02/05/2023
Ngày 18/4/2023, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký Quyết định số 2291/QĐ-UBND về việc công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu năm 2022. Theo đó, UBND Thành phố công nhận 15 xã thuộc các huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Thạch Thất, Thanh Oai, Thường Tín đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2022. Trong số các xã được công nhận, xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) là một trong 2 xã đạt NTM kiểu mẫu nhiều nhất là 4/8 lĩnh vực (cùng với xã Yên Sở, huyện Hoài Đức).
Trường Tiểu học Hồng Vân được đầu tư khang trang, đáp ứng yêu cầu giáo dục toàn diện cho học sinh
Xã Hồng Vân có 6 thôn gồm: Xâm Thị, Xâm Xuyên, Cơ Giáo, Cẩm Cơ, La Thượng và Vân La; trong đó các thôn đều có nghề truyền thống, riêng Xâm Xuyên và Cơ Giáo được công nhận là Làng nghề Sinh vật cảnh năm 2008. Năm 2019, Hồng Vân là một trong những xã đầu tiên của huyện Thường Tín được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là niềm vui lớn, động viên khích lệ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hồng Vân tiếp tục đầu tư phát triển để Hồng Vân luôn là một điểm sáng.
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTMTP. Hà Nội, từ năm 2022, Hà Nội thực hiện đánh giá xã NTM kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí của giai đoạn 2021 - 2025, với nhiều nét mới, các chỉ tiêu, tiêu chí đặt ra cao hơn. Cụ thể, để đạt xã NTM kiểu mẫu, các địa phương phải đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; hoàn thành các tiêu chí bắt buộc, gồm thu nhập, mô hình thôn thông minh. Đối với tiêu chí tự chọn, các xã tự chọn hoàn thành một trong 8 lĩnh vực: An ninh trật tự; môi trường; sản xuất; y tế; văn hóa; giáo dục và đào tạo;
Căn cứ vào Bộ tiêu chí trên, để đảm bảo thắng lợi mục tiêu đề ra, Đảng ủy xã Hồng Vân đã tổ chức họp định kỳ, bàn bạc, đưa ra nghị quyết để nâng cao chất lượng các tiêu chí NTMkiểu mẫu; HĐND xã tăng cường công tác thể chế hoá các chủ trương của Đảng ủy xã, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới; UBND xã đôn đốc thường xuyên thực hiện nhiệm vụ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện… Với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của chính quyền và nhân dân các cấp, diện mạo nông thôn xã Hồng Vân không ngừng được nâng cao. Hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng cấp ngày một đồng bộ, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển. Thu nhập bình quân đầu người được cải thiện qua từng năm, hiện đã đạt hơn 76 triệu đồng/năm; 100% các tuyến đường trục xã, trục thôn, liên thôn, ngõ xóm đã được cứng hóa bê tong; 100 % số hộ dân sử dụng nước sạch. Về giáo dục đào tạo, văn hóa xã hội, trên địa bàn xã có 3 cấp trường đạt chuẩn quốc gia; 100% các thôn có nhà văn hóa thôn, trung tâm văn hóa và thể thao xã hội với diện tích 7.600 m2 đảm bảo phục vụ hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng. Hồng Vân cũng tổ chức phát động và thực hiện tốt hai phong trào lớn là: Xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp và xây dựng người Hồng Vân thân thiện - mến khách.
Trong phát triển nông nghiệp, xã Hồng Vân đã xây dựng dây chuyền sản xuất các loại trà thảo mộc. Trong đó có các loại trà có thương hiệu như: Trà Chùm ngây, trà Trâu Cổ, trà Kim Ngân hoa - đây là 3 sản phẩm đã được công nhận đạt OCOP 4 sao của Thành phố. Hợp tác xã hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân được thành lập năm 2014, thực hiện khâu tổ chức sản xuất sơ chế, chế biến trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, du lịch… Các sản phẩm trà đều là những sản phẩm do chính nông dân Hồng Vân trồng và sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Bên cạnh đó, du khách còn có thể trải nghiệm tại khu sản xuất, chế biến trà thảo dược, tham quan khu ngâm ủ hơn 100 loại rượu quê với các loại thảo mộc; thăm mô hình trồng trọt, thu hái nông sản theo mùa, chụp ảnh tại các vườn hoa, cây cảnh với dáng thế độc đáo...
Nhiều gia đình ở xã Hồng Vân đã làm nghề trồng cây cảnh hàng chục năm nay
Ban Chỉ đạo NTM xã Hồng Vân cũng quyết định lựa chọn thôn Vân La để xây dựng mô hình "thôn thông minh". Thôn Vân La có 499 hộ, 1.700 nhân khẩu. UBND xã đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn xã, trong đó, Tổ của thôn Vân La có 26 thành viên, do Trưởng thôn là Tổ trưởng, Bí thư chi đoàn là Tổ phó, nòng cốt là đoàn thanh niên và hội viên phụ nữ. Tổ công nghệ số cộng đồng đã được Ban chỉ đạo chuyển đổi số của xã tập huấn, đào tạo, hướng dẫn về kỹ năng số để tuyên truyền, hướng dẫn người dân trên địa bàn thôn. Theo rà soát của xã Hồng Vân, 98% số hộ ở thôn Vân La sử dụng điện thoại thông minh và các ứng dụng thông minh trên điện thoại; 250 hộ lắp camera giám sát kết nối điều khiển thông qua điện thoại, đạt tỷ lệ 50,1%... Quyết tâm xây dựng “thôn thông minh”, cán bộ thôn phối hợp với đơn vị chức năng hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số, phục vụ nhu cầu thiết yếu như: Y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng, chống dịch; sử dụng các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, giao dịch ngân hàng, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản và làng nghề của thôn. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập. Bên cạnh đó, thôn đã huy động xã hội hóa để lắp đặt hệ thống wifi tốc độ cao miễn phí, lắp một số camera an ninh giám sát tại các khu vực công cộng, tuyến đường trục chính... Những việc làm này được 100% số hộ dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng để cùng xây dựng thôn thông minh. Thôn cũng đã thành lập trang thông tin thôn, xóm, các đoàn thể trên nền tảng mạng xã hội Zalo Nhân dân làng Vân La với 318 thành viên tham gia là đại diện các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong thôn và trang Fanpage Làng Vân La (do cán bộ thôn quản trị) với 1.400 người theo dõi. Các trang giao tiếp thông minh của thôn để tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội của thôn và tiếp nhận phản ánh của nhân dân, doanh nghiệp trên địa bàn thôn…
Xã Hồng Vân tổ chức tập huấn về chuyển đổi số cho cán bộ và nhân dân các thôn
Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình xây dựng NTM là một cuộc “cách mạng” mang tính tổng hợp, toàn diện cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là sự đồng thuận, tham gia nhiệt tình, trách nhiệm của nhân dân các dân tộc trong huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của xã Hồng Vân đã đạt được những kết quả rất quan trọng trên các phương diện, trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ cách làm của xã Hồng Vân, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm trong xây dựng NTM như sau:
Thứ nhất, xây dựng NTM trước hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng và đầy đủ về xây dựng NTM;
Thứ hai, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, nâng cao vai trò của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đối với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM;
Thứ ba, cần xác định những công trình, công việc bức xúc của người dân và tập trung thực hiện tốt, từ đó tạo niềm tin và khí thế phấn khởi cho người dân, khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của dân trong xây dựng NTM;
Thứ tư, thực tiễn cho thấy ở địa phương, đơn vị, cơ sở nào đoàn kết nội bộ tốt, phát huy dân chủ thật sự, người đứng đầu quyết liệt vào cuộc thì xây dựng nông thôn mới ở nơi đó đạt kết quả cao. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực trong xây dựng NTM phải đảm bảo thật sự dân chủ, người dân được tham gia bàn bạc, quyết định và có sự giám sát của cộng đồng dân cư để đảm bảo công khai, minh bạch;
Thứ năm, xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, không được chủ quan, nóng vội, chạy theo thành tích, nhưng phải hết sức tích cực, quyết liệt, vừa làm vừa rút kinh nghiệm hoàn thiện. Cần kịp thời khen thưởng, biểu dương những cá nhân, tổ chức tích cực tham gia đóng góp xây dựng NTM và cần tăng cường kiểm tra, giám sát để có chỉ đạo, uốn nắn kịp thời…
Nguyệt Minh
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới TP. Hà Nội)