27/10/2020
Ngày 29/9, Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU TP. Hà Nội tổ chức Hội thảo “Liên kết 4 nhà về xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU Ngô Thị Thanh Hằng và các đại biểu thăm quan các gian hàng
Nông thôn thành phố Hà Nội có diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp lớn với dân số trên 4 triệu người, chiếm trên 60% lực lượng lao động của toàn TP, là nơi cung cấp nguồn nhân lực xây dựng Thủ đô, đất đai cho phát triển, xây dựng hạ tầng và đô thị, cung cấp lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh nên có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; liên tục trong nhiều nhiệm kỳ qua, Ban Chấp hành Đảng bộ TP xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là một trong những chương trình công tác trọng tâm của Thành ủy. Đến cuối năm 2020, có 10 huyện và 371 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 96,1%, hoàn thành trước hạn 2 năm mục tiêu đề ra, đứng đầu cả nước về số xã đạt chuẩn NTM, với nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần khắc phục, trong đó, có vấn đề BVMT, xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn. Hiện, Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề, trong đó, có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Đi kèm với sự phát triển nhanh của sản xuất làng nghề, việc ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp; đòi hỏi phải có giải pháp thiết thực, hiệu quả, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân; trong đó có vai trò quan trọng của 4 nhà: quản lý, khoa học, doanh nghiệp và nhà nông. Nhận thức sâu sắc vấn đề BVMT có vai trò quan trọng trong phát triển bền vững, Thành ủy Hà Nội đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 31/5/2017 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường công tác BVMT trường trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
Báo cáo về thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, chất thải làng nghề, rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn TP. Hà Nội, Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ khẳng định: Các cụm công nghiệp, làng nghề đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, đặc biệt là các làng nghề đã thu hút các lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi tại địa phương. Tổng doanh thu của các làng nghề đạt khoảng 22.000 tỷ đồng. Một số làng nghề có doanh thu cao tại Hoài Đức như làng nghề điêu khắc mỹ nghệ Sơn Đồng đạt 2.850 tỷ đồng; làng nghề bánh kẹo dệt kim La Phù đạt 1.301 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Minh Khai đạt 1.061 tỷ đồng; làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Dương Liễu đạt 1.600 tỷ đồng… Song, mặt trái của phát triển kinh tế trong thời gian qua là vấn đề ô nhiễm môi trường, như ô nhiễm không khí, tiếng ồn, bụi, chất thải rắn, nước thải đối với làng nghề, cụm công nghiệp; ô nhiễm chất thải rắn, nước thải, mùi hôi thối trong sản xuất chăn nuôi; ô nhiễm bao bì thuốc bảo vệ thực vật, nguồn nước, đất, tàn dư thuốc bảo vệ thực vật, tàn dư nông sản trong sản xuất trồng trọt; ô nhiễm nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt hàng ngày của khu vực nông thôn thải ra,… kết hợp với rác thải, nước thải đô thị đã tạo nên từ chỗ ô nhiễm nhỏ thành ô nhiễm tập trung, gây khó khăn trong xử lý, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
TP hiện có có 6 trạm/nhà máy xử lý nước thải (trong đó: 5 trạm/nhà máy xử lý nước thải nằm trong khu vực nội đô: Kim Liên, Trúc Bạch, hồ Bảy Mẫu, Yên Sở, Hồ Tây; 1 nhà máy xử lý nước thải nằm ở khu vực ngoại thành: Bắc Thăng Long - Vân Trì. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy xử lý nước thải của TP đạt 276.300 m3/ngày đêm); 2 khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung là Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì tiếp nhận xử lý rác thải sinh hoạt từ địa bàn quận, huyện, thị xã. Hiện nay, TP đang tiếp tục triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải để đáp ứng lượng rác thải ngày càng lớn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà máy xử lý nước thải mới xử lý được khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý ở khu vực nội đô, ở các làng nghề chỉ chiếm khoảng 5,2%, phần còn lại chưa được xử lý mà trực tiếp xả thải ra môi trường.
Tại Hội thảo, một số đại biểu kiến nghị, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách cụ thể, dễ thực hiện để phát triển sản xuất (nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ...) thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên. Đồng thời, TP cần ban hành các chính sách về đầu tư, quản lý và vận hành các hệ thống xử lý môi trường nông thôn; Bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác môi trường, tập trung vào hạ tầng, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công tác duy trì và quản lý cho khu vực nông thôn; Phân công trách nhiệm và phân cấp hợp lý, tăng cường trách nhiệm cho cơ quan quản lý môi trường các cấp trong hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương; Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch trong cụm công nghiệp làng nghề và chăn nuôi tập trung xa khu dân cư…
Đức Anh