17/12/2020
Ngày 16/12, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2114/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, làm cơ sở thực tiễn nghiên cứu, xây dựng, ban hành các tiêu chí quốc gia về tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) để triển khai trên toàn quốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp của Hội đồng Thẩm định Trung ương về Đề án ngày 28/9 (Ảnh: Báo Hà Tĩnh)
Mục tiêu tổng quát của Đề án là: Xây dựng Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ phát triển và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, kết nối, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần, vai trò chủ thể và vị thế của cư dân nông thôn được nâng cao; kinh tế nông thôn phát triển; môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nông thôn văn minh, đoàn kết, bình yên, giàu bản sắc. Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Hà Tĩnh được công nhận là “Tỉnh đạt chuẩn NTM”;
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 13/13 đơn vị cấp huyện của Hà Tĩnh đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao; 100% số xã đạt chuẩn NTM, ít nhất 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao và ít nhất 10% số xã đạt NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt tối thiểu 60 triệu đồng/người. Ngành nông, lâm và thủy sản chuyển dịch theo hướng hiện đại, bền vững với tốc độ tăng trưởng bình quân 3%/năm (2021 - 2025). Có tối thiểu 300 sản phẩm, dịch vụ được chứng nhận đạt chuẩn OCOP, trong đó có 20% số sản phẩm đạt 4 sao, 5% số sản phẩm đạt 5 sao; 100% số di sản văn hóa - lịch sử của tỉnh được bảo tồn và phát huy hiệu quả; 100% số di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, cấp tỉnh được bảo tồn và phổ biến trong cộng đồng; có ít nhất 1 di sản trở thành sản phẩm du lịch tiêu biểu của vùng Bắc Trung Bộ; Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều thấp hơn bình quân chung của vùng Bắc Trung Bộ. Ngoài ra, có 95% lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh được phân loại, thu gom và xử lý đúng quy định; 35% số hộ gia đình có biện pháp thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt phù hợp; 55% số người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn, trong đó ít nhất 50% số người dân sử dụng nước sạch từ công trình nước sạch tập trung; các nguồn phát sinh ô nhiễm trên địa bàn tỉnh được quản lý; Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 toàn hệ thống 3 cấp (tỉnh, huyện, xã); tỷ lệ thủ tục hành chính giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến đạt tối thiểu 75%; chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đạt loại khá; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đạt tối thiểu 85%.
Nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực để phấn đấu đạt chuẩn và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở cấp xã, huyện; Xây dựng NTM cấp tỉnh kết nối đô thị, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn. Trong đó, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đảm bảo đồng bộ, kết nối và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng hiện đại, hội nhập và bền vững, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, xây dựng nông thôn khá giả, giàu có; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn thành các vùng quê “trù phú, hòa thuận, văn minh; nâng cao chất lượng môi trường cạnh tranh, dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội khu vực nông thôn.
Nguồn vốn thực hiện đề án bao gồm vốn ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương; các nguồn vốn hợp pháp khác.
Hương Mai