22/12/2023
Với hơn 20 năm kinh nghiệm công tác, TS. Lê Xuân Sinh thuộc Phòng Hóa môi trưởng biển, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, là nhà khoa học trẻ có nhiều đóng góp cho việc xây dựng và phát triển mô hình bảo vệ môi trường ở các vùng dân xã đảo ven biển. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với TS. Lê Xuân Sinh về những công việc mà ông và các cộng sự đã triển khai trên thực tế, góp phần BVMT nói chung và BVMT nông thôn mới tại các xã vùng biển đảo nói riêng thời gian qua.
PV: Là nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu BVMT nông thôn mới, nhất là tịa các xã biển đảo. Vậy xin ông cho biết thực trạng môi trường tại các xã biển đảo hiện nay là gì?
TS. Lê Xuân Sinh: Kết quả nghiên cứu của nhóm chúng tôi về lĩnh vực BVMT, kinh tế xanh trong xây dựng nông thôn mới dụng cho các khu vực ven biển và hải đảo được trải dài từ miền Bắc như đảo Cát Bà, huyện đảo Bạch Long Vỹ (khu vực miền Bắc), đảo Cù Lao Xanh (miền Trung), quần đảo Nam Du (miền Nam) và tiếp tục triển khai nhiều đảo tiềm năng ở Quảng Ninh, Khánh Hòa…
TS. Lê Xuân Sinh nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021
Trong quá trình nghiên cứu từ 2017 cho đến nay, chúng tôi nhận thấy hiện trạng môi trường các xã vùng biển và hải đảo đang phải đối mặt với ô nhiễm nước biển khu vực bến bãi, ô nhiễm chất thải rắn từ hoạt động sinh hoạt của người dân sinh sống tại địa bàn và rác thải ngoại sinh, trôi dạt từ vào các bãi biển. Nước thải của người dân tại địa bàn thường không được xử lý mà thải trực tiếp vào môi trường. Các bến bãi thường bị ô nhiễm bởi nước thải chứa các chất hữu, mùi hôi tanh từ các hoạt động vận chuyển thủy hải sản, ô nhiễm bởi dầu từ hoạt động vận tải và chất thải nhựa, phao, xốp trôi nổi khắp nơi do ý thức của người ngư dân chưa tốt.
Các huyện đảo xa xôi như Bạch Long Vỹ thì rác thải rắn trôi dạt vào các bãi tắm, bãi biển, rác thải có nguồn gốc nhiều từ Việt Nam và nước ngoài. Để nhận biết nguồn gốc rác thải ngoại sinh thì chúng tôi kiểm toán số lượng, thành phần và nhãn hiệu. Nhận thấy thành phần rác thải chủ yếu là nhựa chiếm 95%, bên cạnh là thủy tinh, kim loại và nhiều thành phần khác.
Mặc dù các địa phương có biển đảo đã tích cực triển khai đa dạng các hoạt động bảo vệ môi trường nhưng với những xã đảo đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ, các xã chưa có công trình cấp nước sạch tập trung, không có khu xử lý rác thải sinh hoạt… nên gặp nhiều khó khăn trong thực hiện đạt các tiêu chí về nông thôn mới.
PV: Để triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo ông cùng cộng sự có tham gia đề tài xử lý rác thải cho xã đảo Việt Hải, huyện Cát Hải, Hải Phòng. Vậy ông có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn khi triển khai đề tài cũng như việc nhân rộng mô hình BVMT ở các vùng dân xã đảo ven biển khác trên cả nước?
TS. Lê Xuân Sinh: Để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nội dung về BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo, chúng tôi triển khai mô hình kinh tế xanh của xã đảo Việt Hải, huyện Cát Hải, Thành phố Hải Phòng là mô hình kiểu mẫu cho các xã đảo, là một phần trên đảo lớn (đảo Cát Bà), xã đảo thuộc vùng đệm của khu vực bảo tồn (Vườn Quốc gia Cát Bà), xã đảo vừa có đặc trưng của một bản vùng cao và đặc trưng của một xã ven biển miền Bắc. Mô hình kinh tế xanh xây dựng ở xã đảo Việt Hải với cơ cấu kinh tế trọng điểm là du lịch cộng đồng, nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó phát triển bổ trợ như dịch vụ, cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách hướng đến các giải pháp BVMT, các hệ sinh thái thuộc địa bàn quản lý của xã.
Hoạt động thu gom rác thải tại xã đảo Việt Hải, huyện Cát Hải, TP. Hải Phòng góp phần BVMT xây dựng nông thôn mới
Tại đây, chúng tôi đã tập huấn cho người dân tại xã đảo Việt Hải phân loại rác, tiến hành ủ phân hữu cơ tại nhà; Tập huấn cho người dân phân loại pin thải, thu gom pin để chuyển vào đất liền xử lý; Tuyên truyền cho người dân về các sản phẩm có thể phân hủy sinh học thay vì các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút bằng bột gạo, ống hút cỏ, túi phân hủy sinh học, cốc giấy… Các hoạt động nghiên cứu của đề tài đều hướng đến triển khai các mô hình kinh tế tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trương, từ đó góp phần cải thiện đời sống của người dân vùng đảo như: phát triển mô hình du lịch ngắm san hô bằng thuyền đáy kính để bảo hệ sinh thái san hô; mô hình massage cá nhằm bảo vệ đàn cá cá suối Garra Rufa, trước đây người dân dùng làm thức ăn. Các mô hình này đều giúp phát triển kinh tế cho người dân và có ý nghĩa gắn với các hoạt đông bảo vệ các hệ sinh thái biển để người dân nâng cao nhận thức về bảo vệ nguồn vốn tự nhiên phục vụ phát triển bền vững.
Trong quá trình triển khai thì mô hình ở xã Việt Hải, chúng tôi có những thuận lợi và khó khăn sau:
Về mặt thuận lợi, đó là ý thức biến thành hành động của cấp chính quyền xã đã giúp phong trào BVMT, thu nhặt rác thải được duy trì thường xuyên, huy động cả cộng đồng tham gia. Các mẫu thuẫn phát sinh được giải quyết với sự đồng thuận của các nhà khoa học - chính quyền - người dân. Bên cạnh đó, các cơ chế chính sách từ Trung ương đến địa phương ngày càng thúc đẩy các hoạt động môi trường sát với thực tiễn.
Về mặt khó khăn chủ yếu như khoảng cách địa lý, di chuyển xa, ý thức người dân chưa cao nên dẫn đến công tác BVMT nếu không sâu xát sẽ bị buông lỏng. Ví dụ như hoạt động phân loại rác sinh hoạt quy mô gia đình, nếu làm tốt thì sẽ làm giảm lượng rác thải quá tải ở các bãi rác. Hiện tượng đốt rác tự phát tại các bãi rác làm ô nhiễm không khí của cả xã, vì xã nằm trong một thung lũng cho nên khói sinh ra từ việc đốt rác không được phát tán mà tích tụ trong môi trường không khí của xã. Mâu thuẫn lợi ích giữa sinh kế của người dân như người chăn nuôi để trâu bò vệ sinh bừa bãi, ăn hoa màu của người dân làm du lịch…
PV: Để xử lý rác thải phù hợp với các xã đảo xa đất liền, theo ông cần có giải pháp gì nhằm BVMT, bảo vệ cảnh quan và sức khoẻ cho du khách và người dân?
TS. Lê Xuân Sinh: Rác thải rắn từ sinh hoạt, hoạt động sản xuất như khai thác thủy sản, nuôi trồng thủy sản, hay dịch vụ du lịch đang phát sinh mỗi ngày và là một bài toán cần có lời giải cho các xã đảo xa đất liền. Theo những kết quả triển khai đề tài của chúng tôi, cần có hoạt động phân loại rác triệt để tại các xã đảo xa đất liền. Chỉ như vậy, các lò đốt rác đạt hiệu quả cao. Cơ chế hỗ trợ chuyển rác tái chế về đất liền có chi phí vận chuyển quá cao nên khó thu hút người tham gia quá trình này.
TS. Lê Xuân Sinh, Viện Tài nguyên và Môi trường biển và các cộng sự bàn giao mô hình xử lý rác hữu cơ
cho người dân xã Việt Hải, huyện Cát Bà, Hải Phòng
PV: Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại các xã đảo, huyện đảo hiện nay có những khó khăn, bất cập gì cần điều chỉnh hoàn thiện không? Theo ông, cần các tiêu chí, công trình/giải pháp BVMT như thế nào có để bảo đảm bền vững lâu dài ?
TS. Lê Xuân Sinh: Để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nội dung về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án thí điểm hoàn thiện và nhân rộng mô hình BVMT trong xây dựng nông thôn mới tại các xã khó khăn, biên giới, hải đảo theo hướng xã hội hóa giai đoạn 2017 - 2020. Tuy nhiên theo chúng tôi, việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường vẫn còn những thách thức cần tiếp tục giải quyết. Việc thực hiện và giữ được kết quả thực hiện đối với tiêu chí này gặp rất nhiều khó khăn nhất là tại các xã biển đảo. Mặc dù so với nhiều tiêu chí khác, việc thực hiện tiêu chí môi trường đôi khi không chỉ đòi hỏi phải đầu tư lớn, mà còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân.
Ngoài ra, khó khăn lớn nhất là khoảng cách của các xa đảo xa nên kinh phí đầu tư, nguồn vốn cung cao hơn từ 1,5 - 2 lần so với trong đất liền. Các công nghệ đầu tư chưa phù hợp điều kiện thời tiết, khí hậu, ăn mòn hóa học từ biển. Thêm vào đó, nguồn nhân lực quản lý có trình độ chưa cao, khó thu hút người tài tham gia công tác tại các cấp chính quyền tại các xã đảo. Chính vì lẽ đó, phải có cơ chế đặc thù áp dụng riêng cho các xã đảo.
Người dân xã Việt Hải, huyện Cát Bà, Hải Phòng dần thay đổi thói quen chuyển từ cốc nhựa sang cốc giấy
Các giải pháp đã được đề xuất như công nghệ phù hợp, nguồn nhân lực cần cải thiện và cơ chế chính sách phù hợp thu hút nguồn lực, nhà đầu tư ra đảo. Phải có cơ chế hỗ trợ các tàu thuyền tham gia quá trình vận chuyển rác thải tái chế từ đảo vào đất liền như hỗ trợ kinh phí/kg rác tái chế. Đặc biệt các chiến dịch, sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường thay thế nhựa một lần để hướng đến mô hình không rác thải nhựa tại các đảo, những mô hình đang triển khai hiệu quả ở Cù Lao Chàm. Trong nghiên cứu của chúng tôi, rác hữu cơ đã được xử lý tại vườn nhà của các hộ gia đình, thay thế ống hút nhựa bằng ống hút bột gạo, cỏ bàng, túi ni lông hữu cơ có khả năng phân hủy, thay thế thói quen đi chợ bằng túi, làn sử dụng nhiều lần, pin thải được thu gom và xử lý tiêu hủy, tập huấn, hội thảo để thay đổi thói quen của người dân… tiến tới cấm mang rác thải nhựa một lần từ bến tàu ra đảo.
PV: Nhân dịp này, ông có đề xuất kiến nghị gì để bảo vệ cảnh quan môi trường tại các xã đảo trong xây dựng nông thôn mới thời gian tới?
TS. Lê Xuân Sinh: Có thể nói, thành công của các đề tài đã mở ra hướng nghiên cứu, ứng dụng mô hình kinh tế xanh cho các xã đảo ven bờ và các đảo nhỏ ở Việt Nam. Đồng thời khẳng định vai trò, trách nhiệm của các nhà khoa học đối với cộng đồng xã hội và môi trường tự nhiên trong xây dựng nông thôn mới tại các xã biển đảo. Để khai mô hình kinh tế xanh mà chúng tôi đã nghiên cứu tại các xã đảo, mô hình có hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường như:
Thứ nhất, đối với kinh tế: Mô hình kinh tế bền vững sẽ khắc phục các hoạt động kinh tế hiện nay là dựa vào khai thác tài nguyên, các hoạt động kinh tế mang tính tự cấp, tự phát.
hứ hai, đối với môi trường: Giảm thiểu các ô nhiễm môi trường mà các xã đảo đang phải đối mặt như chất thải rắn, nước thải.
Thứ ba, đối với xã hội: Đưa ra mô hình kinh tế phù hợp cho cộng đồng dân cư các xã đảo quan trọng để nâng cao điều kiện sống, giảm tác động của biến đổi khí hậu. Tập trung nguồn lực để cộng đồng được tiếp xúc với các điều kiện y tế, giáo dục và các lợi ích xã hội khác cao hơn.
Cuối cùng, với đặc thù tại các xã biển đảo nằm xa đất liền còn nhiều khó khăn, theo chúng tôi, ngoài sự nỗ lực của địa phương, rất cần nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, với các xã đảo diện tích nhỏ hẹp, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới theo các tiêu chí sẽ không đảm bảo nên cần có hướng dẫn đặc thù của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới Trung ương.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nam Hưng (Thực hiện)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương)