27/10/2023
Những năm qua, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thay đổi diện mạo các làng quê nông thôn tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, Tiêu chí về nước sạch và vệ sinh môi trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm sức khỏe người dân địa phương. Tính đến tháng 6/2023, khu vực nông thôn tỉnh Tây Ninh có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đảm bảo quy chuẩn đạt tỷ lệ 68% (147.392/216.753 hộ), cụ thể: Đối với công trình cấp nước tập trung, số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn tăng 3.340 hộ so với cuối năm 2022, lũy kế số hộ sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung đạt 30.306 hộ, trong đó có 24.714 hộ sử dụng nguồn nước sạch từ công trình cấp nước tập trung nông thôn và 5.592 hộ sử dụng từ các nhà máy của Công ty cổ phần cấp thoát nước Tây Ninh. Về cấp nước quy mô hộ gia đình, toàn tỉnh có 186.447 hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, trong đó, 179.995 hộ sử dụng nước từ giếng khoan và 6.452 hộ được hỗ trợ hệ thống xử lý nước hộ gia đình giai đoạn 2018 - 2020 theo Quyết định số 05/2018/QĐ-UBND ngày 21/3/2018 của UBND tỉnh.
Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đảm bảo quy chuẩn ngày càng tăng
Toàn tỉnh Tây Ninh có 75 công trình cấp nước tập trung nông thôn và 1 công trình cấp nước nhỏ lẻ. Trong đó, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Sở NN&PTNT Tây Ninh) đang quản lý, vận hành 70 công trình cấp nước nông thôn tập trung. Đa số công trình cấp nước tập trung nông thôn có công nghệ xử lý nước đơn giản, quy mô nhỏ, công suất thiết kế từ 50 - 500 m3/ngày, đêm, cấp nước cho khu vực dân cư tập trung từ 50 - 500 hộ dân. Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Sở NN&PTNT, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp mở rộng phạm vi cấp nước, nâng cao chất lượng nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt cho người dân nông thôn; đầu tư nâng cấp, sửa chữa 6 công trình cấp nước với kinh phí 13,08 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022; thực hiện nhiều hoạt động sửa chữa nhỏ tại các công trình cấp nước từ nguồn chi thường xuyên và nguồn thu tiền nước; kiểm tra tuyến ống cấp nước, khắc phục các sự cố bể, vỡ, rò rỉ nước; mở rộng tuyến ống đối với công trình cấp nước tập trung ấp Suối Ông Đình; vận động 656 hộ dân đăng ký, đấu nối sử dụng nước sạch; hướng dẫn nâng cao tay nghề cho nhân viên quản lý, vận hành công trình cấp nước…
Hiện tại Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh thu phí sử dụng nước của người dân theo Quyết định số 14/2019/QĐ-UBND với giá 5.500đ/m3, tương đương 42% so với giá thành sản xuất nước thương phẩm tính đúng, tính đủ. Tuy nhiên, do chưa được ngân sách hỗ trợ phần chênh lệch giá, do đó, đơn vị gặp khó khăn về kinh phí trong thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, mở rộng tuyến ống đấu nối nước cho người dân. Mặt khác, do các công trình cấp nước được đầu tư xây dựng từ năm 2000, đến nay, một số hạng mục công trình, thiết bị đã xuống cấp dẫn đến tình trạng thất thoát, thất thu nước sạch; áp lực nước, chất lượng nước không đảm bảo… Vì vậy, mặc dù nước sạch đã được bao phủ rộng khắp các vùng nông thôn, nhưng nhìn chung số hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung vẫn còn hạn chế. Trước thực trạng trên, tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 72% hộ dân được cung cấp nước sạch; 100% số hộ dân được cung cấp nước hợp vệ sinh; tỷ lệ hệ thống cấp nước khu vực nông thôn được lập và thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn là 50%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân là 15%.
Xây dựng NTM là hành trình không dừng
Là tỉnh thuộc miền Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Ninh nằm ở vị trí cầu nối giữa TP. Hồ Chí Minh - Thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia). Nhờ vị trí chiến lược quan trọng, trong phát triển kinh tế - xã hội, một trong những chương trình mục tiêu được tỉnh chú trọng thực hiện là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tạo bước chuyển mới ở vùng nông thôn, góp phần đưa Tây Ninh trở thành tỉnh phát triển của Đông Nam bộ và cả nước.
Ngay từ khi bắt đầu thực hiện Chương trình (năm 2010) cho đến nay, Tây Ninh luôn nhất quán quan điểm sự đồng thuận của nhân dân, nỗ lực vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể là yếu tố quyết định đầu tiên cho sự thành công. Tính riêng trong giai đoạn 2010 - 2020, các sở, ngành, doanh nghiệp và người dân đã tham gia đầu tư xây dựng hơn 2.200 km đường giao thông nông thôn; vận động nhân dân hiến hơn 122.000 m2 đất và đóng góp trên 110.000 ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn; đầu tư hàng trăm tỷ đồng để xây dựng các công trình điện, gắn hơn 8.000 bóng đèn thắp sáng đường làng, cải tạo, nâng cấp nhiều chợ nông thôn; 100% số xã trên địa bàn đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, tỷ lệ phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 100%...
Phát huy những kết quả đã đạt được, bước vào giai đoạn mới (2021 - 2025), tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản, phục vụ nhu cầu sản xuất, dân sinh ở nông thôn, chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn theo chuẩn NTM giai đoạn giai đoạn 2021 - 2025. Riêng năm 2023, tỉnh phấn đấu đạt các mục tiêu trong xây dựng NTM đối với huyện Bến Cầu; duy trì 61/71 xã đã đạt chuẩn NTM; 17 xã đã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tất cả các xã đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2010 - 2021 tiếp tục thực hiện nâng chất lượng tiêu chí, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đối với Tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường, tỉnh đặt mục tiêu tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung, góp phần thực hiện tốt Tiêu chí 17.1 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; Tiêu chí 18.1; 18.2 và 18.3 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được tiếp cận với nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; các xã NTM được cấp nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%.
Nhiều giải pháp cho Tiêu chí nước sạch và vệ sinh môi trường
Nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đồng hành cùng Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, thời gian tới, Sở NN&PTNT tỉnh Tây Ninh tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có, trong đó chú trọng nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu; xây dựng, triển khai thí điểm một số mô hình thu gom, xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình hoặc nhóm hộ gia đình; mô hình cấp nước hộ gia đình thích ứng với biến đổi khí hậu cho dân cư vùng đặc thù, chưa có khả năng tiếp cận với cấp nước tập trung, khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Về lâu dài, nâng cao năng lực quản trị trong công tác quản lý, vận hành công trình cấp nước nông thôn; từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học công nghệ trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là về công nghệ thông tin và tự động hóa trong hoạt động cấp nước nông thôn, bảo đảm hầu hết công trình cấp nước đều hoạt động bền vững, thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn.
Cán bộ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh kiểm tra
nguồn nước giếng khoan tại hộ dân ấp Long Thạnh, xã Long Chữ, huyện Bến Cầu
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Tây Ninh đã và đang tích cực triển khai nhiều giải pháp đưa nước sạch đến với người dân vùng nông thôn, từng bước nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch tại khu vực nông thôn. Đặc biệt, từ nay đến cuối năm 2023, Trung tâm sẽ tập trung nâng cao chất lượng, an toàn đối với các công trình cấp nước hiện có trên địa bàn; đảm bảo trên 95% các công trình cấp nước đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt; thực hiện tốt công tác quản lý, vận hành, khai thác và duy tu, bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, rà soát, kiểm tra các công trình cấp nước cần ưu tiên nâng cấp, sửa chữa nhằm hạn chế việc thiếu nước, đảm bảo cung cấp kịp thời nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Mặt khác, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền người dân tham gia sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh, nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước đáp ứng tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao. Tiếp nhận và đưa vào vận hành hệ thống cấp nước khu đô thị Mộc Bài, lên phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt kết nối mạng lưới vùng cấp nước khu vực huyện Bến Cầu và thị xã Trảng Bàng, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác quản lý, nhất là quản lý mạng lưới cấp nước trên cơ sở ứng dụng hệ thống thông tin địa lý GIS vào hoạt động. Đối với vấn đề giá nước, hiện nay Sở NN&PTNT phối hợp với Sở Tài chính đã xây dựng hoàn chỉnh phương án giá nước sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Thông tư số 44/2021/TT-BTC ngày 18/6/2021 của Bộ Tài chính, trình UBND tỉnh xem xét ban hành. Đồng thời, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tham mưu Sở NN&PTNT hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết về chính sách hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2025, góp phần bảo đảm hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước, khuyến khích hộ dân khu vực nông thôn sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung; đảm bảo hộ dân khu vực nông thôn được quyền tiếp cận sử dụng dịch vụ cấp nước sạch công bằng, thuận lợi, an toàn với chi phí hợp lý và khả năng chi trả; đảm bảo vệ sinh hộ gia đình, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ, giảm các bệnh liên quan đến nước gây ra. Đồng thời, nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn với thành thị, góp phần xây dựng NTM; tăng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ công trình cấp nước tập trung, góp phần thực hiện tốt Tiêu chí 17.1 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; Tiêu chí 18.1; 18.2, 18.3 thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân số được tiếp cận với nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt 100%; các xã NTM được cấp nước sạch theo quy chuẩn đạt 72%.
Về phía Sở TN&MT tỉnh Tây Ninh, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện triển khai thi hành Luật BVMT năm 2020, nhằm nâng cao hơn nữa công tác quản lý nhà nước về BVMT, đảm bảo thống nhất trong toàn tỉnh. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên toàn tỉnh và các đơn vị có nguồn thải vào lưu vực sông; yêu cầu chủ nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 500 m3/ngày, đêm trở lên phải thực hiện lắp đặt trạm quan trắc nước thải tự động, liên tục theo quy định trước ngày 31/12/2024 và truyền dữ liệu về Sở TN&MT, quá thời hạn nêu trên nếu chủ tài khoản nào không thực hiện sẽ xem xét xử lý theo quy định.
Đặc biệt, Sở TN&MT sẽ tăng cường thực hiện kế hoạch BVMT nguồn nước sông, suối, kênh, rạch trên địa bàn tỉnh vào mùa khô, đầu mùa mưa hàng năm; đẩy mạnh khảo sát, giám sát môi trường khu vực giáp biên giới Campuchia; phối hợp với đơn vị chức năng xử lý cây lục bình trên sông Vàm Cỏ Đông. Ngoài ra, Sở TN&MT cũng tiếp tục triển khai nhiệm vụ về BVMT, thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, quan trắc thành phần môi trường đất, nước, không khí. Tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp để cân bằng giữa phát triển kinh tế, đảm bảo công tác BVMT gắn với an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân…
Nước sạch là nhu cầu không thể thiếu trong đời và hoạt động sản xuất hàng ngày của người dân. Ở các đô thị, vấn đề nước sạch được giải quyết thông qua việc cung cấp từ các nhà máy nước tập trung. Tại các vùng nông thôn, từ xưa, nước coi là sạch được dùng từ giếng khơi, giếng làng, bể nước mưa, sông, suối… Tuy nhiên, các nguồn nước đó không bền vững bởi bị tác động rất lớn do ô nhiễm môi trường. Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 318/QÐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Theo đó, các xã đạt chuẩn NTM phải có từ 15% - 20% số hộ gia đình trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Đối với các xã đạt chuẩn NTM nâng cao thì phải có từ 55% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch trở lên. Trước đó, ngày 24/11/2021, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 1978/QÐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đề ra mục tiêu đến năm 2030, 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; đến năm 2045, 100% số dân được dùng nước sạch đạt quy chuẩn, bền vững. |
Gia Linh
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)