30/11/2021
HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông tại xã Đăk R'Moan, TP. Gia Nghĩa (Đăk Nông) được biết đến với mô hình cà phê cảnh quan giúp tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm và góp phần BVMT.
Theo ông Phạm Văn Thạch, Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông, vườn cà phê của gia đình ông có diện tích 20 ha được đầu tư theo mô hình cà phê cảnh quan, đạt chuẩn hữu cơ. Ngoài ra, HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông còn có 255 ha cà phê của các thành viên đều được xây dựng theo mô hình này với vườn sinh thái 3 tầng (tầng 1 là cây cao gồm cây ăn quả, cây nọc tiêu che nắng, che sương, gió để điều tiết nhiệt độ vườn; Tầng trung trồng cà phê và tầng thấp nhất dành để nuôi thảm thực vật cỏ). Bình quân hàng năm HTX thu hoạch cho sản lượng đạt từ 650 - 700 tấn.
HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Nông
Theo ông Thạch, thảm cỏ thực vật là tầng rất quan trọng của mô hình cà phê cảnh quan phù hợp với mô hình sinh thái. Nếu áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: Tạo thảm phủ mặt đất chống xói mòn, giữ ẩm, bổ sung hữu cơ cho đất và tạo môi trường cho vi sinh vật có lợi phát triển, giúp cây trồng phát triển tốt hơn. Việc áp dụng quản lý thảm cỏ thay thế thuốc diệt cỏ giúp nông dân tiết kiệm nước tưới do đã giảm bốc hơi nước và giữ ẩm, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, cây trồng phát triển khỏe mạnh. Từ đó, chất lượng cà phê được cải thiện, không có tồn dư hoạt chất Glyphosate trong sản phẩm, giúp việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam thuận lợi, đặc biệt là vào thị trường châu Âu.
Để đảm bảo mô hình cà phê hữu cơ, HTX lựa chọn vùng đất không nằm trong khu vực ô nhiễm của các nhà máy, khu dân cư. Đặc biệt, HTX không sử dụng thuốc cũng như phân bón bảo vệ thực vật để bón cho vườn cây. Thay vào đó, HTX sử dụng phân vi sinh hoặc phân dê, bò, vỏ cà phê để chế biến sản phẩm phân chất lượng bón cho cây trồng. Ngoài ra, HTX cũng nhân nuôi vi sinh vật bản địa để phun, tưới cho vườn cây, vừa đảm bảo chất lượng sản phẩm, vừa an toàn cho môi trường. Đặc biệt, để đảm bảo mô hình theo tiêu chuẩn quốc tế, HTX đã áp dụng quy trình hữu cơ. Theo đó, HTX trồng các vùng đệm dọc các tuyến đường cũng như vườn giáp ranh với những hộ dân sản xuất cà phê truyền thống. Việc này chống nhiễm chì chéo giữa các vườn, đồng thời, giúp vườn cà phê tránh gió, cây trồng phát triển xanh tốt hơn -ông Thạch chia sẻ.
Hương Trần