16/11/2021
Với sự gia tăng dân số, kinh tế và quá trình đô thị hóa, lượng rác thải phát sinh đang gia tăng nhanh chóng trên thế giới. Nhưng trong những năm gần đây, tư duy về quản lý chất thải đã thay đổi, từ “tiêu hủy” đến “quản lý”, “quản lý tổng hợp”, từ “chất thải” đến “coi chất thải là tài nguyên”, từ nền “kinh tế tuyến tính” sang “nền kinh tế tuần hoàn”. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gia tăng, tăng trưởng xanh, thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, trong đó có quản lý và triển khai mô hình thu gom, xử lý rác thải đang được thực hiện ở nhiều quốc gia trên thế giới sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để Việt Nam có thể học tập và áp dụng vào thực tiễn.
Tại Nhật Bản
Đóng góp vào thành công trong hệ thống quản lý, xử lý chất thải rắn (CTR) của Nhật Bản phải kể đến chính sách phân loại rác ngay từ đầu và áp dụng công nghệ xử lý, tái chế rác hiện đại. Với mục tiêu “không rác thải" vào năm 2020, việc phân loại, thu gom, xử lý được Nhật Bản quan tâm thực hiện. Theo đó, rác được phân loại thành rác cháy được, không cháy được, vô cơ không tái chế được và rác tái tạo được, nguy hại, cồng kềnh. Trên mỗi thùng rác đều dán hình ảnh minh họa cho biết thùng rác đó được phép bỏ loại rác nào, vì thế hầu hết các sản phẩm của Nhật Bản đều có hình minh họa thùng rác trên bao bì. Các hộ gia đình ở Nhật đều được phát bảng hướng dẫn phân loại rác chi tiết, trong đó, rác thải từ nhà bếp (chiếm khối lượng nhiều nhất) sẽ được thu gom theo các ngày quy định trong tuần (2-3 lần/tuần). Các loại rác khác sẽ được đóng vào túi, mỗi túi đều ghi tên của các hộ gia đình. Nếu sau khi kiểm tra, túi rác của hộ gia đình nào chưa phân loại đúng sẽ bị trả lại, sau đó, sẽ được nhắc nhở thêm về cách phân loại rác. Các loại túi nhựa, bao bì sẽ được các hộ sửa sạch, treo lên cho khô ráo và cho vào túi mang đến các điểm thu gom. Công tác này sẽ làm cho khâu phân loại và kiểm kê rác thải của các đơn vị xử lý rác thải trở nên đơn giản và nhanh hơn.
Nhật Bản có các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất thế giới về phân loại, tái chế rác thải
Ở vùng nông thôn Nhật Bản, khi vứt rác, đầu tiên mọi người phải kiểm tra xem hôm nay loại rác nào sẽ được phép vứt. Vào các ngày trong tuần sẽ có quy định rõ loại nào sẽ được phép vứt. Tuy nhiên, tùy vào từng địa phương sẽ có lịch vứt rác và cách phân loại rác khác nhau. Khi vứt rác, đầu tiên là phải bỏ rác vào bao, trước ngày thu rom rác phải mang bao rác ra để ở nơi đã được quy định. Ngoài ra, để ngăn ngừa chim hoặc những con vật khác sẽ bới lục thùng rác, có một số vùng nông thôn phải dùng lưới chuyên dụng để trùm lên các bao rác. Rác thải sinh hoạt cháy được xử lý bằng phương pháp “công nghệ đốt hóa lỏng tầng sôi” là chủ yếu. Rác không được đốt trực tiếp vì dễ phát sinh ra các khí độc gây hại đến bầu không khí mà được vùi vào một lớp cát, sau đó sử dụng lưu lượng không khí trong quá trình nung lò và một số hóa chất khác để tiêu hủy. Cụ thể, khi cho rác vào buồng đốt, luồng không khí được nung từ dưới đáy buồng sẽ thổi lên, đẩy những phần rác chưa cháy hết đi lên, sau đó lại quay ngược trở lại phía dưới để đốt thêm một lần nữa. Nhiệt độ của buồng đốt không yêu cầu quá cao, chỉ cần đạt khoảng 800oC nên lượng khí thải độc hại như NO hay SO2 sẽ ít hơn nhiều.
Hàn Quốc
Ở Hàn Quốc, chất thải được quản lý theo hệ thống kép. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm xử lý chất thải sinh hoạt cuối cùng, trong khi đó, người thải chất thải công nghiệp chịu trách nhiệm xử lý cuối cùng. Luật Quản lý chất thải của Hàn Quốc được thành lập năm 1986, thay thế cho Luật BVMT (1963) và Luật Ô nhiễm (1973). Luật này nhằm giảm chất thải chung theo hệ thống phân cấp chất thải (hoặc 3R) tại Hàn Quốc. Luật Quản lý chất thải áp dụng cho một hệ thống phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng, có hiệu lực đối với chất thải sinh hoạt và công nghiệp (hoặc chất thải rắn đô thị). Theo đó, tất cả các chất thải phải được loại bỏ theo quy định của địa phương, các túi đựng chất thải riêng biệt được sử dụng khi các hộ gia đình xử lý chất thải này (gửi đến các cơ sở đốt rác hoặc chôn lấp). Các loại rác thải lớn được yêu cầu phải mua nhãn dán tại các cơ quan quản lý ở địa phương, sau đó được gắn vào vật phẩm trước khi vứt bỏ, hoặc những mặt hàng lớn có thể được giao cho các đại lý thu gom chất thải chuyên dụng.
Một góc đường phố thủ đô Seoul luôn xanh - sạch - đẹp và không rác thải
Trẻ em Hàn Quốc được gia đình và nhà trường giáo dục từ nhỏ về “văn hóa đổ rác” thông qua cách nhận biết các chất liệu, thu gom, phân loại rác và ý thức để rác đúng nơi, đúng chỗ. Màu sắc của túi đựng rác ở mỗi địa phương cũng khác nhau... Từ năm 1993, Hệ thống hoàn trả tiền đặt cọc đã được thông qua để thúc đẩy việc thu gom và tái sử dụng các loại chai lọ đã qua sử dụng bằng cách hoàn trả tiền đặt cọc chai lọ được thu gom cho người tiêu dùng. Việc thu gom rác thải sinh hoạt được quy định theo giờ và ngày cụ thể. Hệ thống phí xử lý chất thải dựa trên khối lượng (VBWF) được Chính phủ Hàn Quốc triển khai năm 1995. Điều này đã được thực hiện trong một nỗ lực để giảm phát sinh chất thải và khuyến khích tái chế. Chất thải được thu gom trong các túi tổng hợp, rác tái chế được phân tách và phân loại trong các thùng tái chế. Tất cả các chất thải (ngoại trừ vật liệu tái chế, vật dụng cồng kềnh và than bánh, than đá) đều được xử lý theo hệ thống VBWF.
Bộ Môi trường Hàn Quốc (MOE) đã thúc đẩy chính sách chống lãng phí năng lượng để tăng tỷ lệ tự cung, tự cấp nhằm giảm chi phí xử lý chất thải thông qua đốt rác và chôn lấp. Để tạo ra điện, nhiên liệu và sưởi ấm, khí thải, phế liệu gỗ, chất thải gia đình và các chất thải khác được chuyển đổi thành năng lượng. Sản xuất năng lượng thông qua chất thải rẻ hơn 10% so với năng lượng mặt trời và rẻ hơn 66% so với năng lượng gió. Điều này chứng tỏ rằng cách sản xuất năng lượng là hiệu quả nhất. Năm 2012, chỉ có 3,18% năng lượng mới và tái tạo được sản xuất, nhưng Chính phủ Hàn Quốc hy vọng sẽ tăng tỷ lệ này lên 20% vào năm 2050. Các công nghệ biến chất thải thành năng lượng có thể được chia thành ba nhóm chính dựa trên quá trình chuyển đổi được sử dụng gồm nhiệt hóa học, hóa lý và sinh hóa. Hơn nữa, việc chôn lấp hợp vệ sinh cùng với việc thu gom và sử dụng khí sinh học được sản xuất là một phần quan trọng trong quản lý chất thải, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Bioethanol được sản xuất từ chất thải thông qua quá trình lên men cũng có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng.
Đài Loan
Đầu năm 1984, Chính phủ Đài Loan đã quan tâm tới quản lý và xử lý CTR. Để quản lý hiệu quả việc xử lý chất thải, Chính phủ Đài Loan đã đưa ra “Kế hoạch quản lý và xử lý chất thải”, bước đầu tập trung vào việc chôn lấp CTR tại các bãi chôn lấp. Năm 1998, Luật về tái chế chất thải được ban hành. Tuy nhiên, đầu những năm 1990 cùng với sự phát triển kinh tế và khoa học công nghệ, Đài Loan đã chuyển từ chôn lấp rác thải lộ thiên sang công nghệ đốt. Nhiều khu vực dân cư tại Đài Loan đã lắp camera nhằm đảm bảo các hộ dân thực hiện đúng quy trình phân loại rác thải. Những người vi phạm lần đầu sẽ được nhắc nhở bằng thông báo, nếu tái diễn thì họ sẽ bị phạt. Chính phủ cũng khuyến khích người dân tố cáo những hành vi vi phạm khi tặng 50% phí phạt cho người tố giác.
Ở đây, mọi loại rác đều phải phân thành ba loại: Một túi để đựng rác có thể tái chế (giấy vụn, báo cũ, chai nhựa, lọ thủy tinh...); một túi là những rác không tái chế và một túi là thức ăn thừa, hay còn gọi là rác nhà bếp. Nếu hộp cơm còn dầu mỡ thì phải dùng nước rửa chén rửa sạch, sau đó để khô rồi mới cho vào túi rác. Luật pháp Đài Loan quy định, người dân phải phân rác thải thành các loại như sau: Loại rác có hình dạng lớn, rác thải được tái sử dụng, thức ăn thừa và rác thải khác. Rác thải được các hộ gia đình phân loại thành các loại riêng, hàng ngày vào khung giờ cố định sẽ có 2 xe rác đi cùng nhau đến các điểm ở khu dân cư để thu gom rác. Xe rác thường có dòng chữ "Không phân loại rác, không được vứt rác". Khi xe rác đến, túi rác tái chế sẽ được đưa tận tay cho nhân viên vệ sinh, rác không tái chế có thể trực tiếp vứt vào xe, còn xô thức ăn thừa thì đổ vào thùng đựng rác nhà bếp phía sau xe rác.
Từ năm 2003, Đài Loan đã đẩy mạnh nguyên tắc "không rác thải"
Một yếu tố nữa góp phần làm nên thành công của ngành tái chế rác tại Đài Loan là sự hỗ trợ của những nhà sản xuất, hoặc kinh doanh sản phẩm tái chế như các công ty nước ngọt có sử dụng nguyên liệu nhựa tái chế PET để đóng chai. Nguồn tài chính tài trợ này góp phần trợ cấp cho những người bị ảnh hưởng từ ngành tái chế rác thải như những người nhặt rác, hay những hộ gia đình lấy thức ăn thừa để chăn nuôi lợn. Ngoài ra, Đài Loan còn sử dụng rác thải để đốt phát điện. Năm 2017, theo báo cáo của Cơ quan BVMT (EPA), khoảng 19% trong số 3 triệu tấn chất thải thực phẩm đã được tái chế thành phân trộn và thức ăn cho lợn. Với công nghệ phân hủy kỵ khí phù hợp, chất thải thực phẩm tạo ra khoảng 33 KWh điện mỗi năm. Lượng điện năng này chiếm hơn 15% điện năng có được từ năng lượng hạt nhân. Chi phí cho mỗi KWh điện này thấp hơn so với điện nặng từ gió và chi phí lắp đặt rẻ hơn cả năng lượng gió và mặt trời, thời gian hoàn vốn ngắn từ ba đến sáu năm.
Từ kinh nghiệm xử lý rác thải nông thôn của các quốc gia nêu trên có thể thấy, hiệu quả của các biện pháp xử lý CTR đều bắt nguồn từ việc tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định về phân loại rác. Đó là điều mà Việt Nam hiện nay đang còn hạn chế do chưa có các quy định cụ thể, nghiêm ngặt dành cho việc phân loại từ các hộ gia đình đến các cơ sở, doanh nghiệp ở tất cả các ngành kinh tế. Thêm nữa, để đạt được thành công trong việc quản lý, xử lý rác thải như các quốc gia nêu trên, yêu cầu rất lớn về nguồn lực và công nghệ. Do vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa các chính sách hỗ trợ kêu gọi các nguồn vốn xã hội hóa, tập trung đầu tư vào lĩnh vực quản lý, xử lý CTR, nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề CTR với những tác động xấu đến môi trường vốn tồn tại lâu nay.
Châu Loan
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)