25/11/2021
Tỉnh Hà Nam cách thủ đô Hà Nội 58 km về phía Nam, với diện tích đất tự nhiên 860 km²; gồm 4 huyện, 1 thành phố và 1 thị xã. Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 547/KH-UBND thực hiện Nghị quyết xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Hà Nam giai đoạn 2011-2020. Rà soát đánh giá hiện trạng, số tiêu chí bình quân/xã năm 2011 của tỉnh chỉ đạt 6,8 tiêu chí/xã, không có xã nào đạt Tiêu chí môi trường (Tiêu chí số 17). Từ kết quả trên, tỉnh Hà Nam xác định môi trường là một tiêu chí khó trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, cần nhiều nguồn lực và phải có sự chỉ đạo sát sao để tổ chức thực hiện.
Hà Nam là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng NTM
Nhằm hỗ trợ, triển khai thực hiện công tác BVMT nông thôn, UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành Quyết định số 15/2011/QĐ-UBND ngày 24/5/2011 về các lĩnh vực hỗ trợ cụ thể: Quy hoạch xây dựng NTM 120 triệu đồng/xã; Đường giao thông thôn xóm hỗ trợ bằng xi măng (mỗi xã không quá 1.300 tấn xi măng PC300); Kênh mương nội đồng do xã quản lý được hỗ trợ 200 tấn xi măng/km (Mỗi xã không quá 25 km kênh mương); Công trình cung cấp nước sạch hỗ trợ 60% chi phí xây lắp, thiết bị; Xe vận chuyển thu gom rác hỗ trợ 3 triệu đồng/xe/1 thôn; Hố chôn rác thải hoặc khu tập trung rác ở 78 thôn hỗ trợ 30 triệu đồng/1công trình (Quy mô tối thiểu 80 m2 có tường bao, mái che); Hỗ trợ chăn nuôi lợn bằng đệm sinh học 200 triệu đồng/1 xã (Đệm lót sinh học cho mô hình; Hỗ trợ vi sinh); Hỗ trợ xây dựng các cơ sở giết mổ gia súc tập trung, xa khu dân cư 20 triệu đồng/cơ sở; Hỗ trợ cơ sở sản xuất TTCN có máy móc thiết bị trong sản xuất gây ô nhiễm môi trường, di dời vào điểm sản xuất tập trung của xã 20 triệu đồng/cơ sở. Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, tổ chức xã hội đã và đang vào cuộc tích cực trong việc phát động, triển khai nhiều phong trào, mô hình về BVMT như: “Vệ sinh môi trường đường làng, ngõ xóm”, “5 không, 3 sạch” do Hội Liên hiệp Phụ nữ làm nòng cốt; “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh” của Đoàn thanh niên; phong trào “Xanh - Sạch - Đẹp” trong các trường học... Thông qua phong trào đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, huy động được nguồn lực lớn từ cộng đồng dân cư để thực hiện công tác vệ sinh môi trường nông thôn và tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp. Qua đó, đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên sự thay đổi về nhận thức và hành động của người dân trong công tác BVMT.
Con đường hoa ở xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm đã tô đẹp thêm vẻ đẹp của làng quê
Theo Báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hà Nam, đến nay, Hà Nam có 83/83 xã (100%) số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 6/6 huyện, thành phố, thị xã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, các xã đều đạt chuẩn tiêu chí môi trường: Tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn nông thôn đạt trên 98%; tỷ lệ hộ gia đình có đủ 3 công trình vệ sinh đạt chuẩn trên 90%; các cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ chăn nuôi có cam kết đạt chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường nghiêm trọng; đường làng, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp; nghĩa trang nhân dân đã được xây dựng theo đúng quy hoạch được duyệt, đồng thời hoàn thành xây dựng quy chế quản lý nghĩa trang. Ngoài ra, công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, với tỷ lệ rác thải đô thị được thu gom đạt 100%, trong đó xử lý đạt 100%; Tỷ lệ rác thải nông thôn được thu gom, xử lý đạt 98%, trong đó 85% được bốc xúc, vận chuyển về nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường, còn 13% lượng rác thải sinh hoạt được xử lý tại hộ trong đó xử lý tập trung tại nhà máy. Trên địa bàn tỉnh có 168 bể trung chuyển rác thải tập trung; 1.083 tổ thu gom rác đang hoạt động ở 1.320 thôn xóm với 3.151 người và 1.753 xe vận chuyển rác. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhà máy xử lý rác, tổng công suất xử lý đạt khoảng 345-365 tấn/ngày, đảm bảo xử lý toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt phát sinh.
Người dân xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên tham gia làm đường giao thông nông thôn (Năm 2019 huyện Duy Tiên đã về đích NTM)
Về xử lý chất thải trong chăn nuôi, từ năm 2011, tỉnh đã xây dựng và triển khai mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học, mang lại hiệu quả trong công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần duy trì, khôi phục chăn nuôi trong nông hộ đang có xu hướng thu hẹp dần, đồng thời giúp người chăn nuôi tiết kiệm được thời gian, nhân công trong việc dọn rửa, vệ sinh chuồng trại, tiết kiệm được chi phí điện, nước trong quá trình chăn nuôi. Cùng với đó, tỉnh đã có 4.680 công trình khí sinh học tập trung tại các huyện Bình Lục, Lý Nhân, Kim Bảng, Duy Tiên với thể tích trung bình khoảng 16 m3/công trình. Các hộ chăn nuôi của tỉnh cũng đã tự đầu tư kinh phí xây dựng công trình khí sinh học với tổng số khoảng trên 10.000 công trình qua các năm.
Có thể nói, thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, đời sống của người dân nông thôn đã được từng bước cải thiện, diện mạo nông thôn đổi mới rõ rệt. Cùng với việc thực hiện nâng cao các tiêu chí của Chương trình, Tiêu chí môi trường trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã, đang ngày được hoàn thiện, qua đó góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân nông thôn và thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Đỗ Hương
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)