11/07/2019
Sau 8 năm triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cùng sự đồng thuận từ nhân dân, huyện Yên Khánh (Ninh Bình) đã cán đích NTM năm 2018. Đây là động lực giúp Yên Khánh hoàn thành mục tiêu xây dựng thêm các xã NTM kiểu mẫu. Huyện cũng xác định, nâng cao tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí trọng tâm, được đặc biệt quan tâm bởi đây là tiêu chí phản ánh chất lượng cuộc sống, xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, không rác thải.
Từ một vùng quê nông nghiệp lạc hậu, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 11,98% (năm 2011), thu nhập bình quân chỉ gần 15 triệu đồng/người/năm… Nhờ công cuộc xây dựng NTM, Yên Khánh ngày nay đã trở nên khang trang, hiện đại. Đến nay, toàn huyện đã nhựa hóa, bê tông hóa được 1.520 tuyến đường, với tổng chiều dài 224,7 km; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 96,8%; 100% các xã có nhà văn hóa, khu thể thao; gần 3.000 cầu cống được xây mới sửa chữa, nâng cấp nhằm phục vụ nhu cầu tưới tiêu, sinh hoạt của người dân; thu nhập bình quân đạt 41,1 triệu đồng/người/năm (tăng gấp 3 lần so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,7%… Đặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả các tiêu chí trong xây dựng NTM, cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, đáp ứng tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hội viên phụ nữ xã Khánh Cường chăm sóc đường hoa
Khi bắt tay vào xây dựng NTM, Yên Khánh chỉ đạt bình quân 8,3 tiêu chí/xã, do vậy, huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp triển khai thực hiện với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Đồng thời, huyện đã phát động phong trào “Toàn dân Yên Khánh chung sức xây dựng NTM ” với trên 75.000 lượt người tham gia. Theo đó, huyện đã huy động được hơn 4.600 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó, người dân đóng góp trên 1.200 tỷ đồng; nhiều gia đình cũng tự nguyện hiến đất, chặt cây, phá dỡ cổng, tường rào để mở rộng mặt đường…
Trong Bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020 áp dụng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo Quyết định số 22/2018/QĐ-UBND, ngày 23/8/2018 của UBND tỉnh đề ra, tiêu chí về vệ sinh môi trường, đặt mục tiêu phải đạt các chỉ tiêu: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt từ 95% trở lên, trong đó 70% sử dụng nước sạch đạt chuẩn quốc gia 02-QC/BYT; đạt chỉ tiêu về đường làng ngõ xóm, khuôn viên nhà ở, vườn (nếu có) của các hộ gia đình đảm bảo yêu cầu: Xanh - Sạch - Đẹp, không có hoạt động suy giảm môi trường; 100% chất thải sinh hoạt từ các hộ gia đình phải được thu gom, xử lý sơ bộ (hữu cơ và vô cơ - có túi hoặc thùng ghi rõ loại rác) trước khi thải ra ngoài môi trường; Không vứt rác nơi công cộng, đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 100%; định kỳ tối thiểu 2 lần/tháng tổng vệ sinh chung toàn thôn (vệ sinh đường thôn, hệ thống rãnh thoát nước và các tuyến mương tiêu thoát nước khu dân cư, cắt tỉa cây cối)…
Để thực hiện tốt tiêu chí môi trường, huyện Yên Khánh chú trọng đầu tư công nghệ thu gom xử lý rác thải; khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề bị ô nhiễm; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, chế biến; kiểm tra thường xuyên nguồn nước trong môi trường sống và khu công nghiệp; phân loại rác thải trước khi đưa vào bãi rác; tiếp tục tuyên truyền tới người dân về nâng cao ý thức trách nhiệm trong vệ sinh môi trường tại khu dân cư; củng cố và phát triển các tổ tự quản về môi trường... Hiện nay, 100% các xã, thị trấn đã xây dựng Đề án thu gom rác thải; Phong trào tổng vệ sinh môi trường khu dân cư, đường làng, ngõ xóm, khu công cộng được phát động thường xuyên và được nhân dân hưởng ứng tích cực. Từ năm 2018, rác được Trung tâm vệ sinh môi trường huyện ký hợp đồng vận chuyển về xử lý tại lò đốt thành phố Tam Điệp, góp phần đảm bảo môi trường sống.
Đối với chất thải chăn nuôi gia súc, gia cầm đều được thu gom và xử lý bằng bể biogas hoặc đệm sinh học, sau đó sử dụng để bón ruộng, trồng hoa, cây cảnh. 100% các trang trại, gia trại thực hiện các điều kiện về vệ sinh thú y trong chăn nuôi theo quy định. Đặc biệt, các xã đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, gắn với thu gom, xử lý chất thải nhằm đảm bảo môi trường. Năm 2018, huyện đã kiểm tra, đánh giá, xác định vị trí và có phương án xây dựng lò đốt rác tại xã Khánh Cư; kiểm tra vị trí xây dựng lò đốt rác tại xã Khánh Thành. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã tích cực triển khai xây dựng mô hình điểm trong thực hiện chỉ tiêu về cảnh quan môi trường (mô hình trồng cây xanh phù hợp với địa phương, đẩy mạnh vai trò của các hội, đoàn thể trong quản lý các tuyến đường để không còn tình trạng vứt rác bừa bãi, nâng cao vai trò của chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc giám sát chất lượng cảnh quan...).
Khánh Cường là 1 trong những xã đầu tiên về đích NTM của huyện, xã đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường, phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu. Để thực hiện tốt tiêu chí môi trường, xã luôn đảm bảo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Hàng năm, xã trích khoảng 80 triệu đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước và nguồn ngân sách địa phương để đầu tư cải tạo cảnh quan, khuôn viên. Xã đã thành lập 2 tổ thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trong khu dân cư, thực hiện thu gom, xử lý rác thải 3 lần/1 tuần để đảm bảo công tác xử lý rác thải và vệ sinh môi trường trong khu dân cư. Ngoài cánh đồng, xã đã tiến hành lắp đặt hệ thống bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tổ chức thu gom, xử lý theo quy định. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, xã tuyên truyền hướng dẫn các hộ xây bể chứa chất thải, không xả chất thải ra hệ thống kênh mương, đảm bảo vệ sinh nguồn nước. Qua đó, các chỉ tiêu về môi trường trên địa bàn xã được nâng cao, đảm bảo môi trường sống an toàn, sạch đẹp cho nhân dân. Đến nay, xã đã xây dựng thành công các công trình phúc lợi trị giá gần 4 tỷ đồng từ nguồn vốn đóng góp tự nguyện của người dân; hệ thống giao thông từ đường liên xã, liên xóm đều có biển báo giao thông, có tên đường, ngõ, số nhà; 100% tuyến đường trục xóm, ngõ được bê tông hóa, đạt chuẩn, các tuyến đường nội đồng được cứng hóa; Tất cả đường trục xã, trục xóm đều có hệ thống đèn chiếu sáng thuận tiện cho sản xuất, sinh hoạt của người dân…
Ngoài ra, công tác kiểm soát ô nhiễm đối với các khu công nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến. Là huyện có trên 30 cơ sở sản xuất công nghiệp đang hoạt động tại 2 khu công nghiệp Khánh Cư và Khánh Phú và hơn 10 cơ sở sản xuất ngoài khu công nghiệp, do đó việc xử lý rác thải công nghiệp được huyện chú trọng. Trước khi các dự án được phê duyệt đầu tư vào địa bàn, huyện tiến hành thẩm định và cấp giấy xác nhận cam kết bảo vệ môi trường; thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm những nội dung đã cam kết BVMT.
Trong thời gian tới, phát huy những kết quả đạt được, huyện Yên Khánh phấn đấu đến năm 2020, có từ 2 - 3 xã đạt NTM kiểu mẫu; Vận dụng, tổ chức một cách linh hoạt, sáng tạo, khơi dậy sức mạnh của tập thể và cộng đồng dân cư để các phong trào thực sự thành công, để nhân dân thực sự là chủ thể trong phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu. Đồng thời, nâng cao đời sống, thu nhập của người dân; Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại; Thực hiện đồng bộ các giải pháp về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề ở nông thôn theo quy hoạch; Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… góp phần xây dựng Yên Khánh ngày càng giàu mạnh, văn minh, phát triển toàn diện, bền vững.
Phùng Thị Quỳnh Trang - C. Loan
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 6/2019)