Banner trang chủ

Bộ TN&MT: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường

20/10/2023

    Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần làm thay đổi bộ mặt làng quê nông thôn, tạo mỹ quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.  Nhận thức rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như các địa phương và người dân trên cả nước đã luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ cải thiện, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống một cách toàn diện và đồng bộ. Nhờ vậy, diện mạo nông thôn ngày một đổi mới, đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Tuy nhiên, tiêu chí môi trường lại là tiêu chí “động”, các nội dung của tiêu chí rất phức tạp, do vậy, các địa phương đều gặp khó khăn trong quá trình thực hiện. Để góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao, Bộ TN&MT đã khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương có văn bản trả lời, hướng dẫn, diễn giải cụ thể để các địa phương tham khảo, triển khai thực hiện.

Nhân dân huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định) ra quân dọn vệ sinh môi trường

    Ngày 22/2/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, trong đó phấn đấu có ít nhất 90% số xã đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM; 50% số xã đạt chuẩn tiêu chí 17 về môi trường thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao. Tiếp đó, ngày 8/3/2022, Thủ Tướng Chính phủ cũng đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 (Quyết định số 318/QĐ-TTg quy định chi tiết chỉ tiêu theo từng vùng. Theo đó, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn được thu gom, xử lý theo quy định ≥ 98% đối với vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; ≥ 95% đồng bằng sông Cửu Long; Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn ≥ 50% áp dụng trên cả nước; Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về BVMT đạt 100% áp dụng trên cả nước; Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng và tái chế thành nguyên liệu, nhiên liệu và các sản phẩm thân thiện với môi trường ≥ 80% áp dụng trên cả nước; Tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định đạt ≥ 90% tại đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ; ≥ 70% tại đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ; ≥ 50% trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (ngày 17/7/2023), đến hết tháng 6/2023, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 263/644 đơn vị cấp huyện (40,8%) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới). Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Riêng đối với tiêu chí môi trường, đã có 6.402 xã (78,3%) đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm (tăng 3% so với cuối năm 2020). Như vậy, so với 78,3% đạt tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm trong thời gian qua thì kết quả đạt được còn thấp và sẽ gặp nhiều khó khăn để hoàn thành mục tiêu, nhất là khi các quy định về tiêu chí môi trường đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn so với giai đoạn 2016-2020 với 12 chỉ tiêu (tăng thêm 4 chỉ tiêu liên quan đến thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa, phân loại chất thải rắn, thu gom và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật, đất cây xanh sử dụng công cộng tại điểm dân cư nông thôn). Điều này gây không ít khó khăn, lúng túng cho các xã, huyện khi xây dựng NTM.

    Nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường, hướng dẫn địa phương tổ chức thực hiện Chương trình, xây dựng kế hoạch, phân bổ nguồn lực; chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động về BVMT trong xây dựng nông thôn mới, khắc phục những tồn tại của giai đoạn 2010-2015 và giai đoạn 2016-2020, góp phần đạt được các mục tiêu, tiêu chí đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao (cấp huyện và cấp xã) giai đoạn 2021-2025, Bộ TN&MT đã ban hành Công văn số 3659/BTNMT-TCMT ngày 28/6/2022 hướng dẫn thực hiện một số nội dung thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ được phân công tại Quyết định số 263/QĐ-TTg. Trong đó có hướng dẫn các nội dung: (1) Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng BVMT nông thôn; thu hút các doanh nghiệp đầu tư các khu xử lý chất thải tập trung quy mô liên huyện, liên tỉnh; đầu tư hạ tầng các điểm tập kết, trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô tập trung (cấp huyện và liên huyện), ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; đầu tư, cải tạo, nâng cấp đồng bộ hệ thống thu gom, thoát nước thải và các công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung và tại chỗ phù hợp; (2) Xây dựng và tổ chức hướng dẫn thực hiện các Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo theo quy định; phát triển, nhân rộng các mô hình phân loại chất thải tại nguồn phát sinh; (3) Đẩy mạnh xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường tại những khu vực tập trung nhiều nguồn thải, những nơi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và các khu vực mặt nước bị ô nhiễm; sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn tài nguyên. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, căn cứ nhiệm vụ được giao, ngày 11/5/2023, Bộ TN&MT đã ký Công văn số 3276/BTNMT-KSONMT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM trong khoản 2 Điều 29 Thông tư số 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính (hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn; định mức kinh tế kỹ thuật); chỉ tiêu/nội dung liên quan đến mô hình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; chỉ tiêu/nội dung về tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.

Cán bộ hướng dẫn bà con cách phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở tỉnh Thái Nguyên

    Trước đó, để hỗ trợ cho việc triển khai thực hiện các nội dung về BVMT trong xây dựng NTM, Bộ TN&MT cũng đã ban hành các Công văn số 2155/BTNMT-TCMT ngày 27/4/2022 hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường và chất lượng cuộc sống, đề cập đến các nội dung quy định về BVMT nông thôn theo yêu cầu tại Điều 58 Luật BVMT, bao gồm: yêu cầu về BVMT đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề; cụm dân cư; cảnh quan, cây xanh, ao hồ, nguồn nước mặt; các biện pháp thu gom và xử lý chất thải, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường nông thôn. Hiện nay, Bộ TN&MT đang khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự thảo “hướng dẫn phân loại chất thải rắn tại nguồn” và “định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt”, trong đó có hướng dẫn phân loại tại nguồn, các công nghệ xử lý chất thải hiện có… để ban hành hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện.

    Luật BVMT năm 2020 cũng đã có các quy định cụ thể về BVMT nông thôn (Điều 58) và BVMT làng nghề (Điều 56); bao gồm các quy định về trách nhiệm quản lý chất thải phát sinh từ khu vực nông thôn, làng nghề. Ngoài ra, nhằm tăng cường trách nhiệm của nhà sản xuất đối với bao bì phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y…, Luật đã quy định các cơ chế bảo đảm việc thực hiện trách nhiệm thu gom, xử lý, tái chế của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại (trong đó có bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật) một cách bắt buộc tại Điều 54, Điều 55. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì có giá trị tái chế phải thực hiện tái chế theo tỷ lệ và quy cách tái chế bắt buộc; tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại (trong đó có bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật), khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý phải đóng góp tài chính để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải. Để hướng dẫn quy định nêu trên của Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định cụ thể về trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất tại mục 1 Chương VI: nhà sản xuất bao bì phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y có trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì do mình sản xuất theo lộ trình từ ngày 1/1/2024 với tỷ lệ, quy cách, hình thức tái chế cụ thể. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP cũng đã quy định chi tiết nội dung BVMT nông thôn, làng nghề, đồng thời hướng dẫn chi tiết các quy định về quản lý chất thải, bao gồm quy định về trách nhiệm của chủ nguồn thải phát sinh chất thải sản xuất, các hộ gia đình phát sinh chất thải sinh hoạt; yêu cầu về năng lực thu gom, xử lý chất thải của các đơn vị có chức năng. Đây là những căn cứ pháp lý hết sức quan trọng để phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT.

    Môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng để đạt được tiêu chuẩn NTM. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện và giữ được kết quả tiêu chí môi trường vẫn còn những thách thức cần tiếp tục giải quyết. Bên cạnh việc hoàn thiện khung thể chế, chính sách quy định, hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các nội dung của tiêu chí môi trường của Đảng, Nhà nước, các Bộ/ngành cho phù hợp với thực tiễn, việc thực hiện tiêu chí môi trường còn phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và ý thức trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như người dân. Bài học từ nhiều địa phương cho thấy, nếu chỉ cần dừng lại (sau thời điểm công nhận) mà không tiếp tục quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, các kết quả đạt được sẽ tụt hậu rất nhanh. Do vậy, trong thời gian tới, để góp phần thay đổi  diện mạo nông thôn cũng như nâng cao đời sống cho người dân, rất cần sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương; xác định và phân định trách nhiệm cho từng tổ chức đoàn thể…

Hương Đỗ

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

Ý kiến của bạn