Banner trang chủ

Tỉnh Điện Biên: Chú trọng thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

01/12/2023

    Theo Báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, tính đến đầu tháng 10/2023, toàn tỉnh có 44 xã đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là xã Lay Nưa (thị xã Mường Lay). Số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM kiểu mẫu là 125 thôn, bản thuộc các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Chà. Bình quân số tiêu chí NTM của cấp xã trong toàn tỉnh là 13,51 tiêu chí/xã (so với năm 2022 tăng 0,44 tiêu chí); tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 36,57%... Điều này cho thấy, sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp chính quyền và người dân tỉnh Điện Biên đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người dân khu vực nông thôn và biên giới, cảnh quan môi trường cũng ngày càng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

    Đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo cán đích NTM đúng lộ trình

    Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Điện Biên thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cũng như khó khăn, vướng mắc nhất định: Toàn tỉnh hiện còn 52 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 14 xã mới đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 4 huyện (Điện Biên Đông, Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa) chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM. Thực tế này đòi hỏi các cấp, các ngành cần chủ động vào cuộc, tìm giải pháp khắc phục khó khăn nội tại; đồng thời, tranh thủ nguồn lực đầu tư thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án cải thiện hạ tầng nông thôn, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống để chủ động vươn lên thoát nghèo.

    Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đặt ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, trước mắt là đến cuối năm 2023 là có thêm hai xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 15 xã được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn giảm còn 32%; hoàn thành mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn giao năm 2023 và năm 2022 chuyển tiếp… Vừa qua, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành văn bản chỉ đạo các ngành thành viên Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh phải tăng cường các giải pháp để hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nội dung tiêu chí NTM; thường xuyên đôn đốc tiến độ giải ngân các nguồn vốn. Đồng thời, chủ động chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia được UBND tỉnh giao năm 2023 cho các cơ quan, đơn vị. Riêng với Sở NN&PTNT, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, kịp thời tổng hợp khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, chủ động giải quyết theo thẩm quyền; trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét chỉ đạo… Với các huyện có xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao trong năm 2023, UBND tỉnh Điện Biên yêu cầu UBND huyện, xã tiếp tục chỉ đạo triển khai hoàn thiện, duy trì các tiêu chí; có hình thức khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân, cộng đồng thôn, bản có đóng góp tích cực trong phong trào xây dựng NTM ở địa phương… Phấn đấu hết năm 2023, có thêm hai xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM và 12 xã cơ bản đạt chuẩn.

Diện mạo tỉnh Điện Biên ngày càng khởi sắc

    Theo đó, trong 3 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM; tiếp tục chỉ đạo các xã đã được công nhận đạt chuẩn duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí, đến cuối năm 2023 các xã phải bảo đảm duy trì đạt 19/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM. Huyện Điện Biên, TP. Điện Biên Phủ là hai địa phương có hai xã  Noong Hẹt và Thanh Minh đã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, chính quyền địa phương cần khẩn trương thực hiện các giải pháp để hoàn thành mục tiêu, đồng thời triển khai tổ chức tự đánh giá mức độ đạt chuẩn các tiêu chí, cũng như các điều kiện khác theo quy định để đề nghị thẩm tra, thẩm định, công nhận. Với 15 xã đã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, gồm: Noong U, Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông); Hẹ Muông, Hua Thanh, Na Tông (huyện Điện Biên); Hừa Ngài, Mường Tùng (huyện Mường Chà); Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé); Ẳng Cang (huyện Mường Ảng); Chiềng Sinh, Mùn Chung (huyện Tuần Giáo); Mường Đun (huyện Tủa Chùa), UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện chỉ đạo các xã tập trung hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu theo quy định.

    Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề  nghị các Sở, ban/ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh phải chủ động hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các nội dung, tiêu chí; chủ động nắm bắt vướng mắc, khó khăn của cơ sở để có biện pháp tháo gỡ kịp thời; chịu trách nhiệm giải trình cụ thể trước UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh về mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

    Điểm sáng về thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

    Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân đối với công tác BVMT, từ đó làm thay đổi thói quen, tập quán của cộng đồng và được những kết quả khả quan. Toàn tỉnh hiện có 69/115 xã đạt Tiêu chí số 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM.

Người dân vệ sinh đường làng, ngõ xóm

    Báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Sở NN&PTNT tỉnh Điện Biên về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 18/7/2021 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh cho thấy, nội dung về nâng cao chất lượng môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn và khôi phục cảnh quan của nông thôn Việt Nam (nội dung thành phần số 7) đã có những kết quả rõ nét. Công tác vệ sinh môi trường sinh thái vùng nông thôn luôn được quan tâm chỉ đạo thực hiện; các địa phương đã tích cực, chủ động xây dựng khu thu gom rác thải tập trung, ra quân vệ sinh đường làng, ngõ xóm, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh, tích cực tuyên truyền tới người dân và các tổ chức, cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chấp hành các quy định pháp luật về BVMT và vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Toàn tỉnh hiện có 76/115 xã đạt tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn trên 30%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT đạt 99/115 tổng số xã (chiếm tỷ lệ 85,2%); cảnh quan, không gian Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn, không để xảy ra tồn đọng nước thải sinh hoạt tại các khu dân cư tập trung đạt 98/115 tổng số xã (chiếm tỷ lệ 66,9%). Bên cạnh đó, 81/115 xã có đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn; 85/115 xã thực hiện mai táng, hỏa táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch môi trường; 62/115 xã đạt tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; 83/115 xã đạt tỷ lệ cơ sở chăn nuôi đảm bảo các quy định về vệ sinh thú y, chăn nuôi và BVMT; 114/115 xã đạt tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt 85/115 tổng số xã, tỷ lệ 73,9%; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt 90/115 tổng số xã, (chiếm 78,2%...). Mặt khác, công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các địa phương đã có sự chuyển biến tích cực. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã cơ bản ý thức được trách nhiệm BVMT trong quá trình sản xuất kinh doanh, có báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch BVMT... gửi đơn vị chức năng phê duyệt và nghiêm túc thực hiện.

    Đi đầu trong thực hiện hiệu quả Tiêu chí 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM của tỉnh là huyện Điện Biên, thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, vận động người dân thay đổi nhận thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác BVMT, chung sức cùng cộng đồng cải tạo cảnh quan, nâng cao chất lượng môi trường sống. Theo thống kê, tính đến năm 2022, huyện có 17/21 xã được công nhận cơ bản đạt Tiêu chí về môi trường; trên 90% số hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các công trình vệ sinh môi trường cho hộ gia đình, xây dựng bể thu gom rác thải tại các xã trên địa bàn huyện được các cấp chính quyền chú trọng thực hiện.

    Ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Mường Pồn, huyện Điện Biên chia sẻ, xác định môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xã đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, các chương trình hành động, đồng thời, xây dựng kế hoạch BVMT hàng năm để triển khai rộng khắp đến tất cả các đơn vị trên địa bàn xã. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể xã tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh, lắp đặt panô, khẩu hiệu; thực hiện các mô hình trồng hoa ven đường, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật… Kết quả, năm 2022, xã đã được công nhận đạt chuẩn về Tiêu chí môi trường, với trên 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt gần 80%.

    Tại thôn 7, xã Thanh Xương, toàn thôn 7 có 87 hộ, gần 400 nhân khẩu là đồng bào Kinh và Thái cùng sinh sống. Năm 2019, Chi ủy và Ban Phát triển thôn đã chủ động đăng ký với UBND xã Thanh Xương xây dựng thôn 7 trở thành thôn NTM kiểu mẫu. Thực hiện Tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, Chi bộ thôn 7 đã có các giải pháp đồng bộ, từ xây dựng hố rác công cộng, đến thành lập các tổ tự quản BVT ở thôn, bản. Đồng thời, tích cực vận động người dân xây dựng môi trường, cảnh quang thôn, bản xanh, sạch, đẹp. Mỗi thôn, bản đều có đội tự quản giữ gìn vệ sinh đường làng ngõ xóm, thực hiện nghiêm túc các quy định về vệ sinh môi trường của xã đề ra. Ngoài ra, người dân trong thôn đã đóng góp 800 triệu đồng và tự nguyện hiến hơn 800 m2 đất vườn để mở rộng mặt đường ngõ xóm từ 2 m lên 3,5m; đối với đường trục thôn mở rộng từ 3 m lên 4,5 m. Các tổ chức hội, đoàn thể còn trực tiếp đôn đốc, điều hành việc thắp sáng đèn đường, thu gom rác thải, ra quân vệ sinh, BVMT khu vực sinh sống. Ngày 3/4/2021, xã Thanh Xương đã tổ chức Lễ công bố thôn 7 đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đây là một trong 10 thôn, bản đầu tiên của huyện Điện Biên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

    Có thể nói, công cuộc xây dựng NTM ở Điện Biên dưới sự dẫn đường của các cấp chính quyền cũng như sự chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân đến nay đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Minh chứng rõ nét là nhiều bản làng đang ngày một khởi sắc, bừng sáng ở miền biên giới. Tuy nhiên, xây dựng NTM là quá trình có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc. Các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Điện Biên cần tiếp tục củng cố, nâng cao các tiêu chí NTM đã đạt được, bắt tay vào thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ mới về NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025. Bằng sự đồng thuận ý Đảng lòng dân, chắc chắn trong tương lai không xa, đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên sẽ thắp lên những bản làng sáng tươi, giàu đẹp của NTM trong thời đại mới. 

Hoàng Đàn

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn