31/08/2021
Đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC để tăng năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thực phẩm là hướng đi tất yếu, nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp (SXNN) đã thúc đẩy ngành nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, hiệu quả cao được hình thành, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Nhiều mô hình SXNN CNC hiệu quả
Các CNC được ứng dụng trong SXNN gồm: Cơ giới hóa, tự động hóa, công nghệ sinh học, tin học hóa... giúp SXNN tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản, BVMT. Hiện, nhiều địa phương, doanh nghiệp lớn đã chọn nông nghiệp CNC, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, với các công nghệ: Sinh học, nhà kính, tưới nhỏ giọt, cảm biến, tự động hóa… Nhờ có thế mạnh về khoa học - công nghệ, nguồn lực, hệ thống cơ chế chính sách, những năm gần đây, Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ các mô hình SXNN CNC. Nhiều mô hình ở lĩnh vực thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rất đáng ghi nhận, tiêu biểu như mô hình sản xuất nấm kim châm công nghệ Nhật Bản của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức); Mô hình sản xuất rau thủy canh của Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm)... Điều đó cho thấy, nông dân và doanh nghiệp Thủ đô đã tận dụng, phát huy tốt lợi thế, tạo ra nông sản chất lượng, mang đến hiệu quả cao cho SXNN.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng bưởi tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ
Đặc biệt, ngay từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), TP. Hà Nội đã mạnh dạn lựa chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá để tập trung chỉ đạo, tạo tiền đề cho phát triển nông nghiệp. Sau khi dồn ghép ruộng đất, các địa phương đã dần chuyển đổi được khoảng 40.000 ha đất trồng lúa truyền thống sang các mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Thời gian qua, việc ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa, đưa các giống mới chất lượng vào SXNN của Thành phố đã góp phần quan trọng nâng cao năng suất, tiết kiệm chi phí, hình thành nên một số chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm và từng bước xây dựng các thương hiệu sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân.
Với phương châm “nhiều vùng nhỏ cộng lại thành vùng lớn”, Sở NN&PTNT TP. Hà Nội đã phối hợp với các huyện, thị xã trong việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, phát huy được lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, như rau, hoa, cây ăn quả... Các mô hình SXNN ứng dụng CNC trên địa bàn Thành phố tuy quy mô còn nhỏ, nhưng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thực tế. Đặc biệt, những kết quả bước đầu từ ứng dụng CNC vào SXNN đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của người nông dân, giúp họ yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất và vươn lên làm giàu. Cùng với đẩy mạnh ứng dụng CNC, việc đưa các giống mới chất lượng vào SXNN trên địa bàn Thành phố cũng giúp phát triển hơn 140 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, xây dựng được một số thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Thủ đô. Sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để tạo ra những chuỗi sản phẩm có giá trị cao và đẩy mạnh xúc tiến thương mại, dự báo thị trường cũng như liên kết “4 nhà” để tiêu thụ nông sản cho nông dân cũng được quan tâm, chú trọng thực hiện ngày càng có hiệu quả...
Tính đến hết năm 2020, trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai khoảng 160 mô hình nông nghiệp CNC. Trong lĩnh vực trồng trọt, có gần 130 ha trồng rau ứng dụng nhà lưới, gần 50 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm; Trên 1.000 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng CNC. Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỷ lệ chuồng nuôi sử dụng hệ thống chuồng kín đạt 30% số trại chăn nuôi lợn và gà quy mô lớn; 87% số trại chăn nuôi bò sữa; Trên 50% số trại chăn nuôi bò thịt; Trên 75% số trang trại chăn nuôi bò sữa; 44% số trại chăn nuôi bò thịt; 44% số trại chăn nuôi lợn quy mô lớn ngoài khu dân cư đã sử dụng hầm biogas; 65% số trại chăn nuôi bò sữa; 45 số trại chăn bò thịt; 85% số trại nuôi lợn và 85% số trại chăn nuôi gà sử dụng chế phẩm xử lý môi trường trong chăn nuôi. Trong nuôi trồng thủy sản, các hộ sản xuất đã ứng dụng CNC vào một số khâu, như làm giàu oxy bằng quạt nước, sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước, sử dụng công nghệ Biofloc… Mô hình trồng rau an toàn của HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng, xã Sơn Công (huyện Ứng Hòa) là một minh chứng. Cách đây hơn 4 năm, được sự hỗ trợ của huyện, HTX đã triển khai thí điểm trồng 5 ha rau an toàn. Nhận thấy ứng dụng CNC trong SXNN đem lại hiệu quả, HTX đã mở rộng diện tích sản xuất lên 27 ha và được Sở NN&PTNT Hà Nội chứng nhận là vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn. Đáng chú ý, HTX đã xây dựng thành công mô hình trồng rau xanh trong nhà kính với quy mô 5.000 m2, được thiết kế đồng bộ, hiện đại có đầy đủ giàn tưới nước, phun sương tự động, sử dụng hoàn toàn phân bón sinh học, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Đến nay, trung bình mỗi ngày, HTX Nông nghiệp Vĩnh Thượng cung cấp trên 10 tấn rau cho thị trường Hà Nội. Ngoài ra còn phải kể đến Trang trại Hoa Viên (huyện Thạch Thất), hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm, bình quân mỗi tháng xuất khoảng 1.000 con lợn thịt và từ 500 - 1.000 con lợn giống; Doanh thu đạt khoảng 100 tỷ đồng/năm. Trang trại còn sở hữu vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên trên địa bàn TP. Hà Nội, cung cấp hàng chục tấn rau mỗi ngày. Mô hình sản xuất nấm CNC của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao (huyện Mỹ Đức) đã đầu tư gần 70 tỷ đồng xây dựng Nhà máy sản xuất và đóng gói nấm kim châm sạch theo công nghệ hiện đại của Nhật Bản, với quy mô hơn 3.000 m2, sản lượng đạt 30 tấn/tháng, mang lại doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, còn có mô hình sản xuất giống và hoa lan hồ điệp của HTX Đan Hoài (huyện Đan Phượng); Mô hình áp dụng thâm canh lúa cải tiến toàn phần và mô hình gieo cấy lúa Japonia (huyện Ứng Hòa); Mô hình nuôi gà siêu trứng ở một số hộ gia đình (huyện Đông Anh); Mô hình nuôi cá ứng dụng CNC (huyện Ứng Hòa, huyện Chương Mỹ); Mô hình trồng hoa, sản xuất giống hoa nuôi cấy mô của Công ty cổ phần Vật tư và giống cây trồng Hà Nội; Mô hình sản xuất rau thủy canh của HTX dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đa Tốn (huyện Gia Lâm); Mô hình sản xuất hộ gia đình của gia đình ông Nguyễn Mạnh Hồng ở xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì)… Có thể nói, việc áp dụng khoa học - CNC vào sản xuất tuy đòi hỏi mức vốn đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, ổn định hơn nhiều so với gieo trồng theo phương pháp truyền thống.
Ứng dụng CNC cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống
Chia sẻ về mục tiêu phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Chương trình Điều phối xây dựng NTM TP. Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, năm 2021, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tập trung quy mô lớn, ứng dụng CNC; Sản xuất theo chuỗi giá trị với cơ cấu các lĩnh vực sản phẩm chủ lực có chất lượng, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường và hướng tới xuất khẩu. Đồng thời, phát triển nông nghiệp làng nghề kết hợp du lịch trải nghiệm, BVMT và thích ứng với biến đổi khí hậu. Năm 2021, ngành nông nghiệp Hà Nội phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng từ 4,2% trở lên; Thu nhập bình quân của nông dân đạt 58 triệu đồng/người/năm. Do đó, trên mỗi lĩnh vực, nông nghiệp Hà Nội sẽ tập trung vào những mặt hàng có thế mạnh. Đối với trồng trọt, duy trì 62.806 ha trồng lúa, trong đó chủ lực là lúa chất lượng cao, tăng cơ cấu giống lúa Japonica để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong Thành phố và xuất khẩu. Cùng với đó, duy trì 7.200 ha hoa, cây cảnh với các giống chủ lực như hoa lan, hoa cúc, hoa hồng, các giống hoa mới nhập khẩu...; Đầu tư hình thành các vùng tập trung (quy mô từ 20 - 50 ha trở lên) ứng dụng CNC. Đối với cây ăn quả, Thành phố duy trì 22.350 ha, tập trung phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản của Hà Nội.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, Hà Nội chú trọng phát triển theo vùng xã trọng điểm, chăn nuôi trong các doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại có quy mô lớn, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn dịch bệnh. Cụ thể, năm 2021, Hà Nội sẽ phát triển đàn lợn khoảng 1,8 triệu con trở lên; đàn bò khoảng 150.000 con… trong đó ưu tiên phát triển con giống năng suất, chất lượng, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm cung cấp con giống cho các địa phương khác. Về thủy sản, Thành phố duy trì diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 24.000 ha, nâng sản lượng nuôi trồng thủy sản lên 124.000 tấn (tăng 6,4% so với năm 2020). Đồng thời, phát triển các vùng thủy sản tập trung theo hướng ứng dụng CNC và nuôi thâm canh nhằm tăng năng suất, chất lượng với các giống có giá trị cao.
Một số giải pháp góp phần đẩy mạnh ứng dụng CNC vào SXNN ở Hà Nội
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, song SXNN CNC ở Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, khi sản xuất không đồng bộ, giá trị SXNN chưa cao; Sự gắn kết giữa khoa học - công nghệ và hoạt động sản xuất, kinh doanh còn vướng mắc. Bên cạnh đó, các mô hình ứng dụng CNC trong nông nghiệp còn nhỏ lẻ, phân bố không đều; Công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC thường kéo dài... Mặt khác, việc phát triển nông nghiệp CNC đòi hỏi một nguồn nhân lực lớn, có trình độ chuyên môn tốt. Song, tình trạng “khát” nhân sự, chảy máu chất xám, quy mô và chất lượng đào tạo... chính là những vấn đề nan giải, cần tháo gỡ. Về mặt khách quan, ngành nông nghiệp Hà Nội phải đối mặt với các khó khăn, thách thức về biến đổi khí hậu; Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; Thị trường tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu không ổn định; Sản phẩm nông nghiệp chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Hơn nữa, xu thế phát triển SXNN ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, SXNN thực hành tốt (VietGAP, GlobalGAP) đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi phải tổ chức lại sản xuất một cách phù hợp. Đáng nói, Hà Nội đang trong quá trình công nghiệp hóa, phát triển đô thị theo chiều rộng, tất yếu dẫn đến việc giảm khá lớn diện tích đất đai và tài nguyên nước của SXNN. Ngoài ra, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế vì điều kiện đất đai, cơ chế chính sách khuyến khích chưa thực sự hấp dẫn, đặc biệt là tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở cả trong nước và thế giới.
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, phát triển sản xuất trên nền tảng ứng dụng CNC đã và đang tạo động lực mới cho ngành nông nghiệp Thủ đô. Song, ngoài khó khăn chung do thiên tai, dịch bệnh, thì bản thân việc ứng dụng CNC cũng đang có những thách thức nội tại. Triển khai mô hình nông nghiệp CNC đồng nghĩa với việc tổ chức sản xuất trên quy mô tương đối lớn và phải đầu tư tương xứng về mặt hạ tầng, công nghệ… Trong khi đó, dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp còn thấp; Thành phố lại thiếu quỹ đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ theo vùng sản xuất tập trung. Cùng với đó, thị trường tiêu thụ còn hạn hẹp, không ổn định... chưa kể đến những bất cập trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đặc biệt là nguồn nhân lực còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với các mục tiêu về xây dựng huyện, xã đạt chuẩn NTM, TP. Hà Nội cần coi việc nâng cao đời sống cho người nông dân coi là nhiệm vụ trọng tâm và phát triển toàn diện ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu. Trên thực tế, để đẩy mạnh ứng dụng CNC vào SXNN, Thành phố cũng cần nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách về khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất và có cơ chế giao đất ổn định, dài hạn để phù hợp với SXNN ứng dụng CNC.
Sự phát triển của nông nghiệp thông minh là đòi hỏi tất yếu đối với nông nghiệp Hà Nội
Ngành nông nghiệp các cấp cần tiếp tục hỗ trợ các địa phương và nông dân trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả, khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; Tổ chức tập huấn cho nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân để đáp ứng yêu cầu phát triển SXNN theo hướng CNC. Cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trên địa bàn; Nêu gương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu ứng dụng CNC vào SXNN. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, tập trung ngoài khu dân cư; ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ sạch trong sản xuất; Gắn sản xuất với bảo đảm an toàn thực phẩm; Mở rộng các khu chế biến, bảo quản nông sản...
Hiện nay, các mô hình SXNN ứng dụng CNC ở TP. Hà Nội chủ yếu mới dừng lại ở việc ứng dụng công nghệ từng phần, do đó chưa phát huy được hết tiềm năng. Vướng mắc đặt ra đối với các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp CNC là nguồn vốn và quỹ đất. Do đó, các ngành chức năng Thành phố nên quan tâm, nghiên cứu, từng bước tháo gỡ những khó khăn này ở những cấp độ khác nhau, làm sao để có giải pháp thật sự thiết thực và hiệu quả, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp có dự án, phương án đầu tư để phát triển sản xuất giống, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản ứng dụng CNC… hướng đến xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô phát triển nhanh, mạnh và bền vững.
Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp CNC chạy đua với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, theo GS.TS. Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, một trong những yêu cầu cấp bách là đào tạo nâng cao năng lực của nguồn nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện, có khoảng 8.000 người làm công tác nghiên cứu khoa học tại các viện, trường trong cả nước, nhưng vẫn thiếu cán bộ lãnh đạo giỏi, cán bộ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chuyên sâu. Không những thế, lực lượng nghiên cứu viên cao cấp đang bị già hóa, trong khi thế hệ kế cận chưa kịp phát triển; Số người bỏ việc ra làm doanh nghiệp tăng do nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn. Bên cạnh đó, đa phần nguồn nhân lực cho chuyển giao công nghệ nông nghiệp không được đào tạo bài bản, không được cập nhật kiến thức mới thường xuyên; Cán bộ khuyến nông cấp cơ sở (cấp xã) và bán chuyên trách (cấp thôn, bản) có chế độ đãi ngộ thấp, chưa yên tâm công tác… Theo GS.TS. Phạm Văn Cường, trong nông nghiệp, việc đào tạo nhân lực CNC phải gắn với nhiệm vụ ứng dụng phát triển CNC, bảo đảm về số lượng, chất lượng, cơ cấu nhân lực, sử dụng hiệu quả và đãi ngộ thỏa đáng.
Giám đốc Sở NN&PTNT - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội cho biết, để từng bước hóa giải những khó khăn, thách thức trên, qua đó thúc đẩy phát triển SXNN ứng dụng CNC trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương và nông dân trong việc áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng gắn với bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản; Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho nông dân, người sản xuất nhằm nâng cao trình độ, tay nghề cho người dân, đáp ứng yêu cầu phát triển SXNN theo hướng CNC.
Cùng với đó, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền đổi mới khoa học công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm trong nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, tạo sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao, phát triển bền vững trên cả 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường. Đồng thời, Sở NN&PTNT đề xuất các cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn đầu tư, tích tụ đất đai, hoàn chỉnh quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng CNC để phù hợp với tình hình sản xuất hiện nay, nhằm định hướng sản xuất nông sản thích hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng...
Gia Linh
(Trang báo có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)