Banner trang chủ

Bạc Liêu: Nỗ lực xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh và đẩy mạnh phát triển sản phẩm vùng miền

26/11/2021

    Với sự quyết tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở, sự tham gia nhiệt tình của nhân dân, sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức, doanh nghiệp… đã giúp cho TP. Bạc Liêu từng bước hoàn thành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) và vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, đây cũng là một bước ngoặc đánh dấu sự phát triển toàn diện giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn của TP. Bạc Liêu. Song song với đó, Chương trình Mỗi nhà một sản phẩm (OCOP) tại địa phương cũng được đẩy mạnh xúc tiến, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tạo cơ hội cho nông sản địa phương khẳng định được vị thế trên thị trường

    Nỗ lực xây dựng văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh

    Ngày 24/10/2021, UBND tỉnh Bạc Liêu long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Bạc Liêu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2020. Qua 10 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay, Thành phố đã có bước phát triển khá toàn diện, đạt được nhiều thành tích trên tất cả các mặt: Diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, hạ tầng kết nối được đầu tư đồng bộ đạt chuẩn; Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10,51%/năm; Quy mô kinh tế không ngừng gia tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; Công nghiệp của Thành phố có bước phát triển đáng kể, đặc biệt, Nhà máy điện gió Bạc Liêu đã hoàn thành 2 giai đoạn và đang triển khai giai đoạn 3, giá trị sản xuất của ngành công nghiệp Thành phố tăng bình quân trong giai đoạn 2011 - 2020 là 14,9%/năm. Thương mại, dịch vụ cũng có sự tăng trưởng khá, đạt bình quân 17,1%/năm, các hình thức thương mại tiên tiến, hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi… đã phát triển mạnh mẽ trên địa bàn; Thành phố cũng tập trung phát triển du lịch - dịch vụ, với nhiều dự án du lịch ven biển.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Bạc Liêu đạt chuẩn NTM năm 2020

    Bên cạnh đó, từ năm 2011 - 2020, TP. Bạc Liêu đã triển khai thực hiện trên 60 mô hình, đề tài khoa học phục vụ sản xuất nông nghiệp, với tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng lan Hồ điệp - lan Dendro; ghép cây sứ Thái nhiều màu hoa; nuôi lợn rừng, rắn hổ hèo, cá sấu, cá lăng đuôi đỏ, kỳ đà; chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất rau an toàn (măng tây, cải rổ, hẹ, ngò rí, hành tím)… Đặc biệt, nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế rất cao như mô hình chăn nuôi lợn liên kết giữa Hợp tác xã Kinh tế Xanh với Công ty cổ phần chăn nuôi CP ở xã Vĩnh Trạch, quy mô 15.000 con/năm, doanh thu đạt 60 tỷ đồng/năm, lợi nhuận bình quân đạt trên 12 tỷ đồng/năm. Hay mô hình nuôi trâu, bò với quy mô từ 80 - 100 con/hộ/năm ở xã Vĩnh Trạch Đông và xã Hiệp Thành cho thu nhập bình quân khoảng 500 triệu đồng/hộ/năm… Có thể nói, một trong những kết quả và đột phá nổi bật trong xây dựng NTM thời gian qua là cùng với tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, TP. Bạc Liêu đã quan tâm phát triển kinh tế, tập trung nâng cao thu nhập cho người dân. Nếu như năm 2011, thu nhập bình quân ở khu vực nông thôn chỉ có 15,2 triệu đồng/người/năm, thì đến năm 2020 đã được nâng lên 63,2 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, năm 2011, khu vực nông thôn có 1.834 hộ nghèo/8.321 hộ dân (chiếm 22,04%) thì đến năm 2020, không còn hộ nghèo theo tiêu chí.

    Xây dựng NTM tại TP. Bạc Liêu cũng đối mặt với không ít khó khăn, trước khi bước vào thực hiện Chương trình, 3 xã nông thôn của Thành phố mới cơ bản đạt được từ 3 - 5 tiêu chí. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 30/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XV) về đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2016 - 2020 và Chỉ thị số 02 ngày 7/4/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy TP. Bạc Liêu về xây dựng 3 xã Hiệp Thành, Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông đạt tiêu chí NTM, đến năm 2014, Hiệp Thành và Vĩnh Trạch đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xã NTM. Đến cuối năm 2017, Thành phố đã có 3/3 xã đạt 19/19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Từ kết quả đạt được, Thành phố đang nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa NTM, phường đạt chuẩn văn minh đô thị, xem đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở TP. Bạc Liêu. Trên địa bàn hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, bám sát các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở, các đơn vị phường, xã. Điển hình như phường Nhà Mát với mô hình “Tổ ngư dân tự quản về an ninh trật tự (ANTT) trên biển” và “Tổ tự quản về ANTT đê biển”; xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Trạch Đông với mô hình “Tổ tự quản dòng họ Thạch, họ Trần, họ Lâm”; ở Phường 3 thì có mô hình “Tổ phòng chống tội phạm Bệnh viện Đa khoa Bạc Liêu” và mô hình quản lý “Địa bàn giáp ranh”... được đánh giá khá cao.

    Tính đến nay, Thành phố có 9/10 phường, xã (trong đó có 6 phường và 3 xã) đạt chuẩn phường văn minh đô thị và xã văn hóa NTM. Phát huy kết quả này, UBND TP. Bạc Liêu chỉ đạo các ngành, địa phương tích cực duy trì và phát triển các phong trào thi đua xây dựng tuyến đường kiểu mẫu; xây dựng cảnh quan, không gian nông thôn Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp; các tuyến đường xã, ấp có hệ thống thoát nước đảm bảo tiêu thoát nước và trồng thêm cây xanh, hoa cảnh, phấn đấu có từ 60% trở lên số tuyến đường xã, ấp được trồng cây xanh, hoa dọc hai bên đường. Quản lý chặt chẽ các nguồn rác thải; tỷ lệ rác thải rắn được thu gom và xử lý đúng quy định đạt 100%, nhất là kiểm soát chặt chẽ lượng rác thải y tế, rác thải là bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng…

Một góc thành phố Bạc Liêu

    Từ nay đến cuối năm 2021 và những năm tiếp theo, TP. Bạc Liêu sẽ tăng cường chỉ đạo các ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chỉnh trang đô thị, ổn định trật tự mua bán, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng tuyến đường kiểu mẫu, xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, tiếp tục phát huy vai trò, tính tiên phong của cán bộ, đảng viên, các tổ chức đoàn thể, người dân trong giữ vững ANTT, an toàn xã hội; vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ duy trì và nhân rộng các mô hình tự quản dòng họ; tổ, đội khai thác thủy sản, kết hợp giữ gìn ANTT trên biển… Đặc biệt, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị, Nhà nước đóng vai trò định hướng, hỗ trợ, người dân là chủ thể; quán triệt đầy đủ, nghiêm túc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nhất là Chương trình xây dựng NTM; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM cấp xã, hướng tới xây dựng xã NTM kiểu mẫu, xây dựng các xã thành phường; tập trung các giải pháp phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; không ngừng củng cố hệ thống chính trị, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng môi trường cảnh quan Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp.

    Đẩy mạnh phát triển sản phẩm vùng miền

    Cùng với xây dựng NTM, Chương trình OCOP tại TP. Bạc Liêu đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo cơ hội cho nông sản khẳng định vị thế trên thị trường. Từ sự lan tỏa của Chương trình, nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc trưng của địa phương đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho người dân.

    Theo đó, thực hiện Quyết định số 250/QĐ-UBND ngày 26/9/2019 của UBND tỉnh Bạc Liêu về phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 và kế hoạch 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, TP. Bạc Liêu đã tích cực triển khai đến các địa phương, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tăng cường đầu tư, xây dựng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP và thành lập Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCO; Giao nhiệm vụ cho các phường, xã trong việc thực hiện Chương trình gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

    Trong giai đoạn 2019 - 2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức 2 đợt xem xét, đánh giá đối với 7 sản phẩm của Thành phố tham gia. Kết quả, tất cả 7 sản phẩm đều đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt 4 sao (4 sản phẩm: Tôm thẻ chân trắng nguyên con tươi đông lạnh; Tôm thẻ chân trắng nguyên con luộc đông lạnh; Tôm sú nguyên con tươi đông lạnh; Tôm sú nguyên con luộc đông lạnh của Công ty Cổ phần chế biến xuất khẩu Tôm Việt, xã Vĩnh Trạch); 1 sản phẩm tổ yến sơ chế của cơ sở kinh doanh Yến sào Mai (Phường 1); 1 sản phẩm tổ yến sơ chế của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Yến sào HI-NEST (Phường 7). Riêng 1 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao là Bánh đậu xanh của Cơ sở Hương Sen (Phường 8). Tiếp đó, ngày 21/12/2020, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp đánh giá, phân hạng sản phẩm đợt 3 - năm 2020. Kết quả, sản phẩm Điểm du lịch cộng đồng “Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu” (Phường 2, TP. Bạc Liêu là sản phẩm điểm du lịch đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng 4 sao; 5 sản phẩm còn lại: Chả lụa, chả chiên, pa-tê của cơ sở Sơn Hà (Phường 1); Tổ yến sơ chế, yến hũ chưng sẵn của cơ sở Yến sào Ninh Bình (Phường 2), TP. Bạc Liêu đạt tiêu chuẩn 3 sao.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (phường 2, TP. Bạc Liêu) - Sản phẩm điểm du lịch

đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long được xếp hạng OCOP 4 sao

    Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được, việc xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP tại địa phương cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Chẳng hạn như, TP. Bạc Liêu tuy có nhiều sản phẩm đặc thù, giàu sản phẩm truyền thống, chất lượng cao, nhất là trong chế biến thực phẩm, thế nhưng, nhiều cơ sở sản xuất vẫn chưa tham gia xây dựng sản phẩm OCOP mà chủ yếu tự sản xuất, tự tiêu thụ tại chỗ, hoặc bán qua thương lái. Do đó, sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã phù hợp với tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, trong khi cơ sở sản xuất lại ngại mở rộng, đầu tư, quảng bá sản phẩm. Một khó khăn nữa là các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố hoạt động chưa hiệu quả, nguồn vốn ít, chưa tạo ra những sản phẩm OCOP có tính cạnh tranh cao (như sản xuất rau màu, tôm sạch). Cùng với đó, công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm theo Bộ tiêu chí tại Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP còn mới nên các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình còn lúng túng trong công tác hoàn thiện hồ sơ; Việc lồng ghép các nguồn kinh phí cho các hoạt động của chương trình còn gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ ngân sách địa phương bố trí cho các hoạt động còn hạn chế. Ngoài ra, TP. Bạc Liêu vẫn chưa có điểm trưng bày, quảng bá sản phẩm OCOP; Công tác giới thiệu, xúc tiến thị trường, tiếp thị cho sản phẩm OCOP chưa được quan tâm... Từ đó, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân, người tiêu dùng chưa hiểu hoặc chưa có sự nhìn nhận đúng bản chất của sản phẩm OCOP.

    Chương trình OCOP có vai trò quan trọng, là “hạt nhân” tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đây là vấn đề rất quan trọng để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Chương trình OCOP chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia, ưu tiên hỗ trợ một cách thực chất hơn các hợp tác xã, doanh nghiệp, phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường xuất khẩu. Các sản phẩm OCOP sau khi được công nhận sẽ góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu… Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục nâng tầm các sản phẩm OCOP tại địa phương, thời gian tới, TP. Bạc Liêu sẽ tập trung nâng chất các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng để sớm hình thành các điểm trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, đặc biệt là tiếp tục có các chính sách hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình OCOP. Qua đó, tạo thêm nguồn lực cho các sản phẩm OCOP phát triển, góp phần phục vụ tốt cho phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn.

Hoàng Đàn

(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)

 

Ý kiến của bạn