Banner trang chủ

Sóc Sơn trong niềm vui hân hoan đón nhận Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới

20/07/2022

    Ngày 15/7/2022, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Sóc Sơn đã long trọng tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn NTM; Huân chương Lao động hạng Ba (lần thứ hai) và kỷ niệm 45 năm thành lập huyện Sóc Sơn. Như vậy, sau hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, bộ mặt huyện Sóc Sơn đã thay đổi rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự xã hội được giữ vững, an sinh xã hội được đảm bảo.

    Trái ngọt cho một hành trình

    Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Sóc Sơn với xuất phát điểm rất thấp, chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, vì vậy, quá trình thực hiện Chương trình, huyện xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt, toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân đã nỗ lực với quyết tâm cao, đến nay, huyện đã có bước phát triển khá toàn diện, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được cứng hóa, bê tông, rải nhựa; 25/25 xã, đạt tỷ lệ 100% hoàn thành NTM; 100% hệ thống được trục đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; trên 85% kênh mương chính được cứng hóa; hệ thống lưới điện nông thôn ngày càng nâng cấp, cải tạo, tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%; 87,06% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Về thu nhập bình quân đầu người ước đạt 53,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,06% theo chuẩn nghèo đa chiều; 87,06% tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, 26/26 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 - 2020, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Bên cạnh đó, huyện được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non đối với trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, hoàn thành phổ cập THCS mức độ 3; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia 84,5%; tỷ lệ lao động có việc làm đạt 95,88%. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp dần chuyển đổi sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị cao, một số địa phương đã hình thành được vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp được quan tâm đổi mới theo hướng tăng cường liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm. Lĩnh vực văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, an ninh trật tự đều đạt chuẩn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Kết quả huy động nguồn lực trong 10 năm thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn huyện đạt 4.391.295 triệu đồng, trong đó, vốn từ doanh nghiệp, nhân dân và các nguồn xã hội hóa 1.286.444 triệu đồng, ngoài ra, nhân dân tự nguyện hiến khoảng 20.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn và các công trình công cộng. Sóc Sơn không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.

Huyện Sóc Sơn vinh dự đón Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM và Huân chương Lao động hạng Ba

    Theo yêu cầu tiêu chí trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, 100% hộ gia đình trên địa bàn có nhà vệ sinh đạt tiêu chí. Cùng với đó, 3.531/83.531 hộ gia đình có hệ thống thoát nước không để chảy tràn ra môi trường; 100% hộ gia đình có bể trữ nước sinh hoạt bằng bồn inox hoặc nhựa với thể tích bể giao động từ 1,5 - 4 m3/hộ; 100% các hộ đăng ký thực hiện 3 sạch theo nội dung Cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động. Ngoài ra, các tiêu chí khác trong xây dựng NTM của huyện cũng đều vượt và đạt chỉ tiêu, cụ thể, tính đến nay, tỷ lệ cơ sở sản xuất - kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ sử dụng nước sạch đạt 75 %; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt tỷ lệ 100%. Toàn dân tích cực xây dựng cảnh quan, môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn; thực hiện mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch, tỷ lệ hỏa táng trong quý II/2020 đạt 68,55%; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định, đạt tỷ lệ 95%. Toàn huyện có 32.947/32.947 cơ sở chăn nuôi đã thực hiện các biện pháp BVMT, trong đó, 124/124 hộ chăn nuôi có hồ sơ về BVMT theo quy định, đạt tỷ lệ 100%. Nhìn chung, các hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn 25 xã đều nhỏ, lẻ; chuồng trại được xây dựng cách biệt với nhà ở, được vệ sinh định kỳ bảo đảm phòng ngừa, ứng phó dịch bệnh. Chất thải chăn nuôi được thu gom xử lý chủ yếu bằng hầm biogas, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 96%...

    Về phát triển kinh tế nông thôn, kinh tế huyện tiếp tục trên đà tăng trưởng với tổng giá trị sản xuất năm 2021 tăng 4,96% (cao hơn 1,9 lần so với cả nước và 1,5 lần so với Thành phố Hà Nội), thu ngân sách đạt 1.639 tỷ đồng, đạt 131% kế hoạch; quý I/2022 ước đạt 4.619 tỷ đồng (tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2021). Trên địa bàn huyện có 6 hợp tác xã (HTX) tham gia liên kết chuỗi trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 5 HTX ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; 11 HTX với 45 sản phẩm OCOP được Thành phố đánh giá, phân hạng (9 sản phẩm 3 sao và 36 sản phẩm 4 sao). Đặc biệt, có 2 chủ thể (HTX Thủ công mỹ nghệ Trái Tim Hồng và HTX Tâm Ngọc) giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động khuyết tật trên địa bàn. Các HTX thực hiện tái cơ cấu, làm tốt dịch vụ công ích thuỷ lợi, từng bước tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.

    Ông Phạm Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết, với lịch sử 45 năm xây dựng, phát triển và hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Thành phố, với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, huyện Sóc Sơn đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Mặt khác, với đặc thù là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, xuất phát điểm xây dựng NTM còn thấp và nhiều khó khăn do chưa có quy hoạch, hạ tầng thiếu, không đồng bộ, năm 2010 thu nhập bình quân đầu người rất thấp, chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí xây dựng chuẩn NTM; tỷ lệ hộ nghèo cao chiếm 15,04%… Do vậy, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ hàng đầu của huyện, đặt ra cho huyện nhiệm vụ lớn, bao trùm và hoàn chỉnh với các tiêu chí do Trung ương quy định. Đến nay, 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM và huyện đạt 9/9 tiêu chí, trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%... 

    Bên cạnh đó, đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang. Tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 98%, đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020. Ngoài ra, chính quyền, nhân dân huyện đã từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Trong điều kiện khó khăn chung của kinh tế Thủ đô do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng những tác động của thị trường thế giới, ngành nông nghiệp của huyện tiếp tục thể hiện vai trò là bệ đỡ của nền kinh tế, liên tục tăng trưởng từ 4,5% - 5,5%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cùng với đó, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 10.845 ha, tạo tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Bên cạnh việc phát triển kinh tế, huyện còn quan tâm chăm lo đến công tác an sinh, phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, huyện kịp thời hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 theo chính sách của Chính phủ và Thành phố, trong đó, chính sách hỗ trợ bảo hiểm xã hội khoảng 39,0 tỷ đồng, hỗ trợ tiền mặt đạt 120,431 tỷ đồng; chất lượng giáo dục và đào tạo được duy trì, trong 2 năm huyện có thêm 10 trường học đạt chuẩn quốc gia; công tác y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo. Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn trong 10 năm qua, tháng 4/2021, huyện Sóc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận huyện đạt chuẩn NTM năm 2020; tháng 10/2021, Chủ tịch nước đã quyết định tặng tưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Sóc Sơn đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy  Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (thứ hai từ phải sang) thăm Hợp tác xã rau hữu cơ xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn

    Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng điều phối xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, so với các huyện, thị xã của thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn là một trong những địa phương khi bắt tay vào xây dựng NTM với nhiều khó khăn, thách thức. Toàn huyện chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, trong khi đó, hạ tầng nông thôn yếu kém, kinh tế chuyển dịch chậm… Nhưng đó là câu chuyện của 10 năm trước, giờ đây, Sóc Sơn đã khoác lên mình tấm áo mới với 100% xã đạt chuẩn NTM; hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM; 100% hệ thống được trục đường xã, liên xã, đường trục thôn, đường liên thôn, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa trong niềm vui, sự phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt của mỗi người dân.

    Tiếp tục xây dựng NTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, áp dụng công nghệ cao

    Theo Báo cáo của Huyện ủy Sóc Sơn tại buổi làm việc giữa Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” với Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn ngày 31/5/2022 cho thấy, triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, Chương trình 02 của Huyện ủy giai đoạn 2021 - 2025, Huyện ủy Sóc Sơn đã ban hành 3 chương trình công tác để triển khai thực hiện. Kết quả, huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020 và được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

    Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kinh tế huyện 5 tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu phục hồi tích cực khi tổng giá trị sản xuất ước đạt 9.200 tỷ đồng, tăng cao so với cùng kỳ năm 2021; tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất lúa đạt gần 98,6% tổng diện tích. Các tiến bộ kỹ thuật mới được ứng dụng vào sản xuất như gieo mạ khay - cấy máy, gieo sạ được triển khai đồng bộ, góp phần giảm sức ép về thời vụ, lao động trong nông nghiệp, giảm chi phí đầu tư cho sản xuất và nâng cao thu nhập cho nông dân…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi làm việc

    Lĩnh vực chăn nuôi của huyện cũng tiếp tục phát triển, trong đó, diện tích nuôi trồng thủy sản là 450,6 ha (tăng 1,3%), sản lượng đạt 902 tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2021. Trên địa bàn huyện đã có 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, nổi bật là chuỗi liên kết sản xuất nấm công nghệ cao KMS (quy mô 0,8 ha), chuỗi liên kết sản xuất rau hữu cơ (quy mô 37,5 ha), chuỗi liên kết sản xuất dược liệu định hướng hữu cơ (quy mô 30 ha). Huyện cũng có 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ; chăn nuôi lợn sinh học; trồng nấm công nghệ cao… Đến hết năm 2021, huyện đã có 76 sản phẩm được UBND Thành phố công nhận sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao.

    Về phát triển kinh tế nông thôn, hiện Sóc Sơn có 10 HTX toàn xã; 43 HTX thôn, liên thôn và 53 HTX chuyên ngành. Các HTX nông nghiệp đã thực hiện tốt nhiệm vụ dịch vụ công ích thủy lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, tạo nền tảng thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM… Qua triển khai thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, đời sống nông dân huyện đã từng bước được cải thiện; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2021 đạt 52,4 triệu đồng/người/năm (toàn huyện đạt 53,7 triệu đồng/người/năm). Cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch là 77%...

    Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị huyện tiếp tục rà soát các tiêu chí theo quy định về xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu; phấn đấu 3 xã sẽ về đích NTM nâng cao trong năm 2022, từ đó hướng tới mục tiêu phấn đấu có ít nhất 1/3 xã trên địa bàn đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để nghiên cứu  xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) trong tương lai, hỗ trợ tích cực để Thủ đô ngày càng phát triển. Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU cũng đề nghị huyện tập trung phát triển các sản phẩm OCOP, phát triển nông nghiệp sinh thái và các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, huyện cần quan tâm hơn nữa đến công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Sóc Sơn sớm về đích xây dựng NTM nâng cao.

Bùi Hằng

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

 

Ý kiến của bạn