vốn của địa phương và lồng ghép các chương trình, dự án, Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã tích cực vận động nhân dân hiến đất, kinh phí, ngày công lao động… để thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng nhằm hoàn thiện từng tiêu chí. Nhờ đó, tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng trên 56 dự án giao thông với tổng chiều dài trên 952,79 km đường và 140 cầu; kiểm tra, đánh giá, công nhận 82/85 xã đạt Tiêu chí số 2 NTM về giao thông (đạt 96,47%); công nhận 27/85 xã đạt Tiêu chí số 2 NTM nâng cao (chiếm tỷ lệ 31,76%); có 8 đơn vị hành chính cấp huyện đạt Tiêu chí số 2. Ngoài ra, tỉnh đã thực hiện  nạo vét 84 tuyến kênh cấp II, sửa chữa và thay mới 10 cửa cống, đầu tư xây dựng 499 công trình mới; 85/85 xã đạt Tiêu chí số 3 về thủy lợi. Mặt khác, nhằm nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng điện trên địa bàn các xã xây dựng NTM, năm 2022, Trà Vinh thực hiện chủ trương xóa dần việc bán điện qua hình thức câu phụ cho 5.734 hộ dân, đạt Tiêu chí số 4 về điện. Năm 2022, 19 trường học được công nhận và tái công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh lên 162/402 trường, đạt tỷ lệ 40,3%. Tỉnh cũng đầu tư xây mới 11 trạm y tế; nâng cấp, cải tạo 18 trạm y tế và mua sắm trang thiết bị.

    Thực hiện nhiệm vụ phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân: Trà Vinh đã chuyển 3,14 nghìn ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và nuôi trồng thủy sản. Với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), năm 2022, Trà Vinh công nhận thêm 104 sản phẩm mới, nâng tổng số sản phẩm được công nhận OCOP toàn tỉnh lên 184 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm đạt 5 sao, 38 sản phẩm 4 sao và 137 sản phẩm 3 sao. Số Hợp tác xã (HTX) thành lập mới trong năm 2022 là 23 HTX, vượt 130% kế hoạch, tăng 21% so với cùng kỳ.

    Công tác phát triển y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn: Toàn tỉnh hiện có 928,64 nghìn người tham gia bảo hiểm y tế (đạt 92,13%); 97/97 xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế năm 2021. Chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn ngày càng được nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy theo hướng bền vững gắn với du lịch nông thôn. Toàn tỉnh có 752/756 ấp, khóm văn hóa; 85/85 xã văn hóa NTM; 19/21 phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; 103/106 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 753/756 nhà văn hóa ấp, khóm; 1.162/1.200 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; 8 Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao cấp huyện. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức thực hiện 46 chương trình, dự án/nhiệm vụ, trong đó có một số nhiệm vụ, dự án góp phần thực hiện tiêu chí NTM có liên quan bằng nguồn vốn kinh phí sự nghiệp BVMT (khoảng hơn 12 tỷ đồng). Đến thời điểm rà soát, 100% người dân nông thôn đã được dùng nước hợp vệ sinh, 77,2% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch; 63/85 xã đạt Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm; 13 xã đang hoàn thiện và chờ gửi báo cáo đánh giá.

    Tập trung nguồn lực, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trước thời hạn

    Nhìn chung, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025 được thực hiện trên cơ sở tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được của giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, Trà Vinh phấn đấu quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước khi kết thúc giai đoạn 2021 - 2025. Để hiện thực hóa nhiệm vụ này, UBND tỉnh Trà Vinh đã ban hành Quyết định số 852/QĐ-UBND ngày 1/6/2023 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025 (Đề án). Mục đích nhằm đảm bảo thực sự nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh và được tiến hành đồng loạt ở tất cả các xã trong tỉnh. Thực hiện đồng bộ tất cả các tiêu chí trên cơ sở kế thừa, lồng ghép với các chương trình, dự án, cuộc vận động, phong trào quần chúng đang được triển khai ở nông thôn, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Tập trung nguồn lực, có trọng tâm, trọng điểm để dồn sức hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025. Đề án đặt ra mục tiêu chung là tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, chú trọng xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu từ tỉnh đến cơ sở một cách đồng bộ, gắn với thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại, đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu trước năm 2025, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% huyện đạt chuẩn NTM, 20% huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Về lộ trình cụ thể, năm 2023, Trà Vinh quyết tâm đưa huyện cuối cùng của tỉnh là Trà Cú đạt chuẩn NTM (9/9 đơn vị cấp huyện); huyện Cầu Kè đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 50%. Năm 2024, tỉnh phấn đấu có thêm huyện Tiểu Cần đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao lên 60%. Đến năm 2025, có thêm huyện Càng Long đạt chuẩn NTM nâng cao, 70% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và có thêm 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Một tuyến đường nông thôn ở huyện NTM Tiểu Cần

    Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Trà Vinh tập trung nhiều giải pháp, huy động các nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để hỗ trợ các địa phương hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tăng cường vận động các tổ chức kinh tế, người dân đóng góp xây dựng NTM theo tinh thần tự nguyện… Từ nay đến năm 2025, tỉnh tập trung thi đua phát triển kinh tế, đổi mới tổ chức sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hướng liên kết sản xuất; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất.

    Cùng với đó, thi đua thực hiện hiệu quả những chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đề tồn tại trong xây dựng NTM như: Thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh; phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tăng cường BVMT, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM kiểu mẫu…

    Phát huy vai trò người có uy tín

    Trà Vinh có dân số trên 1 triệu người, với 3 dân tộc chính là: Kinh, Khmer, Hoa, trong đó, dân tộc Khmer chiếm trên 31% dân số. Người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) luôn phát huy cao vai trò, là cầu nối quan trọng giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và đồng bào DTTS; đồng thời, đóng góp tích cực trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của địa phương.

    Thông qua tín nhiệm, bầu chọn của người dân, tỉnh hiện có 429 người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS. Họ là những người có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng và có sức lan tỏa trong cộng đồng như các đồng chí cách mạng lão thành, cán bộ hưu trí, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ban nhân dân ấp, khóm và những người sản xuất, kinh doanh giỏi. Cùng với việc tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người có uy tín còn đóng góp vào công tác an sinh xã hội, góp phần giữ gìn an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc... Họ luôn phối hợp với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể ở địa phương làm tốt vai trò nòng cốt trong các phong trào như Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng NTM, đô thị văn minh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

    Trong xây dựng NTM, người có uy tín luôn tích cực vận động đồng bào DTTS thi đua lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, giảm nghèo; gương mẫu đi đầu thực hiện các mô hình sản xuất để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, hiến đất làm đường giao thông... Thời gian qua, người có uy tín trong tỉnh đã trực tiếp đóng góp trên 15.000 ngày công lao động, trên 6,2 tỷ đồng thực hiện các công trình giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng…; xây dựng 129 mô hình kinh tế hộ theo hướng phát triển bền vững và hướng dẫn, động viên 1.530 hộ làm theo. Ngoài ra, người có uy tín còn phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 4 tổ hợp tác đan lát với 54 hộ tham gia; thực hiện 5 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, 4 mô hình trồng rau an toàn, 2 mô hình trồng ớt chỉ thiên. Đặc biệt, với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, người có uy tín còn vận động những hộ có điều kiện cho hộ nghèo mượn 157.450 m­­2 đất để sản xuất; vận động, xây cất 15 nhà tình thương, 2 nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở; hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học gần 1,3 tỷ đồng; quyên góp được 1.500 phần quà từ các nhà hảo tâm để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo và tài trợ mổ mắt miễn phí cho người nghèo…

    Thời gian tới, người có uy tín tỉnh Trà Vinh sẽ tiếp tục phát huy vai trò trên các lĩnh vực đời sống xã hội, hướng dẫn, động viên nhân dân thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Nguyễn Thị Ngọc Mai

Hội Nông dân Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số Chuyên đề Tiếng việt IV/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương)

Ý kiến của bạn