09/02/2023
Theo số liệu của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Hà Nội quy tụ nhiều làng nghề - khoảng 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, theo thời gian, một số làng nghề, làng có nghề đã bị mai một. Hiện thành phố chỉ còn 806 làng nghề và làng có nghề, trong đó, có 321 làng đã được UBND TP. Hà Nội công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề của cả nước gồm 48 làng nghề truyền thống, 273 làng nghề. Du lịch vốn được xem là thế mạnh của Hà Nội với nhiều loại hình như du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái… và du lịch làng nghề cũng trở thành một hướng đi triển vọng để thu hút du khách hiện nay. Các làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội ngày càng hấp dẫn du khách bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng. Du khách đến với làng nghề Hà Nội không chỉ được ngắm cảnh quan của một làng quê đặc trưng vùng đồng bằng Bắc bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, mà còn được tham quan nơi sản xuất, trực tiếp tiếp xúc với thợ thủ công và tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất các sản phẩm. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của du lịch làng nghề.
Bát Tràng - Điểm du lịch làng nghề tiêu biểu của Hà Nội
Sản phẩm truyền thống và nghề truyền thống được kết tinh từ sự tài hoa của những người thợ, từ truyền thống văn hóa từ ngàn đời nay. Nhiều làng nghề trên địa bàn Thành phố đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để khai thác tiềm năng du lịch và đã có những thành công bước đầu, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, tiêu biểu như làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc… đã và đang thành công trong việc phát triển du lịch khi đón nhiều lượt khách du lịch trong ngày với các hoạt động tham quan nơi sản xuất, mua hàng làm quà lưu niệm… Bên cạnh đó, nhiều làng nghề lâu đời khác như mây tre đan Phú Vinh (huyện Chương Mỹ), thêu Quất Động (huyện Thường Tín), tò he Xuân La, khảm trai Chuôn Ngọ (huyện Phú Xuyên), làng Kiêu Kỵ (nơi duy nhất trong cả nước làm nghề vàng, bạc quỳ), phường rối Chàng Sơn (huyện Thạch Thất... cũng có tiềm năng lớn trong việc phát triển trở thành điểm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững.
Nhắc đền làng nghề truyền thống Hà Nội, người ta thường nghĩ ngay đến làng nghề gốm sứ Bát Tràng. Trải qua bao nhiêu biến cố, thăng trầm của lịch sử, làng nghề Bát Tràng vẫn giữ được những nét truyền thống vốn có của một nghề làm đẹp từ đất. Cả xã Bát Tràng có tới hơn 200 doanh nghiệp, hơn 1.000 gia đình sản xuất, kinh doanh gốm sứ, trong đó, có 140 nghệ nhân và hàng ngàn thợ giỏi. Nghề gốm đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động trong và ngoài địa phương. Tháng 10/2019, Bát Tràng đón nhận Quyết định công nhận điểm du lịch của UBND TP. Hà Nội. Đây là kết quả của quá trình giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề gốm truyền thống của ông cha để lại, sự tiếp thu đổi mới công nghệ sản xuất, thay đổi nâng cao chất lượng mẫu mã sản phẩm của hơn 1.000 hộ đang sản xuất, kinh doanh gốm sứ và việc người dân chủ động, tự giác và tích cực tham gia phát triển du lịch quảng bá thương hiệu, quảng bá làng nghề. Trong phương án phát triển du lịch làng nghề Bát Tràng, UBND xã Bát Tràng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0 triển khai đầu tư hệ thống "Du lịch thông minh" với việc xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên số, bản đồ số về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, du lịch, dịch vụ, thương mại dưới dạng phim 3D, băng âm thanh, hình ảnh, văn bản (Audio guide & Multimedia); phần mềm du lịch thông minh ứng dụng trên thiết bị thông minh (SmartTour Apps)...; duy trì và khai thác có hiệu quả Cổng thông tin điện tử tổng hợp Bát Tràng; phát triển 2 "Trung tâm thông tin du lịch Bát Tràng, Giang Cao", tạo mã QR giới thiệu các di tích bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đặc biệt, nhằm tạo thêm sự hút cho du lịch Bát Tràng, chính quyền xã còn tổ chức tuyên truyền, nhân rộng vẽ tranh bích họa tạo cảnh quan đẹp, thân thiện, hấp dẫn du khách; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, không đổ rác ra ngoài đường, ngõ, xóm; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, giữ gìn môi trường cảnh quan chung, vận động các hộ gia đình có hố ga lắng cặn trước khi xả nước thải vào hệ thống tiêu thoát nước chung…
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn khám phá làng nghề và đam mê các sản phẩm mây tre đan
Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Xã Phú Nghĩa có 7/7 làng làm nghề mây tre đan với 90% số hộ tham gia, trong đó, có 3 làng được công nhận là làng nghề (Phú Vinh, Quan Châm, Khê Than). Ngoài ra, nghề mây tre đan còn phát triển nhanh ở các thôn/xã như Đồng Trữ, Ninh Sở, Bằng Sở, Phú Túc, Phú Xuyên, Quang Phú Cầu. Nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của làng nghề Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước, được xếp vào nhóm các hàng hóa xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay. Không chỉ là một nơi để mua sắm, làng mây tre đan Phú Vinh còn là một điểm đến lý tưởng để khám phá và hiểu rõ hơn về nghệ thuật truyền thống này. Du khách có thể tham gia vào các khóa học và buổi thực hành để trải nghiệm quá trình làm mây tre đan và tìm hiểu về kỹ thuật và sự độc đáo của nghệ thuật này. Bằng cách này, họ có thể tạo ra những món đồ nhỏ và mang về những kỷ niệm đáng nhớ về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Làng mây tre đan Phú Vinh cũng là một điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tránh xa sự ồn ào của thành phố và tận hưởng không gian yên bình, trong lành của ngôi làng truyền thống. Ngoài ra, để phát triển du lịch, làng mây tre đan Phú Vinh cũng đã và đang tổ chức các triển lãm, sự kiện liên quan đến nghệ thuật mây tre đan nhằm quảng bá và giới thiệu văn hóa độc đáo của người Việt Nam. Du khách có thể tham gia vào các hoạt động nghệ thuật, xem trưng bày và trò chuyện với các nghệ nhân để hiểu thêm về quá trình sáng tạo và ý nghĩa của các sản phẩm…
Nặn tò he ở Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian
Trong những năm qua, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề phát triển thông qua thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm tại các vùng nông thôn ngoại thành, thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu qua các năm. Các làng nghề đóng góp khoảng 8 - 10% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn, có gần 200 làng nghề đạt doanh thu từ 10 - 50 tỷ đồng/năm, một số làng nghề đạt doanh thu từ 10.000 - 25.000 tỷ đồng/năm. Năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND Thành phố ban hành các chính sách phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội trong giai đoạn 2021 - 2025 và xa hơn. Theo đó, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực làng nghề; lớp truyền nghề, nhân cấy nghề; đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại làng nghề gắn với thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Thành phố.
Riêng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, theo Chi cục trưởng Nguyễn Văn Chí, trong thời gian qua, Chi cục đã hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề cho 20 làng nghề/10 quận, huyện. 20 làng nghề đã hoàn thiện đủ 5 nội dung, trong đó có 17 làng nghề đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN ra Quyết định chứng nhận đăng ký nhãn hiệu; làng nghề Chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai, xã Minh Khai (huyện Hoài Đức) đang hoàn thiện lại hồ sơ do bị trùng với 1 nhóm sản phẩm đăng ký bảo hộ với sản phẩm miến dong của tỉnh Lạng Sơn, làng nghề Quất cảnh Tứ Liên (quận Tây Hồ). Cùng với đó, để thúc đẩy phát triển làng nghề, trong năm 2022, đơn vị đã triển khai tổ chức 50 lớp tập huấn chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho làng nghề với 2.000 học viên là chủ các cơ sở sản xuất, người lao động tại các làng nghề trên địa bàn 5 huyện: Phú Xuyên, Thường Tín, Thanh Oai, Quốc Oai và Ba Vì. Việc phát triển làng nghề đã và đang tạo nhiều cơ hội việc làm, giúp tăng thu nhập, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Từ những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội”, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển du lịch văn hóa, lấy du lịch văn hóa làm cơ sở, nền tảng phát triển các loại hình du lịch khác và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển du lịch gắn kết với bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, xây dựng nông thôn mới bền vững, làng nghề truyền thống, để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện du lịch Thủ đô Hà Nội cả về quy mô và chất lượng dịch vụ, bảo đảm tính bền vững.
Hồng Cẩm, Đỗ Hương
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)