Banner trang chủ

Vấn đề giới và môi trường trong xây dựng nông thôn mới

10/08/2020

    Sau 100 năm đấu tranh bình đẳng giới, ngày 7/1/2010, Liên hợp quốc đã thành lập tổ chức UN Women trên cơ sở hợp nhất 4 cơ quan vì quyền lợi phụ nữ trước đây của Liên hợp quốc là Quỹ Phát triển phụ nữ (UNIFEM), Cao ủy vì sự tiến bộ của phụ nữ (DAW), Văn phòng Cố vấn đặc biệt các vấn đề về giới (OSAGI), Viện Nghiên cứu và đào tạo quốc tế vì sự tiến bộ của phụ nữ Liên hợp quốc (UN-INSTRAW). Tại Việt Nam, từ nhiều năm qua, UN Women đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành, địa phương thực hiện các hoạt động nhằm tăng cường tiếng nói và năng lực của phụ nữ trong ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) và BVMT. Năm 2019, UN Women phối hợp với Bộ NN&PTNT và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN) thực hiện một nghiên cứu đánh giá việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng nông thôn mới (NTM) trong 10 năm qua dưới góc độ giới. Để hiểu thêm về vấn đề này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc phỏng vấn bà Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam.

 

Elisa Fernandez Saenz - Trưởng đại diện UN Women Việt Nam

 

PV: Trong tiến trình thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM, phụ nữ vừa là chủ thể thực hiện, thúc đẩy quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, vừa là người trực tiếp thụ hưởng những thành quả tốt đẹp của Chương trình, bà có đánh giá gì về ý kiến này, thưa bà?

Elisa Fernandez Saenz: Đúng như vậy, chiếm hơn 50% dân số, phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội của đất nước nói chung, trong xây dựng NTM nói riêng. Trên mỗi con đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, đến sạch bếp, sạch nhà hay những mô hình kinh tế... đều có sự tham gia tích cực của hội viên, phụ nữ. Trong xây dựng NTM, vai trò của phụ nữ lại càng được phát huy. Phụ nữ vừa là chủ thể tham gia xây dựng NTM, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của Chương trình. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, phụ nữ nông thôn tại Việt Nam vẫn nằm trong nhóm những người nghèo nhất, thiếu sự tiếp cận, hỗ trợ giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ thiết yếu khác. Đồng thời, họ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi ô nhiễm môi trường và BĐKH.

PV: Năm 2019, UN Women đã phối hợp cùng Viện Chiến lược Chính sách về Phát triển nông nghiệp nông thôn và HLHPNVN triển khai một Đánh giá độc lập về giới trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020, bà có thể cho biết kết quả chính của Đánh giá này?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Nhằm nghiên cứu đánh giá việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM trong 10 năm qua dưới góc độ giới, UN Women phối hợp với Bộ NN&PTNT và HLHPNVN thực hiện một Đánh giá về vấn đề này. Nghiên cứu cho thấy, bình đẳng giới được đưa vào Chương trình như một tiêu chí “chuyên đề hẹp”. Điều này thể hiện cách tiếp cận “từng phần” thay vì nên được coi như một vấn đề mang tính xuyên suốt. Kết quả là, vấn đề giới đã không được cân nhắc trong các tiêu chí xây dựng NTM còn lại, chẳng hạn như nhóm tiêu chí về môi trường, hạ tầng kinh tế - xã hội, kinh tế và tổ chức sản xuất, tiếp cận các dịch vụ công (giáo dục và y tế). Đáng chú ý là cách tiếp cận này không phù hợp với Luật Bình đẳng giới (cụ thể, Điều 12 đến Điều 18 giải quyết vấn đề bình đẳng giới như một nội dung mang tính xuyên suốt).

    Một trong những kết quả quan trọng được nhóm nghiên cứu chia sẻ là công tác lồng ghép giới còn chưa đầy đủ, mới chỉ xem giới là một vấn đề có tính “chuyên đề hẹp” chứ chưa có tính xuyên suốt. Đây chính là hạn chế cho việc đạt được mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình. Chính vì vậy, thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình còn nhiều hạn chế do giới chỉ được nhắc đến trong hướng dẫn thực hiện chỉ tiêu 18.6 mà không có lồng ghép giới trong thực hiện nội dung khác. Đặc biệt, Đánh giá cũng đề cập đến khía cạnh giới và vấn đề môi trường bằng việc đánh giá vai trò quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong phong trào cộng đồng “5 không, 3 sạch”.

    Việc đưa bình đẳng giới vào một chuyên đề hẹp trong một chỉ tiêu là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự hạn chế đáp ứng giới trong việc thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng NTM các giai đoạn trước đây. Vì vậy, UN Women khuyến nghị, bình đẳng giới nên được phản ánh trong các nội dung của Chương trình cũng như các tiêu chí xây dựng NTM, ở bất kỳ nội dung và lĩnh vực nào phù hợp và có liên quan. Điều này được thực hiện bằng cách lồng ghép giới trong các hoạt động khác nhau của Chương trình, đáp ứng với tiếng nói và nhu cầu của phụ nữ. Theo đó, quá trình thực hiện Chương trình sẽ trở nên nhạy cảm giới theo hướng cân nhắc sự khác biệt về nhu cầu của nam và nữ, khuôn mẫu giới, cũng như vai trò của họ trong công tác lập kế hoạch và triển khai các hoạt động của Chương trình.

 

 Văn phòng điều phối NTM Trung ương phối hợp với UN Women và HLHPNVN tổ chức Hội thảo “Lồng ghép giới trong Chương trình MTQG về xây dựng NTM”, ngày 11/6

 

PV: Trong thời gian tới, UN Women sẽ có hỗ trợ gì để giúp Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới gắn với BVMT và ứng phó với BĐKH, thưa bà?

Bà Elisa Fernandez Saenz: Tại Việt Nam, thời gian qua, UN Women đã và đang tích cực tham gia nhiều hoạt động giúp nâng cao năng lực chống chịu và thích ứng với BĐKH, tăng cường tiếp cận của phụ nữ tới sinh kế bền vững và sinh kế thay thế để có thể đối phó được thiên tai, thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong việc ra quyết định về thích ứng, giảm thiểu BĐKH, quản lý thiên tai ở tất cả các cấp và lĩnh vực. Điển hình là trong nhiều năm, UN Women đã vận động để HLHPNVN có vai trò trong Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai. Năm 2015, quá trình vận động thành công, trong mỗi cuộc họp của Ban chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương đều có mặt đại diện của Hội. 

    Bên cạnh đó, UN Women cũng tham gia tư vấn về mặt kỹ thuật và hỗ trợ Chính phủ thực hiện các chính sách và chương trình thúc đẩy sự lãnh đạo, tham gia của phụ nữ trong quá trình ra quyết định ở mọi cấp bậc; phòng ngừa và ứng phó hiệu quả bạo lực giới trong gia đình, nơi công cộng; nâng cao quyền về kinh tế cho phụ nữ thông qua khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, các nguồn lực và cơ hội việc làm bền vững; tư vấn lập kế hoạch và phân bổ nguồn lực phù hợp cho công tác thúc đẩy bình đẳng giới ở cấp quốc gia.

    Hiện nay, UN Women đang làm việc với Bộ NN&PTNT, HLHPNVN, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương nhằm tăng cường tiếng nói và năng lực của phụ nữ trong các hoạt động về BVMT, thích ứng với BĐKH và ứng phó rủi ro thiên tai. UN Women cũng hỗ trợ phụ nữ nông thôn, dân tộc thiểu số chuyển đổi sinh kế bền vững để thích ứng với BĐKH.

Trân trọng cảm ơn bà!

Đỗ Hương (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2020)

 

Ý kiến của bạn