Banner trang chủ

Cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng trên núi đá vôi ở xã Pả Vy, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang

04/01/2021

     Không phải ngẫu nhiên mà Mèo Vạc (tỉnh Hà Giang), một trong bốn huyện thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được mệnh danh là miền đá khát. Vào mùa khô, có mặt ở những bản cheo leo sườn núi đá như Xùa Nhè Lử, Lẻng Pù, Săm Pun của Mèo Vạc mới thấy giá trị của dòng sông Nho Quế, dòng chảy duy nhất còn sót lại ở đỉnh cực Bắc Tổ quốc. Những lạch nước hiếm hoi trong các khe núi không đủ làm dịu cơn khát của vùng cao nguyên đá mênh mông. Nghèo vì thiếu nước. Xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên đá chính là đi tìm nguồn nước. Đi dọc vùng đỉnh có thể tìm được cách giải bài toán nước vốn rất khó ở miền đá khát, đó là hồi sinh rừng sẽ có nước.

     Từ xưa, cao nguyên đá đã từng có rừng với những cây gỗ lớn, sự hiện diện của một số cây gỗ đường kính thân hàng mét ở Khu bảo tồn thiên nhiên Bát Đại Sơn (thuộc xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ), hoặc cây thông đỏ ở bản Sính Tủng Chứ (thuộc xã Thài Phìn Tủng, huyện Đồng Văn) đường kính thân 80 cm, được ghi nhận là cây thông đỏ lớn nhất miền Bắc, nằm trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) cần được bảo vệ. Năm 2019, cây thông đỏ này đã được Hội đồng Cây Di sản Việt Nam vinh danh là Cây Di sản, có tuổi đời hơn 200 năm. Ngày nay, những khu rừng nguyên sinh, nơi lưu giữ những mạch nước nuôi sống con người đã biến mất khiến cao nguyên Đồng Văn trở thành miền đá khát. Nguyên nhân là do rừng không có chủ thực sự, dẫn đến tình trạng khai thác quá mức, không còn khả năng phục hồi. Thậm chí, có trường hợp rừng bị cháy nhưng việc huy động người dân tham gia chữa cháy rất khó khăn.

Cỏ voi được trồng nhiều tại xã Pả Vy

     Pả Vy là một xã vùng cao núi đá nằm cách trung tâm huyện Mèo Vạc 3 km về phía Bắc, tổng diện tích tự nhiên là 2.001,79 ha, phân bố hành chính thành 6 thôn với 658 hộ, 3156 nhân khẩu, gồm 10 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm 97% (số liệu thống kê năm 2019). Cuộc sống của người dân dựa vào trồng trọt với tổng diện tích gieo trồng là 805,59 ha chủ yếu là trồng ngô, chỉ có 1,5 ha trồng lúa, ngoài ra, còn có tam giác mạch. Chăn nuôi có bò, lợn, dê và gia cầm. Một số hộ nuôi ong.

     Theo số liệu thống kê đến 31/12/2019, toàn xã có 843,56 ha rừng, trong đó rừng tự nhiên là 806,7 ha, rừng trồng 36,8 ha. Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê này, thật khó để thấy được, trong những thập niên gần đây, chính quyền cùng với cộng đồng người dân ở xã Pả Vy đã làm thế nào để tìm ra giải pháp quản lý, bảo vệ rừng được cộng đồng chấp nhận và tự giác thực hiện.

     Trong hệ thống quản lý hành chính hiện nay, xã là đơn vị hành chính cấp cơ sở. Trong một xã được chia làm nhiều thôn, bản. Đây là những đơn vị hành chính nhỏ nhất và có tính ổn định tương đối cao về vị trí địa lý, các hoạt động sản xuất và đời sống tại địa phương. Một quyết định quan trọng đã được ban hành, đó là chia diện tích rừng cho các bản và hộ gia đình quản lý. Các khu rừng gần khu định cư của bản được giao cho từng bản. Các hương ước mới được soạn thảo đã quy định cụ thể về bảo vệ rừng được hội nghị cộng đồng thông qua như: Chặt một cây gỗ có đường kính dưới 10 cm bị phạt 5 triệu đồng, từ 10 cm trở lên bị phạt 10 triệu đồng. Trâu bò phải chăn giữ, nếu phá hoại cây rừng phải đền bù và trồng cây mới. Ngoài ra, ai vi phạm phải kiểm điểm trước cuộc họp của bản. Nếu tái phạm sẽ bị quyết định không cho tham gia các hoạt động của bản, đặc biệt là không được dự hội cầu mùa tổ chức 3 lần trong năm vào tháng 2, 5 và tháng 7. Đây là lễ hội mang tính chất tín ngưỡng mà tất cả mọi thành viên trong bản đều được tham gia, trừ những người có vi phạm.

     Có một loài cây rất phù hợp để lập lại màu xanh cho cao nguyên đá, đó là Mắc rạc, còn gọi là Mậy dầu dìu, Mắc choòng (tiếng Tày ) hoặc Dầu choòng (tiếng Kinh). Mắc rạc là cây gỗ nhỏ, cao từ 6 - 10 m, đường kính gốc 4 - 20 cm, mọc nhanh, tái sinh hạt tốt, có thể gieo hạt vào các hốc đá, nên trồng từ trên cao để sau này Mắc rạc tự phát triển tán xuống phía dưới.

     Chính quyền địa phương ngoài việc quan tâm quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời phát động mọi tầng lớp nhân dân tham gia trồng rừng ở bất kỳ nơi nào có thể trồng được. Mặt khác, cũng rất quan tâm đến việc nâng cao đời sống cho người dân. Nhờ giữ được rừng, có nước, trồng trọt phát triển mùa màng bôi thu, chăn nuôi bò, lợn, dê và các loại gia cầm cũng được đẩy mạnh nhờ thức ăn đầy đủ. Phong trào nuôi ong cũng góp phần đáng kể vào việc tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Mật ong được đánh giá có chất lượng cao do ong làm mật từ hoa bạc hà. Gần đây còn phát triển cây tam giác mạch không chỉ tăng thêm sản lượng lương thực mà còn được chế biến để làm bánh, kẹo, nấu rượu, đặc biệt là tham gia vào ngành kinh tế tiềm năng là du lịch. Nhờ bảo vệ được rừng, Sả Vy đã có đủ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân, góp phần nâng cao đời sống, chấm dứt tình trạng khai thác gỗ trái phép để bán cho thương lái.

     Đến Pả Vy hôm nay, không chỉ được chứng kiến sự hồi sinh của màu xanh trên miền đá khát. Một thông tin quan trọng là Pả Vy hiện đang lưu giữ một nguồn gen thực vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam (năm 2007) là cây Thông đỏ. Như vậy, ngoài Đồng Văn, Quản Bạ, đến nay, Mèo Vạc là địa danh thứ ba trên cao nguyên địa chất toàn cầu phát hiện được Thông đỏ. Từ một địa danh nằm trong vùng đá khát, Pả Vy, bằng những giải pháp đột phá đã từng bước lập lại màu xanh, khắc phục tình trạng thiếu nước trầm trọng, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống, là cơ sở vững chắc đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai.  

TS. Lê Trần Chấn

Ths. Vũ Thị Cúc

CN. Tạ Thùy Dương

     Trung tâm Địa Môi trường và Tổ chức Lãnh thổ

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2020)

 

Ý kiến của bạn