04/01/2021
Theo Báo cáo của Văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) Trung ương, sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, đến hết tháng 10/2020, tỉnh Bến Tre có 1 huyện đạt chuẩn NTM (huyện Chợ Lách), 49 xã đạt chuẩn NTM, 20 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 56 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 17 xã đạt 5 - 9 tiêu chí và không có xã đạt dưới 5 tiêu chí. Cùng với đó, nhiều cơ chế chính sách mới được ban hành như: Bộ Tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu; Ấp NTM kiểu mẫu, mô hình sản xuất kiểu mẫu, khung tiêu chí ấp NTM... Quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố các danh hiệu này cũng đã được tỉnh ban hành và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong bối cảnh chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu (BĐKH), những kết quả và giá trị Chương trình đã đạt được có nguy cơ bị ảnh hưởng, thậm chí kéo lùi lại. Do vậy, để xây dựng NTM bền vững, việc chủ động ứng phó với BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai được tỉnh Bến Tre xem xét, đánh giá một cách toàn diện và lồng ghép trong các chương trình, hoạt động liên quan đến xây dựng NTM nhằm hạn chế, giảm thiểu tác động đối với lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đảm bảo tính bền vững cũng như giữ vững thành quả của địa phương trong phong trào xây dựng NTM.
Tỉnh Bến Tre xếp thứ tám trong số 63 tỉnh, thành phố của cả nước bị rủi ro cao bởi BĐKH. Nằm ở cuối nguồn sông Mê Kông và đặc điểm địa hình, kinh tế nông nghiệp, Bến Tre được đánh giá dễ tổn thương từ các tác động của BĐKH và nước biển dâng. Toàn tỉnh hiện có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với chiều dài 19,4 km. Hàng năm, hơn 100 nghìn m2 đất thổ cư, đất vườn trên cồn và các xã ven sông của tỉnh bị sạt lở khiến hơn 1.300 hộ đã bị mất đất ở và đất sản xuất, đời sống khó khăn, phải tạm cư nơi khác. Theo Kịch bản BĐKH tỉnh Bến Tre, đến năm 2030, ranh giới mặn 4‰ sẽ xâm nhập khoảng 60 - 70 km từ cửa sông vào thời điểm các tháng mùa khô. Tuy nhiên, mùa khô năm 2019 - 2020, mặn xâm nhập sớm, diễn biến phức tạp, gay gắt, khốc liệt. Ngay từ giữa tháng 11/2019, mặn đã bắt đầu xâm nhập vào các cửa sông chính, đến đầu tháng 12/2019, mặn xâm nhập nhanh, sâu vào trong các sông chính, độ mặn 1‰ bao phủ toàn tỉnh. So với mùa khô năm 2015 - 2016, mặn xâm nhập sớm hơn từ 2 - 3 tháng, độ mặn cao nhất các trạm cao hơn từ 1 - 7‰ và xâm nhập mặn sâu hơn từ 10 - 25 km trên các sông chính. Độ mặn cao, duy trì liên tục trên các sông chính của tỉnh từ tháng 12/2019 đến nay làm cho sông Hàm Luông và Cửa Đại không có nước ngọt. Tình hình xâm nhập mặn chưa từng xảy ra trong lịch sử ảnh hưởng lớn đến mọi mặt đời sống, sản xuất của người dân trên địa bàn tỉnh khiến hầu hết diện tích các loại cây trồng đều bị ảnh hưởng trong quá trình sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa, cây ăn trái, cây dừa, cây giống hoa kiểng. Ngoài ra, do hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa được khép kín, lượng nước ngọt dự trữ trong dân chỉ có thể duy trì được khoảng từ 1 - 2 tháng dẫn đến nguồn cấp tại các nhà máy nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đều bị nhiễm mặn ở mức trên 4‰, gây thiếu nước sinh hoạt cho người dân và nguồn nước phục vụ cho các bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp,… ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Tình hình trên cũng tác động không nhỏ đến tiêu chí tổ chức sản xuất (do hạn, mặn ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi) từ đó lợi nhuận mang lại không cao ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.
Bến Tre tập trung xây dựng các công trình trọng điểm ứng phó với xâm nhập mặn
Trước tình hình diễn biến phức tạp do BĐKH, để xây dựng NTM bền vững, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã có nhiều giải pháp, truyền thông nâng cao nhận thức, tận dụng mọi nguồn lực để ứng phó một cách chủ động và đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2018 đến nay, Bến Tre đã triển khai xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu có thể kết nối, chia sẻ cho các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long; lắp đặt, vận hành thử nghiệm và đưa vào hoạt động hệ thống quan trắc môi trường, cảnh báo mặn tự động, với 20 trạm quan trắc trên các nhánh sông chính của tỉnh. Các công trình trọng điểm về quản lý nước, ứng phó lâu dài với xâm nhập mặn đã và đang triển khai thực hiện. Điển hình là Dự án Quản lý nước tỉnh Bến Tre nhằm mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản cho trên 110.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh; Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre và Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre với tổng diện tích đất được bảo vệ trước xâm nhập mặn khoảng 194.800 ha; Hồ chứa ngọt Kênh Lấp huyện Ba Tri với sức chứa gần 1 triệu m3 nước ngọt thô phục vụ cho 200.000 dân, 100.000 gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, 150 trụ sở cơ quan, trường học trên địa bàn 24 xã, thị trấn huyện Ba Tri; Dự án Cấp nước sinh hoạt Cù Lao Minh trong điều kiện BĐKH cấp nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất ở các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú và Chợ Lách…
Để chủ động ứng phó BĐKH đang diễn ra gay gắt, tỉnh Bến Tre cũng đã xây dựng Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2050 và đánh giá khí hậu tỉnh Bến Tre; Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đồng thời, tiếp tục triển khai các Dự án “Thành lập thí điểm Khu bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển bền vững du lịch sinh thái” và “Trung tâm tri thức du lịch sinh thái Đồng bằng sông Mê Kông”… Tuy nhiên, với tỷ trọng nông nghiệp và dân số tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp lớn, thời gian tới, Bến Tre cần đánh giá đúng thực tiễn để có kế hoạch phát triển theo lộ trình cũng như xem xét lại quy hoạch đất trồng lúa để chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi khác có giá trị gia tăng cao, thích ứng với tình trạng xâm nhập mặn, làm nền tảng cho phát triển sản xuất hàng hóa. Cùng với đó, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ để chế biến các nguyên liệu từ cây dừa thành sản phẩm túi, bao bì… thân thiện với môi trường nhằm tối đa hóa lợi ích đem lại.
Đặng Thị Toan
Lê Văn Tùng
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 12/2020)