Banner trang chủ

Nhìn lại 1 năm thực hiện Chương trình Tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn

21/12/2023

    Với quan điểm BVMT, cấp nước sạch, an toàn thực phẩm là lĩnh vực trọng tâm ưu tiên trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG)  xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 theo định hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh, nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn; là trách nhiệm chung của toàn xã hội; tập trung nguồn lực lớn, có trọng điểm của Nhà nước và đẩy mạnh huy động nguồn lực của xã hội cho công tác BVMT, cấp nước sạch nông thôn và đảm bảo an toàn thực phẩm theo nguyên tắc ưu tiên hỗ trợ nguồn lực các khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 925/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Tăng cường BVMT, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình 925). Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, Chương trình 925 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

    Một số kết quả bước đầu triển khai Chương trình 925

    Một trong những tiêu chí khó đạt được và thường kém bền vững trong xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 là tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm. Đây được xác định là nội dung trọng tâm, ưu tiên của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 với việc mục tiêu “bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”. Do vậy, Chương trình 925 ra đời với nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường BVMT nông thôn, đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM.

    Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 925, các Bộ, ngành Trung ương và địa phương đã tập trung tổ chức triển khai Chương trình 925. Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 07/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ngày 17/10/2022). Trong đó xác định các nội dung, giải pháp trọng tâm cần thực hiện là về công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực về BVMT nông thôn; xây dựng và nhân rộng các mô hình về BVMT, cấp nước và an toàn thực phẩm; rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách và hướng dẫn kỹ thuật có liên quan. Về phía Bộ NN&PTNT, Bộ đã tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 925/QĐ-TTg về Chương trình tăng cường BVMT, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (ngày 6/10/2022) với sự tham gia của 63/63 tỉnh, thành phố và các Bộ, ngành Trung ương, quán triệt những vấn đề quan trọng, nội dung trọng tâm, định hướng quan điểm và hướng dẫn các địa phương: Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình 925 trên địa bàn; Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình 925; Xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thí điểm; Tổ chức nhân rộng các mô hình hiện có về cấp nước, BVMT và an toàn thực phẩm; Lồng ghép các nội dung của Chương trình 925 trong các nhiệm vụ, giải pháp về BVMT của các Bộ, ngành và địa phương; Kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết thực hiện Chương trình 925. Đồng thời, ban hành Công văn số 8050/BNN-VPĐP ngày 29/12/2022 về hướng dẫn triển khai các chương trình chuyên đề. Cùng với đó, Bộ cũng đã tổ chức một số đoàn khảo sát, làm việc tại một số địa phương về việc triển khai thực hiện Chương trình 925 (An Giang, Hà Tĩnh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Đồng Tháp); theo đó đã đôn đốc, hướng dẫn các tỉnh triển khai thực hiện Chương trình 925 trên cơ sở bám sát các mục tiêu, nội dung và giải pháp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Xây dựng tài liệu tập huấn về BVMT nông thôn, để giới thiệu và phổ biến cho các địa phương sử dụng; triển khai các hoạt động truyền thông BVMT trong hoạt động nông nghiệp.

    Về phía các địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 925/QĐ-TTg. Đến nay, đã có 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 925 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ gồm Bắc Kạn, TP. Hà Nội, Lai Châu, Kon Tum, Bình Định, Bắc Giang, Bình Phước, Khánh Hòa… Ngoài ra, các địa phương cũng rà soát thực trạng và nhu cầu tại địa phương, có văn bản đăng ký triển khai các mô hình thí điểm thuộc Chương trình, gửi về Bộ NN&PTNT để tổng hợp, xem xét phê duyệt, làm cơ sở để triển khai từ năm 2023, đồng thời đẩy mạnh đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về BVMT nông thôn; tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BVMT nông thôn… Điển hình như ngày 3/8/2023, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Lào Cai phối hợp với Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tổ chức Lớp tập huấn công tác BVMT nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2023, với đối tượng tham gia là cán bộ Văn phòng Điều phối NTM, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 9 huyện, thị xã, thành phố; 22 xã đăng ký phấn đấu xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023-2025; Thành viên Ban phát triển thôn của các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn NTM giai đoạn 2023-2025. Hay tại tỉnh Thanh Hóa, ngày 3/7/2023, hơn 80 cán bộ NTM của 25 huyện và 55 xã đăng ký xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã được tập huấn các nội dung về Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Xây dựng cảnh quan và BVMT nông thôn; Phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với kinh tế tuần hoàn và an toàn thực phẩm…

    Theo dự kiến, Chương trình 925 sẽ triển khai thực hiện 70 mô hình thí điểm trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố theo 6 nhóm nội dung. Tuy nhiên, trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các địa phương, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt danh mục 12 mô hình thí điểm thuộc Chương trình 925 cho 11 tỉnh. Đối với các mô hình còn lại, Bộ đã có Công văn số 2884/BNNVPĐP ngày 11/5/2023 đề nghị rà soát, bổ sung và hoàn thiện đề xuất mô hình. Theo đó, Bộ đã hướng dẫn các tiêu chí để rà soát, lựa chọn mô hình phù hợp về tính mới của mô hình, sự tham gia của cộng đồng, nguồn kinh phí để thực hiện mô hình…

Quang cảnh Lớp tập huấn công tác BVMT nông thôn trên địa bàn tỉnh Lào Cai năm 2023

    Tại Quyết định số 925/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan bổ sung, hoàn thiện các quy định về BVMT phù hợp với điều kiện nông thôn; hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM theo phân công của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương để các địa phương có căn cứ thực hiện; xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn và triển khai các nội dung về phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, BVMT làng nghề, xử lý nước thải nông thôn tập trung. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ TN&MT đã xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về NTM các cấp giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ TN&MT. Cụ thể, ngày 28/6/2022, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 3659/BTNMT-TCMT hướng dẫn thực hiện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg. Trong đó có hướng dẫn các nội dung: (1) Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải, các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; (2) Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; (3) Đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, ngày 11/5/2023, Bộ TN&MT đã ký Công văn số 3276/BTNMT-KSONMT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM trong khoản 2 Điều 29 Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn; định mức kinh tế kỹ thuật); chỉ tiêu/nội dung liên quan đến mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; chỉ tiêu/nội dung về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng. Cùng với đó, để tiếp tục hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định tại khoản 5 Điều 79 Luật BVMT, ngày 2/11/2023, Bộ TN&MT ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSONMT về việc hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt.

    Trước đó, để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nội dung về BVMT trong xây dựng NTM, Bộ TN&MT cũng đã ban hành Công văn số 2155/BTNMT-TCMT ngày 27/4/2022 hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường và chất lượng cuộc sống, đề cập đến các nội dung quy định về BVMT nông thôn theo yêu cầu tại Điều 58 Luật BVMT, bao gồm: yêu cầu về BVMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề; cụm dân cư; cảnh quan, cây xanh, ao hồ, nguồn nước mặt; các biện pháp thu gom và xử lý chất thải, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường nông thôn. Hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo “Hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn” và “định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, trong đó có hướng dẫn phân loại tại nguồn, các công nghệ xử lý chất thải hiện có… để hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

    Vấn đề đặt ra

    Mặc dù việc thực hiện Chương trình 925 đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, góp phần hiện thực hóa mục tiêu “bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững”, tuy nhiên, thực tế triển khai tại các địa phương cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức:

    Một là, tại một số địa phương, sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự chủ động của các ngành còn hạn chế, dẫn đến việc ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình 925 còn chậm so với yêu cầu. Một số tỉnh, thành phố đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình 925 song nội dung còn chung chung, chưa cụ thể hóa được thành các hoạt động, giải pháp cụ thể nên việc triển khai thực hiện thực tế còn hạn chế.

    Hai là, việc huy động nguồn lực cho công tác BVMT, cấp nước sạch và an toàn thực phẩm ở nông thôn nói chung và nguồn lực cho thực hiện Chương trình 925 tại nhiều tỉnh còn khó khăn nên hiệu quả chưa cao.

    Ba là, nguồn lực cho công tác BVMT và cấp nước sạch nông thôn khá lớn (chi phí để xây dựng nhà máy cấp nước tập trung hoặc khu xử lý chất thải rắn tập trung là tương đối cao), nên nhiều địa phương chưa có sự quan tâm, đầu tư mà ưu tiên các nhiệm vụ về phát triển kinh tế hoặc đầu tư hạ tầng khác. Trong khi đó, quy trình thủ tục để thực hiện lại khá phức tạp (liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, thủ tục đánh giá tác động môi trường, lựa chọn và thẩm định công nghệ…).

    Bốn là, Thông tư số 53/2022/TT-BTC về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, nội dung chi cho công tác BVMT nông thôn còn nhiều bất cập, chỉ mới chi được cho xây dựng mô hình, còn các nội dung khác phải lồng ghép từ các nhiệm vụ về truyền thông, quản lý Chương trình MTQG xây dựng NTM nên nguồn lực và kết quả thực hiện còn hạn chế…

    Do vậy, trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm nhằm triển khai hiệu quả, đạt được các mục tiêu của Chương trình 925 như: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp thực hiện Chương trình 925 trên địa bàn; Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình; Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực về BVMT nông thôn; Tăng cường xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thí điểm; Tổ chức nhân rộng các mô hình hiện có về cấp nước, BVMT và an toàn thực phẩm; Kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình…

ThS. Nguyễn Văn Lãm

Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương)

    Tài liệu tham khảo

    1. Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường BVMT, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

    2. Quyết định số 07/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ngày 17/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 về ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thuộc Chương trình tăng cường BVMT, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.

    3. Công văn số 2155/BTNMT-TCMT ngày 27/4/2022 của Bộ TN&MT về hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường và chất lượng cuộc sống.

    4. Công văn số 3659/BTNMT-TCMT ngày 28/6/2022 của Bộ TN&MT về việc ban hành hướng dẫn thực hiện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg.

    5. Công văn số 3276/BTNMT-KSONMT ngày 11/5/2023 của Bộ TN&MT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM.

    6. Bộ NN&PTNT: Báo cáo Kết quả thực hiện Chương trình tăng cường BVMT, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, tháng 7/2023.

Ý kiến của bạn