Banner trang chủ

Công ty TNHH mây, tre đan Việt Quang: Gìn giữ cốt cách làng nghề truyền thống

22/09/2022

    TP. Hà Nội có 1.350 làng nghề và làng có nghề truyền thống. Trong đó, rất nhiều làng nghề với lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm. Cùng với gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Duyên Thái, rèn Đa Sỹ, đúc đồng Ngũ Xã, làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) đã và đang ngày càng hấp dẫn du khách trong và nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm đặc trưng. Nhắc đến làng nghề mây tre đan Phú Vinh, không thể không nhắc tới sản phẩm mây, tre đan Việt Quang. Sản phẩm được cách điệu và thể hiện bằng chất liệu mây, giang đã được sử lý kỹ bằng cách luộc bằng nước lã theo cách cổ truyền, và đã được các nghệ nhân đến từ Nhật Bản nhận xét là “cách làm này giống như các nghệ nhân Nhật Bản đang làm”.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Văn Tĩnh với tác phẩm "Đèn đan vân mây"

    Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ mây, tre đan Việt Quang phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm. Sản phẩm “Mây, tre đan Việt Quang” lấy ý tưởng từ những nét đẹp truyền thống xen lẫn hiện đại, một biểu tượng về sức mạnh và nền văn hóa Việt Nam. Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... Đến nay, đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng xuất khẩu như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ đòi hỏi tay nghề kĩ thuật cao như: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, sa lông; đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc. Chỉ từ những sợi mây, thanh tre trắng phau, người thợ làng nghề với đôi bàn tay như có thần có thể tạo ra những mặt hàng đẹp mắt, hấp dẫn nhiều khách hàng. Bằng sự sáng tạo, khéo léo của mình, người dân ở đây đã sản xuất ra không biết bao nhiêu những loại đồ mây tre đan tinh xảo những vẫn mộc mạc đậm chất làng quê. Các công đoạn sản xuất mây, tre đan rất cầu kỳ, phải biết chọn nguyên liệu ưng ý rồi tuốt, phơi, chẻ nan… Sau đó, nguyên liệu sẽ được sấy khói rơm, hoặc phơi nắng để có màu đẹp tự nhiên, cuối cùng mới đến tay người thợ đan thành sản phẩm. Chẻ nan là một kỹ thuật khó, đòi hỏi người thợ có tay nghề cao. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ có cách chẻ nan riêng, sợi nan lúc thì chẻ thành từng ống tròn nhỏ, lúc chẻ thành những nan mỏng. Trước đây, tất cả các công đoạn đều làm bằng tay, nhưng đến nay chẻ nan được máy hỗ trợ, nhưng sau đó con người vẫn phải tuốt lại để có những sợi nan mượt mà, phẳng bóng.

Các công đoạn sản xuất mây, tre đan rất cầu kỳ

    Là Giám đốc của Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang - một trong những đơn vị sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu mây, tre có tiếng ở thủ đô Hà Nội, ông Nguyễn Văn Tĩnh tự hào cho biết, gia đình ông là hộ đan mây, tre duy nhất có bốn đời được phong nghệ nhân ưu tú. Nối nghiệp cha là nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu, ông tiếp tục giữ vững và từng bước nâng tầm các sản phẩm mây tre đan, thành công đưa mây tre đan tiến thẳng vào lĩnh vực trang trí nội thất. Với ông, niềm vui và sự tự hào lớn nhất của người truyền nghề là lúc học trò, con trai Nguyễn Phương Quang được vinh danh là nghệ nhân ưu tú; đồng thời, chế tác ra lọ lục bình cao 4,1m dâng tặng Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Trải qua hàng trăm năm phát triển, nghề đan, mây tre cũng có những bước thăng trầm theo thời gian. Đã có những lúc nghề chững lại do nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng thay đổi. Khi đó, nghệ nhân Tĩnh lại phải đi tìm và tháo gỡ những nút thắt khó khăn của nghề để mở một lối đi mới cho mây, tre đan. Với mong muốn phát triển làng nghề, mang lại thu nhập ổn định cho bà con trong làng, con trai ông Nguyễn Văn Tĩnh, nghệ nhân ưu tú Nguyễn Phương Quang đã nỗ lực vươn lên, khắc phục khó khăn, đặc biệt là thay đổi cách quảng bá thương hiệu để nhiều người biết đến sản phẩm làng nghề hơn. Bên cạnh đó, anh cũng tập trung cải tiến kỹ thuật, mẫu mã, áp dụng công nghệ vào sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin trong quảng bá sản phẩm, tìm kiếm thị trường, kết nối với khách hàng. Thay vì quảng bá sản phẩm bằng cách truyền miệng, người nào biết tự tìm đến đặt hàng, nghệ nhân Nguyễn Phương Quang đã đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng bằng việc lập trang facebook và trang web để nhiều người có thể tìm đến dễ dàng hơn. Đặc biệt, nghệ nhân cũng tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, các hội trợ, lễ hội để người dân được tiếp cận gần với sản phẩm hơn. Từ các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hiệu quả đã duy trì và tăng số hộ sản xuất, số lao động tại các làng nghề để đáp ứng sản lượng, sản phẩm phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Hiện nay, sản phẩm mây, tre, giang đan của Công ty đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hóa có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay. Việc quảng bá, phát triển và xây dựng thương hiệu các làng nghề còn mang lại nhiều lợi ích về mặt xã hội, giúp tạo thêm nhiều chỗ làm việc mới, giảm bớt tình trạng thất nghiệp ở khu vực nông thôn, tạo điều kiện cho các hộ gia đình và người lao động nông thôn tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống.

Một sản phẩm tinh xảo của Công ty TNHH mây tre đan Việt Quang

    Nhìn vào thực tiễn, hiện nay, các sản phẩm mây, tre đan đang ngày càng phổ biến nhờ chất liệu thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, để cạnh tranh với các mặt hàng tương tự là điều không dễ đối với một sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc biệt là về sự đa dạng trong kiểu dáng và giá thành. Do vậy, khi TP. Hà Nội tổ chức Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh đã nắm bắt thời cơ để tham gia đánh giá, xếp hạng với mong muốn đây sẽ là bàn đạp đưa các sản phẩm mây, tre đan Phú Vinh đến gần hơn với thị trường. Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới TP. Hà Nội công bố kết quả phân hạng, đánh giá các sản phẩm OCOP năm 2021, các sản phẩm mây tre đan của Công ty TNHH mây, tre đan Việt Quang đã vinh dự được UBND thành phố cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, đó là: Hoa đan mây treo tường trang trí; Khay mây khung gố; Đèn treo mây cánh sen; Khay bát giác đan tết hoa văn; Thùng đựng đồ khách sạn đan mây. Các sản phẩm mây tre đan của Công ty Việt Quang tuy hình dáng tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đòi hỏi kỹ thuật đan tinh xảo, tỉ mỉ, trau chuốt, từ đó tạo nét khác biệt cho các sản phẩm này so với những sản phẩm trên thị trường, nhất là kỹ thuật đan. Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh, các sản phẩm tham gia chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm... Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng làng nghề Phú Vinh có nét đặc trưng về xiên mây, đan tranh ảnh bằng mây, đan tết các loại hoa văn mà ở các làng nghề khác không có. Hy vọng rằng, với bàn tay tài hoa, óc sáng tạo của những người thợ tận tâm với nghề, sản phẩm mây, tre đan Việt Quang đã và sẽ ngày càng hấp dẫn du khách trong và nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ làng nghề qua từng sản phẩm đặc trưng.

An Bình

(Trang báo có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM TP. Hà Nội)

Ý kiến của bạn