Banner trang chủ

Phú Thọ đảm bảo môi trường để xây dựng nông thôn mới

16/12/2020

     Phú Thọ là tỉnh miền núi với điều kiện tự nhiên khá đa dạng của ba vùng sinh thái: đồng bằng, trung du, vùng núi, nằm ở cuối dãy Hoàng Liên Sơn, là cửa ngõ nối liền đồng bằng với các tỉnh phía Tây Bắc. Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay, tỉnh Phú Thọ có 109 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Lâm Thao được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015; 3 địa phương: TP. Việt Trì, TX. Phú Thọ, huyện Thanh Thủy có 100% số xã đạt chuẩn NTM, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với kết quả đó, Phú Thọ là tỉnh thuộc nhóm đi đầu trong xây dựng NTM khu vực trung du miền núi phía Bắc. Riêng đối với tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm, khi mới bắt đầu, tỉnh chỉ có 6/247 xã đạt, đến nay là 117/247 xã. Tuy vậy, quá trình triển khai thực hiện tiêu chí này vẫn còn những bất cập, khó khăn cần được tháo gỡ để tiến tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong giai đoạn tiếp theo.

     Ngay khi bắt tay vào thực hiện, Phú Thọ đã xác định môi trường là một trong những tiêu chí khó. Nguyên nhân là do người dân trên địa bàn chưa có thói quen thu gom rác để xử lý; chất thải, nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi đều xả trực tiếp ra môi trường, gây mất cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước mặt, ao hồ; có nơi rác thải được thu gom song chưa xử lý đúng cách vẫn gây ô nhiễm. Trên các cánh đồng, không ít vỏ lọ hóa chất, bao bì thuốc bảo vệ thực vật bị vứt bừa bãi. Trong khi đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo Quy chuẩn quốc gia còn thấp. Các cơ sở sản xuất kinh doanh ở khu vực nông thôn, trong các làng nghề đa phần nhỏ lẻ, nằm xen trong khu dân cư, công nghệ lạc hậu, xử lý môi trường tự phát, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ cơ sở sản xuất còn tư tưởng chạy theo lợi nhuận... Bên cạnh đó, trong tiêu chí môi trường có một số chỉ tiêu không được định tính, định lượng rõ ràng mà chủ yếu về cảm quan nên thực tế triển khai và công tác đánh giá tại các địa phương trong tỉnh không đồng đều, thiếu bền vững ngay cả đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn. Điển hình như chỉ tiêu yêu cầu về xây dựng cảnh quan, môi trường Xanh - Sạch - Đẹp và an toàn, mặc dù các địa phương đã tích cực triển khai đa dạng hoạt động BVMT và xây dựng cảnh quan nông thôn nhưng kết quả nhiều nơi đạt được chỉ mang tính chất thời điểm chứ chưa tạo được chuyển biến thực chất trong cả nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư để có thể duy trì được kết quả bền vững. Ranh giới giữa nước sạch và nước hợp vệ sinh còn chưa rõ ràng nên nhiều xã mới chỉ đạt tiêu chuẩn nước hợp vệ sinh chứ chưa đạt tiêu chuẩn nước sạch…

     Để tháo gỡ khó khăn, các địa phương đã bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, chủ động bổ sung vào hương ước, quy ước khu dân cư các nội dung về giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, các tổ chức, cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trong việc chấp hành các quy định về BVMT, vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, phát động phong trào sạch làng, sạch ngõ; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT bằng phương pháp xử lý chất thải chăn nuôi bằng bể biogas, sử dụng chế phẩm vi sinh, đệm lót sinh học…; cải tạo hệ thống thoát nước mặt khu dân cư; thành lập các hợp tác xã, tổ, đội vệ sinh, thu gom rác thải. Đã có 3 địa phương gồm Ngọc Lập, Lương Sơn, Xuân Viên xây dựng lò đốt xử lý chất thải sinh hoạt Losiho có công suất từ 8 - 10 tấn/ngày; 1 khu xử lý rác thải của huyện tại Bến Sơn, thị trấn Yên Lập; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 90%; 100% các trang trại chăn nuôi, cơ sở sản xuất tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh được bê tông hóa

     Tại huyện miền núi Yên Lập, với nhiều giải pháp hữu hiệu, đến hết năm 2019, huyện đạt 256/304 tiêu chí trong xây dựng NTM; 8/16 xã đã hoàn thành tiêu chí về môi trường. Nhằm bảo đảm tiêu chí môi trường, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức ký cam kết với các hộ dân, cơ sở kinh doanh, dịch vụ không vứt rác bừa bãi. Đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện tốt việc thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng, không xả, vứt rác xuống kênh, mương... Qua đó, thay đổi căn bản nhận thức, thói quen, tập quán của người dân về vệ sinh môi trường.

     Thị xã Phú Thọ có 9 xã, phường. Để đảm bảo vệ sinh môi trường, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Phú Thọ thực hiện công tác vệ sinh, quét, thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt hàng ngày tại các khu vực nội thị và ngoại thị. Đối với khu vực nội thị (phường Hùng Vương, Âu Cơ, Phong Châu), công nhân sẽ vệ sinh, quét thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt bằng xe đẩy tay 3 bánh trên các tuyến phố, ngõ phố, sau đó tập kết về địa điểm theo quy định. Tại các điểm tập kết, rác sẽ được chuyên chở sang xe ô tô ép rác chuyên dụng và vận chuyển về nhà máy xử lý rác của tỉnh Phú Thọ. Khối lượng trung bình rác thải được xúc và vận chuyển tại khu vực nội thị khoảng trên 23 tấn/ngày. Đối với khu vực ngoại thị và phường Thanh Vinh, đặc thù chủ yếu là khu vực nông thôn, nên để đảm bảo công tác thu gom, vận chuyển rác thải, thị xã chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã, phường thành lập được 7 tổ thu gom rác thải, xây dựng 8 điểm tập kết rác thải sinh hoạt tập trung và 2 điểm gom rác. Rác thải từ các hộ gia đình được đội thu gom của xã thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết. Định kỳ từ 2 - 3 ngày, Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Phú Thọ tổ chức thu gom, vận chuyển rác tại các điểm tập kết của các xã, phường. Khối lượng trung bình rác thải được thu gom và vận chuyển tại khu vực này khoảng 17 tấn/ngày. Cùng với thực hiện công tác thu gom rác thải, thị xã Phú Thọ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong giữ gìn vệ sinh môi trường, xóa bỏ các thói quen, nếp sống không hợp vệ sinh thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tổ chức các lớp tập huấn, cuộc thi BVMT; tuyên truyền trực quan… Đồng thời triển khai, thực hiện có hiệu quả tiêu chí số 17 trong chương trình xây dựng NTM, đô thị văn minh gắn với các nội dung của Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào “Toàn dân tham gia BVMT”; “Thu gom rác thải, trồng cây xanh”…

     Hay tại huyện Hạ Hòa, một trong những giải pháp được huyện triển khai, đem lại hiệu quả cao, nhân dân tích cực hưởng ứng là xây hầm biogas quy mô hộ gia đình thông qua Dự án “Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP). Toàn huyện đã có trên 1.000 hộ có hầm biogas cung cấp chất đốt cho sinh hoạt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Tiêu biểu như xã Mai Tùng có 129 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó 123 cơ sở đạt tiêu chuẩn vệ sinh môi trường, chiếm 97%; 127 hộ chăn nuôi tự đầu tư xây dựng hầm biogas. Hàng năm, huyện đều tiến hành kiểm tra đối với các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chuồng trại nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường. Cùng với đó, huyện Hạ Hòa đã triển khai xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Vô Tranh, xử lý rác cho khu vực thị trấn Hạ Hòa, các xã Bằng Giã, Xuân Áng, Vô Tranh.

     Xác định thực hiện tiêu chí môi trường là quá trình thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục củng cố kết quả thực hiện tiêu chí môi trường, ban hành và triển khai nâng cao trong giai đoạn tiếp theo là rất cần thiết để xây dựng NTM bền vững. Đồng thời, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học; cải tạo cảnh quan nông thôn Xanh - Sạch - Đẹp nhằm duy trì, củng cố và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM…

Vũ Thị Hoa

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

Ý kiến của bạn