15/07/2024
Những năm gần đây, với yêu cầu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, kinh tế hợp tác xã (HTX) đã có bước phát triển mới cả về số lượng, hiệu quả hoạt động với nhiều loại hình sản xuất, kinh doanh dịch vụ, phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, giáo dục trải nghiệm, tiêu biểu như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn, thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Đây là mô hình kinh tế trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP được thành lập vào tháng 4/2017 theo ý tưởng của ông Hoàng Văn Khảm, một hộ nông dân có tâm huyết và kinh nghiệm trồng rau, quả lâu năm tại thị trấn Chúc Sơn. HTX đã và đang trồng nhiều loại rau, củ theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, đầu tư lắp đặt hệ thống camera, lưu trữ dữ liệu 30 ngày gần nhất để minh bạch quá trình sản xuất, giúp khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách nhanh chóng. Với kế hoạch sản xuất bài bản, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại nên năng suất, chất lượng các loại nông sản luôn đảm bảo. Hiện HTX có 6 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao (Hành lá, rau muống, rau cải canh, rau mùng tơi, cà chua, rau mùi ta) và HTX được đánh giá là điển hình của TP. Hà Nội trong thực hiện các chuỗi liên kết sản phẩm rau, quả sạch.
Địa chỉ cung ứng sản phẩm rau sạch, chất lượng cao
Năm 2016, xuất phát từ một nhóm hộ nông dân tâm huyết, có kinh nghiệm trong việc trồng, chăm sóc rau sạch, với mong muốn mang đến sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã được thành lập, dưới sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ. Khi mới thành lập, HTX chỉ có vài thành viên, sản xuất trên diện tích 5ha, đến nay đã thu hút gần 60 thành viên tham gia trên diện tích gần 27 ha, sản xuất theo 3 hướng: Nông nghiệp công nghệ cao; nông nghiệp gắn với công nghệ nhà lưới và nông nghiệp sản xuất ngoài trời. Điểm nhấn của HTX là áp dụng phương pháp trồng rau theo công nghệ Nhật Bản, chỉ sau hai năm tham gia và được các chuyên gia Nhật Bản chuyển giao kỹ thuật, từ vụ Đông năm 2017, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn đã triển khai trồng hàng chục loại rau như cải bắp, cải bó xôi, cải chíp, cải canh, cà chua, củ cải tròn… đến thời điểm hiện tại, HTX đang tổ chức sản xuất và hợp đồng sản xuất gieo trồng trên 30 chủng loại rau. Toàn bộ quá trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh đến khi thu hoạch rau, các thành viên của HTX đều áp dụng theo đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn của các chuyên gia nông nghiệp Nhật Bản. Phân bón được sử dụng là phân chuồng đã được ủ và một số loại phân bón vô cơ có nguồn gốc rõ ràng, đồng thời, áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để hạn chế sâu bệnh hại. Ngoài ra, HTX sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, kết hợp sử dụng che phủ vải không dệt, máy hút bọ nhảy đã cho hiệu quả tốt. Các loại rau trồng trong mô hình đã cho chất lượng và năng suất tốt, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương.
Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (thứ hai từ trái sang phải)
cùng đoàn công tác của TP. Hà Nội đến thăm, kiểm tra quy trình sản xuất tại HTX Rau quả sạch Chúc Sơn
HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cũng là một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện Chương Mỹ được tiếp cận và áp dụng công nghệ viễn thám, nhật ký điện tử, hệ thống quản lý sản xuất bằng điện thoại thông minh; hệ thống camera giám sát đồng ruộng; tem truy xuất nguồn gốc QR code gắn với bộ nhận diện nhãn hiệu; hệ thống quan trắc thời tiết áp dụng vào sản xuất rau an toàn. Đặc biệt, từ năm 2016, HTX đã tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Thông qua trạm thời tiết thông minh iMentos 3.3 A-G với hệ thống quan trắc và camera truyền hình ảnh về khu nhà điều hành, từ đây, người phụ trách dễ dàng cập nhật thông tin từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch đến in tem, nhãn tự động, minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất. Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa, độ ẩm của đất… giúp người quản lý nắm bắt được tình hình sâu bệnh cũng như sinh trưởng để có kế hoạch sản xuất sao cho hiệu quả. Công nghệ số eGap thì giúp HTX thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau. Việc áp dụng hệ thống nhập dữ liệu trên các phần mềm thuận tiện cho quá trình kiểm soát thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thông qua mã QR, mã vạch và minh bạch thông tin với người tiêu dùng. HTX cũng đã hoàn thiện khu nhà sơ chế, đóng gói, lắp đặt 2 kho lạnh bảo quản rau, bảo đảm độ tươi ngon cho sản phẩm.
Hiện tại, mỗi ngày HTX Rau quả sạch Chúc Sơn cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn rau xanh, trong đó, 100% sản phẩm đều đã được ký hợp đồng bao tiêu với các đơn vị, phân phối, gồm: 4 bệnh viện, 2 hệ thống siêu thị lớn là Big C và T-Mart, 15 cửa hàng tiện ích và 11 trường học trên địa bàn thành phố... Sau khi trừ chi phí, mỗi năm HTX thu về hơn 10 tỷ đồng, thu nhập bình quân của cán bộ, công nhân viên từ 6 - 7 triệu đồng/tháng. Đối với các hộ thành viên trồng rau, thu nhập trung bình đạt khoảng 100 triệu đồng/hộ, hộ cao nhất có doanh thu trên 420 triệu đồng/năm. HTX đặt ra mục tiêu nâng cao năng suất, đảm bảo cung ứng ra thị trường 5 tấn rau mỗi ngày, đưa thương hiệu rau quả sạch Chúc Sơn trở thành sản phẩm chất lượng cao mang lại sức khỏe cho cộng đồng và cùng nông dân Chương Mỹ làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, Thành phố hiện có 1.498 HTX nông nghiệp, trong đó có 1.304 HTX đang hoạt động, 194 HTX ngừng hoạt động, chờ giải thể. Tính đến cuối năm 2023, có 61,4% HTX được xếp loại khá và tốt. Toàn thành phố đã hình thành 166 HTX sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, hữu cơ, HACCP; 68 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 132 HTX nông nghiệp có các sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); gần 40% số HTX đã có liên kết sản xuất, tiêu thụ, trong đó có 84 HTX nông nghiệp có liên kết theo chuỗi giá trị, 10 HTX phát triển kinh tế tuần hoàn và ứng dụng chuyển đổi số... Các HTX trên địa bàn Thủ đô đã và đang phát huy vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm an sinh xã hội và đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Mô hình trồng rau của HTX rau quả sạch Chúc Sơn
Hiện nay, phát triển HTX nông nghiệp có vị trí, vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. HTX phát triển bền vững mới giúp ngành nông nghiệp vượt qua thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Khi ấy, thu nhập của người nông dân sẽ tăng lên nhờ dựa vào lợi thế quy mô, mua chung, bán chung. Ở góc độ thị trường, HTX bắt buộc phải chuyển đổi xanh vì tiêu dùng xanh đã và đang trở thành xu hướng trên toàn cầu. tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều đến bảo vệ môi trường bên cạnh chất lượng và giá cả sản phẩm. Trong đó, EU đang dịch chuyển rất mạnh sang tiêu dùng xanh, sạch, đòi hỏi đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch động thực vật, các quy tắc về truy xuất nguồn gốc, các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và quy trình đóng gói, vận chuyển. Như vậy, với nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Việt Nam, việc chuyển đổi xanh của các HTX, doanh nghiệp được xem là tất yếu và sống còn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng ngày càng coi trọng yếu tố bền vững, thân thiện môi trường khi mua sắm. Theo điều tra của Công ty NielsenIQ năm 2023, có 55% người được khảo sát coi yếu tố này là rất quan trọng và 37% coi là quan trọng. Xu hướng này cũng tạo áp lực, buộc HTX nông nghiệp phải chuyển đổi xanh.
Hòa chung với tiến trình phát triển của các HTX nông nghiệp trong cả nước, HTX rau sạch Chúc Sơn cũng đang có những bước đi mới nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường và phù hợp với điều kiện của đơn vị. Xác định trong bối cảnh mới, có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ, tạo ra những cơ hội nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức, HTX đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về sản xuất có trách nhiệm, tức là sản xuất theo các tiêu chuẩn bền vững hoặc hướng tới bền vững và không làm hại tới môi trường. Ví dụ hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, áp dụng VietGAP, GlobalGAP…; nhân rộng mô hình liên kết chuỗi thông qua việc phối hợp với các HTX khác trên địa bàn để liên kết sản xuất, tiến tới hình thành vùng sản xuất xanh đồng bộ; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế như JICA để tạo môi trường xử lý phụ phẩm công nghiệp cũng như tạo mô hình công nghệ sinh thái... hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
Nhận thức vấn đề quan trọng nhất cần tháo gỡ là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức cho người dân, HTX thường xuyên cử cán bộ tham gia các chuyến công tác, học hỏi về mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên thế giới; chú trọng khâu tuyển dụng thêm nhân lực, nhất là nhân lực trẻ, minh bạch về hoạt động của HTX, đưa ra những chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút, chiêu mộ những cá nhân đã được đào tạo, có kiến thức, năng lực để có thể về giúp đỡ bà con, đồng hành hỗ trợ HTX phát triển. Đối với người dân, HTX tạo điều kiện, hỗ trợ lắp đặt các hệ thống kỹ thuật, chi tiền mua điện thoại thông minh cho bà con sử dụng và cử 3 kỹ sư nông nghiệp thường xuyên túc trực ngoài đồng để hướng dẫn hỗ trợ bà con tiếp cận công nghệ cao, học hỏi phương pháp mới. Bên cạnh đó, HTX cũng tăng cường liên kết với các tổ chức quốc tế như công ty Sorimachi Nhật Bản, Rikolto… và các tổ chức trong nước để tham gia các lớp đào tạo người nông dân, hỗ trợ kiến thức cho người lao động để từ đó từng bước phát triển hệ thống, tăng chất lượng, tạo tiền đề phát triển bền vững. Về công nghệ, HTX đang tăng cường đầu tư hệ thống cơ sở vật chất nhà lưới, nhà màng, nhà máy sơ chế… hiện đại, tiên tiến, chất lượng hơn để phục vụ sản xuất; đồng thời học hỏi, tiếp thu, vận dụng khoa học, đưa tri thức về với đồng ruộng để hỗ trợ người nông dân tiếp cận kỹ thuật, công nghệ cao, từ đó, đưa HTX ngày càng tiến đến mô hình nông nghiệp 4.0 bền vững đang là xu hướng phát triển chung tất yếu của thế giới.
Đảm bảo an toàn sức khỏe của cộng đồng là phương châm hoạt động của HTX
Theo ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp, từ năm 2022 đến nay, Sở NN&PTNT đã tập trung triển khai và phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, tuyên truyền 50 mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả; hỗ trợ thành lập mới và củng cố gần 200 HTX nông nghiệp; hỗ trợ 130 HTX nông nghiệp trong hoạt động đánh giá, xác nhận về hoạt động sản xuất, chất lượng sản phẩm đạt các yêu cầu theo Chương trình OCOP, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu… Hà Nội phấn đấu đến năm 2030, thành lập mới từ 1.000 HTX và 15 liên hiệp HTX trở lên; số HTX hoạt động đạt loại tốt, khá chiếm từ 70% trở lên. Thành phố cũng đặt mục tiêu hỗ trợ 150 mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao, đóng góp tích cực vào việc tái cơ cấu các ngành kinh tế của Thủ đô, nhất là tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Ông Nguyễn Văn Chí thông tin, thời gian qua, các HTX trên địa bàn Thành phố đã tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động thông qua việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, giúp các thành viên HTX nâng cao tinh thần tự chủ, có sự gắn kết chặt chẽ. Từ đó, nhiều HTX đã tổ chức sản xuất và tạo nên những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, năng suất, chất lượng cao, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương, trong đó phải kể đến HTX Rau quả sạch Chúc Sơn - Điểm sáng trong thực hiện mô hình liên kết chuỗi trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố. Đây chính là hướng đi bền vững, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, HTX, doanh nghiệp.
Để hỗ trợ các HTX nông nghiệp trên địa bàn nói chung, HTX rau sạch Chúc Sơn nói riêng hướng đến nền nông nghiệp xanh và bền vững, ngành nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột gồm nông nghiệp sinh thái; nông thôn hiện đại; nông dân văn minh. Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý chất lượng trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn và tăng cường quản lý, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông, thủy sản; tổ chức thẩm định, xếp loại, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận ATTP cho các cơ sở đáp ứng điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh.
Bảo Bình
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)