Banner trang chủ

Bài toán nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường

16/12/2020

     Tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện, tỷ lệ đạt thấp nhất trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Bài học từ các địa phương cho thấy, nếu không tiếp tục triển khai tiêu chí 17 sau khi xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn, các kết quả đạt được sẽ tụt dốc rất nhanh. Do đó, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường đang là vấn đề được nhiều tỉnh, thành quan tâm.

     Theo Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ, để đạt được tiêu chí môi trường, các địa phương cần hoàn thành 8 chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt từ 95% trở lên; hộ được sử dụng nước sạch đạt từ 60% trở lên; cơ sở sản xuất kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về BVMT đạt 100%; đạt yêu cầu về xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; mai táng phù hợp với quy định và theo quy hoạch; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo "3 sạch” đạt từ 85% trở lên; hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt từ 70% trở lên; hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm đạt 100%.

     So với giai đoạn 2010 - 2015 (được ban hành theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 15/4/2009), tiêu chí về môi trường đã có bước chuyển biến tích cực, nhiều nội dung được quy định cụ thể, mang tính khả thi hơn, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chính sách về BVMT tại địa phương như: Kế hoạch đầu tư hệ thống cấp nước và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cấp nước sinh hoạt trên địa bàn; quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh, đầu tư nâng cấp các hạng mục công trình BVMT cho làng nghề, cụm công nghiệp; quy hoạch đầu tư nghĩa trang, cơ sở mai táng, hỏa táng và triển khai thực hiện; đề án thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt nông thôn; quản lý các loại chất thải rắn nông nghiệp, công nghiệp, y tế, làng nghề, xây dựng…

Nam Định là một trong những điểm sáng về BVMT trong xây dựng NTM

     Mặc dù một số nội dung bổ sung trong tiêu chí môi trường khắt khe hơn, thách thức mục tiêu xây dựng NTM của các địa phương, nhưng trong bối cảnh môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu gia tăng thì những quy định này là cần thiết và quan trọng, bởi môi trường được xác định là một trong 4 tiêu chí cơ bản của bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM (thu nhập, việc làm, hộ nghèo, môi trường). Thông qua việc triển khai thực hiện tiêu chí môi trường, vai trò điều phối, kết nối chức năng quản lý, BVMT khu vực nông thôn không ngừng được cải thiện, tăng cường, từ việc phát huy vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện tiêu chí môi trường, thẩm định, đánh giá, công nhận các địa phương đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cùng với đó, vai trò của các ngành: Nông nghiệp, TN&MT, Xây dựng, Y tế..., hay các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... đều được thể hiện rõ nét và đầy đủ. Nội dung của tiêu chí môi trường cũng trở thành công cụ để thực hiện vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc trong xây dựng NTM. Qua đó, nhiều sáng kiến, phát minh đã phát huy hiệu quả, gắn kết từ nghiên cứu khoa học đến ứng dụng thực tiễn như tận thu tái sử dụng các loại phế thải, phế liệu, phụ phẩm của quá trình sản xuất hoặc đời sống.

     Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tiêu chí môi trường

     Tính đến tháng 4/2020, cả nước có 6.297 xã (70,8%) đạt tiêu chí 17 (tăng 64,2% so với năm 2010). Thành công lớn nhất của việc triển khai thực hiện tiêu chí 17 là nhận thức của các cấp chính quyền và người dân địa phương về BVMT ngày càng nâng cao, nhiều địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành chuyên biệt và huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan vào công tác BVMT, đặc biệt là phát huy vai trò của cộng đồng. Cùng với đó, công tác quản lý chất thải rắn nông thôn đã có những bước chuyển biến tích cực, cụ thể: 59/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn; 42/63 tỉnh, thành phố có kế hoạch xử lý rác thải tập trung ở nông thôn, trong đó một số địa phương triển khai trên phạm vi toàn tỉnh; 16/63 tỉnh, thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn nông thôn quy mô liên huyện và cấp tỉnh. Công tác thu gom chất thải cũng được đẩy mạnh, hầu hết các thôn, xã đã hình thành đội thu gom chất thải sinh hoạt (dưới hình thức tổ tự quản, hợp tác xã và nhiều nơi do các doanh nghiệp tư nhân đảm nhiệm). Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom tăng đáng kể qua từng năm, từ 44,1% năm 2011 và đến nay 63,5%. Nhiều địa phương cấp huyện, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đã đạt đến trên 90% (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa; huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam; huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định; huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình...).

     Tuy nhiên, nhìn lại những hoạt động đã được triển khai của tiêu chí 17 trong thời gian qua vẫn còn bất cập, tồn tại.

     Đối với các chỉ tiêu cấp xã: Một số chỉ tiêu vẫn mang tính tương đối, định tính. Chẳng hạn, chỉ tiêu 17.3, 17.4, 17.5 chưa cụ thể về khối lượng dẫn đến việc khó xác định, đánh giá. Có chỉ tiêu chứa đựng nhiều nội dung (nội hàm) phải triển khai thực hiện (chỉ tiêu 17.5 về chất thải rắn và nước thải), dẫn đến lúng túng từ khâu tổ chức thực hiện đến kiểm tra, đánh giá kết quả. Ngoài ra, nhiều chỉ tiêu có sự giao thoa giữa chức năng nhiệm vụ của các ngành như nước sạch, mai táng, chăn nuôi, an toàn thực phẩm, nước thải, chất thải rắn... Vì vậy, trong phân công thực hiện có sự chồng chéo, không thống nhất giữa các ngành. Nội dung nhà tiêu hợp vệ sinh (tiêu chí 17.6) do ngành Y tế quản lý đối với khu vực công cộng và hộ gia đình còn nhà vệ sinh trường học do Bộ Giáo dục quản lý. Bên cạnh đó, môi trường là một trong những tiêu chí không ổn định, thường xuyên thay đổi và chịu ảnh hưởng từ rào cản của các tiêu chí khác về hạ tầng (hệ thống đường, thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa..). Đồng thời, những yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, dịch bệnh… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc triển khai thực hiện tiêu chí 17 này.

     Đối với các chỉ tiêu cấp huyện: Một số nội dung còn thiếu phân định giữa cấp xã và cấp huyện như các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, cụm công nghiệp và làng nghề. Ngoài ra, còn thiếu các chỉ tiêu, tiêu chí về chất lượng môi trường sống của cộng đồng dân cư (bảo đảm sự ổn định, bền vững của NTM).

     Củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí “động”

     Xây dựng NTM nâng cao là bước tiếp theo của xây dựng NTM, do đó những tiêu chí nâng cao được đánh giá là bài toán khó đối với không ít địa phương. Để nâng cao chất lượng và duy trì tính bền vững tiêu chí số 17, Bộ TN&MT đã kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng một đề án riêng về môi trường trên cơ sở phát huy những thành quả giai đoạn trước và nâng cao chất lượng triển khai thực hiện tiêu chí 17. Cùng với đó, Bộ TN&MT tiếp tục tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc định hướng cho giai đoạn sau năm 2020, trong đó, xác định tiêu chí môi trường, cảnh quan là trọng tâm ưu tiên (cả mảng xanh và mảng nâu), cũng như đưa vào định mức, tiêu chuẩn thiết kế đối với các công trình thoát nước, xử lý nước thải nông thôn; quy định tỷ lệ nước thải được thu gom phù hợp với từng vùng miền; quy định yêu cầu vệ sinh môi trường trong việc tái sử dụng nước thải cho mục đích tưới tiêu; xây dựng mô hình mẫu về xử lý nước thải tại hộ gia đình và cụm dân cư tập trung, cũng như các chính sách phát triển mô hình.

     Đối với các địa phương, cần tiếp tục góp ý hoàn thiện tiêu chí môi trường, kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc để phối hợp giải quyết trong quá trình triển khai thực hiện; Tổ chức thực hiện có hiệu quả khi được ban hành, trong đó chú trọng việc phân bổ nguồn lực, hướng dẫn, kiểm tra tình hình đầu tư cho môi trường, tập trung vào hạ tầng thu gom xử lý chất thải, thoát nước; hạ tầng môi trường cho các cụm công nghiệp, khu sản xuất, chăn nuôi tập trung; hạ tầng cho làng nghề, đặc biệt là các làng nghề đang bị ô nhiễm. Cùng với đó, tham mưu cho UBND và HĐND các văn bản, chính sách nhằm nâng cao tính trách nhiệm của cộng đồng, bám sát nguyên lý “người gây ô nhiễm phải trả tiền cho việc xử lý ô nhiễm” (thông qua việc hình thành cơ chế thu phí vệ sinh, giá dịch vụ môi trường...).

     Với sự hỗ trợ nguồn lực của Nhà nước và sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, việc thực hiện tiêu chí 17 trên cả nước đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tiêu chí 17 trong xây dựng NTM là một trong những tiêu chí khó, đòi hỏi phải có thời gian, lộ trình và nguồn kinh phí để thực hiện. Bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành liên quan thì rất cần sự chủ động, chung tay, góp sức của người dân. Qua đó, góp phần quan trọng vào thay đổi diện mạo xã NTM một cách rõ nét, bền vững.

Mai Hương

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

Ý kiến của bạn