29/08/2024
Nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, ngày 7/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Một trong 4 nhiệm vụ chính của Chương trình là bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống với việc đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống; đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền, công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống. Hà Nội nổi tiếng với mảnh đất trăm nghề hội tụ đã tạo nên giá trị của một nền văn hóa. Với bề dày lịch sử cùng câu chuyện ý nghĩa ẩn giấu trong từng sản phẩm, những làng nghề này đã thành công mang những giá trị văn hóa đẹp đẽ nhất khắc sâu trong tâm hồn của mỗi người con đất Việt. Do vậy, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của Thủ đô Hà Nội là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và cấp thiết.
Một góc làng lụa Vạn Phúc
Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm khoảng 56% tổng số làng ở khu vực nông thôn, hội tụ 47/52 nghề trong tổng số nghề truyền thống của cả nước. Năm 2023, thực hiện Quyết định số 4863/QĐ-UBND của UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Hà Nội thành lập Hội đồng và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu “Làng nghề, Nghề truyền thống và Làng nghề truyền thống” Hà Nội 2023 - 2024. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở liên quan hướng dẫn các địa phương hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định thực tế tại cơ sở làng nghề và tổ chức họp Hội đồng thẩm định xét công nhận danh hiệu cho 15 làng nghề trình UBND thành phố phê duyệt, thuộc các quận, huyện: Gia Lâm, Thường Tín, Phú Xuyên, Phúc Thọ, Thanh Trì, Hoàng Mai. 15 làng nghề đã được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội công nhận danh hiệu, gồm 4 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề Hà Nội”, 11 làng được công nhận danh hiệu “Làng nghề truyền thống Hà Nội” (tăng 9 làng so với năm 2022). Trong 15 làng nghề được công nhận năm 2023, có 6 làng nghề được công nhận mới, 9 làng nghề thuộc huyện Phú Xuyên được công nhận từ “Làng nghề” lên “Làng nghề truyền thống”. Như vậy, đến nay, TP. Hà Nội có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã, có 268 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 59 làng được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống với 6/7 nhóm nghề. Các nhóm nghề bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản có 70 làng nghề (nhóm 1); sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có 22 làng nghề (nhóm 2); xử lý chế biến, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn 16 làng nghề (nhóm 3); sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ 200 làng nghề (nhóm 4); sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh có 14 làng nghề (nhóm 5); các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn 5 làng nghề (nhóm 7). Riêng nhóm 6 - sản xuất muối, Hà Nội không có làng nghề nào. Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như gắn kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề như làng nghề chế biến nông sản thôn Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề cỏ tế mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên… Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP là sản phẩm của làng nghề, làng có nghề (chiếm 27,48% tổng sản phẩm OCOP toàn thành phố). Làng nghề phát triển giúp tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách về thu nhập cho người nghèo ở nông thôn. Hơn nữa, sự phát triển của làng nghề còn tạo điều kiện kết nối cộng đồng, phát triển những giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật, lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Các em nhỏ được tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất tại làng gốm Bát Tràng
Theo ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, bảo tồn và phát triển làng nghề đóng vai trò quan trọng trong sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững; đồng thời, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Làng nghề còn giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch văn hóa. Đây chính là lợi thế, cũng là tiềm năng không chỉ cho ngành du lịch của TP. Hà Nội mà cho cả sự phát triển của các làng nghề truyền thống của cả nước. Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của TP. Hà Nội có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi những giá trị văn hóa lâu đời và sự sáng tạo của những người thợ lành nghề qua từng sản phẩm thủ công đặc trưng, như làng đúc đồng Ngũ Xã, làng kim hoàn Định Công, làng nghề mây tre đan Phú Vinh, làng chuồn chuồn tre Thạch Xá, làng nón Chuông, làng sơn mài Hạ Thái, làng quạt Chàng Sơn, làng rối nước Đào Thục, làng hoa Tây Tựu, làng thêu Quất Động, làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng, làng cốm Mễ Trì... Sản phẩm của các làng nghề truyền thống Hà Nội có sự kết hợp giữa văn hóa và trình độ kỹ thuật của người làm nghề, kết tinh giá trị thẩm mỹ, bàn tay và khối óc tài hoa của các nghệ nhân qua nhiều thế hệ; không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế cho người dân, mà còn phản ánh sinh động lối sống, phong tục, tập quán và ước mơ, khát vọng của người Thăng Long từ xưa đến nay. Bên cạnh đó, TP. Hà Nội hiện có 2 làng nghề truyền thống áp dụng mô hình phát triển làng nghề truyền thống gắn với bảo tồn di sản văn hóa, thu hút du lịch thành công là làng nghề gốm sứ Bát Tràng và làng nghề dệt lụa Vạn Phúc. Làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), một trong những làng nghề có lịch sử lâu đời nhất về nghề dệt, đã hình thành một khu trải nghiệm đầy đủ các công đoạn cho ra đời một sản phẩm thủ công hoàn thiện. Làng gốm sứ Bát Tràng không chỉ nổi tiếng với các sản phẩm gốm, sứ độc đáo, mà còn bảo tồn được một quần thể kiến trúc có giá trị, như đình Bát Tràng - nơi còn lưu giữ được 44 đạo sắc phong của các triều đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn; văn chỉ Bát Tràng; chùa Kim Trúc… Khách du lịch khi đến với làng lụa Vạn Phúc, làng gốm Bát Tràng vừa có cơ hội được tham quan nơi sản xuất, tiếp xúc với thợ thủ công, trực tiếp tham gia làm thử một vài công đoạn sản xuất, vừa có thể mua các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc dân tộc.
Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024 do Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ tổ chức
Tuy nhiên, công tác phát triển nghề và làng nghề ở TP. Hà Nội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hầu hết doanh nghiệp làng nghề trên địa bàn đều có hoạt động ở quy mô nhỏ, tự phát và gặp phải không ít những khó khăn, như thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề cao, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Khả năng cạnh tranh của làng nghề thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định, chưa tạo nhiều thương hiệu hàng hóa, sức tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Trong khi, một số sản phẩm truyền thống bị mai một, suy giảm; kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông xuống cấp, chưa đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm, chưa có biện pháp khắc phục… Điều này trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề truyền thống nói chung, đến việc phát triển, bảo tồn làng nghề truyền thống.
Ngày 2/1/2013, TP. Hà Nội đã phê duyệt “Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Theo quy hoạch phát triển nghề, làng nghề TP. Hà Nội đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề; tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn. Đặc biệt, để tạo động lực cho làng nghề phát triển bền vững, Thành phố đang triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển làng nghề trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong dự thảo của Đề án, TP. Hà Nội đề ra nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, tôn vinh nghệ nhân; bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; phát triển nghề mới; phát triển các làng nghề chủ lực gắn với tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát triển dịch vụ hỗ trợ và nâng cao vai trò của các tác nhân liên quan… Năm 2019, TP. Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO được người dân kỳ vọng về một hình ảnh mới của Thủ đô với vị thế ngày càng nâng cao, các lĩnh vực sáng tạo văn hóa được quảng bá rộng hơn, tạo môi trường thúc đẩy sự sáng tạo, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, kết nối hiện tại và tương lai. Làng nghề truyền thống Hà Nội với nhiều ưu thế nổi bật đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc và thúc đẩy thiết kế sáng tạo trong quá phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Sản phẩm OCOP bày bán tại Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn 2024
Để góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng có nghề, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường cho sản phẩm, TP. Hà Nội thường xuyên tổ chức các sự kiện, hội chợ, tuần hàng, hội thi, lễ hội, tham gia hội chợ trong nước và quốc tế để tôn vinh các sản phẩm làng nghề; tạo sân chơi và khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi giao lưu học hỏi trao đổi kinh nghiệm để gìn giữ bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của làng nghề, bên cạnh đó còn phát huy ý tưởng mới, tạo tác ra những tác phẩm mới phù hợp hội nhập với nhu cầu của thị trường đương đại trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, các Sở, ngành, thành phố thường xuyên chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xây dựng các chương trình, tour du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá về các tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề truyền thống của Hà Nội; Triển khai các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các huyện, thị xã thuộc thành phố và các địa phương trong cả nước để cùng phối hợp nâng cao chất lượng, kết nối các điểm đến, dịch vụ tạo ra các sản phẩm tour du lịch chất lượng... Hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch; Đề án bảo vệ môi trường làng nghề; Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đồng thời, nghiên cứu, hoàn thiện các chính sách phát triển làng nghề góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho lao động nông thôn…
Đức Anh, Mai Hương
(Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội)