31/07/2019
Vào những năm 1970, Hàn Quốc là một quốc gia xây dựng công nghiệp hóa với xuất phát điểm từ một nước nông nghiệp, tương tự như Việt Nam, thậm chí một số điều kiện cơ sở hạ tầng nông thôn khi đó còn vô cùng thiếu thốn, nhưng phong trào Saemaul Undong (Làng mới) ở Hàn Quốc đã tạo nên làn sóng lan tỏa rộng khắp, tinh thần của phong trào Làng mới còn tác động đến cả các vùng đô thị. Vì vậy, tìm hiểu phong trào Làng mới của Hàn Quốc sẽ giúp chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam hiện nay.
Làng NTM Jeonju Hanok, Hàn Quốc
Làng mới là phong trào được khởi xướng bởi Tổng thống Park Chung Hy. Ban đầu, phong trào đổi mới nông thôn Hàn Quốc đưa ra 10 nội dung sau: Mở rộng, làm mới đường vào thôn xóm; mở rộng, làm mới đường trong thôn; làm vệ sinh thôn xóm; xây dựng khu giặt giũ chung; đào giếng nước chung; cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; cải tạo hàng rào quanh nhà từ tường đất thành tường xây gạch, xi măng; sửa cầu; sửa hệ thống đập sông ngòi và xây dựng điểm gom phân bắc. Các nội dung để xây dựng dự án rất thiết thực, tương đối đơn giản, dễ triển khai, có kết quả nhanh. Phong trào được thực hiện trên tinh thần cần cù, nỗ lực, hợp tác.
Những năm sau, phong trào Làng mới với mục tiêu là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Mô hình này thực hiện 16 dự án mà mục tiêu chính là cải thiện môi trường sống cho người dân nông thôn như: Mở rộng đường giao thông, hoàn thiện hệ thống nước thải sinh hoạt, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, trồng thêm cây xanh và xây dựng sân chơi cho trẻ em… Cải thiện môi trường sống cho người dân nông thôn đuợc coi là nền tảng để bắt đầu cho quá trình phát triển nông thôn. Trong năm đầu tiên phát động phong trào, chính phủ cấp miễn phí đồng loạt cho 33.000 làng (mỗi làng có 150 - 200 hộ), mỗi làng 355 bao xi măng (loại 40 kg), giao cho người đứng đầu của làng bàn với dân tự quyết định phương án sử dụng, việc nào cần thiết sẽ ưu tiên làm trước. Người dân đóng góp ngày công, hiến đất làm đường để mở rộng, nâng cấp đường giao thông làng, xã. Kết quả sau một năm, hơn một nửa tổng số làng có sự cải thiện đời sống, nên năm 1972, chính phủ chọn ra 16.600 xã có thành tích tốt được tôn vinh khen thưởng, tiếp tục được chính phủ hỗ trợ 500 bao xi măng và 1 tấn thép cho mỗi xã làm tốt để đầu tư, theo phương châm hỗ trợ những làng biết vượt lên khó khăn, cán bộ tâm huyết, nhân dân hưởng ứng tốt.
Đến năm 1973, các dự án Làng mới đã lan ra khắp cả nước với 34.665 làng tham gia, trung bình mỗi làng/xã được cấp miễn phí 355 bao xi măng. Toàn bộ kế hoạch đều do chính ủy ban làng/xã đó quản lý. Kế hoạch triển khai trên quy mô toàn quốc, phần lớn dựa vào quỹ của xã và lực lượng lao động sẵn có.
Phong trào Làng mới là một cuộc cải tổ vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho cả cộng đồng, chứ không chỉ đối với từng cá nhân đơn lẻ. Sự thịnh vượng ở đây không chỉ bó hẹp ở ý nghĩa vật chất, nó còn bao hàm cả ý nghĩa tinh thần, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho cả con cháu mai sau. Phong trào Làng mới áp dụng biện pháp tiếp cận từ trên xuống dưới, đứng đầu bởi chính phủ. Tuy nhiên, đây cũng là biện pháp tiếp cận từ cấp cơ sở lên khi dự án được đưa vào thực hiện. Người dân trong làng đóng góp một phần lớn nguồn vốn và sức lao động để đạt được mục đích của phong trào Làng mới. Trong khi đó, Chính phủ chỉ cung cấp một số nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép cần thiết để xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Tất cả các làng nông thôn trên toàn đất nước đều tham gia vào phong trào Làng mới, nó đã trở thành chương trình quốc gia thông qua các hoạt động như nâng cao thu nhập, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và nâng cao tinh thần người dân.
Đến đầu những năm 1980, bộ mặt của nông thôn Hàn Quốc đã thay đổi to lớn và toàn diện. Quá trình hiện đại hoá nông thôn đã được hoàn thành. Chính phủ điều chỉnh chiến lược phát triển sang một giai đoạn mới.
Có thể khẳng định, phong trào Làng mới với phương châm “Chăm chỉ - Tự lực - Hợp tác” đã tạo nên một điều kỳ diệu, đưa Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới. Đây thực chất là cuộc cách mạng tinh thần, đánh thức khát vọng của người nông dân. Phong trào được thực hiện với phương châm làm từng bước, từ thấp đến cao, từ thí điểm trên diện hẹp đưa ra toàn quốc, từ nông nghiệp lan sang các lĩnh vực khác (để nông dân có đủ thời gian chuyển đổi cách nghĩ, cách làm, có đủ thời gian để chọn lựa, đào tạo cán bộ cơ sở, các hộ nông dân có thời gian để tự tích lũy tái sản xuất mở rộng chương trình tiến hành trong những năm tiếp theo với các bước từ thấp đến cao). Theo các chuyên gia Hàn Quốc, 6 bài học được rút ra từ phong trào SU là: Phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển sản xuất để tăng thu nhập cho nông dân; đào tạo cán bộ phát triển nông thôn; phát huy dân chủ để phát triển nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác từ phát triển cộng đồng; phát triển và bảo vệ rừng, BVMT bằng sức mạnh toàn dân. Đây là những bài học kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong việc thực hiện công cuộc xây dựng NTM hiện nay.
Minh Thành