Banner trang chủ

Hải Phòng: Thực hiện hiệu quả Tiêu chí môi trường, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

21/12/2023

    Sau khi hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) tại 139/139 xã vào cuối năm 2019, TP. Hải Phòng đã bắt tay vào thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2020 - 2025; là bước tiếp theo trong hành trình dài đưa công cuộc xây dựng NTM đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng, mang tính bền vững, tạo sự bứt phá toàn diện trong lĩnh vực “tam nông”. Để đạt được mục tiêu đề ra, các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân của địa phương đã và đang tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đưa phong trào phát triển sâu rộng, đạt được nhiều kết quả khả quan, kiến tạo một diện mạo mới cho làng quê Hải Phòng.

    1. Những kết quả đạt được và định hướng trong thời gian tới

    Tính đến tháng 6/2023, TP. Hải Phòng có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 45 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 22 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 7/7 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện NTM, được đánh giá là một trong 18 tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM; một trong 6 tỉnh, thành phố có 100% số huyện đạt chuẩn NTM và là một trong những địa phương tiêu biểu trên toàn quốc dành nguồn lực lớn từ ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đặc biệt, năm 2023, Thành phố phân bổ 3.064 tỷ đồng vốn đầu tư công cho Chương trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu, trong đó, 1.314 tỷ đồng cho 30 xã đã triển khai từ năm 2022 (bình quân 43,8 tỷ đồng/xã) và 1.750 tỷ đồng cho 35 xã triển khai từ năm 2023 (bình quân 50 tỷ đồng/xã).

    Việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, trong đó các công trình giao thông, trường học, văn hóa, y tế, môi trường… được Thành phố đặc biệt quan tâm, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Bên cạnh đó, xác định phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch là một trong 3 trục quan trọng của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng NTM, Hải Phòng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, sử dụng CNC, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa. Trên địa bàn Thành phố đã hình thành các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng CNC, thân thiện với môi trường, bao gồm: Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC do Công ty TNHH VinEco đầu tư với tổng diện tích 212,35 ha, kinh phí trên 450 tỷ đồng; 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tổng diện tích 145 ha (Vùng sản xuất hoa CNC tại xã Đông Sơn, huyện Thủy Nguyên, quy mô 5 ha; vùng chăn nuôi gắn với giết mổ tập trung tại xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, quy mô 20 ha; vùng sản xuất đậu tương và rau xuất khẩu tại xã Đồng Minh, xã Thanh Lương, huyện Vĩnh Bảo,, quy mô 120 ha). Ngoài ra, toàn Thành phố hiện có 20.340 ha vùng sản xuất tập trung (trong đó 14.500 ha sản xuất trồng trọt; 312 ha sản xuất chăn nuôi; 5.528 ha sản xuất thủy sản), với giá trị sản xuất trung bình đạt trên 250 triệu đồng/ha/năm, thu hút 12 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC với tổng quy mô diện tích 489,6 ha, kinh phí đầu tư 3.124 tỷ đồng, nhiều nơi đã đi vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao; 17 doanh nghiệp khảo sát, xin chủ trương đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, diện tích 2.186,6 ha, dự kiến kinh phí đầu tư 8.118,9 tỷ đồng.

    Mặt khác, Thành phố đã hoàn thành, công bố mở và đưa vào sử dụng 3 cảng cá tại Trân Châu, Ngọc Hải và Tây Nam Bạch Long Vĩ. Đến nay, Thành phố có tổng 5 cảng cá và 11 khu neo đậu tránh, trú bão cho tàu cá, đáp ứng yêu cầu neo đậu của hơn 4.000 tàu, thuyền trước diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, công suất khu/cảng lớn nhất trên 1.000 CV… Những kết quả nêu trên rất đáng trân trọng, là niềm tự hào, là nỗ lực và thành quả chung của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hải Phòng, đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan Trung ương, đồng thời, là những chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp mà Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 16 đề ra.

    Trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, xây dựng NTM tiếp tục được xác định là mục tiêu quan trọng hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và ưu tiên nguồn lực thực hiện, thể hiện qua việc triển khai Chủ đề năm trong 2 năm liên tiếp đều có thành tố “Xây dựng NTM kiểu mẫu”, từ đó khẳng định quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án số 05/ĐAUBND ngày 13/7/2023 của UBND Thành phố về mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, trong đó phấn đấu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 4 huyện (Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy) đạt chuẩn huyện NTM nâng cao và tiếp tục thực hiện đạt chuẩn huyện NTM kiểu mẫu (sau khi có hướng dẫn của Trung ương). Huyện Cát Hải giữ vững kết quả đạt chuẩn huyện NTM, hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ mức đạt chuẩn theo yêu cầu của Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025; huyện Bạch Long Vỹ đạt chuẩn huyện NTM theo tiêu chí huyện NTM đặc thù (Sau khi có hướng dẫn của Trung ương). Huyện Thủy Nguyên, An Dương thực hiện Đề án thành lập thành phố thuộc TP. Hải Phòng tại huyện Thủy Nguyên, Đề án thành lập đơn vị hành chính quận tại huyện An Dương. Đối với cấp Thành phố, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 100% trường học các cấp trên địa bàn các xã có cấp học cao nhất là trung học cơ sở đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và mỗi xã có ít nhất 1 trường đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2; 100% trường THPTcoong lập trên địa bàn các huyện đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 trở lên, trong đó, 4 huyện Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy, mỗi huyện có ít nhất 1 trường THPT đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% người dân được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn; 50% số hộ thực hiện phân loại chất thải rắn (CTR) tại nguồn; 98% CTR được thug om, xử lý; 100% bãi chôn lấp CTR sinh hoạt được xử lý. Thu nhập bình quân đầu người đạt tối thiểu 85 triệu đồng/người/năm; không còn hộ nghèo (trừ đối tượng thuộc diện bảo trợ); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt tối thiểu 85%, trong đó ít nhất 30% lao động có bằng cấp, chứng chỉ; 100% các xã có hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn, mô hình kinh tế ứng dụng CNC hoặc mô hình nông nghiệp áp dụng cơ giới hóa; 95% CTR sinh hoạt được thu gom, xử lý...

    2. Điểm sáng thực hiện Tiêu chí về môi trường

    Trong số 19 tiêu chí quy định theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, vấn đề môi trường thuộc Tiêu chí 17, đề cập đến 5 nội dung: Tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom, xử lý theo quy định. Tuy nhiên, với thực trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn như hiện nay, đây là tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với một nước nông nghiệp như Việt Nam, đòi hỏi ý thức cao của người dân, sự quan tâm vào quộc quyết liệt của chính quyền, kinh phí đầu tư, chế tài xử lý đủ sức răn đe...

Làng quê Hải Phòng ngày càng khởi sắc nhờ xây dựng NTM

    Nhận thức rõ điều này, HĐND, UBND TP. Hải Phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị và toàn dân tích cực thực hiện Tiêu chí 17 về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm trong xây dựng NTM, đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT, qua đó thay đổi tư tưởng, thói quen, tập quán sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường. Công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý chất thải, nước thải ở các xã đã có sự chuyển biến tích cực; tích cực tham gia phong trào trồng cây xanh, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, xây dựng đời sống văn hoá được triển khai và duy trì tốt ở nhiều khu dân cư, góp phần xây dựng cảnh quan, môi trường Xanh - Sạch - Đẹp, an toàn; yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã cơ bản ý thức được công tác BVMT trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể, HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 27/NQ-HĐND ngày 20/7/2022 về nhiệm vụ, giải pháp tổng thể thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2050, trong đó quy định rõ cách thức phân loại CTR sinh hoạt, việc lưu giữ, thu gom, vận chuyển CTR sinh hoạt sau phân loại (quy định màu sắc bao bì, thiết bị đựng; biển báo nhận diện phương tiện vận chuyển đối với từng loại rác sau phân loại (chất thải thực phẩm, CTR sinh hoạt khác). UBND Thành phố cũng đã ban hành Đề án số 07/ĐA-UBND ngày 25/6/2022 về tổng thể thu gom, vận chuyển, xử lý CTR trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến 2050…

    Cùng với đó, Thành phố tăng cường xây dựng và nhân rộng các mô hình thu gom, phân loại rác thải gắn với thực hiện quy định của Luật BVMT năm 2020; Nghị quyết Đại hội Đảng TP. Hải Phòng lần thứ XVI với chỉ tiêu “Tỷ lệ CTR sinh hoạt được thu gom, xử lý ở đô thị đạt 100%, trong đó, trên 50% được xử lý bằng công nghệ hiện đại, không chôn lấp vào năm 2025”. Sở TN&MT, UBND các phường, tổ dân phố, cơ quan, đoàn thể phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng tổ chức các hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại rác thải tại nguồn, phổ biến kiến thức pháp luật về BVMT nói chung, phân loại rác thải tại nguồn nói riêng. Đến nay, đã tổ chức được 1.700 hội nghị, hoạt động tuyên truyền với 160.000 lượt người tham dự tại 14/15 quận/huyện; phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai hiệu quả 300 mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn… Nhờ đó, công tác BVMT đã đạt được nhiều kết quả khích lệ, các biện pháp kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm. Ngoài ra, công tác bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý biển và hải đảo cũng được quan tâm, bước đầu triển khai có hệ thống; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT được triển khai ngày một mở rộng; công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về môi trường được tổ chức thường xuyên, liên tục và có ý nghĩa thiết thực.

    Trên cơ sở kết quả đạt được, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-HĐND của HĐND và Đề án số 07/ĐA-UBND của UBND Thành phố, cụ thể: Tăng cường triển khai mô hình phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn, đầu tư xây dựng, cải tạo các trạm trung chuyển, điểm tập kết CTR; rà soát các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt theo hướng bãi chôn lấp CTR sinh hoạt đang hoạt động phải đảm bảo vệ sinh môi trường và phải tiến hành đóng bãi, xử lý ô nhiễm, cải tạo môi trường sau khi kết thúc hoạt động. Với hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của khu dân cư, tiếp tục quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ, từng bước đưa hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt ngày một hoàn thiện. Đặc biệt, để duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được nói chung, Tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm nói riêng, cũng như khắc phục khó khăn, hạn chế trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, TP. Hải Phòng đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc BVMT ngay tại gia đình cũng như cộng đồng dân cư; lồng ghép nội dung Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM đô thị văn minh” với thực hiện hương ước, quy ước trong giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; khuyến khích phát triển sản xuất, chăn nuôi gắn với BVMT; đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc cây xanh, tạo môi trường trong lành và cảnh quan Xanh - Sạch - Đẹp; phát động các phong trào chỉnh trang đường làng ngõ xóm, khuôn viên gia đình và xây dựng công trình vệ sinh kiên cố, đạt chuẩn…

    3. Một số giải pháp trọng tâm

    Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 theo đúng tiến độ và lộ trình đề ra, TP. Hải Phòng sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

    Thứ nhất, kiên định với các mục tiêu và tiêu chí đã đạt được của giải đoạn trước, nâng cao dần chất lượng các tiêu chí và duy trì tính bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Thường xuyên cập nhật, phổ biến các mô hình, điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng NTM để nhân ra diện rộng. Tìm hiểu những bài học kinh nghiệm, các làm hay, mô hình điểm để vận dụng sáng tạo và điều chỉnh cho phù hợp với đặc điểm văn hóa, kinh tế - xã hội của từng vùng miền, địa phương; phát huy và nhân rộng các mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu.

    Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ việc triển khai các nội dung của Tiêu chí môi trường cho phù hợp với thực tiễn theo hướng lượng hóa các chỉ tiêu/tiêu chí có tính đến yếu tố vùng miền. Bên cạnh việc nghiên cứu, hoàn thiện các tiêu chí và hướng dẫn thực hiện tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, Thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý điều chỉnh các hành vi, đối tượng trong mối tương quan giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tách biệt các nhóm đối tượng trên địa bàn đô thị và nông thôn để có phương cách ứng xử phù hợp (hiện nay là đồng nhất), đặc biệt chú trọng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư cho công tác BVMT nông thôn; xác định từng nhóm chủ thể riêng biệt trên cùng một địa bàn nông thôn (nhóm gây ô nhiễm và nhóm bị ảnh hưởng, tác động do ô nhiễm; nhóm cần được ưu đãi hỗ trợ và nhóm cần áp dụng các biện pháp, chế tài có tính răn đe cao...).

    Thứ ba, xác định rõ nguồn lực và quản lý quá trình thực hiện, không trông chờ vào ngân sách nhà nước, mà vận dụng tối đa mọi cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực trong xã hội, thu hút và kêu gọi đầu tư, từ việc phân định rõ trách nhiệm “người gây ô nhiễm phải trả tiền” để tìm ra phương thức đầu tư, vay vốn tín dụng, ưu đãi cho xây dựng cảnh quan, xử lý chất thải nông nghiệp và khu vực nông thôn. Kinh nghiệm thực tiễn từ hoạt động cấp nước sinh hoạt, phong trào trồng cây, trồng hoa, cải tạo các khu vực ô nhiễm thời gian qua đã cho thấy, nếu có cơ chế phù hợp, hoàn toàn có thể huy động được cộng đồng và khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào hoạt động BVMT nông thôn, mặc dù khó khăn hơn so với các vùng đô thị, công nghiệp khác.

    Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong xử lý chất thải, BVMT nông thôn. Bài học từ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM 10 năm qua cho thấy, đã đến lúc nhận thức cộng đồng được nâng lên, trách nhiệm được phân định, hoạt động được phân công, phân cấp, nhưng khó khăn là thiếu công nghệ phù hợp, mà quan trọng nhất là công nghệ xử lý CTR (tập trung, phân tán, công nghệ hiện đại hay truyền thống…) và nước thải (chăn nuôi, sản xuất, sinh hoạt...); công nghệ canh tác nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...) an toàn, bền vững về môi trường. Do đó, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, không phát sinh chất thải là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.

    Thứ năm, áp dụng các biện pháp đủ mạnh, có tính răn đe trong giải quyết những xung đột về môi trường. Không thể mãi áp dụng đơn phương các biện pháp thuyết phục và hỗ trợ, kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy, cần thiết song hành cả hai công cụ (tuyên truyền và cưỡng chế), có như vậy các công cụ mới thực sự phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để đảm bảo tính răn đe nhưng không làm ảnh hưởng đến tư tưởng, đời sống của người dân, cần bóc tách những nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng các chế tài phù hợp.

Bùi Thị Oanh

Hội Nông dân Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2023)

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương)

Ý kiến của bạn