Banner trang chủ

Phát triển thị trường các-bon rừng Việt Nam: Cơ hội để nông dân tiếp cận tư duy sản xuất mới

06/11/2023

    1. Mở đầu

    Việt Nam là một quốc gia có tỷ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, với tỷ lệ che phủ rừng năm 2022 đạt 42,2%, trong khi thế giới bình quân chỉ 29% (Báo cáo Hiện trạng môi trường rừng 2022 của Bộ NN&PTNT). Rừng có vai trò quan trọng giúp thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu. Theo số liệu của Báo cáo chuyên đề “Thị trường các-bon rừng tại Việt Nam: Cơ sở pháp lý, cơ hội và thách thức” của Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR), năm 2021, Việt Nam có 612 triệu tấn các-bon lưu giữ trong rừng trong đó 80% từ rừng tự nhiên. Với cơ chế dựa trên thị trường cho phép mua bán tín chỉ các-bon được tạo ra từ các hoạt động quản lý và bảo tồn rừng, thị trường các-bon (CO2) được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và là nguồn lực mới cho Việt Nam trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Bài viết phân tích tiềm năng và trữ lượng các-bon rừng tại Việt Nam, cập nhật các chính sách liên quan tới thị trường các-bon nói chung và thị trường các - bon rừng nói riêng, từ đó đề xuất giải pháp để Việt Nam phát triển và  thị trường các-bon rừng hiệu quả.

    2. Tiềm năng và trữ lượng các-bon rừng Việt Nam

    Theo Báo cáo Hiện trạng rừng toàn quốc năm 2022 của Bộ NN&PTNT, Việt Nam có 14.790.075 ha rừng (rừng tự nhiên 10.134.082 ha, rừng trồng 4.655.993 ha). Diện tích rừng đủ tiêu chí tính tỷ lệ che phủ là 13.926.043 ha. Tỷ lệ che phủ toàn quốc là 42,02% [1] . Với tỷ lệ che phủ rừng lớn, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển các dự án tín chỉ các - bon rừng. Nghiên cứu của tác giả Phạm Ngọc Bẩy về tính toán trữ lượng các - bon rừng trung bình dựa trên cơ sở số liệu đo đếm thực tế tại các vùng rừng trên cả nước trong các năm 1990, 1995, 2000, 2005, 2010 cho thấy, trữ lượng các - bon có sự chênh lệch lớn ở từng loại rừng thuộc các vùng khác nhau, dao động từ khoảng 1 - 19 tấn các - bon/ ha cho tới >150 tấn các - bon/ha, trong đó rừng lá rộng thường xanh giàu vùng Tây Nguyên, Nam Trung bộ có trữ lượng các - bon cao nhất (>150 tấn) (Phạm Ngọc Bẩy, 2015). Thực vật có quá trình quang hợp hấp thụ khí CO2 từ đó tạo ra sinh khối, lưu giữ lại các bon trong lá, thân cây, rễ cây, lớp thảm khô, thảm mục dưới tán rừng. Nếu rừng bị suy thoái, lượng các bon bị giải phóng thì tăng lượng phát thải và ngược lại, rừng càng giàu lên thì khả năng hấp thụ các - bon càng lớn. Trong giai đoạn 2010 - 2020, lượng hấp thụ các-bon chủ yếu là do hoạt động phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng bao gồm cả trồng rừng mới và trồng lại rừng. Qua các kết quả nghiên cứu cho thấy, trước năm 2010, rừng suy thoái nhiều thì lượng phát thải lớn hơn lượng hấp thụ nhưng từ năm 2010 đến nay, lượng hấp thụ các- bon nhiều hơn do hoạt động phục hồi rừng tự nhiên và trồng lại rừng. Trong các ngành, ngành lâm nghiệp có tiềm năng lớn trong việc tham gia thị trường các-bon bởi là ngành duy nhất có phát thải ròng đạt ở mức âm (Chính phủ Việt Nam 2022a). Theo Vũ (2022), trong giai đoạn 2010- 2020, ngành lâm nghiệp phát thải khoảng 30.5 triệu tCO2e hàng năm và hấp thụ 69.8 triệu tCO2e hàng năm. Ngành lâm nghiệp cũng là ngành duy nhất đạt được phát thải ròng trung bình hàng năm trong giai đoạn 2010 - 2020 ở mức -39.3MtCO2e (Vũ 2022). Theo Viện Điều tra quy hoạch rừng (2020), trong giai đoạn 2010-2020, lượng hấp thụ các- bon chủ yếu là do hoạt động phục hồi rừng tự nhiên (17,488 triệu tCO2e/năm), trồng rừng bao gồm cả trồng rừng mới và trồng lại rừng (12,600 triệu tCO2e/năm) [2]. Tính toán sơ bộ, với độ che phủ rừng của Việt Nam hiện nay là trên 42% thì tổng lượng hấp thụ CO2 hằng năm lên đến gần 70 triệu tấn. Việt Nam hiện có 4 vùng rừng có khả năng hấp thụ các bon lớn là miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ và Nam Trung bộ.

    3. Phát triển thị trường các - bon rừng: Cơ hội cải thiện đời sống của người dân

    Với cơ chế dựa trên thị trường cho phép mua bán tín chỉ các- bon được tạo ra từ các hoạt động quản lý và bảo tồn rừng, thị trường các bon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và là nguồn lực mới cho Việt Nam trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26). Hiện Việt Nam đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường các -bon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Luật BVMT năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028, bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính (KNK) và tín chỉ các-bon, bù trừ tín chỉ các-bon. Để hướng dẫn, triển khai thực hiện, ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô dôn. Nghị định quy đã quy định về lộ trình phát triển và triển khai thị trường các-bon trong nước, cụ thể: Giai đoạn từ nay đến hết năm 2027: (1) tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ các - bon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các -bon; (2) xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon; (3) triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các- bon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các -bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; (4) thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các-bon kể từ năm 2025. Giai đoạn từ năm 2028: (1) tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon chính thức trong năm 2028; (2) quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các- bon khu vực và thế giới.

    Để thực hiện thị trường các-bon trong nước, Việt Nam đã bước đầu tham gia thị trường các- bon bắt buộc thông qua một số chương trình, dự án, thỏa thuận giảm phát thải, trong đó có thể kể đến Thỏa thuận giảm phát thải vùng Bắc Trung bộ (ERPA vùng Bắc Trung bộ) giai đoạn 2018 - 2024 được ký giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vào tháng 10/2020, với cam kết Việt Nam chuyển nhượng 10,3 triệu tấn các-bon cho WB, đơn giá 5 USD/tấn CO2, đạt tổng giá trị 51,5 triệu USD. Số liệu chu kỳ báo cáo đầu tiên 2018 - 2019 của Bộ NN&PTNT cho thấy, Việt Nam đã đủ lượng giảm phát thải như đã ký thỏa thuận với WB. Dự kiến cuối năm nay, đầu năm sau WB sẽ tiếp tục sang đàm phán, mua bổ sung lượng giảm phát thải với khối lượng lựa chọn tối đa là 5 triệu tấn và mức giá 5USD/tấn (tương đương 25 triệu USD) [3].

    Cùng với đó, nhằm quy định cách thức các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng được hưởng lợi từ dịch vụ giảm phát thải KNK từ rừng, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính Thỏa thuận ERPA. Theo đó, trong tổng số 51,5 triệu USD tiền giảm phát thải mà Việt Nam nhận được, nhóm cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân được chi trả 68,4%, tương đương 35,22 triệu USD (Báo cáo Kế hoạch chia sẻ lợi ích ERPA ban hành kèm theo Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/2/2023 của Bộ NN&PTNT), trong đó, cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân là chủ rừng nhận được 8,69 triệu USD và cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng nhận được 26,53 triệu USD. Đây là nguồn kinh phí quan trọng giúp cộng đồng, cá nhân và hộ gia đình cải thiện đời sống, duy trì công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao chất lượng rừng và trữ lượng các-bon, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia và biến đổi khí hậu toàn cầu.

    Theo các chuyên gia dự báo trong thời gian tới, nhu cầu mua tín chỉ các-bon sẽ lớn hơn khả năng cung cấp, làm cho thị trường các -bon trở nên sôi động, cả ở thị trường trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có đơn vị chứng nhận tín chỉ các - bon đạt tiêu chuẩn quốc tế nên việc giao dịch, mua bán, chuyển nhượng tín chỉ các -bon rừng từ xây dựng hồ sơ, phê chuẩn hồ sơ dự án phải thông qua các đầu mối nước ngoài. Điều này đã và đang gây khó khăn cho các chủ rừng trong việc xác định quyền sở hữu các-bon, giá cả chuyển nhượng bao nhiêu là hợp lý, trong khi nguồn kinh phí để đo đếm, xác nhận số lượng tín chỉ các-bon là rất lớn.

    4. Một số giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường các-bon rừng

    Việt Nam có tiềm năng lớn để mở rộng và phát triển thị trường các-bon rừng. Tuy nhiên, để thúc đẩy triển khai trao đổi, thương mại các- bon ở Việt Nam trong thời gian tới được thuận lợi hơn, cần triển khai các giải pháp như:

    Một là, Chính phủ cần ban hành quy định đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon, quy định về định giá các - bon, quyền các- bon, chuyển quyền giảm phát thải, quản lý tài chính dịch vụ các - bon rừng… nhằm tạo thuận lợi cho phát triển dịch vụ các - bon rừng. Bên cạnh đó, tập trung các chính sách hỗ trợ hướng tới nâng cao chất lượng rừng và những diện tích rừng đang đối mặt với đe dọa mất rừng, suy thoái rừng, những địa điểm có giá trị bảo tồn đa dạng sinh học cao.

    Hai là, Việt Nam cần phát triển hệ thống đánh giá, thẩm định các-bon thông qua việc thành lập cơ quan thẩm định quốc gia có chuyên môn và chứng chỉ tương đương với quốc tế và được quốc tế chứng nhận; xây dựng hệ thống đăng ký tín chỉ các-bon quốc gia để quản lý và kêu gọi đầu tư thị trường, đồng thời xây dựng năng lực cho các cán bộ của hệ thống đăng ký kiểm duyệt này. Ngoài ra, cần có các bản đồ cập nhật và dự báo các xu thế trong tương lai về các-bon rừng để cho thấy phân bố không gian và tính trực quan về phân bố trữ lượng các - bon ở các vùng sinh thái theo từng giai đoạn[2].

    Ba là, xây dựng hệ thống đăng ký, giám sát và truy xuất về tín chỉ các-bon dựa trên nền tảng số, các hệ thống quản lý thông tin và giám sát sẵn có. Đối với các quốc gia khác trên thế giới, việc quản lý hồ sơ có thể được thực hiện thông qua cấp một tài khoản cho các bên muốn chuyển nhượng mua bán trên mạng lưới đăng ký các - bon của quốc gia. Việt Nam cần xem xét để xây dựng và hoàn thiện hệ thống đăng ký và truy xuất các - bon theo quy trình này để giảm thiểu các chi phí giao dịch và quản lý đồng thời tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng cho các doanh nghiệp đầu tư.

    Bốn là, tiếp tục triển khai thí điểm thương mại các-bon rừng với Quỹ đối tác các-bon lâm nghiệp (FCPF), tiến tới củng cố cơ sở lý luận và thực tiễn để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Lâm nghiệp (Điều 61 - 65); Nghị định số 156/2019/NĐ-CP và một số văn bản khác có liên quan. Ngoài ra, cần xây dựng hướng dẫn về mua bán tín chỉ rừng theo Luật BVMT năm 2020, đồng thời thực hiện việc kiểm kê, giám sát, báo cáo kết quả giảm phát thải; đăng ký kết quả giảm phát thải.

    Năm là, nâng cao năng lực và nhận thức của các bên có liên quan và ưu tiên hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng dân cư và đồng bào dân tộc thiểu tham gia vào các dự án và chương trình các-bon rừng.

Lê Đắc Trường

Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

    Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo Hiện trạng môi trường rừng năm 2022 của Bộ NN&PTNT.
  2. Báo cáo chuyên đề “Thị trường các - bon rừng tại Việt Nam: Cơ sở pháp lý, cơ hội và thách thức” của Tổ chức Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR).
  3. https://danviet.vn/rung-viet-nam-co-the-tin-chi-hoa-hang-chuc-trieu-tan-cac-bon-de-ban-20230104180626429.htm
  4. Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 156/2019/NĐ-CP.
Ý kiến của bạn