Banner trang chủ

Quy hoạch cảnh quan trong xây dựng nông thôn mới

08/10/2019

     Cảnh quan nông thôn (CQNT) xưa và nay đều gắn liền với đất đai, nguồn nước, cây cối, ruộng vườn, đường sá, nhà cửa và phương thức sinh hoạt của nông dân. Nông thôn không thể thiếu lợn, gà, chó, mèo, trâu, bò, chim. Đồng thời, nông thôn còn có con đường uốn lượn, lũy tre xanh, đàn trâu gặm cỏ, tiếng sáo diều, vườn rau, ao cá và cả những làn khói lam chiều, ngọn đèn dầu nấp sau lũy tre xanh, hàng cây tỏa bóng mát trong vườn. Có thể nói, CQNT như một bức tranh nhiều màu sắc, vừa tự nhiên, vừa tinh tế như có sự sắp đặt của tạo hóa. Tuy nhiên, với nhiều lý do khách quan và chủ quan trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cảnh quan, môi trường tự nhiên đã bị suy giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc nâng cao và đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân. Do đó, quy hoạch CQNT ra sao là bài toán cần được quan tâm trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM).

     Thực trạng quy hoạch cảnh quan trong xây dựng NTM

     Hiện nay, ở Việt Nam, nhận thức về CQNT vẫn chưa có sự thống nhất. Xét về mặt sinh thái, cảnh quan là quần thể của các sinh cảnh, trong đó tập hợp các sinh vật, động vật cư trú, sinh sản, di chuyển, tồn tại và mất đi. Xét về mặt kiến trúc, cảnh quan là quần thể của những công trình xây dựng, các giá trị văn hóa vật thể do con người sáng tạo trong một không gian, môi trường địa lý cụ thể. Như vậy, có thể hiểu, cảnh quan và môi trường nông thôn là nơi ở, nơi sản xuất và lưu giữ văn hóa bản sắc dân tộc, đồng thời truyền cảm hứng, động lực phát triển nông thôn. Với cách tiếp cận đó, CQNT bao gồm cảnh quan thiên nhiên (cây cối, sông ngòi, kênh rạch, ao hồ, ruộng đồng...) và nhân tạo (kiểu dáng kiến trúc nhà ở: Nhà, vườn, ngõ, cổng nhà, ao, chuồng; kiểu dáng kiến trúc các công trình công cộng: Đền, chùa, nhà thờ, chợ, nhà văn hóa, mồ mả, nghĩa trang, đường sá đi lại, cổng làng...). Các nhân tố ảnh hưởng đến việc xây dựng CQNT bao gồm điều kiện tự nhiên, khí hậu, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo của từng vùng, miền; yếu tố kinh tế; trình độ dân trí của người dân; tiến trình hội nhập quốc tế.

     Những năm gần đây, dưới tác động của công nghiệp hóa và cơ chế thị trường, kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng công nghiệp - thương mại - dịch vụ, tập quán lối sống của người dân thay đổi cùng với sự gia tăng hoạt động xây dựng dẫn đến thay đổi cơ cấu tổ chức không gian làng xã truyền thống cũng như biến đổi kiến trúc cảnh quan. Sự phát triển nhà ở về số lượng và các loại hình cũng làm thay đổi kiến trúc CQNT, đòi hỏi phải có sự kiểm soát. Hiện nay, ở nông thôn, ngoài phổ biến xây nhà ở theo kiểu truyền thống (kinh tế vườn, chăn nuôi quy mô nhỏ), có thêm các loại hình: Nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế hộ gia đình (kinh tế trang trại, nuôi trồng thủy sản; nhà ở đáp ứng kinh tế hợp tác xã (nhóm gia đình lớn, nông trang); nhà ở đáp ứng sản xuất kinh tế tập trung (liên kế có sân vườn, khối ghép, chung cư, tập thể).

 

Xã Hải Lộc (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) xây dựng, duy trì tuyến đường hoa, góp phần cải tạo cảnh quan môi trường

 

     Bên cạnh đó, trong giai đoạn vừa qua, việc quy hoạch xây dựng NTM ở nước ta chủ yếu mới tập trung vào 3 vấn đề chính là xây dựng, sản xuất và sử dụng đất. Những nghiên cứu về quy hoạch CQNT còn ít được đề cập, có phần bị lãng quên. Công tác quản lý xây dựng NTM theo quy hoạch trên địa bàn cả nước thiếu kinh nghiệm so với quản lý theo quy hoạch ở khu vực đô thị. Việc quản lý xây dựng theo quy hoạch chỉ diễn ra đối với khu vực có dự án (chủ yếu đối với công trình công cộng xã), không có hướng dẫn định hướng cho kiến trúc nhà ở và công trình công cộng. Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy các di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên có giá trị chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng xây dựng lộn xộn. Phần lớn các làng xã, đặc biệt là những làng, xã ven đô đang mất dần những giá trị truyền thống. Hầu hết các mẫu nhà sử dụng tại đây được du nhập từ các đô thị đồng bằng. Hiện tượng nhà ở vi phạm các hành lang an toàn giao thông, đê điều và chiếm dụng đất canh tác khá phổ biến. Không chỉ ở đô thị, hiện tượng ô nhiễm nguồn nước, không khí và rác thải ở khu vực nông thôn đang diễn ra phổ biến. Diện tích ao ngòi, hồ nước và cây xanh giảm dần, đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

     Xây dựng CQNT: Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

     Kiến tạo nên những không gian nông thôn đáng sống là một trong những giải pháp quan trọng nhằm nâng cao đời sống cho người dân, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Quy hoạch cảnh quan NTM, chúng ta cần đặt trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn - phong trào xây dựng NTM đang diễn ra, xem xét tác động đến các yếu tố kiến trúc cảnh quan gốc, trên cơ sở đó, đề xuất định hướng, giải pháp phù hợp. Cảnh quan NTM cần mang hơi thở thời đại, hiện đại, văn minh nhưng vẫn phải đảm bảo bản sắc (nông thôn, vùng miền), môi trường khí hậu trong lành.

     Về kiến trúc

     Đối với các ngôi làng truyền thống có giá trị kiến trúc cảnh quan cần được bảo tồn tổng thể. Theo mô hình lý thuyết, khu vực bảo tồn là trung tâm có tính lịch sử và bao quanh khu vực bảo tồn này là vùng đệm, bên ngoài vùng đệm. Thiết lập 3 khu vực có thể theo mô hình quy hoạch đồng tâm (phát triển đều ra các hướng) hoặc mô hình phát triển tịnh tiến về một phía, tùy thực trạng đất đai, hướng phát triển của từng làng. Những công trình văn hóa truyền thống như đền, chùa, miếu... và công trình về kinh doanh, dịch vụ (chợ làng, buôn bán nhỏ), có thể tập trung ở một khu vực (thường ở vị trí trung tâm, trên đường trục chính làng), hình thành khu trung tâm văn hóa hoặc phân bố rải rác ở các vị trí khác nhau trong làng. Trường hợp tập trung hình thành trung tâm văn hóa làng: khu vực này cần phải được bảo tồn, nâng cấp ở mức cao nhất vì đây có thể nói là nơi lưu giữ nét đặc trưng của làng. Đồng thời, cần thiết lập không gian chuyển tiếp bảo đảm sự hài hòa kiến trúc cảnh quan.

     Trên cơ sở cấu trúc truyền thống (ngõ, xóm) tạo thành các nhóm nhà ở, cần đảm bảo mối quan hệ cộng đồng láng giềng. Không gian kiến trúc, nhà ở là không gian mở linh hoạt, có khả năng đáp ứng được sự chuyển đổi của kinh tế lao động và nhân khẩu. Các công trình nhà ở mới được xây dựng xen kẽ trong làng xóm cần đảm bảo về mật độ xây dựng cũng như hình thức kiến trúc, quy mô xây dựng của công trình nhằm đạt được sự hài hòa trong tổng thể cảnh quan.

     Cùng với đó, hệ thống hồ, ao, sân bãi, không gian thoáng được kết hợp làm hồ điều hòa, cảnh quan (khai thác kinh tế, làm sân bãi tập kết, đỗ xe và các yêu cầu kỹ thuật hạ tầng khác trong quá trình lọt vào đô thị nếu có) và khu vui chơi, giải trí (công viên cây xanh, vườn hoa để tạo cảnh quan, phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của dân làng và khách du lịch). Gần đây, một số địa phương đã ý thức được việc tạo dựng cảnh quan bằng cách giữ lại và cải tạo hồ ao, trồng hoa, cây cảnh, tạo nét đẹp trong xây dựng NTM như Ðan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì (Hà Nội)...

     Về xử lý ô nhiễm môi trường

    Trong làng, xã phải đặc biệt chú trọng tới việc tổ chức không gian cây xanh và vấn đề môi trường. Trồng nhiều cây xanh với từng khu chức năng để chống nóng, ồn, bụi, không gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh. Tổ chức không gian xanh cần duy trì cây xanh truyền thống, đặc trưng, tạo cảnh quan đặc hữu của làng như cây gạo, đa, si, khóm tre... kết hợp với các không gian mặt nước và không gian mở. Những cơ sở sản xuất, chăn nuôi, chế biến phát sinh nhiều khói bụi độc hại phải được bố trí cuối hướng gió chủ đạo, xa khu dân cư và có biện pháp trực tiếp giảm bớt ảnh hưởng. Quản lý môi trường nước thải, chất thải rắn, không khí ô nhiễm và tiếng ồn cần có hệ thống phân tách, xử lý tùy mức độ ô nhiễm. Hạn chế tối đa xả thải độc hại ra môi trường.

     Về quản lý xây dựng và tổ chức thực hiện

     Rà soát các văn bản quy định cũng như hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý CQNT và NTM, trên cơ sở đặc thù của từng địa phương; hoàn thiện bổ sung chi tiết hóa hệ thống các quy định, hướng dẫn về quản lý xây dựng; khuyến khích, phát huy vai trò của người dân, cộng đồng dân cư tham gia thực hiện và giám sát quản lý xây dựng, tạo sự đồng thuận, thống nhất. Bên cạnh đó, ban hành quy chế bắt buộc và hướng dẫn tu bổ, cải tạo, xây mới đối với công trình di tích văn hóa lịch sử, công trình có giá trị; hệ thống các không gian công cộng, cảnh quan cần bảo vệ; các khu vực chuyển tiếp, xây dựng xen kẽ, xây dựng mới. Đưa ra hướng dẫn cụ thể về mẫu mã, kích cỡ công trình công cộng, nhà ở để dễ dàng triển khai; xây dựng cơ chế và quy định thành lập đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý xây dựng tại địa phương; đào tạo nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về xây dựng.

     Ngoài ra, quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện cần có sự tham gia đồng bộ của Đảng ủy xã, chính quyền, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM và các tổ chức chính trị - xã hội, các thôn, đảm bảo tính thống nhất, tiến độ triển khai công việc. Thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đường làng ngõ xóm, nhà cửa... theo hướng dẫn, giữ gìn vệ sinh môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Tổ chức tốt các mô hình tự quản BVMT và thu gom, xử lý rác thải, chất thải công nghiệp, chất thải nguy hại theo đúng quy định.

 

Đỗ Thị Xuân Thơ

Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

Ý kiến của bạn