Banner trang chủ

Huyện Đơn Dương: Sau hơn 1 năm triển khai thí điểm huyện nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

02/01/2021

     Là địa phương được vinh dự chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (CNC) theo hướng thông minh, với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, thông qua hình thức tuyên truyền, vận động, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất đến từng địa bàn, đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) đã có những bước phát triển vượt bậc.

Lãnh đạo huyện Đơn Dương nhận Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2015

     Huyện Đơn Dương nằm ở phía Đông Nam TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, với 2 thị trấn và 8 xã, tổng diện tích tự nhiên là 61.135 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm 33,2%, còn lại là đất rừng, được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng chọn làm điểm xây dựng NTM. Chỉ trong vòng 5 năm, Đơn Dương đã vươn lên trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng và cả khu vực Tây Nguyên, bộ mặt của địa phương đã thay đổi rõ rệt, kinh tế phát triển, đường làng ngõ xóm sạch đẹp với 100% đường giao thông liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, 100% thôn, buôn có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt và sản xuất đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao… Đây là thành quả, công sức của các tập thể, chính quyền địa phương và sự đồng lòng, chung tay xây dựng của nhân dân. Đến năm 2018, huyện được Chính phủ chọn làm mô hình điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh giai đoạn 2019 - 2025, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 427/QĐ-UBND ngày 6/3/2019, với mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020 có 3 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu về nông nghiệp CNC theo hướng thông minh; 90% diện tích sản xuất rau hoa và chăn nuôi bò sữa được ứng dụng CNC theo hướng thông minh; giá trị bình quân 1 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt từ 220 triệu đồng trở lên/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2025, 100% xã được công nhận xã NTM nâng cao, trong đó 5 xã được công nhận NTM kiểu mẫu về nông nghiệp CNC theo hướng thông minh; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/người/năm; Đơn Dương được công nhận huyện NTM về nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng thông minh. 

     Bắt tay vào xây dựng NTM kiểu mẫu, huyện Đơn Dương đã tập trung các nguồn vốn để đầu tư nâng cấp nhiều tuyến đường, trục giao thông liên xã, thôn, tạo thuận tiện trong giao thương, phát triển liên kết vùng. Hiện 100% các thôn có điện lưới quốc gia; 42/54 trường đạt chuẩn quốc gia; 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 8/8 xã có nhà văn hóa hoặc hội trường đa năng và sân thể thao. Toàn huyện hiện có 94,5 km đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa (chiếm 100%); 77,4 km kênh mương đã được kiên cố hóa (chiếm 68,7%); 100% số thôn có điện lưới quốc gia và đường truyền internet băng thông rộng... Đặc biệt, thực hiện nông nghiệp CNC, địa phương tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng, diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất cây rau thương phẩm. Tổng diện tích sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC hiện nay là 10.512 ha/11.763 ha đất canh tác rau, hoa toàn huyện (chiếm 89,4%), trong đó diện tích nhà kính, lưới là 2.330 ha; Tưới tự động, nhỏ giọt ngoài nhà kính, lưới 8.100 ha.

Sản xuất cây giống cà chua chất lượng cao ở vùng nông nghiệp CNC xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương

     Cùng với đó, địa phương chú trọng đẩy mạnh ứng dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, thân thiện với môi trường, không dùng đất mà canh tác trên giá thể mang lại giá trị thu nhập từ 250 - 300 triệu đồng/ha/năm. Với diện tích trồng rau, hoa như vậy, hàng năm, lượng rác thải thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thải ra môi trường lớn. Để xử lý vấn đề này, huyện đã xây dựng 5 nhà kho chứa vỏ bao bì thuốc BVTV và thùng chứa rác thải nguy hại tại các khu vực sản xuất tập trung. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả của các loại hóa chất BVTV đối với môi trường cũng như sức khỏe con người, từ đó có ý thức sử dụng một cách hợp lý, giảm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhờ vậy, năm 2019, huyện đã xây dựng mô hình trồng thực nghiệm một số loại cây trên giá thể, hỗ trợ 4 kho lạnh bảo quản nông sản, 20 máy vắt sữa đôi, nâng cấp 2 vườn ươm có lưới chắn côn trùng. Cùng với đó, hỗ trợ 44 hệ thống tưới thông minh, tưới tiết kiệm nước kèm châm phân tự động cho 52 ha sản xuất với tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng. Hiện nay, Đơn Dương có 2 vùng sản xuất đang trình UBND tỉnh thẩm định, công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phấn đấu đến cuối năm 2020 thêm 1 vùng được công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong chăn nuôi bò sữa. Trong thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Đơn Dương được UBND tỉnh đánh giá công nhận sản phẩm OCOP Lâm Đồng đối với 3 sản phẩm: Trà đương quy túi lọc đạt 4 sao, quả hồng sấy dẻo đạt 3 sao, củ năng đạt 3 sao.

     Không chỉ trên lĩnh vực trồng trọt, địa phương còn đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi. Liên kết theo chuỗi giá trị từ chăn nuôi bò sữa đến thu gom, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sữa tươi nguyên liệu đã giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư, phát triển mở rộng sản xuất, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp thu mua sữa. Hiện, tổng đàn bò sữa toàn huyện có 14.300 con, trong đó khoảng 47% tổng đàn bò sữa đang cho khai thác sữa, bình quân 134 tấn/ngày, mang lại doanh thu 1,68 tỷ đồng/ngày. Trên địa bàn huyện có 10 trạm thu mua sữa thuộc 4 doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sữa ổn định cho tất cả hộ chăn nuôi. Hiện nay, huyện có 2 vùng sản xuất đang trình UBND tỉnh thẩm định, công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC và phấn đấu đến cuối năm 2020 có thêm 1 vùng được công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trong chăn nuôi bò sữa.

     Đến nay, 100% số xã trên địa bàn huyện Đơn Dương đã được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận đạt chuẩn NTM; 4 xã Lạc Xuân, Lạc Lâm, Ka Đô, Quảng Lập thực hiện kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, xác định công tác xây dựng NTM là không có điểm dừng, chính quyền các cấp của huyện Đơn Dương tiếp tục có những chính sách, giải pháp để nâng “chất” tiêu chí, trong đó chú trọng phát triển kinh tế gắn với BVMT, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, với sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là HTX, tổ hợp tác. Đồng thời, lồng ghép các nguồn vốn, chương trình, dự án, đề án trên địa bàn huyện và tăng cường huy động nguồn lực trong nhân dân để xây dựng NTM kiểu mẫu theo phương châm “Dân làm - Nhà nước hỗ trợ”.

Kim Loan

 

Ý kiến của bạn