Banner trang chủ

Để Đà Nẵng trở thành Thành phố đáng sống, là điểm đến hấp dẫn du khách

10/08/2022

    Thời gian qua, du lịch Đà Nẵng đã có sự tăng trưởng ấn tượng, định vị được vị trí, thương hiệu hình ảnh trên bản đồ du lịch trong nước cũng như trên thế giới với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế như điểm đến hấp dẫn, điểm đến mới nổi ở châu Á và thế giới, điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu châu Á, đứng đầu trong Top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020 do Google bình chọn. Nhắc đến Đà Nẵng, du khách sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một thành phố văn minh, Xanh - Sạch - Đẹp, một điểm đến an toàn, hấp dẫn và mến khách. Tuy nhiên, thực trạng phát triển du lịch đã và đang tạo ra những sức ép nhất định lên môi trường sinh thái của Thành phố. Vì vậy, để khai thác tối đa lợi thế của du lịch, đồng thời kết hợp với việc BVMT sinh thái, giúp Đà Nẵng trở thành “Thành phố thân thiện với môi trường”, Thành phố thực sự đáng sống, là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, thì Đà Nẵng cần có những bước đột phá trong lĩnh vực này. 

    Du lịch Đà Nẵng trước và sau đại dịch Covid-19

    Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tác động nghiêm trọng đến các hoạt động du lịch, Đà Nẵng là địa phương thu hút đông đảo lượng khách du lịch. Giai đoạn 2016 - 2019, lượng khách đến Đà Nẵng tăng trưởng tốt với tốc độ bình quân đạt 16,73%/năm, tăng 4,41% so với mục tiêu kế hoạch, trong đó, tốc độ tăng trưởng bình quân lượng khách quốc tế đạt 29,15%/năm, tăng 16,83% so với kế hoạch; khách nội địa đạt 10,91%/năm, gần tương đương kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016 - 2019 đạt 24,68%/năm, tăng 4,91% so với kế hoạch. Có thế thấy, trước khi chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, du lịch Đà Nẵng có sự tăng trưởng cả về lượng khách và doanh thu. Trong năm 2020 và nhất là năm 2021, do tác động của đại dịch Covid-19, lượng khách và doanh thu từ các hoạt động du lịch của Đà Nẵng giảm sút nghiêm trọng. Theo báo cáo của Sở Du lịch Đà Nẵng, năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến Đà Nẵng là 1,17 triệu lượt, giảm 55,8% so với năm 2020, doanh thu đạt 2,554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Như vậy, đại dịch Covid-19 đã thay đổi cấu trúc xã hội và thói quen của người dân, nhưng cũng tạo ra xu hướng mới trong du lịch, đây cũng là cơ hội để Việt Nam trở thành điểm đến được lựa chọn du lịch hàng đầu, với những trải nghiệm hấp dẫn.

Đà Nẵng đã định vị được vị trí, thương hiệu hình ảnh trên bản đồ du lịch

    Thực hiện lộ trình mở cửa đón khách quốc tế của Chính phủ, Thành phố Đà Nẵng đã chính thức mở cửa đón khách quốc tế tại Phổ cổ Hội An và Di sản Mỹ Sơn. Trong quý 1/2022, Đà Nẵng có 749 doanh nghiệp kinh doanh du lịch hoạt động trở lại, chiếm 40% tổng số doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn Thành phố. Trong số này, có 350/1272 cơ sở lưu trú du lịch với 14.000 phòng (chiếm 27% tổng số phòng); 15/16 khu điểm du lịch; 190/281 đơn vị lữ hành; 170 đơn vị vận chuyển với 2.100 xe phục vụ du lịch; 18/21 tàu du lịch; 6/16 cơ sở mua sắm, ăn uống đạt chuẩn hoạt động trở lại. Cũng trong quý 1/2022, khách du lịch đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng ước đạt 257,2 nghìn lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 6.000 lượt, giảm 87,9% và chủ yếu là các chuyên gia đang công tác tại Việt Nam; khách nội địa ước đạt 251,2 nghìn lượt, giảm 55,4% so với cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 806,2 tỷ đồng, giảm 41,4%. Sau khi có chủ trương mở cửa trở lại các hoạt động du lịch, từ giữa tháng 3/2022, hoạt động du lịch trên địa bàn Thành phố đã có nhiều khởi sắc, đây là dấu hiệu đáng mừng đối với ngành du lịch Đà Nẵng sau 2 năm gián đoạn bởi dịch Covid-19.

    Giữ cho biển luôn Xanh - Sạch - Đẹp

    Hiện nay, Thành phố Đà Nẵng đang thực hiện các giải pháp để đón du khách quay trở lại như: Chuẩn bị nguồn nhân lực du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách; đảm bảo an ninh an ninh trật tự, an toàn cho khách; phòng, chống dịch hiệu quả. Đồng thời, Thành phố cũng đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá truyền thông điểm đến; triển khai các hoạt động cộng đồng; chuẩn bị sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch mới thu hút khách… Với lợi thế có bờ biển dài, trải rộng cùng nhiều bãi biển đẹp, thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch biển, du lịch tàu biển… Vì vậy, giữ cho biển Xanh - Sạch - Đẹp là mục tiêu Thành phố luôn hướng tới để giữ gìn vốn quý giá mà tạo hóa ưu ái dành riêng cho Thành phố. Nhằm đạt được mục tiêu đề ra, chính quyền và người dân Đà Nẵng đang tích cực triển khai thực hiện đồng loạt các giải pháp vừa phát triển du lịch, vừa BVMT sống, nhất là môi trường biển, trong đó, địa phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề rác thải nhựa (RTN).

Đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng tham gia trồng cây xanh và dọn rác ven biển

    Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu biển và hải đảo (Bộ TN&MT), RTN chiếm khoảng từ 50 - 80% lượng rác thải biển. Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có lượng chất thải xả ra biển nhiều thứ tư trên thế giới, với khối lượng khoảng từ 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (tương đương khoảng 6% tổng chất thải nhựa được thải ra biển của thế giới). Trong khi đó, Đà Nẵng là Thành phố có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao tại khu vực duyên hải Nam Trung bộ, quá trình đô thị hóa nhanh đã gây ra những áp lực, trong đó có vấn đề RTN. Thống kê của Sở TN&MT Đà Nẵng cho thấy, trung bình mỗi ngày Thành phố phát sinh hơn 1.100 tấn rác thải, dự tính giai đoạn từ năm 2020 - 2025, rác thải đô thị Thành phố tăng lên 1.800 tấn/ngày; giai đoạn 2025 - 2030 là hơn 2.400  tấn/ngày và giai đoạn 2030 - 2040 là hơn 3.000 tấn/ngày. Trung bình mỗi ngày, biển Đà Nẵng có từ 3.000 - 5.000 lượt khách đến vui chơi, tắm biển, những ngày lễ hoặc sự kiện, con số này tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba. Theo Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, mỗi ngày nhân viên công ty thu gom từ 7 - 8 tấn rác dọc bờ biển, trong đó có số lượng lớn RTN, gây khó khăn trong việc xử lý.

    Tình trạng ô nhiễm môi trường trên biển do RTN gây ra ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người và hệ sinh thái. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng này là ý thức BVMT biển của người dân và du khách còn hạn chế, ngoài ra, việc quản lý, thu gom, xử lý rác thải trên biển chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Hiện nay, công tác thu gom, xử lý rác tại bãi biển do Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng thực hiện; Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là BQL) kiểm tra việc thu gom, dọn vệ sinh của Công ty và ghi nhật ký hàng ngày. Bên cạnh đó, BQL tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thông qua website, fanpage, trên hệ thống loa phát thanh ven biển và phát động Chiến dịch “Nói không với túi ni lông tại các bãi biển du lịch”; kêu gọi cá nhân, tổ chức, đoàn thể tổ chức nhiều đợt ra quân dọn vệ sinh trên bãi biển, đồng thời, bố trí mỗi trạm cứu hộ 4 cào rác, 50 giỏ rác nhựa và tham gia vớt rác trên mặt nước biển. Mùa du lịch biển 2019, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện 20 hoạt động văn hóa, thể thao. Trong đó, các hoạt động liên quan môi trường như “Nhặt rác trao yêu thương”, “Đổi rác lấy quà”… nhận được sự tham gia tích cực của hàng trăm người dân, du khách. Thế mới thấy, ý thức giữ gìn môi trường, giữ gìn biển luôn sẵn có trong mỗi người, chỉ cần được khơi dậy, đúng cách, biển sẽ mãi xanh.

    Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng TN&MT quận Thanh Khê cho hay, thời gian qua, Phòng TN&MT đã phối hợp chặt chẽ với BQL bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, ga Đà Nẵng, trung tâm thương mại, siêu thị, rạp chiếu phim, thư viện... lồng ghép tuyên truyền thông qua các áp phích, bảng điện tử, video về tác hại của RTN đến môi trường sống, sức khỏe con người, khuyến khích lối sống xanh, tiêu dùng giảm thiểu nhựa… Mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 30% các cơ sở kinh doanh nước uống và thực phẩm cam kết không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần tại các khu du lịch và dịch vụ ven biển; đồng thời, vận động ít nhất 50% ngư dân cam kết không thải bỏ ngư cụ, rác nhựa xuống biển.

Ngày hội “Thanh niên Đà Nẵng chung tay bảo vệ biển, nguồn nước địa phương khỏi RTN và Lễ Ký kết

Chương trình phối hợp về BVMT giai đoạn 2022 - 2027 giữa Sở TN&MT và Thành Đoàn Đà Nẵng

    Đặc biệt, mới đây, ngày 12/6/2022, Sở TN&MT và Thành Đoàn Đà Nẵng đã phối hợp tổ chức Ngày hội “Thanh niên Đà Nẵng chung tay bảo vệ biển, nguồn nước địa phương khỏi RTN” và ký kết Chương trình phối hợp giữa 2 đơn vị giai đoạn 2022 - 2027, nhằm tăng cường sự tham gia của đoàn viên, thanh niên vào hoạt động BVMT. Theo đó, hai ngành sẽ cùng thực hiện các hoạt động quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thanh, thiếu nhi tham gia BVMT, góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030. Thành Đoàn Đà Nẵng cũng ra mắt và triển khai 6 công trình, phần việc cụ thể gồm: Ra quân xử lý 56 điểm ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; xây dựng 15 tuyến đường Xanh - Sạch - Đẹp trên địa bàn Thành phố; tuyên truyền nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ nguồn nước tại địa phương; ra quân vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan tại 27 nghĩa trang, nghĩa trũng, bia tưởng niệm trên địa bàn Thành phố; triển khai Phong trào “Sinh viên Đà Nẵng nói không với RTN”; mô hình “Chuyến xe kế hoạch nhỏ - Phân loại rác thải, gây quỹ giúp bạn”. Ngay sau Lễ ký kết, các đoàn viên, thanh niên đã tham gia trồng cây xanh ven biển, dọn rác dọc bãi biển, giới thiệu những thùng rác làm bằng vật liệu tái chế… Dịp này, ngày hội “Thanh niên Đà Nẵng chung tay bảo vệ biển và nguồn nước địa phương khỏi RTN” cũng đã được khai mạc với các cuộc thi: “Tôi chọn bãi biển xanh”; “Sinh viên Đà Nẵng nói không với các sản phẩm từ nhựa”; Thanh niên biết - thi tìm hiểu kiến thức về Luật BVMT và nhiều trò chơi nhỏ về nội dung BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu năm 2022.

    Có thể thấy, để kinh tế biển thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển một cách bền vững, các cấp, các ngành ở Đà Nẵng đã và đang tích cực hành động BVMT biển, qua đó để tiềm năng và lợi thế từ biển mãi được khai thác, đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hội nhập.

Châu Long

 

Ý kiến của bạn