14/12/2023
Từ bao đời nay, phụ nữ Việt Nam, dù thuộc dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, nơi công tác, cư trú, lứa tuổi, vùng miền nào cũng luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy truyền thống tốt đẹp, chủ động, sáng tạo hưởng ứng các phong trào thi đua của đấtyêu nước, hăng hái tham gia các chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, vun đắp hạnh phúc gia đình; nỗ lực vươn lên khẳng định vai trò, vị thế to lớn của phụ nữ trong đời sống xã hội. Trong lĩnh vực BVMT, chiếm trên 50% dân số, phụ nữ là lực lượng quan trọng trong sử dụng, tiếp cận, giải quyết các công việc hàng ngày liên quan trực tiếp đến môi trường. Từ thực tiễn cuộc sống, nhiều sáng kiến, ý tưởng về “sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch”, giảm thiểu rác thải nhựa”, “biến rác thành tiền”, tái chế/tái sử dụng, mô hình “phụ nữ sống xanh”, nói không với túi ni lông, dùng làn đi chợ… đã và đang được phụ nữ trên mọi miền Tổ quốc tích cực hưởng ứng, trong đó có hội viên, phụ nữ tỉnh Đắk Lắk. Đây thực sự là những mô hình điểm để nhân rộng trên toàn tỉnh, góp phần tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đạt hiệu quả cao nhất.
“Tuyến đường không rác thải” thôn 14, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin)
Thực hiện lời dạy của Ngày 31/8/1963, đến dự Hội nghị chuyên đề về công tác tuyên giáo miền núi và nói chuyện thân mật với các đại biểu, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Tuyên truyền là đem một việc gì nói cho dân hiểu, dân nhớ, dân theo, dân làm” (Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Nxb CTQG, tập 5, tr.1962.), nhiều năm qua, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng tới thay đổi hành vi của cán bộ, hội viên phụ nữ về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, BVMT được các cấp Hội quan tâm chỉ đạo, không ngừng đổi mới về nội dung, phương pháp, tạo sự chuyển biến tích cực, khẳng định được vai trò của tổ chức Hội cũng như hội viên, phụ nữ trong công tác BVMT. Các cấp Hội đã xây dựng được hơn 5 nghìn mô hình tham gia BVMT, trong đó có 4.000 “Vườn rau hạnh phúc”; 463 công trình “Đường hoa - Hàng cây - Hàng rào xanh”, “Vườn hoa Đài tưởng niệm Tổ quốc ghi công”, “Công trình cây xanh tri ân các anh hùng liệt sĩ”; 280 mô hình “Buôn tôi xanh, sạch, đẹp”; “Ngôi nhà xanh”, “Thôn phụ nữ dân tộc thiểu số Xanh - Sạch - Đẹp”, Khu dân cư văn minh “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; “Gia đình phụ nữ an toàn, xanh, sạch, đẹp, bản sắc”; “con đường hoa”; 265 mô hình “Sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu”; 229 mô hình “Thu gom phế liệu, gây quỹ tình thương”, “Phòng chống rác thải nhựa”, “Tình người từ phế liệu”, “Khu dân cư hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần”… Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa như thi vẽ tranh “Vì một môi trường an toàn cho trẻ”, vẽ 29 “Bức họa tranh tường”; Hội thi “Thời trang tái chế, BVMT”; tham gia các cuộc thi “Phụ nữ chung tay phục hồi hệ sinh thái”; các chương trình thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới 5/6 và Tháng hành động vì môi trường, thu gom rác thải nhựa, phế liệu sinh hoạt, tạo môi trường xanh, sạch đẹp và gây quỹ hỗ trợ hội viên nghèo, trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đổi rác nhựa lấy quà... với tổng trị giá khoảng 3,5 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng đã tổ chức trên 3.300 buổi tuyên truyền cho cán bộ Hội chuyên trách với trên 545.000 lượt hội viên phụ nữ về Luật BVMT năm 2020, các quy định của pháp luật trong công tác BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tác động tiêu cực của rác thải nhựa, túi ni lông tới môi trường sống và sức khỏe con người; phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 32 lớp tập huấn BVMT, xây dựng NTM, các tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”… cho hơn 3.000 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ cơ sở.
“Ngôi nhà thu gom phế liệu” là một trong những mô hình sáng tạo, thiết thực trong công tác BVMT được Hội LHPN thị trấn Quảng Phú triển khai vào cuối năm 2020. Ngay sau khi phát động, mô hình đã thu hút được đông đảo các thành viên tham gia. Tham gia mô hình, chị em sẽ tiến hành phân loại chọn ra những loại rác có thể tái chế như: chai nhựa, vỏ lon bia, bìa carton, giấy vụn…, đến cuối tháng mang tập kết tại “Ngôi nhà thu gom phế liệu” để bán tạo nguồn quỹ hỗ trợ, giúp đỡ cho các em học sinh và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tính đến nay, sau gần 1 năm triển khai mô hình, toàn Hội đã thu được gần 3 tấn phế liệu các loại, trị giá hơn 5 triệu đồng, giúp đỡ cho 7 trường hợp khó khăn.
Hay mô hình “Đoạn đường hoa” là một trong những điểm nhấn ở Hội LHPN huyện Cư M’gar. Hiện nay, toàn Hội đang đảm nhận 121 đoạn đường, với chiều dài hàng chục km. Trên các đoạn đường, các chị em trồng nhiều loại hoa như: Hoa giấy, hoàng yến, mười giờ, lạc dại, cây cau, chè tàu... Qua đó, đã góp phần tạo mỹ quan xanh - sạch - đẹp, nâng cao ý thức BVMT trong hội viên phụ nữ và người dân ở địa phương. Nhiều đoạn đường trở thành điểm chụp ảnh yêu thích của nhiều người dân trên địa bàn, đặc biệt là giới trẻ…
Mô hình “Đoạn đường phụ nữ tự quản” là một trong những nội dung thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” do Hội LHPN Việt Nam phát động, được các cấp Hội trên địa bàn tỉnh triển khai và đã thu hút đông đảo hội viên tham gia với nhiều hoạt động thiết thực. Gắn với thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã đảm nhận nhiều mô hình đoạn đường tự quản, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc BVMT sống. Từ khi tổ chức thực hiện “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, các tổ phụ nữ cơ sở luôn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, có ý thức nhắc nhở tập thể khu dân cư cùng tham gia, không được lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
“Tuyến đường không rác thải” thôn 14, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin) vào những ngày này không còn thấy tình trạng rác thải vứt bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Được biết, những năm trước, việc giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở nhiều đoạn đường trên địa bàn xã còn nhiều hạn chế. Đầu năm 2015 Hội Phụ nữ xã Ea Ning triển khai thực hiện “Tuyến đường không rác thải” dài gần 5 km nhằm vận động người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, trên tuyến đường đảm nhận, hội viên, phụ nữ trong xã lại tập trung quét dọn, thu gom rác thải…
Có thể nói, ở mỗi vị trí khác nhau, từ các cấp Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk cho đến từng cá nhân hội viên phụ nữ, đã đang và vẫn có nhiều đóng góp tích cực trong công cuộc xây dựng NTM, góp phần từng bước thay đổi diện mạo và đời sống của bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Những việc làm phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung của hội viên, phụ nữ tỉnh Đắk Lắk đã và đang đưa hoạt động BVMT lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư. Các hội viên phụ nữ cũng như người dân ngày càng có ý thức về BVMT, tích cực ngăn chặn các hành vi gây ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng NTM, đô thị văn minh. Thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trung ương Hội LHPN Việt Nam về công tác BVMT, ứng phó biến đổi khí hậu, chống rác thải nhựa để vận dụng phù hợp với thực tiễn của tỉnh; phát huy thế mạnh của mạng xã hội trong công tác tuyên truyền cổ động trực quan; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết khen thưởng, biểu dương tập thể, cá nhân có cách làm hay, tiêu biểu; tổ chức được các hoạt động thiết thực, phù hợp với khả năng của Hội nhằm giải quyết những vấn đề bất cập liên quan đến công tác BVMT tại địa phương. Bên cạnh đó, tập trung tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động theo chủ đề lớn, tổ chức các hoạt động đồng loạt ra quân tuyên truyền BVMT, làm sạch khu dân cư, đường làng ngõ xóm nâng cao vai trò trách nhiệm của hội viên, phụ nữ và toàn xã hội…
Trần Hương
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)