Banner trang chủ

Hành trình xây dựng nông thôn mới tại Thái Bình đảm bảo chất lượng, hiệu quả và bền vững

26/12/2023

    Là một trong những địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM) rất sớm của cả nước (năm 2019), cho đến nay Thái Bình đang tập trung xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu và đạt được những thành tựu nhất định. Tạp chí Môi trường có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thái Bình Đỗ Quý Phương về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại trên địa bàn tỉnh hướng tới phát triển bền vững.

    PV: Thưa ông, là 1 trong số ít các tỉnh về đích NTM đầu tiên trên cả nước. Vậy ông có thể chia sẻ hành trình xây dựng NTM của tỉnh Thái Bình từ những ngày đầu cho tới nay?

    Ông Đỗ Quý Phương: Thực hiện chủ trương, Nghị quyết của Trung ương và Chính phủ về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, ngay từ năm 2009, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết định chọn 8 xã để làm điểm xây dựng NTM, các xã hoàn thành các quy hoạch xây dựng NTM (quy hoạch chung; quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng; quy hoạch chi tiết khu trung tâm xã); các xã trên địa bàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp tại các xã (bình quân mỗi hộ sau khi dồn điền, đổi thửa là 1,79 thửa; trước đây bình quân 3,67 thửa/hộ) và hoàn thành xây dựng, phê duyệt Đề án xây dựng NTM cấp xã. Đồng thời, tập trung ruộng đất, quy vùng sản xuất hàng hóa tập trung xây dựng cánh đồng lớn hợp tác liên kết sản xuất. Thương mại, dịch vụ phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân. Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong xây dựng thí điểm NTM tại 8 xã, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách để thực hiện của cả giai đoạn; đồng thời, hướng dẫn các địa phương xây dựng đề án, phê duyệt quy hoạch để làm tiền đề, làm cơ sở quan trọng đầu tiên để quản lý và thực hiện các tiêu chí tiếp theo trong Bộ tiêu chí về xây dựng NTM. Với quyết tâm và chủ trương đúng, cách làm sáng tạo, sự đồng thuận của người dân, sau những nỗ lực, vừa làm vừa học hỏi, đặc biệt là thực hiện triệt để sâu sắc tinh thần dân chủ trong nhân dân, đến nay tỉnh Thái Bình là một trong 18 đơn vị cấp tỉnh của cả nước có 100% số xã và tất cả các huyện đạt tiêu chí quốc gia về NTM.

Ông Đỗ Quý Phương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chánh văn phòng Điều phối xây dựng NTM tỉnh Thái Bình

     Xác định việc xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu mà không có điểm kết thúc, tỉnh Thái Bình đang tiếp tục bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt NTM kiểu mẫu. Kết quả đến này, toàn tỉnh Thái Bình có  100% số xã đạt chuẩn NTM, 7 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 27 xã đã đạt tiêu chí xã NTM nâng cao (đạt 11,59%), có còn 09 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 01 xã đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 138 sản phẩm và cấp Giấy chứng nhận OCOP (gồm: 48 sản phẩm đạt 4 sao, 90 sản phẩm xếp hạng 3 sao), với tổng số 91 cơ sở sản xuất của 8 huyện, thành phố có sản phẩm OCOP (trong đó có 32 doanh nghiệp, 36 hợp tác xã và 23 hộ kinh doanh,...).

    Với phương châm "làm từ đồng làm vào, làm từ hộ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã, huyện", lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM; chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn; chọn những sản phẩm, nghề là thế mạnh của địa phương để khuyến khích phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm "ly nông bất ly hương". Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện Nghị quyết và xây dựng NTM. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã đóng góp quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, hệ thống nước sạch cũng như việc xử lý chất thải đã hoạt động có hiệu quả, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng (thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2023 ước đạt 58,22 triệu đồng/người), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 1,87%.

    PV: Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 318/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Bộ Tiêu chí mới này có gì khác so với Bộ Tiêu chí cũ và tỉnh Thái Bình có gặp khó khăn gì trong quá trình triển khai thực hiện không, thưa ông?

    Ông Đỗ Quý Phương: Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 khác so với Bộ Tiêu chí cũ với những nội dung sau:

    (1) Đối với xã NTM: Giữ nguyên bố cục 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu (tăng 08 chỉ tiêu): Điều chỉnh nội hàm, tên, nội dung 15 tiêu chí; lược bỏ 02 chỉ tiêu cũ (chỉ tiêu 12 và 18.2); 01 chỉ tiêu tăng thêm (do tách từ chỉ tiêu 17.5); bổ sung 09 chỉ tiêu mới.

    Điều chỉnh nội hàm, tên, nội dung 15 tiêu chí: Quy hoạch; Hộ nghèo đa chiều; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Môi trường và an toàn thực phẩm; Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; Quốc phòng và an ninh.

    Lược bỏ 02 chỉ tiêu cũ: Chỉ tiêu 12. Tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động; Chỉ tiêu 18.2. Có đủ các tổ chức trong hệ thống chính trị cơ sở theo quy định.

    Bổ sung 09 chỉ tiêu mới: Lao động qua đào tạo - 12.1 và 12.2; Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm chủ lực - 13.3; Bảo tồn và phát triển làng nghề - 13.4; Dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử - 15.4; Đất trồng cây xanh - 17.4; Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn - 17.11; Thu gom, tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa - 17.12; Bồi dưỡng kiến thức xây dựng NTM cho người dân và cộng đồng - 18.6...).

    Quy định một số chỉ tiêu để vận dụng (bao gồm 13 chỉ tiêu thuộc 09 tiêu chí) là những chỉ tiêu có thể cần ở mức độ khác nhau.

    (2) Đối với xã NTM nâng cao: Giai đoạn 2016-2020, Chính phủ chưa quy định Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao (thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn xây dựng và triển khai kế hoạch xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2018-2020).

Quang cảnh NTM kiểu mẫu xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình

    Giai đoạn 2021-2025 Thủ tướng Chính phủ mới ban hành Quyết định về Bộ Tiêu chí NTM nâng cao, trong đó giữ nguyên số lượng 19 tiêu chí so với Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, bao gồm 75 chỉ tiêu (tăng 18 chỉ tiêu so cới xã NTM): Nâng cao chất lượng 37 chỉ tiêu, bổ sung 32 chỉ tiêu mới và điều chỉnh nội hàm 06 chỉ tiêu; quy định một số chỉ tiêu để vận dụng (bao gồm 25 chỉ tiêu thuộc 13 tiêu chí) là những chỉ tiêu có thể cần ở mức độ khác nhau; các chỉ tiêu còn lại (bao gồm 52 chỉ tiêu thuộc 14 tiêu chí) sẽ quy định thống nhất và áp dụng chung đối với tất cả các xã theo từng vùng; bổ sung, quy định mới (Quản lý công trình thủy lợi, áp dụng tưới tiên tiến, kiểm kê nguồn xả thải vào công trình thủy lợi - thuộc tiêu chí số 3 về Thủy lợi và Phòng chống thiên tai; Giáo dục thể chất và cộng đồng học tập - thuộc tiêu chí số 5 về Giáo dục; Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa - thuộc tiêu chí số 6 về Văn hóa; Sử dụng điện thoại thông minh và mạng wifi - thuộc tiêu chí số 8 về Thông tin và truyền thông; Sản phẩm OCOP, mua bán sản phẩm qua các kênh thương mại điện tử, cấp mã vùng sản xuất, du lịch nông thôn,… thuộc tiêu chí số 13 về Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Việc quản lý sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa - thuộc tiêu chí số 14 về Y tế; Toàn bộ tiêu chí 15 về Hành chính công và tiêu chí 16 về Tiếp cận pháp luật; Việc tái chế phụ phẩm nông nghiệp và tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng - thuộc tiêu chí số 17 về Môi trường; Các quy định cụ thể về cấp nước và an toàn thực phẩm thuộc tiêu chí số 18 về Chất lượng môi trường sống,…).

    (3) Đối với xã NTM kiểu mẫu: Là xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2016-2020, phải tập trung rà soát, chỉ đạo thực hiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

    Thu nhập bình quân đầu người của xã tại thời điểm xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu phải cao hơn từ 10% trở lên so với mức thu nhập bình quân đầu người áp dụng theo quy định đối với xã NTM nâng cao tại cùng thời điểm (Năm 2021 ≥ 66 triệu đồng; Năm 2022 ≥ 71 triệu đồng; Năm 2023 ≥ 75 triệu đồng; Năm 2024 ≥ 80 triệu đồng; Năm 2025 ≥ 84 triệu đồng).

    Có ít nhất một mô hình thôn thông minh (do UBND tỉnh quy định).

    Đạt tiêu chí quy định xã NTM kiểu mẫu theo ít nhất một trong các lĩnh vực nổi trội nhất (về sản xuất, giáo dục, văn hóa, du lịch, cảnh quan môi trường, an ninh trật tự, chuyển đổi số,…) mang giá trị đặc trưng của địa phương.

    Một số khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện như: Có một số tiêu chí, chỉ tiêu mới và yêu cầu của các tiêu chí cao hơn so với bộ tiêu chí giai đoạn 2016 - 2020, do đó cần phải tập trung nguồn lực, kinh phí thực hiện: (1) Phát triển sản xuất; (2) Cơ sở, vật chất trường học: Tỷ lệ học sinh/lớp học, các phòng hiệu bộ, phòng chức năng… ; (3) Cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn; (4) Chuyển đổi số trong xây dựng NTM; (5) Thu nhập bình quân đầu người,…

    PV: Có thể nói, xây dựng NTM tại Thái Bình đã và đang trở thành phong trào thi đua sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong đó, tiêu chí số 17 về môi trường luôn được tỉnh chú trọng thực hiện với nhiều mô hình, cách làm hiệu quả tại các huyện. Vậy ông có thể chia sẻ một số mô hình thực hiện hiệu quả tiêu chí này để các địa phương khác tham khảo kinh nghiệm?

    Ông Đỗ Quý Phương: Thực tế hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (nước máy) đạt 98,31%. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đều nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có thủ tục môi trường theo quy định; đối với các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, hộ gia đình đều được UBND xã, thị trấn kiểm tra và ký xác nhận cam kết về BVMT. Các làng nghề nêu trên đều đã lập phương án BVMT được UBND huyện thẩm định và phê duyệt. Hệ thống thu gom, tiêu thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư được các xã thực hiện xây dựng đồng bộ cùng với xây dựng đường giao thông nông thôn; tổ chức các phong trào vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa nơi công cộng, trong khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông; hoạt động tổng vệ sinh môi trường được duy trì thường xuyên vào thứ Bẩy, Chủ nhật tuần cuối cùng hằng tháng; đã hình thành một số mô hình phân loại xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn đem lại hiệu quả cao; các tổ chức như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên,... đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động chỉnh trang, vệ sinh môi trường trên địa bàn xã, thị trấn và đã đăng ký tiếp nhận quản lý các tuyến đường, dòng sông quê hương và các khu vực công cộng, đã tham gia xây dựng các tuyến đường hoa, cây xanh góp phần làm bộ mặt nông thôn ngày càng sáng - xanh- sạch - đẹp. Có 100% số xã có hợp tác xã môi trường, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung.

Hướng dẫn phân loại rác tại nguồn ngoài hiện trường

    Trên địa bàn tỉnh hiện nay có Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị vận chuyển bằng xe ép rác chuyên dụng đưa về Nhà máy xử lý rác thành phố Thái Bình phân loại sơ bộ và xử lý theo công nghệ đốt kết hợp chôn lấp; Công ty Cổ phần thương mại Thành Đạt tại huyện Quỳnh Phụ thực hiện xử lý CTRSH bằng công nghệ TTD-01 (không chôn lấp) cho 15 xã, thị trấn huyện Quỳnh Phụ; 100% xã, thị trấn có tổ thu gom rác thải (nòng cốt là hội phụ nữ và lao động nhàn rỗi), khu tập trung, xử lý rác thải sinh hoạt; CTRSH được thu gom đạt 96,37%.

    PV: Bên cạnh tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM hiện nay, tỉnh Thái Bình còn hỗ trợ “Thắp sáng đường quê” tại các tuyến đường trục xã, trục thôn qua khu dân cư. Vậy ông cho biết hiệu quả chương trình này?

    Ông Đỗ Quý Phương: Trong giai đoạn 2011 - 2020, tỉnh Thái Bình đã hoàn thành Chương trình xây dựng NTM ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được nâng cấp, đầu tư đồng bộ theo quy hoạch; diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện, chất lượng cuộc sống tại khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Trong đó, hạ tầng lưới điện nông thôn đóng góp 1 vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và khu vực nông thôn nói riêng. Hệ thống lưới điện của tỉnh luôn không ngừng được đầu tư xây dựng và phát triển; lưới điện trung áp và hạ áp đã phủ kín các xã, đến tận thôn xóm và các hộ dân nông thôn. Tỷ lệ đường nhánh cấp 1 trục thôn, đường trục thôn, đường qua khu dân cư tập trung chưa có đèn đường chiếu sáng còn cao (khoảng 80% tổng chiều dài các tuyến đường và ước khoảng 4.868 km). Hiện nay mới chỉ có rải rác các tổ dân cư (hoặc các hộ dân) tự lắp đặt đèn khu vực đường cạnh nhà, không theo quy chuẩn, quy định, tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn. Chưa có tiêu chí và hướng dẫn đánh giá về điện thắp sáng trong khu dân cư trong Bộ Tiêu chí NTM. Do đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các địa phương hệ thống chiếu sáng khu vực nông thôn góp phần hoàn thành các nội dung xây dựng NTM.

    HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 và Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND tỉnh về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 11/10/2021 của HĐND tỉnh quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, với nội dung: “Hỗ trợ đầu tư xây dựng, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời hoặc bằng điện lưới; Ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% giá trị quyết toán danh mục công trình hoàn thành được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng/1km đường lắp đèn chiếu sáng đối với tuyến đường trục thôn, nhánh cấp I trục thôn; không quá 25 triệu đồng/1km đường lắp đèn chiếu sáng đối với tuyến đường trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ”.

    Với cơ chế, chính sách trên, đến nay toàn tỉnh Thái Bình có 137 xã đăng ký tham gia Chương trình “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng nông thôn mới hiện đã lắp đặt được 1.169,073 km, trong đó: Có 42 xã đăng ký thí điểm thực hiện lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời đã lắp đặt được 101,397 km; có 95 xã đăng ký đèn điện chiếu sáng, đã lắp đặt được 305,017 km.

    Chương trình “Thắp sáng đường quê” đã góp phần hỗ trợ các xã hoàn thành tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; thắp sáng toàn bộ đường qua khu dân cư tập trung (Nhánh cấp 1 trục thôn, trục thôn, trục xã, liên xã, đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ) nằm trong quy hoạch chung được duyệt của xã để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Ngân sách cấp tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí; phần còn lại từ thu hút, vận động các nguồn lực trong toàn xã hội cùng tham gia; quá trình thực hiện phải đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, người dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được. Quá trình thực hiện phải đảm bảo an toàn, mỹ quan, tiết kiệm, tránh lãnh phí, hình thức. Chính sách hỗ trợ chỉ áp dụng một lần cho cùng một tuyến đường; Các công trình điện chiếu sáng phải được thiết kế đảm bảo theo tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật do ngành điện hướng dẫn.

    Việc lắp đặt hệ thống chiếu sáng khu vực nông thôn đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông của địa phương; góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn; tạo cảnh quan, ánh sáng đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi thường xuyên vào ban đêm của nhân dân, nhất là vào dịp Lễ, Tết.

    PV: Sau khi đạt chuẩn NTM vào năm 2019, đến nay tỉnh Thái Bình đang tập trung quá trình xây dựng NTM nâng cao và kiểu mẫu theo hướng văn minh. Vậy để hoàn thành mục tiêu trên và để tiêu chí môi trường không trở thành “rào cản” trên con đường xây dựng NTM nâng cao, tỉnh Thái Bình có các giải pháp như thế nào để thực hiện các nội dung của tiêu chí này?

    Ông Đỗ Quý Phương: Để hoàn thành mục tiêu trên và để tiêu chí môi trường không trở thành “rào cản” trên con đường xây dựng NTM nâng cao, trong thời gian tới tỉnh Thái Bình có các giải pháp BVMT nông thôn:

    Thứ nhất, tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng nông thôn.

    Thứ hai, sử dụng công nghệ chuyển hóa sinh khối từ phế phụ phẩm nông nghiệp thành các nguồn năng lượng tái tạo.

    Thứ ba, sản xuất nông nghiệp, thủy sản gắn với BVMT và phát triển bền vững: Tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện quy hoạch để đảm bảo phát triển ngành có định hướng, bền vững, phát triển sản xuất đi đôi với đầu tư BVMT. Tăng cường năng lực của hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; hệ thống BVTV, thú y, hệ thống quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, các dịch vụ khác để hướng dẫn, quản lý, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm và vấn đề tiêu thụ sản phẩm,... trong sản xuất nông, lâm, thủy sản, nhằm giảm thiểu các nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các hoạt động nêu trên.

    Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh các mô hình thu gom CTR sinh hoạt dựa vào cộng đồng dân cư nông thôn. Đặc biệt, hướng dẫn, tuyên truyền việc phân loại rác thải tại nguồn theo như quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2023, nhằm giải thiểu lượng rác thải phải xử lý, phân loại chất thải nguy hại và CTRSH, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế làm phân bón vi sinh,… Tiếp tục triển khai thành lập bổ sung các Tổ thu gom rác ở khu vực đối với các tuyến đường đơn vị thu gom không thu gom được, vận chuyển đến điểm thuận tiện giao thông để giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý với số lượng thành viên của tổ thu gom rác đáp ứng cho công tác thu gom.

Hội nghị tập huấn phân loại rác tại nguồn cho bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Thái Bình

    Thứ năm, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác nhằm giảm thiểu sử dụng hóa chất BVTV; yêu cầu quản lý và giám sát các kho thuốc BVTV, phân bón và một số trường hợp tương tự khác trên địa bàn tỉnh; tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật khi sử dụng các loại hóa chất BVTV; Tuân thủ quy định về thu gom và xử lý bao bì hóa chất BVTV thải bỏ trong hoạt động trồng trọt. Xây dựng, lắp đặt thêm các bể chứa, thùng chứa chai lọ, bao gói thuốc BVTV tại các cánh đồng lớn và triển khai thu gom, xử lý định kỳ 4 tháng/lần. Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định về sử dụng và thải bỏ các loại chất thải từ hoạt động trồng trọt. thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng từ bể chứa đến điểm tập kết giao cho đơn vị chức năng vận chuyển, xử lý định kỳ theo kế hoạch của UBND cấp huyện hoặc theo chương trình do các cơ quan, tổ chức có liên quan phát động.

    Thứ sáu, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường công nghiệp nông thôn, làng nghề. Những làng nghề có phát sinh khí thải độc hại cần đầu tư thay đổi công nghệ hoặc chuyển đổi loại hình sản xuất nếu gây ô nhiễm nghiêm trọng; thực hiện phân loại CTR tại nguồn và có các biện pháp xử lý phù hợp đối với CTR từ hoạt động sản xuất. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục ý thức BVMT cho người dân trước, trong và sau khi sản xuất; vận động, khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với các hộ sản xuất ở các làng nghề đầu tư công nghệ, thiết bị mới không ảnh hưởng đến môi trường. Xử phạt nghiêm những chủ thể vi phạm quy định pháp luật về BVMT làng nghề.

    Thứ bảy, đầu tư nâng cấp hệ thống xử lý CTRSH: Cần đầu tư kinh phí để bảo dưỡng và đầu tư thêm công nghệ xử lý CTRSH hiện đại hơn phù hợp với thành phần và khối lượng CTRSH phát sinh ngày càng gia tăng.

    Thứ tám, sử dụng ngân sách nhà nước của địa phương, đồng thời tranh thủ nguồn kinh phí từ các Chương trình khác cho hoạt động tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức; thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường các bãi rác tập trung; trồng bổ sung cây xanh tại khu vực công cộng hiện hữu. Đẩy mạnh xã hội hóa trong thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng.

    PV: Để xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tại Thái Bình đạt kết quả như mục tiêu đề ra, ông có đề xuất, kiến nghị gì với các Bộ, ngành địa phương?

    Ông Đỗ Quý Phương: Trong quá trình chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cấp xã, cấp huyện có những chỉ tiêu, tiêu chí chưa phù hợp với thực tế từng địa phương,  đề nghị cần điều chỉnh như:

    - Đề điều chỉnh nội dung “6.4 Có Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp hoạt động hiệu quả” của Bộ tiêu chí huyện NTM.Vì thực tiễn hiện nay, Thái Bình và một số tỉnh chưa sáp nhập các Trạm Chăn nuôi - Thú y, Trồng trọt - Bảo vệ Thực vật, Khuyến  nông thành Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp, nên rất khó trong quá trình thẩm định.

    - Đề nghị điều chỉnh nội dung “6.3 Có chợ đạt tiêu chuẩn chợ hạng 2 hoặc Trung tâm thương mại đạt chuẩn theo quy định” của Bộ tiêu chí huyện NTM nâng cao. Vì theo Quy định tại chỉ tiêu 6.3 trong Bộ tiêu chí huyện NTM theo hướng dẫn của Bộ Công Thương để đảm bảo tính thống nhất trong cả nước và đảm bảo tính kịp thời có văn bản hướng dẫn sau khi sửa đổi tiêu chí.

    - Đề nghị Bộ TN&MT: Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất thải rắn theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Đình (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn