27/02/2023
Nằm ở phía Bắc sông Hồng, Đông Anh là một trong những huyện đầu tiên của TP. Hà Nội “về đích” nông thôn mới (NTM). Song, xác định xây dựng NTM chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, huyện Đông Anh đã không ngừng nỗ lực nâng cao các tiêu chí, hướng tới mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây cũng chính là bước đệm để huyện tạo nền tảng phát triển đô thị, nỗ lực trong cuộc đua lên quận trong thời gian tới.
Vượt thách thức đạt kết quả cao
Năm 2016, Đông Anh là một trong hai đơn vị đầu tiên của TP. Hà Nội vinh dự được đón “Bằng công nhận huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 - 2015” của Thủ tướng Chính phủ. Đây là niềm vinh dự lớn lao, cũng là thành quả đáng tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện. Việc được công nhận huyện NTM đã có tác động tích cực, quan trọng tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, người dân được thụ hưởng thành quả do chính mình là chủ thể xây dựng nên rất phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cũng như hệ thống chính trị, từ đó phát huy những giá trị đã đạt được, tạo nền tảng xây dựng huyện ngày càng phát triển.
Đông Anh đã có nhiều thay đổi nhờ Chương trình xây dựng NTM
Đến năm 2018, Thành ủy quyết định chỉ đạo huyện tập trung xây dựng và thực hiện Đề án đầu tư xây dựng Đông Anh trở thành quận. Để thực hiện, huyện Đông Anh đã hợp nhất Bộ tiêu chí huyện thành quận và huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với các chỉ tiêu của Đại hội đảng bộ huyện đề ra. Việc hợp nhất Bộ tiêu chí cấp huyện, xã được thực hiện theo nguyên tắc: Lấy chỉ tiêu, nhiệm vụ cao nhất ở các bộ tiêu chí để thực hiện và chỉ đạo xây dựng, ban hành 15 đề án thành phần xây dựng huyện thành quận. Sau khi hợp nhất Bộ tiêu chí cấp huyện và xã, huyện đã chỉ đạo và xây dựng kế hoạch thực hiện cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và từng năm, trong đó, ưu tiên tập trung đầu tư hạ tầng, cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống giao thông nông thôn và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế… Việc tích hợp Bộ tiêu chí vừa giúp huyện tiết kiệm được thời gian, vừa tiết kiệm được kinh phí đầu tư.
Để đạt được mục tiêu trở thành quận trong năm 2025, huyện Ðông Anh đã ban hành kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo UBND các xã căn cứ thực tế để lập kế hoạch sản xuất phù hợp. Cùng với những chỉ đạo cụ thể cho từng thời điểm sát tình hình, huyện cũng bố trí thường xuyên từ 20 - 25 tỷ đồng hỗ trợ người dân trong sản xuất nông nghiệp như: Hỗ trợ thóc giống mới, nguyên chủng; giống thủy sản chất lượng cao; mô hình sản xuất rau an toàn, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp... Ðồng thời, mở rộng sản xuất trong các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn, khôi phục và phát triển mạnh các làng nghề thủ công truyền thống. Trong đó, chú trọng mở rộng quy mô một số nghề như: Sản xuất đồ gỗ dân dụng, mỹ nghệ, đồ gỗ ép phun sơn, sản xuất thép và cơ khí, tập trung tại các xã: Vân Hà, Liên Hà, Dục Tú, Thụy Lâm... Ðã xây dựng nhãn hiệu tập thể “Gỗ mỹ nghệ Vân Hà”. Các nghề khác như làm tương, đậu phụ, bún, bánh chưng, bánh kẹo, giò chả, may mặc... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân trong và ngoài huyện. Hiện nay, huyện đã hoàn thành việc xây dựng đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 và được Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 5858/QĐ-UBND ngày 21/10/2019. Ngày 8/11/2019, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXVIII đã ban hành Nghị quyết số 558 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020 - 2025, xác định rõ “Đây là nhiệm vụ trọng tâm, rất quan trọng, mang tính lịch sử của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh”.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, năm 2023, TP. Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu có thêm 61 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 33 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 4 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao (Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì) và 3 huyện đạt chuẩn NTM (Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa). Ngay trong những ngày đầu, tháng đầu, các địa phương đã khẩn trương bắt tay vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng NTM tạo chuyển biến cho nông nghiệp, nông thôn Thủ đô. Hòa chung vào khí thế đó, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Thành phố về ban hành các bộ tiêu chí xã NTM, huyện NTM giai đoạn 2021 - 2025, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các phòng ban, đơn vị có liên quan, các xã tập trung đánh giá, rà soát kết quả xây dựng NTM nâng cao theo bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch duy trì, nâng cao các tiêu chí đã đạt, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt. Kết quả rà soát đến nay, 23/23 xã thuộc huyện Đông Anh đã đạt và cơ bản đạt 13/19 tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, năm 2022, Đông Anh có thêm 8 xã: Kim Chung, Đông Hội, Dục Tú, Cổ Loa, Vân Nội, Uy Nỗ, Việt Hùng, Nam Hồng hoàn thành xây dựng NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao của huyện lên 12 xã và xã Liên Hà đã hoàn thành xây dựng NTM kiểu mẫu. Về kết quả thực hiện tiêu chí huyện NTM, huyện NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, đến nay, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao. Huyện đang tập trung xây dựng huyện NTM nâng cao, kiểu mẫu gắn với đầu tư xây dựng huyện thành quận.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện đã xây dựng kế hoạch thực hiện 15 đề án thành phần, nhằm hoàn thành các tiêu chí thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng huyện thành quận giai đoạn 2020 - 2025. Cụ thể như Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước huyện Đông Anh theo hướng phục vụ, chuyện nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền đô thị giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo; Đề án hoàn thiện và phát triển hệ thống giao thông, hạ tầng xử lý nước thải trên địa bàn huyện Đông Anh theo tiêu chí đô thị giai đoạn 2018-2023 và những năm tiếp theo; Đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2018-2023 và những năm tiếp theo; Đề án lắp đặt hệ thống camera trên địa bàn huyện; Đề án lập quy hoạch các điểm dân cư phát triển đô thị trên địa bàn huyện; Đề án Đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng cổ theo 15 Đề án huyện phê 24 xã, thị trấn. Hoàn thiện việc xây dựng và trình HĐND huyện thông qua các Đề án thành phần còn lại. Khảo sát để lập Đề án đầu tư, bảo vệ giữ gìn và phát huy giá trị làng cổ…
Đối với nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao, Huyện ủy và UBND huyện Đông Anh đã ban hành nhiều Nghị quyết, tiêu biểu là Nghị quyết 250-NQ/HU ngày 14/2/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về quyết tâm phấn đấu năm 2022 hoàn thành “5 có, 3 không” trong xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị. “5 có” bao gồm: Có nhà văn hóa, có sân bóng đá, có công viên mini, có các điểm sinh hoạt cộng đồng, có điểm đỗ xe kết hợp trồng cây xanh. “3 không” bao gồm: Không vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai về trật tự xây dựng và trật tự văn minh đô thị; không ô nhiễm môi trường về nước thải, khí thải, rác thải; không có hộ nghèo.
Trong lộ trình xây dựng huyện thành quận, năm 2022, UBND huyện cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển đô thị, đáp ứng yêu cầu xây dựng huyện Đông Anh thành quận giai đoạn 2020 - 2025”; triển khai rà soát quy hoạch các tiểu vùng nông nghiệp chuyên canh, quy mô lớn, hàng hóa, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, gắn phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển sản phẩm chủ lực để xây dựng theo Quyết định số 731/QĐ-UBND ngày 25/2/2022 của UBND TP. Hà Nội về phê duyệt kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp Thành phố, giai đoạn 2022 - 2025. Riêng năm 2023, Đông Anh sẽ tập trung nguồn lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu gắn với phát triển đô thị; mở các lớp tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ làm NTM từ huyện đến xã, thôn... phấn đấu đến hết năm 2025 sẽ có 100% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Cùng với đó, Đông Anh sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Thực hiện các chính sách trợ giúp hỗ trợ thoát người nghèo theo Nghị quyết số 27/NQ-HĐND huyện, thực hiện các biện pháp trợ giúp đảm bảo giảm nghèo bền vững và nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Theo báo cáo của UBND huyện Đông Anh, toàn huyện hiện có 98,7% thôn, làng có nhà văn hóa cơ bản đạt chuẩn; 68 công viên mini phục vụ đời sống nhân dân; 100% thôn, làng, tổ dân phố có điện chiếu sáng bằng hệ thống đèn led tiết kiệm điện; 95% tuyến phố có điện chiếu sáng đô thị. Thực hiện đề án trồng và quản lý cây xanh, huyện Đông Anh đã khai thác và quản lý được hơn 155 ha đất thuộc quỹ đất công để trồng cây xanh, phục vụ đời sống nhân dân; có 444 ao hồ được lập hồ sơ quản lý, đầu tư đồng bộ và kè sạch đẹp, tạo ra các tiểu công viên xanh - sạch - đẹp trong mỗi thôn, làng. Diện mạo nông thôn ở Đông Anh ngày càng thay đổi theo hướng đô thị, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong xây dựng NTM và phát triển đô thị
Tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu là bước chuyển để các địa phương, tạo nền tảng phát triển đô thị trong tương lai. Là một trong 5 huyện trở thành quận thời gian tới, Đông Anh cũng đang tích cực tập trung xây dựng NTM theo hướng văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa. Đồng thời, tích cực gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, di tích lịch sử của đất Cổ Loa nghìn năm văn hiến.
Khu Di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh
Theo thống kê, Đông Anh có 124 di tích đã được xếp hạng, trong đó có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Bên cạnh việc chú trọng quảng bá, giới thiệu các di tích, lễ hội của địa phương, huyện Đông Anh còn thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân đối với việc bảo vệ các di tích, di sản của cha ông để lại. Đồng thời, chú trọng công tác kiểm kê, xếp hạng di tích, tu bổ, tôn tạo di tích, đầu tư nâng cấp các tuyến đường dẫn về các điểm di tích và trùng tu, tôn tạo hơn 100 di tích trên địa bàn, nhất là việc chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn kiện toàn Ban Quản lý Di tích để công tác quản lý, chăm sóc di tích được tốt hơn… Khảo sát, kiểm tra thực tế các di tích, nhà văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh, Văn phòng Điều phối NTM TP. Hà Nội đã đánh giá cao sự chỉ đạo của huyện Đông Anh với công tác quản lý di tích trên địa bàn. Qua đó, đề nghị huyện Đông Anh cần tập trung xây dựng các thiết chế văn hóa để phục vụ người dân, từ đó xây dựng mục tiêu chiến lược văn hóa. Theo đó, huyện Đông Anh cần có báo cáo, tờ trình cụ thể về các hạng mục di tích cần đầu tư tu sửa chi tiết hơn để trình các sở, ngành; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền về trùng tu và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tới cán bộ, nhân dân để người dân nâng cao ý thức trong giữ gìn, phát huy giá trị di tích trong xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội nhận xét, huyện Đông Anh đã đạt được nhiều tiến bộ trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa trong xây dựng NTM. Vì vậy, thời gian tới, địa phương cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để khẳng định nông thôn không chỉ là nơi sản xuất nông nghiệp, mà còn là nơi cân bằng cảm xúc; là không gian mở, con người sống hài hòa với nhau, hài hòa với môi trường thiên nhiên. Nông thôn không chỉ là nơi diễn ra hoạt động kinh tế mà còn là không gian văn hóa, bao gồm vật thể và phi vật thể. Người làng là chủ thể tạo lập làng, hình thành văn hóa làng, phát triển kinh tế làng. Nông thôn không chỉ là không gian vật chất, mà còn là tài nguyên phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị nông thôn giúp người làng quê trân quý những giá trị truyền thống và để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, nông thôn Đông Anh cần được xem là một miền di sản, là không gian tâm thức, trong đó văn hóa tạo ra giá trị tâm thức. Những giá trị vô hình là nền tảng hướng tới các làng thông minh, làng hài hòa, làng hạnh phúc. Ở đó, hình ảnh làng quê dân dã, giàu bản sắc, đậm chất văn hóa, cộng đồng hài hòa, thân thiện do chính người làng tạo lập. Vì vậy, xây dựng NTM không chỉ là đầu tư hạ tầng, mà là vun đắp tinh thần con người. Mọi cư dân nông thôn cần được giới thiệu, tìm hiểu cái hay, cái đẹp của văn hóa địa phương, cảm nhận, tự hào về ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn của các phong tục, lễ hội truyền thống.
Cùng với việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản, Đông Anh cũng chú trọng đến mảng xanh mang hồn quê đất Việt. Về Đông Anh hôm nay, đi trên nhiều nẻo đường, những hàng cau, lũy tre làng vẫn thấp thoáng xuất hiện, những công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa lâu đời vẫn được quan tâm gìn giữ. Không chỉ tập trung xây dựng kiến trúc, cảnh quan, mà trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương đã chú trọng gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của làng quê Việt, đó là tình làng nghĩa xóm, ý thức gắn kết cộng đồng, sự tương thân tương ái, đồng cam cộng khổ, giúp đỡ nhau khi tắt lửa tối đèn. Đó là dấu ấn mang đậm nét của làng quê Việt, được tôn tạo và phát triển chính từ ý thức của mỗi người dân nơi đây.
Là vùng đất cổ có bề dày lịch sử, giàu bản sắc văn hóa. Nơi đây nổi tiếng với địa danh Cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt, Đông Anh đã và đang trở thành một trong những không gian trọng yếu, có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với không gian cửa ngõ hàng không quốc gia, gắn kết khu vực đô thị hai bên sông Hồng. Xây dựng NTM là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và hợp với lòng dân, phù hợp với xu hướng tất yếu của sự phát triển xã hội. Công cuộc xây dựng NTM đã đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho Đông Anh. Tuy nhiên, nông thôn dù mới, dù hiện đại đến đâu thì việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc nông thôn của từng vùng, miền vẫn cần phải được gìn giữ, vun đắp. Xây dựng và phát triển nông thôn theo hướng hiện đại không đồng nghĩa với việc phủ nhận các giá trị truyền thống, mà cần thực hiện tốt việc bảo tồn, lưu giữ di sản văn hóa của quê hương. Nhận thức được điều này, Đông Anh luôn coi việc giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa là nhiệm vụ then chốt, gắn liền với phát triển kinh tế, sớm đưa huyện trở thành một trong những quận nội đô của Hà Nội.
Phương Linh
(Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)