Banner trang chủ

Mô hình “Thôn thông minh” đã và đang đưa nông thôn Đan Phượng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại

15/06/2023

    Ngày 2/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 924/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025. Chương trình này sẽ được triển khai đồng bộ với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu tổng quát của Chương trình là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, gồm: (1) Phát triển chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; (2) Phát triển kinh tế số, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn; (3) Xã hội số trong xây dựng nông thôn mới; (4) Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hóa…), làm cơ sở để tổng kết và đề xuất Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới thông minh giai đoạn 2026 - 2030. Trên cơ sở đó, ngày 29/8/2022, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3098/QĐ-UBND về việc ban hành Bộ tiêu chính xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu TP. Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình “Thôn thông minh”, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Đây là một trong những nội dung mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình “Thôn thông minh”, hiện nay, một số xã của huyện Đan Phượng đang khẩn trương triển khai xây dựng, lan tỏa mô hình này.

Huyện Đan Phượng Đan Phượng khen thưởng các cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai mô hình "Thôn thông minh"

    Nói về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của tất cả các ngành, lĩnh vực. Với ngành nông nghiệp Hà Nội, hiện Sở NN&PTNT đã phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã kinh tế số Việt Nam xây dựng kế hoạch chuyển đổi số lĩnh vực nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và kế hoạch hàng năm. Trong đó yêu cầu các đơn vị trong ngành chủ động triển khai chương trình kinh tế số, từ sản xuất đến phân phối tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, Sở tiếp tục tham mưu với thành phố có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nông dân phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số. Vì vậy, xây dựng mô hình “thôn thông minh” cũng chính là một phần của chuyển đổi ngành nông nghiệp cũng như chương trình chuyển đổi số quốc gia.

    Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu về hỗ trợ nông dân chuyển đổi số. Trước đó, Hà Nội đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR code. Đặc biệt là năm 2021, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP… Cùng với đó, TikTok Shop tại thị trường Việt Nam là một giải pháp sáng tạo dành cho cả người mua, người bán, mang đến hệ sinh thái thương mại điện tử toàn diện, liền mạch ngay trên TikTok, từ khâu tải sản phẩm lên nền tảng, quản lý đơn hàng, giao hàng và thanh toán, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho các chủ thể OCOP. Ngày 31/8/2022, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã ký hợp tác với TikTok để đưa sản phẩm OCOP của Thủ đô lên quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Tiếp đó, ngày 19/9/2022, Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội đã phối hợp với TikTok tổ chức lớp tập huấn và hỗ trợ xúc tiến thương mại trên nền tảng TikTok cho hơn 100 chủ thể OCOP của Hà Nội và một số tỉnh, thành trong cả nước. Trên cơ sở đó, các chủ thể có thể livestream chính thức vào ngày 11/10/2022 tại sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh đồng bằng sông Hồng tổ chức tại huyện Hoài Đức.

    Cũng theo ông Nguyễn Văn Chí, “Thôn thông minh” là một tiêu chí mới, do đó phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm và cần có thời gian để khẳng định hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới. Việc triển khai thực hiện tiêu chí này còn rất nhiều khó khăn do Trung ương không có khung hướng dẫn mà giao cho cấp tỉnh quy định (mỗi tỉnh, thành phố sẽ ban hành quy định riêng để tổ chức triển khai thực hiện). Mặc dù vậy, trên cơ sở Bộ tiêu chí thành phố đã ban hành, hiện nay các địa phương cũng đã chủ động tiếp cận và triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Thôn thông minh”.

Cán bộ hướng dẫn người dân quét mã tại xã Song Phượng (Ảnh Hoàng Huy)

    Xã Song Phượng (huyện Đan Phượng) đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 nhưng theo Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 có thêm yêu cầu về mô hình “Thôn thông minh”, Nhận thấy "Thôn thông minh" là một mô hình hay, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu, xã Song Phượng đã triển khai mô hình này tại 4 thôn trên địa bàn, vừa đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, vừa đưa ứng dụng công nghệ số vào các lĩnh vực của đời sống, phục vụ thiết thực nhu cầu của người dân. Để thực hiện mô hình, xã đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng xã, 4 tổ hỗ trợ công nghệ số cộng đồng để phối hợp với các tổ trưởng tổ tự quản của các thôn “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, vừa khảo sát, vừa hướng dẫn các hộ dân trên địa bàn tham gia tìm hiểu chuyển đổi số; phổ cập kiến thức chuyển đổi số cộng đồng, các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt ứng dụng và lập tài khoản thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng phương thức thanh toán điện tử, giao dịch thương mại điện tử... Công tác tuyên truyền, quán triệt về xây dựng mô hình "thôn thông minh" được triển khai sâu rộng, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền. UBND xã và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã lên ý tưởng, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện thành công Cuộc thi "Thôn, xóm sáng - xanh - sạch đẹp - an toàn - văn minh" để tuyên truyền xây dựng mô hình "Thôn thông minh" đến người dân trên địa bàn. UBND xã cũng thành lập 4 nhóm Zalo của 4 thôn, 36 nhóm Zalo của các tổ tự quản để công tác trao đổi, tuyên truyền giữa chính quyền và người dân được thuận lợi. Để người dân biết và thực hiện thành thạo một số dịch vụ xã hội điện tử, UBND huyện còn triển khai lắp bảng truy cập mã QR tại nhà văn hóa để người dân được hướng dẫn thủ tục hành chính như khai sinh, khai tử, kết hôn, chứng thực; 4 nhà văn hóa trong xã đều được trang bị hệ thống internet, wifi miễn phí. Bên cạnh đó, toàn xã đã xã hội hóa được 236 triệu đồng kinh phí để lắp đặt 68 camera an ninh và 91 đèn năng lượng mặt trời, nâng tổng số trong toàn xã lên 579 camera an ninh và 147 đèn năng lượng mặt trời. Đến nay, 93,7% số hộ gia đình sử dụng tài khoản ngân hàng; 94% số hộ gia đình sử dụng internet, wifi. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh, sử dụng giao dịch điện tử, bán hàng online, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

    Trên cơ sở đánh giá hiệu quả đạt được tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng đã phát động và tổ chức nhân rộng mô hình “Thôn thông minh” trên địa bàn huyện; yêu cầu UBND huyện tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai mô hình “Thôn thông minh” để thúc đẩy chuyển đổi số từ cộng đồng. Đến nay, toàn huyện đã thành lập 16 Tổ công nghệ số các xã, thị trấn, 129 Tổ công nghệ cộng đồng thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên. Các Tổ công nghệ đã thực hiện hiệu quả các nội dung về Phổ cập số, tập huấn số, ứng dụng dịch vụ công trực tuyến, cài đặt tài khoản thanh toán điện tử, lắp đặt camera an ninh, phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn. Mỗi xã đều có một thôn thông minh sử dụng giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, có các hoạt động quảng bá về địa phương, có các dịch vụ xã hội như: Y tế thông minh, nông nghiệp thông minh và sinh hoạt cộng đồng thông minh… Kết quả đạt được đã góp phần góp phần nâng cao hiệu quả điều hành của cấp ủy, chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; là cơ sở thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy Đan Phượng về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị đến năm 2025 và những năm tiếp theo.

    Triển khai mô hình “Thôn thông minh” là một trong những yêu cầu để đạt mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đây cũng là tiền đề để hướng tới mô hình “Xã nông thôn mới thông minh” cho giai đoạn 2026 - 2030. Với sự ra đời của các tổ công nghệ số cộng đồng, giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, du lịch thông minh... trong mô hình “thôn thông minh” đã và đang đưa nông thôn Đan Phượng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại.

Hương Mai

(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn