Banner trang chủ

Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Vạn An - Điểm du lịch nông nghiệp sinh thái ở Hà Nội

03/04/2023

    Hiện nay, xu hướng ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh đang được xem là xu thế tất yếu trong phát triển nông nghiệp tại những đô thị lớn, điển hình như Thủ đô Hà Nội. Các mô hình kinh tế trang trại, nhà vườn đã có những kết quả tích cực trong việc ứng dụng công nghệ cao (CNC), nhiều mô hình còn gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân và thay đổi diện mạo nông thôn. Một trong số đó phải kể đến Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp CNC Vạn An hay còn gọi là Trang trại học đường Vạn An (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì).

    Cơ duyên đến với nông nghiệp

    Đến Vạn An vào một ngày đầu hè, ấn tượng đầu tiên trong tôi là người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, vừa quán xuyến công việc của nhà nông, vừa sắp đặt việc đón khách tham quan… dường như ở người phụ nữ này toát lên một nguồn năng lượng dồi dào, một ngọn lửa nhiệt huyết và niềm đam mê với công việc. Người phụ nữ ấy chính là bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc HTX nông nghiệp CNC Vạn An.

    Tâm sự với chúng tôi, bà Hằng cho biết, bà là người Yên Mỹ, nhận thấy đất bãi ven đê sông Hồng ở Yên Mỹ được phù sa bồi đắp màu mỡ nhưng lại để hoang, năm 2004, bà nhận thầu gần 7,4 ha để xây dựng trang trại chăn nuôi. Những năm 2004 - 2006, trang trại Vạn An đã cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn thịt và hàng chục nghìn con giống gà, vịt, dê, bò, thỏ, lợn... Công việc đang thuận lợi thì đầu năm 2007, đàn gia súc, gia cầm gặp dịch bệnh khiến bà mất trắng. Tuy nhiên, bà không nản chí và chuyển hướng sang nuôi ngựa bạch. Sau một thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, học tập kinh nghiệm, nhận thấy giống ngựa bạch Việt Nam sinh sản tốt nhưng tầm vóc nhỏ, trong khi ngựa Tây Tạng có tầm vóc to nhưng sinh sản chậm hơn. Với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, bà Hằng đã lai tạo giống ngựa bạch của các tỉnh miền núi Việt Nam với ngựa bạch Tây Tạng để cho ra giống ngựa bạch tốt hơn, đưa Vạn An trở thành địa chỉ cung cấp ngựa bạch giống lớn cho các trang trại của cả nước. Với những con ngựa không còn khả năng sinh sản, trang trại cho sản xuất cao ngựa bạch làm thực phẩm chức năng. Hiện Vạn An có 40 con ngựa bạch nuôi trực tiếp tại trang trại và 10 trang trại chăn nuôi ngựa “vệ tinh” tại các tỉnh, thành phố khác.

Đến với Vạn An, các em học sinh được trải nghiệm, khám phá nhiều trò chơi mới lạ, hấp dẫn

    Sau thành công từ việc nuôi ngựa bạch, trang trại Vạn An tiếp tục được đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Các loại nấm dược liệu như đông trùng hạ thảo, linh chi; các loại hoa lan như thạch hộc tía, lan kim tuyến... đã được trồng với số lượng lớn để cung cấp giống ra thị trường. Trang trại cũng quy hoạch khu trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh, tưới nhỏ giọt... vừa để đón khách tham quan trải nghiệm, vừa tạo thực phẩm sạch cung cấp cho bếp ăn của trang trại... Mặt khác, để làm chủ khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, HTX nông nghiệp CNC Vạn An đã hợp tác với hơn 30 nhà khoa học, việc này đồng thời đang tạo việc làm ổn định cho 30 lao động địa phương và gián tiếp tạo việc làm cho hàng chục hướng dẫn viên du lịch. Riêng doanh thu từ sản xuất nông nghiệp tại trang trại ước đạt hơn 2 tỷ đồng/năm. Với thành tích trong sản xuất nông nghiệp và những đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã được nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

    Và con đường biến nông nghiệp thành trang trại học đường

    Cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 10 km, đó là lợi thế rất lớn để thu hút khách du lịch nội đô. Hơn nữa, mô hình trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng CNC, bảo tồn nguồn gen quý của trang trại cũng rất phù hợp để đón học sinh đến trải nghiệm, đón các đoàn nông dân đến chuyển giao khoa học kỹ thuật... Vì vậy, từ năm 2013, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã liên kết với các công ty lữ hành đón khách. Mô hình ngày một phát triển, đến nay, mỗi năm Trang trại đón tiếp hàng vạn học sinh đến tham quan trải nghiệm. Thời điểm Trang trại Vạn An thu hút đông học sinh tới tham quan là khoảng giữa học kỳ II (từ tháng 3 đến hết tháng 4) và giữa học kỳ I (từ tháng 10 đến tháng 12). Không chỉ thu hút học sinh trên địa bàn Thành phố, Trang trại còn đón học sinh từ nhiều tỉnh, thành lân cận Hà Nội.

    Đúng như tên gọi, Vạn An mang đến cho du khách những trải nghiệm và kiến thức thực tế trong cuộc sống. Không phải trò chơi giải trí hiện đại mà những giá trị văn hóa truyền thống mới là điều được trạng trại đề cao. Buổi sáng, các công ty lữ hành tổ chức cho học sinh tham quan trong nội thành, sau đó, đoàn sẽ về trang trại ăn trưa, nghỉ ngơi và tiếp tục trải nghiệm các hoạt động sản xuất nông nghiệp như tham quan các khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, vui chơi và chăm sóc các loài động vật như ngựa, rùa; tham gia thu hoạch thủy sản; đánh bắt cá dưới mọi hình thức; cho cá ăn trên cầu; khám phá thế giới động thực vật biển qua những giáo cụ trực quan; rèn luyện khéo tay hay làm qua việc in tranh Đông Hồ; ghép hình Trống Đồng; chơi  các trò chơi dân gian cùng Trạng Tí; đi xuồng, nấu ăn… Không chỉ vậy, các em học sinh còn được biểu diễn thời trang bằng những trang phục của những nhân vật nổi tiếng; các trang phục dân tộc; nhận biết nhiều loại cỏ cây, hoa lá trong vườn thực vật phong phú, đa dạng có cảnh quan tuyệt đẹp và thơ mộng. Trang trại có diện tích rộng để tổ chức vui chơi và sinh hoạt tập thể cho học sinh giúp các em làm quen với tinh thần tập thể. Ý nghĩa hơn, khi đến với trang trại Vạn An học sinh được vui chơi, trải nghiệm học tập các câu chuyện về Trạng Tí, Trạng Quỳnh. Thông qua các câu chuyện trí tuệ, các trò chơi rèn luyện thể lực đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc và lịch sử chiến tranh chống giặc ngoại xâm của ông cha ta từ thời kỳ dựng nước đến nay.

    Những hoạt động này giúp các em học sinh rời xa đô thị náo nhiệt, rời xa các thiết bị điện tử, tập trung cho việc khám phá những điều mới lạ, các kỹ năng sống thực tế, phát hiện ra những tài năng nhỏ của bản thân, từ đó thế giới quan trong mắt các em rộng lớn và sinh động hơn mỗi ngày. Đây cũng là cơ hội để các em tiếp xúc, hiểu hơn về cuộc sống của người nông dân và được hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng bầu không khí trong lành, từ đó khích lệ các em thêm yêu môi trường, có những hành động, việc làm ý nghĩa để chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khó lường, làm nhiệt độ Trái đất nóng lên...

Cùng tìm hiểu lịch sử nước nhà

    Đánh giá về hiệu quả của HTX nông nghiệp CNC Vạn An, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP. Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, phát triển nền nông nghiệp ứng dụng CNC là xu thế tất yếu để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa, bảo đảm phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững. Nhận thức được vấn đề trên, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, điển hình là Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND của HĐND TP. Hà Nội về một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; xây dựng hạ tầng nông thôn. Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đã mang lại lợi ích kinh tế vượt trội về giá trị hàng hóa. Những năm qua, giá trị sản phẩm nông nghiệp CNC trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội liên tục tăng, hiện đang chiếm khoảng 35% tổng giá trị.

    Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn đang là đòi hỏi đặt ra cấp thiết. Mặt khác, do nhiều nguyên nhân, quá trình nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC vẫn gặp nhiều khó khăn, chưa thực sự phát huy hiệu quả. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu, xây dựng để trình UBND TP. Hà Nội xem xét, ban hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn Hà Nội đến năm 2025, định hướng 2030. Do đó, con đường phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn mà Vạn An đã, đang và sẽ tiếp tục đi là một hướng phù hợp trong bối cảnh hiện nay, nhằm góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đây cũng chính là là hình mẫu để các HTX trên địa bàn Thủ đô học tập.

    Bà Nguyễn Thị Thanh Hằng chia sẻ, phát triển du lịch nông nghiệp đem lại lợi ích nhiều mặt về kinh tế - xã hội cho Thủ đô, không chỉ góp phần quan trọng thúc đẩy ngành Du lịch Hà Nội phát triển sau đại dịch Covid-19 mà còn đa dạng hóa ngành nghề nông thôn, tạo việc làm tại chỗ, giảm áp lực di cư vào thành phố, tăng thu nhập cho người dân; đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cộng đồng địa phương. Vì vậy, với mong muốn đẩy mạnh phát triển mạnh sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái, chú trọng đến các hoạt động trải nghiệm, tăng tính tương tác giữa du khách với thiên nhiên, hướng tới mục tiêu sớm được Thành phố Hà Nội công nhận là “điểm du lịch” của Thành phố, trong thời gian tới, HTX Vạn An sẽ tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết; tăng cường đào tạo kỹ năng phục vụ du khách cho đội ngũ nhân viên,nhằm tăng tính chuyên nghiệp trong khâu đón khách… và để đạt được mục tiêu đề ra, Vạn An rất mong nhận được sự quan tâm chỉ đạo cũng như tạo điều kiện, hỗ trợ của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương.

Bùi Hằng

(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội)

Ý kiến của bạn