18/11/2021
Những năm gần đây, tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP. Hà Nội, người nuôi đã thay đổi sang phương thức thâm canh có áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong quản lý, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong các ao nuôi vẫn xảy ra tràn lan, dẫn đến tồn dư trong các sản phẩm thủy sản. Trước thực trạng đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã đẩy mạnh thực hiện các mô hình nuôi thủy sản theo quy trình VietGap, quản lý chặt chẽ về con giống, dịch bệnh và việc sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần bảo vệ môi trường. Là một trong những người tiên phong áp dụng nuôi cá theo hướng VietGAP, mỗi năm, anh nông dân trẻ Lê Văn Lâm (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) xuất bán trên 80 tấn cá, đạt doanh thu 3 - 3,5 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí đầu tư còn thu lãi trên 800 triệu đồng/năm.
Anh Lê Văn Lâm bên ao cá áp dụng nuôi theo hướng VietGAP (Ảnh: Thu Hà)
Lớn lên trên vùng đồng chiêm trũng, quanh năm cày cấy, anh Lê Văn Lâm luôn ấp ủ ước mơ làm giàu trên chính nơi chôn nhau cắt rốn và góp phần thay đổi diện mạo quê hương mình. Năm 2016, thôn Tầm Hạ (xã Quang Lãng) có một khu ruộng trũng khoảng 4 ha, giao thông đi lại khó khăn nhưng anh vẫn xin chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi và được các chủ ruộng cùng các cấp lãnh đạo trong xã đồng tình cho làm đề án chuyển đổi. Trúng thầu khu ruộng này, anh Lâm đã cho quy hoạch lại, cải tạo khu đất thành trang trại nuôi cá.
Không chọn nuôi cá đặc sản, anh Lâm quyết định thả nuôi các loại cá truyền thống như: Cá trắm, chép, trôi, rô phi..., bởi theo anh những loại cá này không bao giờ sợ ế, giá cả hầu như cả năm không xê dịch. Thời gian đầu do chưa có vốn và kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế mô hình nuôi cá nước ngọt chưa cao. Cá còi cọc, chậm lớn nên tiêu thụ khó khăn. Cơ hội đến, năm 2018, gia đình anh Lâm là một trong những hộ được chọn làm mô hình điểm nuôi cá theo quy trình VietGAP. Cùng với sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, anh Lâm đã mạnh dạn đầu tư hơn 3 tỷ đồng cải tạo lại diện tích ao nuôi và sắm sửa thêm các thiết bị hiện đại để phục vụ nuôi cá. Theo đó, với diện tích 11 mẫu ao, anh Lâm thiết kế thành 6 ao nuôi, trong đó có 4 ao cá thương phẩm và 2 ao cá giống. Trên ao nuôi có lắp đặt hệ thống sục khí, máy quạt nước và máy cho cá ăn.
Anh Lâm cho biết, anh chỉ mua cá giống và thức ăn tại những địa chỉ tin cậy, chọn lựa con giống khỏe mạnh, bơi lội linh hoạt, không dị tật, không mang mầm bệnh. Trước khi thả cá giống phải được vệ sinh sát khuẩn bằng cách cho cá tắm trong dung dịch nước muối 3%. Cùng với đó, để chủ động nguồn giống, anh Lâm đã dành riêng 2 ao số 4 và số 5 để ương cá. Ương khoảng 2 - 3 tháng thì chuyển sang ao nuôi cá thương phẩm. Ương cá giống rất vất vả, như chăm con mọn, đòi hỏi kỹ thuật cao, công chăm sóc nhiều. Ngày cho cá ăn 4 bữa. Có như vậy, cá giống mới khỏe mạnh, không bị bệnh.
Anh Lâm sắm sửa thêm các thiết bị hiện đại để thực hiện mô hình nuôi cá VietGAP
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình nuôi cá VietGAP, anh Lâm còn có nhật ký ghi chép đầy đủ quá trình nuôi cá từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo ôxy giúp cá trong ao khỏe mạnh, tốc độ lớn nhanh, ít bệnh hơn. Hàng tháng lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp. Ngoài việc vệ sinh ao nuôi và xử lý nước thải đảm bảo sạch trước khi xả ra môi trường, anh còn thả bèo tây trên diện tích nhất định để những chất thải chưa được lọc hết sẽ được xử lý triệt để. Đặc biệt, để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần, anh dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hoá các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. Bên cạnh đó, anh Lâm còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
Theo anh Lâm, nuôi cá VietGAP phải tuân thủ 4 "định": Vị trí ăn cố định, đúng định lượng thức ăn, giờ ăn cố định và chất lượng cám cố định (ổn định). Một ngày cho ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Sáng 8 - 9 giờ, trưa: 12 - 13 giờ, chiều: 16 - 17 giờ. Tùy theo thời tiết và sức ăn của con cá, người nuôi sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Bình quân 1 tạ cá thương phẩm chỉ cho ăn 1,5 - 2kg cám/ngày. Ngoài ra, để giảm bớt công lao động, anh Lâm đã lắp đặt máy cho cá ăn tự động, chỉ việc cho cám vào máy, điều chỉnh tốc độ cho ăn là máy nhả cám theo tỷ lệ đã cài đặt. Vì vậy, gia đình anh không cần thuê thêm lao động dù khối lượng công việc hàng ngày khá lớn. Thêm vào đó, máy cho cá ăn còn giúp chia nhỏ bữa ăn trong ngày, giảm hao hụt và kiểm soát được lượng thức ăn.
Sau 2 năm nuôi cá theo quy trình VietGAP, anh Lâm nhận thấy có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống. Bởi có thể theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh. Ngoài ra, còn có thể cải thiện được ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sản phẩm làm ra có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng một diện tích ao 2 mẫu, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ anh chỉ thu được 4 - 5 tấn cá/năm. Khi nuôi cá theo quy trình VietGAP, mật độ thả con giống cao hơn từ 20 - 30% nên năng suất đã tăng lên gấp 3 lần, đạt 17 - 18 tấn/năm. Đặc biệt, cá nuôi theo quy trình này có màu sáng bóng, mình dày, chất lượng thịt thơm ngon hơn và đặc biệt là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhờ chăn nuôi theo hướng VietGAP và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, hiện nay trung bình mỗi năm gia đình anh Lâm xuất ra thị trường 80 - 85 tấn cá, trừ chi phí, thu về khoảng 800 triệu đồng.
Nhờ chăn nuôi cá theo hướng VietGAP, gia đình anh Lê Văn Lâm (phải) có thu nhập cao (Ảnh: Thu Hà)
Mục tiêu của ngành Nông nghiệp Thủ đô là ngoài việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành, tăng dần tỷ trọng các ngành chăn nuôi, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành trồng trọt thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, chất lượng cao trên cơ sở ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật là một hướng đi được ưu tiên, chú trọng xây dựng các mô hình sản xuất công nghệ cao, tiết kiệm chi phí và nguồn nhân lực. Việc áp dụng mô hình nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGap đã mở ra hướng phát triển mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện môi trường cũng như làm cho người nuôi thay đổi tư duy về nuôi trồng thủy sản bền vững, giúp nông dân làm chủ được quy trình nuôi ứng dụng các tiêu chí theo hướng nuôi trồng thủy sản tốt từ đó nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập. Mô hình nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP của anh Lê Văn Lâm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống. Đây là mô hình rất phù hợp với chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội nên rất cần nhân rộng để nâng cao hiệu quả sản xuất, giúp người nông dân làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, theo anh Lâm, về lâu dài cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hội đoàn thể xúc tiến thương mại, tạo điều kiện vay vốn ưu đãi đề xoay vòng. Có như vậy mới tạo động lực giúp người dân quyết tâm chăn nuôi theo hướng an toàn, chất lượng.
Hồng Nhung
(Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)