06/08/2024
Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ban hành và triển khai nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật để phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX), nổi bật là Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Kết luận số 70-KL/TW ngày 9/3/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT trong giai đoạn mới; Quốc hội đã ban hành Luật HTX vào các năm 1996, 2003, 2012 và 2023. Cơ sở chính trị, pháp lý để phát triển KTTT, HTX đã tương đối đầy đủ và đã xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của thành phần KTTT, HTX đối với phát triển kinh tế của quốc gia nói chung và trong cơ cấu nền kinh tế của đất nước. Nhận thức được tầm quan trọng của KTTT, TP. Hà Nội đẩy mạnh phát triển KTTT với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, mà nòng cốt là HTX, dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc các thành phần kinh tế, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong quá trình kiến tạo và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Gà đồi Ba Vì là thương hiệu được người tiêu dùng tin tưởng với giá cả phải chăng và dễ tìm mua
Tính đến tháng 8/2024, TP. Hà Nội có 1.498 HTX nông nghiệp. Các HTX trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Nhằm khuyến khích phát triển mới các tổ chức KTTT, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTTT, HTX; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên, đồng thời nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của các HTX, liên hiệp HTX… ngày 24/4/2024, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 127/KH-UBND về phát triển KTTT, HTX trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2024. Kế hoạch đặt ra mục tiêu tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức KTTT, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội; Từng bước tháo gỡ vướng mắc cho khu vực KTTT; hướng dẫn, vận động giải thể các HTX ngừng hoạt động trên địa bàn, tạo dư địa thành lập mới các HTX; Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án về hỗ trợ, phát triển KTTT, HTX trên địa bàn Thành phố; Củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX, HTX nông nghiệp tích cực đóng góp trong việc tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống cho các thành viên HTX. Trước đó, ngày 5/9/2023, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4381/QĐ-UBND phê duyệt Đề án hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, tháng 12/2022, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 4764/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh sách các HTX thí điểm tham gia Đề án lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn TP. Hà Nội. HTX tham gia Đề án này phải thực hiện các điều kiện như hoạt động theo quy định Luật HTX năm 2012; đang hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển theo các mô hình được đề án lựa chọn; bảo đảm tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho các thành viên theo quy định của pháp luật; kinh doanh hiệu quả, có lãi liên tục trong 3 năm tài chính gần nhất. Theo Quyết định, UBND TP. Hà Nội chọn 19 HTX thí điểm tham gia đề án. Có thể kể đến HTX Nông nghiệp Tam Hưng (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai); HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa); HTX Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú, huyện Ứng Hòa); HTX Quản lý và cung cấp dịch vụ nhà ở Thụy Điển (quận Cầu Giấy); HTX Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm); HTX Sản xuất và Dịch vụ Đa Phúc (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai); HTX Nông nghiệp xã Vân Nam (xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ)… Việc xây dựng các mô hình HTX kiểu mới nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức và tạo sức hút để người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia liên kết với HTX. Từ đó, làm cơ sở để nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy khu vực kinh tế tập thể, HTX phát triển.
Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, qua hơn 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả KTTTcủa Hà Nội cho thấy, KTTTđã có bước chuyển biến rõ rệt, mang lại hiệu quả cao. Hà Nội là địa phương có số lượng HTX dẫn đầu cả nước. Các HTX - nòng cốt của KTTT chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tổ chức, quy mô và nội dung hoạt động đa dạng. Việc thành lập các tổ hợp tác đã đáp ứng và khắc phục được khó khăn của kinh tế hộ như thiếu vốn, công cụ, kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, sức cạnh tranh trên thị trường. Nhiều HTX hoạt động hiệu quả, xây dựng được các mô hình đem lại giá trị kinh tế cao, không những đóng góp vào sự phát triển của đất nước mà còn giúp tăng thu nhập cho thành viên, người lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững và ổn định chính trị, an sinh, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. Tiêu biểu như HTX Cuối Quý, HTX Hoa lan Đan Hoài, huyện Đan Phượng; HTX Công nghệ cao Thăng Long; HTX Rau củ quả Hồng Thái, huyện Phú Xuyên; HTX Sông Hồng, huyện Đông Anh; HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì; HTX Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn, huyện Gia Lâm; HTX rau quả sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ…
Giám đốc HTX chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Ba Vì Nguyễn Văn Tài chia sẻ, nhờ đầu tư công nghệ, xây dựng hệ thống chuồng trại quy mô khép kín, chất lượng sản phẩm bảo đảm, thương hiệu “Gà đồi Ba Vì” ngày một tiêu thụ mạnh. HTX đang tích cực xây dựng chuỗi liên kết với nhiều đối tác như hệ thống siêu thị Metro, Lan Chi mart, Vinmart, Lotte; làm việc với chuỗi siêu thị Bác Tôm, hệ thống nhà hàng Pao Quán... để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Giám đốc HTX rau quả sạch Chúc Sơn cho hay, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận và áp dụng công nghệ viễn thám, nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; hệ thống camera giám sát đồng ruộng; tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu; hệ thống quan trắc thời tiết áp dụng vào sản xuất rau an toàn. HTX đặt ra mục tiêu nâng cao năng suất, đảm bảo cung ứng ra thị trường 5 tấn rau mỗi ngày, đưa thương hiệu rau quả sạch Chúc Sơn trở thành sản phẩm chất lượng cao mang lại sức khỏe cho cộng đồng và cùng nông dân Chương Mỹ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
HTX Nông nghiệp Sông Hồng được tôn vinh “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2022”
Phát triển KTTT, HTX là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa, là đòi hỏi khách quan trong thực tiễn của đời sống xã hội. TP. Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 tư vấn, hỗ trợ trong việc thành lập mới ít nhất 14 HTX, 290 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và tăng ít nhất 50 HTX, 1.000 tổ hợp tác vào năm 2030; đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 15 HTX nông nghiệp do các cấp Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập vào năm 2025 và tăng lên 100 HTX vào năm 2030. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội Nông dân thành phố thực hiện các hoạt động của kế hoạch theo lĩnh vực hỗ trợ phát triển KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, đề án có liên quan đến lĩnh vực KTTT, HTX. Đồng thời, tổ chức lồng ghép, liên kết đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho tổ hợp tác, HTX nông nghiệp và thành viên về kỹ năng quản trị kinh doanh, quản lý điều hành sản xuất, chuyên môn, nghiệp vụ để bảo đảm hiệu quả, không trùng lặp...
Hồng Cẩm
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)